TTCT - Một trong những cỗ máy quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế là đầu tư công đang gặp nhiều trục trặc. Ảnh: Education WeekĐộng lực tăng trưởng quan trọng nhất hậu đại dịch - đầu tư công để kích cầu kinh tế - đang có nguy cơ lạc nhịp. 7 tháng đã qua, vốn đầu tư công thực hiện chỉ tăng 11,9% so với cùng kỳ 2021, tương đương 43,3% kế hoạch năm. Tuy có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tháng 7 nhưng với thời gian ít ỏi còn lại của năm, bộ máy chính phủ sẽ phải vận hành hết công suất mới hy vọng đạt được mục tiêu.Chạy chậm vì cạn xăngMột số địa phương và bộ ngành ì ạch trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công được giao. TP.HCM có tới 100 dự án tỉ lệ giải ngân bằng không. Các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp gần như giậm chân tại chỗ hoàn toàn, với 12 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 10%. Thậm chí, việc xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP được bố trí 1.000 tỉ đồng nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào, dù bệnh viện đã được nghiệm thu, hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 3 năm nay.Các đơn vị được nêu tên chậm chạp trong đầu tư công còn có Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, số vốn giải ngân của các đơn vị này đến hết tháng 6 mới đạt hơn 17% kế hoạch.Chưa bao giờ những người có trách nhiệm phê duyệt các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước lại thận trọng như hiện nay. Một phần vì sợ có sai sót hay thậm chí là thiếu trách nhiệm lãnh đạo. Tất nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế rất cần một cú hích thật lớn để quay trở lại quỹ đạo bình thường hậu Covid, thái độ quan liêu của một số cơ quan tổ chức là điều cần được chấn chỉnh.Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư công hiện còn khá rườm rà là nguyên nhân làm giảm tốc độ triển khai. Lý giải về đầu tư công của TP.HCM chậm, là một trong 20 địa phương giải ngân dưới 20%, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc chuẩn bị dự án năm 2021 của TP chưa tốt, kế hoạch giải ngân vốn trình HĐND còn chậm. Bộ Kế hoạch và đầu tư thì cho rằng nguyên nhân chính là giá vật liệu xây dựng tăng cao, tác động của dịch Covid-19 khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Đó còn là rào cản về năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu hay vấn đề giải phóng mặt bằng.Thực tế triển khai đầu tư vốn ngân sách chậm cho thấy hạn chế về năng lực của một số tổ chức nhà nước, một vấn đề đã rất cũ. Khi lập kế hoạch đầu năm, một số tỉnh thành và ban ngành thường cố gắng trình càng nhiều dự án càng tốt để có cơ hội nhận được nhiều vốn. Nhưng đến giai đoạn lập hồ sơ triển khai và giải ngân vốn thì ì ạch hoặc triển khai không hiệu quả vì thiếu năng lực, gây lãng phí nguồn vốn.Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (nay thuộc Đại học Fulbright), từng ví von Việt Nam nổi tiếng với chính sách đầu tư công theo kiểu tôm hùm. Đó là một trong những ví dụ điển hình để nói về hành vi hay lựa chọn cá nhân trong tập thể: tất cả mọi người đi ăn nhà hàng đều chọn tôm hùm - món đắt tiền nhất.Chuyện xảy ra như vậy là do thỏa thuận chia đều chi phí thay vì ai ăn gì trả nấy. Nếu trả tiền theo lựa chọn cá nhân, mỗi người sẽ chọn món phù hợp sở thích và túi tiền của mình. Có thể phần lớn sẽ chọn bánh pizza với giá 5 USD. Tuy nhiên, với thỏa thuận chia đều chi phí, chẳng ai dại gì chọn pizza vì sẽ bị thiệt khi người bên cạnh gọi tôm hùm với giá 20 USD. Kết quả là tất cả đều chọn tôm hùm, cho dù có người thấy tôm hùm không ngon bằng pizza hay tiếc đứt ruột vì chi tiêu hoang phí. Với lựa chọn này, phúc lợi chung của toàn xã hội không tối ưu, nguồn lực bị sử dụng lãng phí. Đây cũng là vấn đề nghiêm trọng trong việc phân chia nguồn lực cho các dự án đầu tư công hiện nay.Cần chế tài mạnhNếu đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP sẽ tăng thêm 0,058% (ước tính của Tổng cục Thống kê). Hơn tất cả, thời điểm này là cơ hội để đầu tư công chứng minh tầm ảnh hưởng hỗ trợ nền kinh tế vượt qua thách thức. Việc đổ lỗi hoàn toàn cho các nguyên nhân khách quan của một số địa phương hay bộ ngành là điều khó chấp nhận.Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư và Văn phòng Chính phủ xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị quyết mới về "Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công". Trước đó, Thủ tướng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức bình quân chung của cả nước.Điều kiện thuận lợi hơn giai đoạn cuối năm có thể hỗ trợ tiến độ giải ngân. Thu ngân sách nhà nước tăng 18,1% trong 7 tháng đầu năm 2022, trong khi chi tiêu ngân sách tăng chậm 3,7%. Kết quả là ngân sách nhà nước của Việt Nam ghi nhận thặng dư hơn 250.000 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm 2022.Theo VnDirect, ngân sách nhà nước dồi dào tạo ra nhiều dư địa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói kích thích kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2022, bao gồm giảm thuế VAT 2%, gói bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỉ đồng và gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỉ đồng. Những chính sách này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 và 2023.Lạm phát ổn định hơn cũng là cơ hội để thúc đầu tư công. Ví dụ giá thép giảm liên tiếp gần đây từ mức 20 triệu đồng xuống còn 15 triệu đồng/tấn. Giá nguyên vật liệu xây dựng hạ nhiệt được xem là yếu tố giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các nhà thầu xây dựng, từ đó hi vọng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.Còn về dài hạn, để đảm bảo đầu tư công hiệu quả hơn, tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng cần thiết lập nguyên lý "ai ăn bánh người đó trả tiền", thay vì người này ăn người khác trả hay chia đều như cấu trúc ngân sách "tôm hùm" hiện nay. Việc phân bổ ngân sách nên được thiết kế sao cho mỗi đầu mối nhận ngân sách có thể biết được các nguồn cũng như nhu cầu chi tiêu trong dài hạn. Quyết định phân bổ vốn đầu tư cần có trọng tâm và trọng điểm, tránh dàn trải và lãng phí, qua đó giúp làm tăng hiệu quả vốn đầu tư cho nền kinh tế.Bên cạnh đó, cần áp đặt các ràng buộc ngân sách cứng với các dự án đầu tư. Ví dụ như với những dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn và thiếu hiệu quả sẽ không được xem xét cấp thêm vốn, thay vào đó chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm bỏ thêm tiền để tiếp tục xây dựng, triển khai và vận hành dự án.■ Tags: Đầu tư côngNgân sáchGiải ngân vốn đầu tư công
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Điểm thi IELTS phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0 TRỌNG NHÂN 15/10/2024 Thống kê từ IELTS cho thấy điểm thi phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0, trong khi đó chỉ 1% thí sinh đạt trên điểm 8.5.
Hàn Quốc: Triều Tiên đã cho nổ tuyến đường liên Triều THANH HIỀN 15/10/2024 Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường liên Triều ở phía Triều Tiên.
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
TP.HCM kêu gọi đầu tư 5 dự án văn hóa thể thao hơn 2.000 tỉ đồng THẢO LÊ 15/10/2024 TP.HCM kêu gọi đầu tư 5 dự án PPP (đối tác công tư) về văn hóa, thể thao.