Không phải sự đã rồi?

HẢI MINH 18/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giải thích cho quyết định chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine hôm 6-12 của ông là một động thái chỉ để “thừa nhận thực tế”.

Tranh tường vẽ lại chuyến thăm của ông Donald Trump tới Jerusalem đầu năm nay. -Ảnh: AP
Tranh tường vẽ lại chuyến thăm của ông Donald Trump tới Jerusalem đầu năm nay. -Ảnh: AP

 

Tuy nhiên, việc một nhà nước nắm quyền kiểm soát với một vùng lãnh thổ tranh chấp, rồi được công nhận bởi một siêu cường “cầm cân nảy mực” như Mỹ có thể tạo ra những hệ quả rất khó lường.

Thời điểm được tính toán

Đó hẳn nhiên là một quyết định đầy tranh cãi, với thời điểm đã được lựa chọn kỹ lưỡng. Lễ Hanukka thiêng liêng của người Do Thái kỷ niệm ngày họ giành lại Jerusalem và Ngôi đền thiêng từ tay vương quốc Seleukos vào năm 168 trước Công nguyên sẽ diễn ra năm nay từ ngày 12 tới 20-12. Thế nên, có thể coi quyết định của ông Trump là một món quà rất hợp thời điểm cho Israel.

Tuy nhiên, cuối tuần vừa rồi cũng đánh dấu 30 năm cuộc nổi dậy Intifada lần thứ nhất của người Palestine chống lại ách chiếm đóng của Israel, 8-12-1987.

Trong tuyên bố của mình, ông Trump nói: “Israel đã định đô ở thành phố Jerusalem, thủ đô của người Do Thái được lập nên từ ngàn xưa”.

Lịch sử trong cuộc tranh chấp này có vai trò rất lớn. Mới 8 năm trước, trong bài phát biểu cột mốc “dàn hòa với thế giới Hồi giáo” ở Cairo năm 2009, người tiền nhiệm của ông Trump, ông Barack Obama, còn ngụ ý rằng tính chính danh của Nhà nước Israel có nguồn gốc từ cuộc thảm sát người Do Thái (Holocaust) thời Thế chiến thứ 2, chứ không phải sự gắn bó phải tính bằng thiên niên kỷ với sắc tộc kỳ lạ này cùng vùng đất Israel.

Ông Trump, trên hành trình lật ngược tất cả những gì người tiền nhiệm đã làm, cho thấy ông nhận thức khác:

Rằng Jerusalem là một phần “quyền lịch sử” của dân tộc Do Thái, một cách hiểu giống với Tuyên bố Balfour 1926 của Anh quốc về việc ủng hộ thành lập “một nhà nước cho dân tộc Do Thái” ở vùng lãnh thổ Palestine, lúc bấy giờ còn thuộc về đế chế Ottoman.

Từ năm 1949, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đóng vai trò chủ đạo trong chính sách của Mỹ về Israel và Trung Đông nói chung và cũng kể từ đó, một quy tắc bất thành văn của Bộ Ngoại giao là từ chối công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Dẫu năm 1957, tổng thống Dwight Eisenhower khẳng định quyền của nước Mỹ can thiệp vào Trung Đông vì ông coi đó là vấn đề an ninh quốc gia của chính nước Mỹ, quy tắc đó vẫn được giữ nguyên (dù ta có thể thấy sự liên hệ trực tiếp giữa tuyên bố 60 năm trước của ông Eisenhower và quyết định tuần rồi của ông Trump).

Năm 1962, trong một báo cáo gửi tổng thống Mỹ khi đó John F. Kennedy, cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy đã xác nhận lại điều này và nói Bộ Ngoại giao còn có chính sách yêu cầu các nước khác không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Quyết định của ông Trump đã chấm dứt truyền thống đó. Tuyên bố điều đấy, ông nói: “Hôm nay chúng ta cuối cùng đã công nhận một điều rõ ràng. Rằng Jerusalem là thủ đô của Israel. Chuyện này không là gì khác ngoài công nhận thực tế. Làm điều này cũng là đúng đắn, là việc phải làm”.

Phản ứng kéo theo gần như là ngay lập tức. Liên minh châu Âu, Nhật Bản, các nước Ả Rập và cả CHDCND Triều Tiên... đã đồng loạt lên án quyết định này (như tay dẫn chương trình tin tức hài hước của kênh CBS Stephan Colbert đã đùa cợt:

Quả là lần này Trump khiến cả thế giới đoàn kết”). Biểu tình và bạo động trước đại sứ quán Mỹ nổ ra ở Beirut và Jakarta, trong khi bạo lực bùng phát tại Jerusalem sau tuyên bố của ông Trump. Ở Palestine, phong trào Hamas cũng đã kêu gọi một cuộc Intifada lần thứ ba vào đầu tuần này, kèm theo “ba ngày cuồng nộ”.

Hàng chục ngàn người Lebanon và Palestine biểu tình ở Beiruit hôm thứ hai để phản đối quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump. -Ảnh: AP
Hàng chục ngàn người Lebanon và Palestine biểu tình ở Beiruit hôm thứ hai để phản đối quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump. -Ảnh: AP

 

Tuyên ngôn và thực dụng chính trị

Nhưng không phải ai cũng chê bai quyết định của ông Trump. Dễ hiểu là thông báo mới nhận được khá nhiều lời khen ngợi từ giới ủng hộ Israel. Viết trên báo Israel The Jerusalem Post, Caroline Glick ca ngợi:

Với việc từ chối lập trường của Bộ Ngoại giao về Jerusalem, và khẳng định lập trường đó dựa trên một sự chối bỏ thực tại, ông Trump đã khởi động một tiến trình mới cho chính sách của Mỹ ở Trung Đông lần đầu tiên dựa trên thực tiễn sau ba thế hệ”.

Ca ngợi đó là một động thái “xuất sắc về chiến lược” và “tài tình về chính trị”, Glick nói ông Trump đã cho thấy “ai mới là người lãnh đạo ở đây”.

Ông ấy vẫn sẵn sàng hành động ngay cả khi điều đó trái với mong muốn của châu Âu và thế giới Ả Rập cũng như kích động những kẻ thù của nước Mỹ sẽ đáp trả, bởi ông tin đó là vì lợi ích của nước Mỹ - bài báo viết tiếp - ...Bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ông Trump đã làm rõ là sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel là vô điều kiện”.

Trong khi đó, với báo chí cánh tả, động thái phá bỏ truyền thống của ông Trump là rất khó chấp nhận. The Guardian trong bài xã luận ngày 7-12 của họ nói chính sách ngoại giao của Mỹ đang bị “dẫn dắt bởi cái tôi của ngài tổng thống”.

Nhận định ông Trump chưa bao giờ thực sự lên tiếng ủng hộ giải pháp hòa bình hai nhà nước và thiếu một kế hoạch rõ ràng cho Trung Đông, bài báo nói những phát biểu của ông Trump “không chỉ phản bội lại Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas..., mà còn là sự chối bỏ ngu dốt những cam kết của chính nước Mỹ trong vai trò đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình và luật pháp quốc tế, bao gồm các nghị quyết Liên Hiệp Quốc khẳng định tình trạng cuối cùng của Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán”.

Nhìn nhận thực dụng hơn, trong khi chính sách của Mỹ với riêng tranh chấp Israel - Palestine chưa rõ ràng, một bức tranh lớn có vẻ đã hình thành ở cả khu vực Trung Đông sau một năm nắm quyền của ông Trump.

Các hoạt động đối ngoại cho thấy chính quyền Mỹ hiện giờ có vẻ đang nỗ lực xây dựng một trục ảnh hưởng trong khu vực với Saudi Arabia và Israel chống lại Iran.

Ở trong nước, quyết định của ông Trump được chờ đợi sẽ giúp ông giành được sự ủng hộ của những người Mỹ Công giáo mộ đạo.

Ông Trump đã khẳng định ông sẽ tranh cử tổng thống sau khi nhiệm kỳ hiện giờ kết thúc, trong khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở quốc hội đang bước vào giai đoạn nước rút và phe Cộng hòa hiện đang chống chọi những đợt tấn công dữ dội từ đối thủ Dân chủ.

Martin Indyk, cựu đại sứ Mỹ về hòa đàm Israel - Palestine, cựu đại sứ Mỹ tại Israel và hiện là một chuyên gia cao cấp của Viện Brookings, bình luận: “Đó là một động thái lôi kéo cơ sở cử tri Công giáo mộ đạo và Do Thái giáo, thật đơn giản”. Nhưng sòng phẳng mà nói trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã hứa hẹn công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, và giờ ông thực hiện lời hứa đó.

Steven Spiegel, giám đốc Trung tâm Phát triển Trung Đông ở Đại học California tại Los Angeles, nhận định thêm rằng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là “quả dễ hái” với tổng thống Mỹ.

Không như những nỗ lực khác của ông Trump thực thi lời hứa trước thắng cử, như bãi bỏ cải cách bảo hiểm y tế Obamacare hay cấm người Hồi giáo vào Mỹ, động thái vừa rồi của ông Trump hoàn toàn nằm trong thẩm quyền tổng thống, không cần phải thông qua quốc hội cũng như không bị bên tư pháp cản trở.

Sự thực dụng chính trị đó, với The Guardian, thật khó chấp nhận: “Tổng thống Mỹ không quan tâm gì tới thân phận những dân tộc bị áp bức. Ông tham gia chính trị chỉ là vì bản thân... Nếu cái giá của việc thực hiện một lời hứa khi tranh cử là tiêu diệt cơ hội hồi sinh tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, thì lý lẽ của ông Trump là cứ làm đi”.

Ở một tầm mức rộng hơn, như nhiều quyết định đối ngoại khác của ông Trump cho tới giờ, động thái Jerusalem cho thấy những sự thật khó chịu về vai trò của Mỹ trên thế giới hiện tại.

Quyết định này có lẽ đã chấm dứt một giai đoạn dài hàng nhiều thập kỷ mà Mỹ, bất chấp những thiên vị rõ ràng với Israel, tự nhận mình là “một kẻ hòa giải trung thực” cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tính chính danh của tuyên bố đó đã xói mòn nghiêm trọng với quyết định Jerusalem, dù Washington vẫn sẽ tiếp tục nhận như vậy. Tình trạng của Jerusalem là vấn đề cốt lõi với mọi cuộc đàm phán để cho ra đời một nhà nước Palestine có chủ quyền bên cạnh một nhà nước Israel có chủ quyền.

10 ngày trước khi ông Trump phát đi tuyên bố về Jerusalem, một động thái khác ít được chú ý hơn nhiều đã diễn ra: chính quyền Mỹ ra tối hậu thư nói họ sẽ đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tức chính quyền Palestine hiện giờ, tại Washington, nếu lãnh đạo PLO không đồng ý với những thỏa thuận mới trong một bộ khung hòa đàm do Mỹ đặt ra.

Đó là chỉ dấu rất quan trọng cho tất cả những ồn ào hiện giờ. Dù những điều khoản trong thỏa thuận đó, được điều phối bởi con rể của ông Trump, Jared Kushner, được giữ bí mật.

Phyllis Bennis, một giám đốc ở Viện Nghiên cứu chính sách Washington, dự đoán rằng thỏa thuận mới rất ảm đạm với Palestine. Bà ước tính PLO sẽ chỉ còn được giữ lại 35-40% vùng lãnh thổ Bờ Tây, không bao gồm biên giới như với các quốc gia thông thường, và không được kiểm soát các vấn đề đối ngoại, quốc phòng, hay nguồn nước. Thỏa thuận mới sẽ khiến toàn bộ sáu hồ nước lớn ở Bờ Tây thuộc về phía Israel, theo Bennis.

Họ vẫn sẽ gọi đó là giải pháp hai nhà nước - bà nói với Salon - nhưng về cơ bản đó là tình trạng bế tắc, một nhà nước, và một vùng lãnh thổ phụ thuộc. Đây là một thất bại trong chính sách của Mỹ, dù thất bại này chẳng có gì mới mẻ”.■

Phản ứng quốc tế

Liên đoàn Ả Rập, trong một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao, ra tuyên bố chung nói quyết định của ông Trump là “sự xâm hại nguy hiểm” luật pháp quốc tế. “Quyết định đó không có hiệu lực pháp lý... làm gia tăng thêm căng thẳng, kích động thù hận và đe dọa đẩy khu vực vào làn sóng bạo lực và hỗn loạn mới” - tuyên bố ở Cairo nói.

Điều phối viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về hòa bình Trung Đông, Nickolay Mladenov, nói vấn đề Jerusalem “có lẽ là nhạy cảm và khó khăn nhất” trong cuộc xung đột và LHQ “đã nhắc đi nhắc lại rằng bất cứ quyết định đơn phương nào thay đổi tình trạng của Jerusalem hay những nguyên tắc đã được nhất trí lâu nay đều có thể làm xói mòn nghiêm trọng các nỗ lực hòa đàm hiện tại và gây ra bất ổn trong cả khu vực”.

“Ở Matxcơva, quyết định vừa được công bố tại Washington gây quan ngại sâu sắc” - đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya nói. Ông khẳng định cuộc xung đột Trung Đông phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết LHQ.

“Vấn đề nhạy cảm về Jerusalem”, theo Nebenzya, phải được giải quyết “qua thương lượng giữa Israel và Palestine”. Từ châu Âu, Anh, Pháp, Đức và Thụy Điển, ở những mức độ khác nhau, cũng đã nêu câu hỏi với quyết định của ông Trump.

Tuy nhiên, Israel lại khẳng định động thái của ông Trump là “một cột mốc cho hòa bình”. “Mỹ đã có can đảm và hiểu biết thực sự về công lý khi chính thức tuyên bố điều ai cũng đã biết: Jerusalem đã và sẽ luôn là thủ đô của Israel” - theo lời Danny Danon, đại sứ Israel tại LHQ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận