Khi loài ong kêu cứu

TRƯỜNG SƠN 18/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Trước nguy cơ giống loài bị tuyệt chủng, một “con ong” từ nước Pháp đã tìm cách kêu gọi giúp đỡ, thông qua kênh có thể nói là hiệu quả nhất để gây chú ý và nâng cao nhận thức hiện nay: mạng xã hội. Cụ thể là Instagram.

“Hãy cứu tôi”, một bức ảnh mang tính thông điệp trên Instagram của cô ong B.
“Hãy cứu tôi”, một bức ảnh mang tính thông điệp trên Instagram của cô ong B.

Ong kêu cứu cho ong

Tài khoản Instagram của “nàng ong” tên B. này (@bee_nfluencer) tính đến ngày 11-11 đã có hơn 200.000 người theo dõi, với bài viết mới nhất là hình ảnh cô nàng tạo dáng ở đại sảnh Galerie Vivienne - lối đi dạo đặc biệt yêu thích của người dân Paris - kèm dòng chữ: “Sau khi dành cả mùa hè thụ phấn cho hoa để chuẩn bị cho những ngày lạnh giá, rốt cuộc mình cũng đã có thể thoải mái đi lang thang và chụp hình đẹp rồi. Kế hoạch hôm nay của các bạn là gì?”.

Lời lẽ và cách B. chăm chút cho tài khoản Instagram của mình rõ là giống một influencer (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) thực thụ. Chỉ có điều, đúng như bạn đọc có thể bắt đầu thắc mắc, làm gì có chuyện hoang đường, loại ong nào mà biết chơi Instagram lại còn khoe hình cầm smartphone? 

Thực tế B. là sản phẩm của Fondation de France (FDF), một tổ chức từ thiện hoạt động “vì tương lai nước Pháp và thế giới” bằng cách bảo vệ loài ong.

B. là ảo, toàn bộ hình ảnh về nó đều được xử lý đồ họa bằng máy tính, nhưng @bee_nfluencer không phải là tài khoản Instagram lập ra chỉ để cho vui. Trái lại, dựng lên một “nhân vật nổi tiếng” mà thực ra lại là một con ong là cách làm sáng tạo và độc đáo mà FDF kỳ vọng có thể giúp đạt được sứ mạng lớn lao hơn: kêu gọi nhận thức về nguy cơ tuyệt chủng của loài ong và gây quỹ để cứu loài côn trùng cực kỳ quan trọng với nông nghiệp này.

Là một influencer, B. có nhiệm vụ cập nhật trang cá nhân sao cho ngày càng thu hút nhiều người theo dõi để từ đó kêu gọi tài trợ - các nhãn hàng trả tiền để thương hiệu của mình xuất hiện trong các bài viết trên tài khoản này. Số tiền thu được sẽ chuyển vào quỹ Bee Fund, nhằm hỗ trợ chi phí cho các dự án, chương trình có thể giúp ngăn việc giảm số lượng ong ở Pháp.

B. viết trong phần giới thiệu trên trang Instagram của mình “tôi càng có nhiều người theo dõi thì chúng ta sẽ có thể cứu càng nhiều ong hơn”, do lẽ các nhãn hàng sẽ chi trả cho các bài viết được tài trợ (có nhắc tên họ) tùy theo lượng “khán giả”. 

Theo Business Insider, giá đăng bài của các tài khoản mạng xã hội vào khoảng 100 USD trên mỗi 10.000 người theo dõi, nghĩa là B. có thể kiếm được 2.000 USD cho mỗi bài viết có nhắc đến tên nhà tài trợ với số “người hâm mộ” hiện tại là hơn 200.000 người.

Các quầy hàng hoa quả, lương thực, thực phẩm sẽ trống trơn nếu thế giới không còn ong. -Ảnh: ONenvironment/Twitter
Các quầy hàng hoa quả, lương thực, thực phẩm sẽ trống trơn nếu thế giới không còn ong. -Ảnh: ONenvironment/Twitter

Theo Independent, ước tính trên thế giới hiện có 80 triệu đến 100 triệu tổ ong thuần hóa, mỗi tổ có từ 10.000 đến 60.000 con ong. Trong nhiều năm trở lại đây, liên tục có các cảnh báo về sự biến mất với tốc độ đáng báo động của ong. Báo Independent cho biết 1/3 “dân số” ong ở Anh đã biến mất trong 10 năm qua, và 24% lượng ong nghệ ở châu Âu đang trên bờ tuyệt chủng. CNN trong bài viết về cô ong B. cũng cho biết mỗi năm hơn 30% số bầy ong ở Pháp biến mất, còn The Guardian hồi tháng 10 vừa qua đưa tin 500 triệu con ong ở Brazil đã chết trong vòng 3 tháng trước đó.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu do Đại học Maryland thực hiện trên 4.700 người nuôi ong ở Mỹ công bố hồi tháng 8 cho thấy tính từ năm 2010 đến nay, mỗi năm số bầy ong của họ lại giảm 37,8%. Riêng mùa đông năm ngoái, thiệt hại nặng nề nhất khi 40,7% số ong chết hoặc biến mất. Theo nghiên cứu nói trên, ở Mỹ có khoảng 2,69 triệu tổ ong, và tổng số tổ ong của những người tham gia khảo sát là 320.000 

Không còn ong nữa thì sao?

Hồi tháng 9, khi các cuộc biểu tình về biến đổi khí hậu diễn ra nhân một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, B. đã đăng một bài viết đại ý, cứu Trái đất và cứu loài ong là quan trọng như nhau, và rằng “tin tôi đi, sẽ rất tệ nếu phải sống mà không có loài ong”.

Có đúng thế không hay B. chỉ nói thế để thu hút sự chú ý của mọi người? Trong quyển tiểu thuyết Lịch sử loài ong (The History of Bees) xuất bản năm 2015, tác giả Na Uy Maja Lunde vẽ ra viễn cảnh vào năm 2098, con người sẽ phải thụ phấn bằng tay - tức dùng cọ phết phấn hoa lên từng bông hoa - cho cây ăn trái vì “ong đã biến mất từ lâu”.

Tiểu thuyết khoa học môi trường mang màu phản địa đàng (dystopia) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của loài côn trùng có cánh, sáu chân: “Nếu không có ong, nền nông nghiệp sẽ không thể tồn tại. Những cây hạnh nhân hay những bụi việt quất đang trổ hoa trải dài hàng cây số; chúng chẳng đáng một xu trừ phi ong đem phấn từ bông hoa này sang bông hoa khác. 

Đàn ong có thể bay nhiều cây số một ngày. Thụ phấn cho hàng ngàn bông hoa. Không có ong, những bông hoa cũng chỉ vô dụng như những thí sinh trong một cuộc thi hoa hậu. Nhìn thì đẹp, chừng nào còn tươi, nhưng về lâu về dài thì chẳng có giá trị gì. Hoa sẽ tàn và rụng khi chưa từng kết trái”. Trên thực tế, thụ phấn bằng tay đã diễn ra ở nhiều nơi rồi.

 

 Ảnh: Winged.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), ong là một trong những sinh vật chăm chỉ nhất trên hành tinh này vì chúng cung cấp một “dịch vụ sinh thái” cực kỳ quan trọng: đảm bảo sự thụ phấn, và từ đó là sự sinh sản, của nhiều loài thực vật, cả hoang dã lẫn được trồng trọt, vốn là phần không thể thiếu cho đa dạng sinh học, cũng như việc sản xuất và sinh kế của con người.

Theo FAO, khoảng 2/3 diện tích trồng lương thực khắp thế giới cần nhờ côn trùng hay các loài động vật khác mới có thể thụ phấn và cho ra trái, hạt nuôi sống con người.

Thế nhưng, số lượng ong tại nhiều nơi trên thế giới đang giảm với mức đáng lo ngại, và sự “biến mất” của loài ong, theo tổ chức này, là một mối đe dọa nghiêm trọng với nhiều loài thực vật vốn quan trọng với con người, cũng như đe dọa sinh kế của những người sống bằng nông nghiệp.

“Ong đang chịu mối đe dọa lớn từ ảnh hưởng gộp giữa biến đổi khí hậu, nông nghiệp thâm canh, sử dụng thuốc trừ sâu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm” - tổng giám đốc FAO José Graziano da Silva phát biểu trong thông điệp mừng Ngày ong thế giới (20-5) năm nay.

Graziano da Silva nhấn mạnh việc thiếu vắng loài ong và các loài thụ phấn khác sẽ “xóa sổ các vụ cà phê, táo, hạnh nhân, cà chua và ca cao, vốn mới chỉ là một vài trong số rất nhiều loại cây cần thụ phấn”.

Để bảo vệ loài ong, FAO kêu gọi các quốc gia cần chuyển sang mô hình nông nghiệp thân thiện với loài thụ phấn (cụ thể là ong) và có các chính sách lương thực bền vững. Trong khi đó, theo Tổ chức môi trường Greenpeace, bất kỳ ai cũng có thể bảo vệ loài ong bằng việc ngưng sử dụng các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm, bảo tồn nơi ở tự nhiên cho ong và đảm bảo đa dạng sinh học.

Hay đơn giản như Graziano da Silva nói trong thông điệp nhân Ngày ong thế giới: chỉ cần trồng cây ở nhà cũng đã là góp phần vào nỗ lực bảo vệ loài ong. Cụ thể hơn, theo Thor Hanson - tác giả quyển sách Buzz: The Nature and Necessity of Bees (tạm dịch: Vo ve: Bản chất và tính cần thiết của loài ong), việc trồng hoa tại nhà riêng, công sở, công viên hay trên hè phố sẽ tạo ra các nguồn phấn hoa không thuốc trừ sâu, giúp tăng lượng ong và bảo vệ chúng khỏi các nguồn thức ăn có hại vì nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.■

Nuôi ong thuận tự nhiên

Michael Thiele - một người nuôi ong lấy mật ở California - chọn cách tiếp cận “thuận tự nhiên”: để ong sống như cách tổ tiên của chúng đã làm hàng triệu năm trước trong các tổ tự nhiên cách xa mặt đất, thay vì các thùng nuôi do con người tạo ra.

 

 

Theo Reuters, Thiele sẽ khoét lỗ trên các khối gỗ và treo chúng ngược trở lại lên cây, mô phỏng các tổ ong tự nhiên trước khi chúng được con người thuần hóa. Những chiếc tổ này sẽ lọt vào mắt xanh những con ong “trinh sát”, và chúng sẽ trở về gọi đàn, dọn đến nơi ở mới. Thiele đã làm tổ ong theo lối “trở về tự nhiên” từ năm 2008 và sẽ không bao giờ chủ động lấy mật, trừ khi bầy ong chết hoặc dọn đi nơi khác.

Ngoài việc “nói không” với các thùng nuôi ong hình chữ nhật, Thiele còn từ chối những cách làm truyền thống trong ngành như dùng hóa chất, phun khói (khi mở thùng để ngăn ong chích) hay mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với ong.

“Cảm giác thật thân tình và tôi cảm thấy mình và lũ ong thực sự thuộc về nhau” - nhà nuôi ong “kỳ dị” nói với Reuters, với một bầy ong bò dọc từ bàn tay lên cánh tay. Trong hơn 10 năm qua, Thiele ước tính mình đã làm “bà đỡ” cho hàng tỉ con ong bằng cách tạo ra môi trường sinh sống “truyền thống” cho chúng, giúp thu hút ong từ khắp nơi trong vùng đến và tăng số lượng bầy một cách đáng kể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận