Khu vực Euro sẽ có tương lai nào?

LÊ QUANG 08/01/2016 02:01 GMT+7

TTCT - Năm 2015 sẽ đi vào lịch sử EU với số kỷ lục cuộc họp xử lý khủng hoảng, luôn bị đè nặng bởi cú so găng tả - hữu trong Chính phủ Hi Lạp để rồi tạm thời bị các chủ đề khác lấn át, song đến hôm nay chưa thấy tia sáng nào cuối đường hầm mang tên “Grexit”.

Khủng hoảng Eurozone -Biếm họa của VOX-Europe
Khủng hoảng Eurozone -Biếm họa của VOX-Europe

 

Không kịch bản nào thiếu Đức và Pháp

Cũng dễ hiểu, vì bên cạnh Đức thì Pháp là nhân vật số hai chung tay phác thảo ngôi nhà EU. Ở thời điểm hôm nay, Pháp vừa qua một năm ác mộng, bắt đầu từ vụ tàn sát tại tòa soạn Charlie Hebdo, tiếp tục là 130 nạn nhân của IS giữa kinh đô Paris và kết thúc bằng cuộc bầu cử mà phe cánh hữu của bà Marine Le Pen gây thót tim trong vòng một.

Chính phủ Đức thì được tiếng là nhanh tay rút hầu bao mỗi khi có bất đồng nội bộ. Quả thực, theo tính toán của giáo sư kinh tế Franz-Ulrich Willeke, Đức là chủ chi từ khi tái thống nhất đến năm 2011.

Trong 21 năm đó, Đức góp 383,6 tỉ euro (theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung 20-6-2012), vượt quá hạn ngạch chiếu theo tiềm lực kinh tế. Bất kể Hi Lạp trước vực thẳm vỡ nợ, Ba Lan cần bao cấp nông sản hay cả triệu người tị nạn Trung Đông ùn ùn kéo sang - Đức tự nhận phần lớn trách nhiệm.

Nhưng vấn đề là làm sao giải thích cho lọt tai với người dân trong nước, huống hồ là nhận sự ủng hộ từ giới chuyên môn: Tạp chí Focus số 20-6-2012, nghĩa là ngay sau khi đồng tiền viện trợ đầu tiên chuyển qua Hi Lạp, trích lời giáo sư luật công Karl Albrecht Schachtschneider:

“Đơn giản, gói cứu trợ của khối Euro cho Hi Lạp là đi ngược nguyên tắc nhà nước pháp quyền”, vì trong Hiệp ước về phương thức làm việc của EU (AEUV) có điều 125 cấm EU hay quốc gia thành viên trả nợ hộ một thành viên khác. Nói nôm na là người ta đã nhắm mắt lờ đi bộ luật cơ bản nhất từ ngày sáng lập EU để cứu thể chế dân chủ đầu tiên trên quả đất.

Có người dân nào hài lòng với một chính phủ liên tục đem tiền đi phân phát? Ngay chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde từng nói thẳng: “Tôi thấy những người nghèo nhất ở châu Phi còn đáng thương hơn người Hi Lạp”.

Giáo sư Schachtschneider xét về khía cạnh pháp lý: “Nước ngoài cấp tài chính là xâm phạm quyền tự chủ của Hi Lạp. Không ai đi làm để lấy tiền đó tài trợ cho người ngoài (...). Và nhu cầu giám sát của nước tài trợ, dù hợp lý, vẫn là phản dân chủ và phản tự chủ”. Người ta đưa tiền cho dân Hi Lạp rồi buộc họ điều hành nhà nước theo ý người ngoài, chẳng khác gì tước đi quyền tự chủ và tự do của họ.

Tinh thần hoài cổ định mệnh

Cách đây hai tuần, một người Thụy Sĩ bên bàn điểm tâm ở chợ Giáng sinh Zurich - khi biết tôi sắp qua Đức - hỏi tôi có tiền euro trong ví không. Tôi đưa ông xem một tờ. “Anh nhìn đây, dưới chữ Latin “EURO” là chữ Hi Lạp “EYPO”, mà tiền này in từ khi Hi Lạp chưa gia nhập Eurozone, nghĩa là người ta đã tính đến việc đó mà không cần biết Hi Lạp bê bối ra sao!”.

Ông cười khà khà, khoái trá vì Thụy Sĩ đã “sáng suốt không thèm chơi với bọn euro”. Chuyện thật như đùa đó ẩn một ý sâu xa: con người vốn biết “đồng tiền liền khúc ruột”, không chỉ ở ý nghĩa vật chất. Nó đã thành một hình tượng quen thân và cố hữu.

Và hiện tại, khi kinh tế chao đảo và chiến tranh diễn ra ngay bờ giậu, ngày càng nhiều người Đức hoài cổ và lưu luyến đồng D-Mark, biểu tượng của sự ổn định xa xưa. Tờ Handelsblatt số 12-2015 công bố kết quả thăm dò dư luận của Viện Yougov Cologne, cho biết 49% người Đức muốn có lại đồng tiền xưa, và 77% cho rằng bị thiệt do dùng euro.

Hầu như đã rõ là người Đức ngày càng ít mặn mà với Euro(zone). Liệu đó sẽ có ngày thành luận cứ sắc bén để vận động tranh cử?

Thêm một câu để ai đó khỏi nhầm: Eurozone hay Euro-19 là nhóm 19 quốc gia dùng chung đồng tiền euro, chứ không phải Liên minh châu Âu (EU) với 28 thành viên, và nếu Eurozone tan vỡ như người ta đang xì xào thì chẳng vì thế mà EU có vấn đề, thậm chí còn mạnh lên vì không phải vác mấy quả tạ Hi Lạp, Bồ Đào Nha...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận