Khi cuộc tranh luận bị lạc hướng

SĨ PHU 21/12/2015 21:12 GMT+7

TTCT - Chỉ cần hai người là đã có thể diễn ra các cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài không dứt, nhiều cuộc đến đoạn kết, chủ đề đã thay đổi mấy lần, thậm chí có khi không ai còn nhớ khởi nguồn tranh cãi là gì. Vì thế, luôn cần đến góc nhìn thứ ba để kéo tranh luận về đúng với thực chất.

 
 

 Nói chuyện này để thấy trong xã hội hiện thời đang có rất nhiều cuộc tranh luận không đâu vào đâu chỉ vì đi lạc hướng.

Mới đây nhất là cuộc tranh luận chuyện đi du học rồi trở về nước làm việc hay ở lại xứ người. Ai nói cũng hay, ai nói cũng có lý, cũng đủ cả trách móc, dè bỉu, thậm chí thách thức.

Một người thứ ba có thể làm sực tỉnh những cái đầu nóng tham gia cuộc tranh luận từ đầu khi đặt ra câu hỏi: Điểm xuất phát của cuộc tranh cãi này là gì? Có phải là cách ứng xử tệ hại của một số cơ quan nhà nước khi tiếp nhận người đi du học về, kể cả người được chính họ cử đi học?

Và vì sao không nhân đó, đòi hỏi thay đổi cách làm, tạo ra một cơ chế cho người đi học về được làm đúng việc, đúng chuyên môn thay vì lao vào tranh cãi chuyện muôn thuở không thể kết luận đúng sai? Các cơ quan tệ hại nọ trước đây có thể e ngại bị phê phán vì o ép nhân viên, lại hàm hồ nói người ta bị “thần kinh” nay có thể xoa tay yên tâm tự nhủ dư luận đã đi về hướng khác, đâu nói gì đến mình!

Kiểu tranh luận bất tận và lạc hướng như vậy xảy ra thường xuyên, đôi lúc cũng cần một thời gian thì góc nhìn thứ ba mới nảy ra. Trước đây, khi có chuyện bổ nhiệm con một vị quan chức làm giám đốc một sở ở địa phương khi mới 30 tuổi, tranh cãi cũng ồn ào: 30 tuổi đâu có gì là trẻ, con quan chức thì đã sao...

Không ai ngay lúc đó bình tĩnh đặt ra câu hỏi “gốc” về năng lực của người được bổ nhiệm có đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không?

Điều này được thời gian trả lời: sau các cuộc họp với hội đồng nhân dân, qua giải trình của vị giám đốc trẻ tuổi này về chuyện trả đống nợ đọng xây dựng cơ bản của tỉnh mới thấy ông này chỉ biết hứa chung chung “sẽ trả hết nợ trong vòng ba năm tới” trong khi thừa nhận “ngân sách tỉnh vẫn còn thiếu trước hụt sau”. Không biết ông sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ, trả nợ thế nào khi những bài toán tài chính đơn giản còn chưa giải được!

Những góc nhìn thứ ba không đòi hỏi suy tưởng gì cao siêu, chỉ cần bám vào lẽ thường của cuộc sống để những cái đầu nóng nhìn lại, trả lời cho được câu hỏi muôn thuở: tranh cãi để làm gì nếu không phải là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn?

Chẳng hạn, khi một tờ báo đăng loạt bài về một ông thầy chùa uống rượu, ăn tiết canh phạm đủ các giới, có người cho rằng đó là loại chuyện để “nhắc nhở trong nội bộ”, không nên “bêu” ra trước công luận, ảnh hưởng đến cả một giới tu hành!

Nhưng lẽ thường tình ở đây là ánh sáng công luận có soi rọi vào cái xấu thì mới có cơ may đẩy lùi chúng, im lặng trong các trường hợp này là gián tiếp khuyến khích cho cái xấu, cái bất ổn. 


Dạng tranh cãi thế nào là tốt nhất cho xã hội như thế diễn ra trong nhiều lĩnh vực và hầu như lịch sử lúc nào cũng chứng minh trí khôn chia sẻ chung của xã hội sẽ luôn đi tới những quyết định đúng đắn.

Nhà văn viết về cái xấu để cái đẹp có cơ may vượt lên, nhà báo viết về cái xấu này để gián tiếp ngăn cái xấu khác, công luận có phẫn nộ thì chuẩn mực mới được củng cố. Vì ta đã và đang thấy nhiều chuẩn mực trong xã hội ngày càng bị quên lãng; thói biến báo, đúng thành sai, sai thành đúng vẫn lan tràn.

Do vậy, cứ cung cấp hết mọi thông tin minh bạch, công khai cho xã hội biết và nêu quan điểm, mọi luồng ý kiến được cọ xát, được bày tỏ mới có cơ may tìm được chân giá trị phổ quát. Chỉ khi thông tin bị che giấu mới xảy ra tình trạng làm liều vì không còn sợ dư luận. Che giấu thông tin chỉ làm lợi cho kẻ liều lĩnh, điều mà thế giới thường gọi bằng cụm từ “rủi ro đạo đức”.

Ví dụ, ai cũng than về tình trạng tham nhũng tràn lan nhưng tham nhũng “mặt ngang mũi dọc” thế nào lại không ai được biết. Cho nên mới có những báo cáo kiểu từ đầu năm đến nay “không phát hiện ra tham nhũng” hay lời kêu gọi “bà con ai thấy tham nhũng cứ báo cho chúng tôi sẽ xử lý hết không chừa một ai”.

Thay vì lao vào tranh cãi vì sao có nghịch lý này, sao không lấy ngay cái định nghĩa trong Luật phòng, chống tham nhũng: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” để kết luận ngay, chẳng hạn với các chuyến đi gọi là tham quan, học tập mà thực chất là đi du hí của các quan chức gần về hưu dùng tiền từ ngân sách nhà nước đích thị là tham nhũng.

Không tham nhũng thì là gì khi cử người qua một nơi không tổ chức xổ số với danh nghĩa để học tập kinh nghiệm xổ số; không vụ lợi nhờ quyền hạn thì là gì khi dắt nhau đi chơi ở Nam Phi mà nói là đi học kinh nghiệm làm du lịch?

Dân Việt Nam có lẽ hay thích cãi và cãi cọ cũng là điều hay. Nhưng đã đến lúc cần thấy kiểu cãi lấy được chỉ để cho thiên hạ tỏ tường lập trường của ta rồi quên mất lý do nguyên thủy thì càng cãi càng rối. Cãi đúng hướng để giải quyết được chuyện gây ra tranh cãi mới là kiểu cãi tốt mà xã hội bây giờ thật sự cần.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận