Khi tài sản không còn “chảy xuống”

DANH ĐỨC 11/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Trong lý thuyết kinh tế học trickle-down, dẫu còn tranh cãi song người ta tin rằng tài sản, lợi ích kinh tế, lợi nhuận được tạo ra trong nền kinh tế sẽ chảy từ người giàu xuống người nghèo. Tình hình giãn cách và hậu giãn cách hiện nay cho thấy xã hội đang cần một dạng trickle-down. Vấn đề là tình hình xem ra rất khó.

Nếu đồng tiền mà không “nhỏ xuống” từ túi người này qua túi nhiều người khác được nữa thì nguy to cho cả cộng đồng, cho nền kinh tế!

Ba tuần trước, Vũng Tàu mới “mở cửa” không còn “xét giấy” hay đe dọa cách ly, nhưng các bãi tắm trên bãi Sau vẫn khóa bằng dây xích móc ở cổng, quán xá chưa mở. 

Đồng hồ chỉ quá ngọ, một xe biển số Sài Gòn dừng trước một cửa hàng tiện lợi, mua được đúng một cái bánh bao nhân mặn, một bánh ca dé nhân ngọt, một bánh giò và mấy chai nước ngọt, tổng cộng bữa trưa hôm đó ở Vũng Tàu chỉ “được” tốn có 104.000 đồng. 

Ảnh: ft.com

 

Tới phiên chủ chiếc SUV vô sau mua, bánh bao hay bánh giò cũng chẳng còn. Cả cái cửa hàng tiện lợi lớn nhất bãi Sau chỉ có mỗi một nhân viên bán hàng, khác mọi lần đông đảo, mà vẫn rảnh việc. 

Ngay cả WC cũng đóng do không có người phục vụ. Giữa thủ phủ du lịch phương Nam mà nay không có lấy một tiệm, một xe bán thức ăn nào bán mang đi thì quả là điều “không tưởng” trước khi dịch bùng nổ. 

Một người quen của người viết là cư dân Vũng Tàu sáng hôm đó còn đăng ảnh đi mua mấy tô bún bò gần nhà kèm giải thích là bán đem về, chủ yếu cho dân địa phương thôi. 

Tiền thôi “nhiểu xuống”

Thứ bảy tuần trước nữa, bãi tắm tiếp tục căng dây xích khóa cổng. Khách sạn tiếp tục cửa đóng then cài. Một khách sạn được một anh giữ xe bên kia đường giới thiệu “giờ đã thành trung tâm cách ly”. 

Các nhà hàng lớn tiếp tục im ắng như tờ, cảm giác bụi đóng thành lớp. Phố “bánh khọt” cũng chỉ “bán mang về”, lác đác vài quán cơm tấm mang đi.

Một số gia đình du khách đậu xe bên công viên qua khỏi Bảo tàng Vũ khí cổ, nơi có chút bóng cây, trải vải bạt và giở thức ăn ra picnic, chủ yếu cho trẻ con và mấy con thú cưng giãn gân cốt.

Xe không chạy mấy tháng, nhớt máy cũng tự nhiên mà “nhão”; bình điện các xe trong chung cư cứ thay nhau phải “kích điện” do “nằm ụ” quá lâu, có bình đã phải “ra đi”. 

Khi xã hội cửa đóng then cài, con người không lưu thông, hàng hóa không phân phối, đồng tiền không luân chuyển, người cũng đau ốm, huống hồ nền kinh tế không được chia sẻ với nhau!

Lý thuyết trickle-down sử dụng một hình ảnh cổ điển từ thế kỷ 19 để minh họa - khi cho con ngựa ăn, chim sẻ cũng sẽ được ăn ké theo vài hạt rơi vãi: người có tiền “san sẻ” đồng tiền họ cho người khác bằng cách chi tiêu và tiền thuế họ đóng góp vào công quỹ.

Lấy thí dụ Vũng Tàu: từ mấy tháng nay, cả bãi Sau, bãi Trước, bãi Dâu đều “hoang hóa” trước “lưỡi hái COVID”, cả thành phố du lịch coi như không có thu nhập gì từ du khách. 

Chừng đó khách sạn lớn nhỏ, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn… từ người quản lý cao cấp - kể cả tập đoàn hay hộ lẻ cho thuê Airbnb, tới nhân viên tiếp tân, phục vụ phòng, nhà hàng, quầy bar, bảo vệ… - mỗi cơ sở cả một dây nhân viên trước giờ nguồn sống chính là từ khách đến thuê phòng, ăn uống; thậm chí, người đánh đàn, ca sĩ phụ họa bữa tối cũng mất thu nhập.

Họ không có lương thì người bán hàng ngoài chợ cũng không có tiền vô. Cả một dây chia sẻ đồng tiền du khách cùng bị ngắt đầu vào, tác động lại ngay tức khắc tới gia đình họ và xã hội chung quanh họ. 

Cảnh huy hoàng (tương đối) mới ngày này năm ngoái, “nước lên, thuyền lên”, tan như bọt biển. Còn nhớ có lúc chính quyền thành phố than muốn giữ chân du khách lâu hơn, vì nhiều người “chỉ nghỉ có một đêm”, nay thì nửa đêm cũng không được.

Tất nhiên không do lỗi chính quyền địa phương, chẳng qua do phải đảm bảo yêu cầu sống sót trước đã. Mấy tháng rồi, những người quen của tôi ngoài đó “ngó” vô Sài Gòn thấy trong này chích ngừa COVID mà “tủi thân”. 

Người nhà trên Lạc Dương, Lâm Đồng cũng vậy. Một bạn già trên Buôn Ma Thuột tự an ủi: “Trên này chưa có gì nên chưa chích cũng chưa sao!”

Chưa chích thì nín ra khỏi nhà, nín luôn buôn bán vậy. Tới tháng 10 vừa rồi, người quen khoe đã được chích mũi một; hai tuần hơn sau, tức qua tháng 11 này, mở các cửa ngõ vô Vũng Tàu, cho bán mang về. 

Tuần rồi, khoe “chích mũi hai rồi”, hy vọng qua tháng 11 sẽ mở cửa ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn, khi người dân địa phương đã được chích ngừa đủ. 

Cũng vậy, mấy đứa nhỏ trên Đà Lạt khoe “11-11 sẽ được chích mũi một”, tính lên thăm, song bụng bảo dạ: “Tụi nó mới chích một mũi, lên lôi tụi nó đi, có chuyện gì hối không kịp”! Trong yêu cầu sống còn đó, các dây chuyền trickle-down phải bị “hy sinh”. Không một địa phương nào muốn lặp lại thương đau của TP.HCM.

Người bán sữa đậu nành, bán vé số… bên hông khu Hòa Bình cũng đành mất thu nhập, rồi người bán rau dưới chợ cũng “ráng chút”, cả xã hội “ráng”. Ai không ráng nổi, chịu! Chính quyền địa phương nào khéo léo và thiện tâm thì các gói cứu trợ từ trung ương chính là những trickle-down thay thế.

Một kiểu trickle-down mới

Qua năm COVID thứ nhì này, coi như việc mua sắm online đã biến thành định chế thay thế và song hành cửa hàng thiệt. Cả năm nay, các chủ nhãn hàng “hiệu” - từ thời trang, máy móc, cho tới rượu bia ngoại nhập - đã sử dụng đủ chiêu online để chống trả tình hình giãn cách kéo dài. 

Quần áo, giầy dép thời trang, rượu chát, whisky… nay không còn bán trong các cửa hiệu sang trọng nữa, lên mạng là có, giá tất nhiên có rẻ hơn do coi như “bán chạy dịch” và không tốn lương nhân viên cả tá như trước.

Chính việc buôn bán online khôi phục phần nào dòng chảy “nhỏ xuống”. Không chỉ vài món ăn giao tới nhà, mà là cả một siêu thị online vốn từng có trước dịch, song từ trong và sau dịch mới thực sự hoạt động mạnh mẽ. 

Một dòng lợi nhuận từ chủ tiệm, chủ hãng, chủ tập đoàn từ đó… xuống được người shipper, duy trì phần nào sự trickle-down. Song nếu chỉ các tập đoàn buôn bán online tồn tại, cho dù có khổng lồ như Amazon, thì cũng là ngày tàn của nền kinh tế khi chừng đó tỉ người liên quan trực tiếp hay gián tiếp trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, phục vụ… bị giãn cách.

Trên bình diện quốc gia

Trên đây mới chỉ là một mặt của sự “nhỏ giọt”. Sự “nhỏ giọt”, san sẻ, “chan hòa” còn có tác động lớn lao hơn khi đến từ tiền thuế - bình thường là ngân sách cho đủ thứ phúc lợi, và giờ là các gói cứu trợ. 

Lý thuyết trickle-down cho rằng khi người giàu được giảm thuế, tiền họ giữ lại sẽ được đưa vào đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như mua nhà máy mới, nâng cấp công nghệ và thiết bị cũng như thuê thêm công nhân. 

Các công nghệ mới sẽ thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế, để tiến tới cái đích cuối cùng là sự “tăng trưởng chan hòa”.

Trong bối cảnh kinh tế đang gian nan như bây giờ, nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 đã xác định cách quản lý thuế mới với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh. 

Đại ý: (1) xác định thời gian tạm ngừng hoạt động qua hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hay trực tiếp đến cơ quan thuế nếu là tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định; (2) người nộp thuế được tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá một năm với một lần đăng ký; (3) người nộp thuế cũng có thể được khoanh các khoản nợ thuế.

Điều đó đồng nghĩa ngân sách có thể không thu được những khoản lẽ ra vẫn thu nếu không có COVID, tức một số phúc lợi xã hội có thể bị đe dọa, bao gồm cả những ưu tiên chống dịch như vắc xin hay thuốc điều trị.

Chính vì thế, rất cần chỉnh lại thước ngắm của sự san sẻ ngân sách cho sát tình hình. Khi cả xã hội hầu như đang “đóng cửa”, không thể chi tiêu ngân sách như khi không có dịch được. 

Thiết nghĩ, điều gọi là “bình thường mới” từ đại dịch chưa kết thúc này đòi hỏi sự đoạn tuyệt với một số “bình thường cũ”, như “huy động tiền trong dân” hay “có tỉnh nghèo đoàn đại biểu Quốc hội chưa có xe ôtô, lãnh đạo tỉnh đi xe 20 năm” (lời của Bộ trưởng Tài chính)!

Trước hết, cần phải xem tiền thuế chính là sự chia sẻ “lợi nhuận” mà quốc gia làm ra cho bộ máy nhà nước hoạt động thay người dân. Kế đến, năm nay là năm đại dịch thứ nhì, và với tình hình biến thể virus này, chắc là sẽ còn năm thứ ba, thứ tư và thứ mấy chưa biết nữa. 

Thái độ chi tiêu ngân sách phải lường trước tương lai đó, nhất là khi rất đông người dân đã lâm vào cảnh không có gì để san sẻ nữa rồi.■

“Chính quyền địa phương nào khéo léo và thiện tâm thì các gói cứu trợ từ trung ương chính là những trickle-down thay thế".


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận