Ký ức của Shakespeare

JORGE LUIS BORGES 13/12/2018 21:12 GMT+7

TTCT - ​Có những tín đồ của Goethe, của Edda, của khúc ca cuối trong sử thi Nibelung, còn Shakespeare là số phận của tôi. Đến giờ vẫn thế, mặc dù theo một cách không ai có thể thấy trước, trừ một người vừa qua đời ở Pretoria, Daniel Thorpe. Còn một người khác nữa mà tôi chưa thấy mặt.

Minh họa: Sà Và Ná
Minh họa: Sà Và Ná

 

Tôi là Hermann Sörgel. Độc giả hiếu kỳ có lẽ đã lướt qua cuốn Niên biểu Shakespeare của tôi, tác phẩm mà tôi từng cho là thiết yếu cho việc hiểu đúng văn bản và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Tây Ban Nha. Cũng không ngoài khả năng độc giả còn nhớ một cuộc bút chiến kéo dài về một số sửa đổi mà Theobald đưa vào ấn bản phê bình năm 1734 của ông và từ đó đã trở thành một phần không thể tranh cãi của điển phạm.

Giờ thì tôi giật mình trước giọng điệu khiếm nhã của những trang giấy gần như là xa lạ ấy. Năm 1914 tôi làm, nhưng không cho in, một nghiên cứu về những tổ hợp từ mà nhà Hi Lạp học và nhà soạn kịch George Chapman tạo ra cho các bản dịch Homer của ông, đưa tiếng Anh, mặc dù ông không thể ngờ, về nguồn gốc (Ursprung) Anglo-Saxon của nó.

Chưa bao giờ tôi nghĩ là có ngày giọng của ông, mà giờ tôi đã quên, lại có thể quen thuộc với tôi đến thế... Thêm một vài ấn phẩm lẻ, tôi nghĩ, là hoàn tất tiểu sử văn chương của tôi.

Tôi không biết liệu có thể thêm vào đây một bản dịch Macbeth chưa xuất bản mà tôi dịch để nguôi ngoai sau cái chết của anh tôi Otto Julius, người ngã xuống trên mặt trận phía tây vào năm 1917 hay không. Tôi chưa dịch xong; tôi hiểu rằng tiếng Anh, với ưu thế của nó, có hai gốc - gốc Đức và gốc Latin - trong khi tiếng Đức của chúng tôi, dù nhạc tính lớn hơn, phải giới hạn trong một.

Tôi đã nhắc đến cái tên Daniel Thorpe. Tôi được thiếu tá Barclay giới thiệu với anh ta ở một hội thảo Shakespeare. Tôi sẽ không nói địa điểm hay ngày tháng; tôi biết rất rõ rằng những chi tiết như thế trên thực tế lại là sự mơ hồ.

Quan trọng hơn, gương mặt của Daniel Thorpe mà chứng mù một phần của tôi đã giúp tôi quên là cảnh bất hạnh khét tiếng của anh ta. Qua năm tháng, con người ta có thể giả bộ nhiều thứ, trừ hạnh phúc. Một cách gần như là vật lý, Daniel Thorpe thở ra nỗi u sầu.

Sau một phiên thảo luận dài, đêm buông xuống, chúng tôi ở trong một quán rượu. Để cảm thấy như mình đang ở Anh (mà đúng là vậy), chúng tôi cạn nhiều ly thiếc bia đen nóng.

“Ở Punjab - ông thiếu tá nói - họ chỉ cho tôi một lão ăn mày. Một truyền thuyết Hồi giáo cho rằng vua Solomon có một chiếc nhẫn cho phép ông hiểu được tiếng loài chim. Ai cũng nghĩ lão ăn mày sở hữu chiếc nhẫn này. Giá trị của nó lớn đến nỗi lão không bán được cho ai và chết ở một sân trong trong thánh đường Wazir Khan tại Lahore.”

Tôi nghĩ Chaucer không phải là không biết câu chuyện về chiếc nhẫn thần kỳ này, nhưng nói ra sẽ làm hỏng giai thoại của Barclay.

“Còn chiếc nhẫn?” - tôi hỏi.

“Nó biến mất, giống như các đồ vật pháp thuật khác. Có lẽ ở một góc nào đấy trong thánh đường, hoặc trong tay của một người đàn ông sống tại một nơi không còn chim”.

“Hoặc là ở một nơi có rất nhiều chim - tôi nói - đến mức không thể nghe được tiếng chúng nói. Chuyện của ông, ông Barclay, có gì đó giống như một giai thoại”.

Đến lúc này Daniel Thorpe lên tiếng. Anh ta nói một cách bâng quơ, không nhìn chúng tôi. Anh ta nói tiếng Anh theo một giọng khá lạ, mà tôi cho là do ở phương Đông quá lâu.

“Không phải giai thoại đâu - anh ta nói - mà nếu là giai thoại thì nó cũng là thật. Có những thứ vô giá đến mức không thể nào bán nổi”.

Những lời mà tôi đang cố gắng tái dựng không để lại ấn tượng bằng sự thuyết phục khi Daniel Thorpe nói. Chúng tôi nghĩ anh ta còn định nói gì nữa, nhưng anh ta bỗng im lặng, như thể hối hận. Barclay chúc ngủ ngon. Tôi và Daniel Thorpe cùng trở về khách sạn. Đêm đã khuya, nhưng anh ta gợi ý chúng tôi nên tiếp tục trò chuyện ở trong phòng anh ta. Sau một vài trao đổi tầm phào, anh ta bảo tôi:

“Tôi muốn trao cho anh chiếc nhẫn của nhà vua. Tất nhiên đó là một ẩn dụ, nhưng cái ẩn dụ bao bọc cũng không kém thần kỳ hơn chiếc nhẫn. Tôi muốn trao cho anh ký ức của Shakespeare từ những ngày thơ ấu non dại nhất cho đến đầu tháng 4 năm 1616”.

Tôi không nói được một lời nào. Cứ như tôi được trao cho cả đại dương.

Thorpe nói tiếp: “Tôi không phải là kẻ lừa đảo. Tôi không điên. Tôi xin anh hãy hoãn phán xét cho đến khi đã nghe tôi nói. Ông thiếu tá chắc hẳn đã nói anh biết tôi là, hay từng là, bác sĩ quân y. Chuyện vài lời là đủ. Nó bắt đầu ở phương Đông, trong một bệnh viện dã chiến, lúc bình minh. Ngày tháng cụ thể không quan trọng.

Trong hơi thở cuối, một binh nhì, Adam Clay, đã trúng hai phát đạn súng trường, trao cho tôi, ngay trước khi chết, cái ký ức quý giá ấy. Đau và sốt có thể làm ta hoang tưởng; tôi chấp nhận mà không tin gì. Với cả, sau trận chiến, cũng không có gì khác lạ. Cậu ta chỉ đủ thời gian để giải thích cho tôi điều kiện duy nhất của món quà này. Người sở hữu phải đề nghị bằng lời nói và người nhận nó cũng phải nhận nó như vậy. Người trao nó đi rồi sẽ mất nó mãi mãi”.

Tên người lính và cảnh tượng bi thương của cuộc trao gửi có vẻ “văn vở” với tôi, theo nghĩa tệ nhất của từ này.

Hơi dè chừng, tôi hỏi:

“Anh, bây giờ, giữ ký ức của Shakespeare?”.

Thorpe đáp:

“Tôi vẫn có hai ký ức. Ký ức của tôi và ký ức của Shakespeare mà tôi một phần nào đó cũng là ông ta. Nói đúng hơn, hai ký ức có tôi. Đây là nơi mà mọi thứ lẫn lộn vào với nhau. Có một gương mặt người phụ nữ mà tôi không biết là thuộc về thế kỷ nào”.

Tôi hỏi tiếp:

“Anh đã làm gì với ký ức của Shakespeare?”.

Một thoáng im lặng, rồi anh ta nói:

“Tôi đã viết một cuốn tiểu sử hư cấu, nhận lại sự bỉ bôi của cánh phê bình nhưng cũng có đôi chút thành công thương mại ở Mỹ và các thuộc địa. Tôi nghĩ là chỉ có thế. Tôi đã cảnh báo anh là món quà này không phải ngồi mát ăn bát vàng. Tôi vẫn đang chờ anh trả lời”.

Tôi ngồi nghĩ. Chẳng phải tôi đã dành cả đời, vô vị không kém phần lạ lùng, để theo đuổi Shakespeare hay sao? Chẳng công bằng sao khi cuối cùng tôi cũng tìm được ông?

Tôi nói, phát âm rõ từng tiếng:

“Tôi chấp nhận ký ức của Shakespeare”.

Có gì đó chắc chắn đã xảy ra, nhưng tôi không cảm nhận được.

Chỉ một chút hơi mệt, có lẽ là tưởng tượng.

Tôi nhớ rõ Thorpe bảo tôi:

“Ký ức đã đi vào ý thức của anh, nhưng anh phải khám phá nó. Nó sẽ xuất hiện trong mơ, lúc tỉnh, khi anh giở sách hay rẽ vào một góc phố. Đừng nóng vội, đừng bịa ra những ký ức. Sự may rủi có thể thúc đẩy nó hoặc trì hoãn nó, theo cái cách bí ẩn của riêng nó. Khi tôi quên dần đi, anh sẽ dần nhớ lại. Tôi không hứa hẹn bao giờ thì nó sẽ xong xuôi”.

Những giờ còn lại của đêm chúng tôi dành để bàn về tính cách của Shylock. Tôi kiềm chế không hỏi liệu Shakespeare có quan hệ cá nhân với người Do Thái hay không. Tôi không muốn Thorpe nghĩ là tôi đang thử anh ta. Tôi nhận ra, không biết là với nhẹ nhõm hay lo âu, rằng những ý kiến của anh ta cũng mang tính học thuật và thông thường như tôi.

Bất chấp đêm trắng hôm trước, gần như tôi cũng không ngủ được hôm sau. Tôi nhận ra, như nhiều lần trước đó, mình là một thằng hèn. Vì sợ thất vọng, tôi đã không hào phóng cho mình hi vọng. Tôi muốn nghĩ món quà của Thorpe là một ảo giác. Nhưng hi vọng, không cưỡng lại được, đã thắng thế. Shakespeare sẽ là của tôi, theo một cách không giống ai, từng có ai trước đây, trong tình yêu, trong tình bạn, hay trong hận thù. Tôi, một cách nào đó, sẽ là Shakespeare. Không phải tôi sẽ viết những vở bi kịch hay làm những bài sonnet phức tạp, mà tôi sẽ nhớ khoảnh khắc ba mụ phù thủy, cũng là số phận, xuất hiện trước mắt tôi, và khoảnh khắc mà tôi được trao cho những dòng thơ rộng lớn kia:

Và sẽ lắc cái ách của những vì hung tinh

Khỏi xác thân mệt mỏi thế gian này.

Tôi sẽ nhớ Anne Hathaway như tôi nhớ người phụ nữ trưởng thành đã dạy cho tôi biết yêu trong một căn hộ ở Lübeck nhiều năm về trước. Tôi cố nhớ lại người phụ nữ ấy, mà chỉ nhớ ra tấm giấy dán tường màu vàng và ánh sáng trong trẻo chiếu vào từ cửa sổ. Lần mất trí nhớ đầu tiên này có thể đã báo trước tất cả những lần mất trí nhớ sau này.

Tôi đoán những hình ảnh của ký ức thần kỳ ấy trước hết sẽ là hình ảnh thị giác. Nhưng không phải. Vài ngày sau, khi cạo râu, tôi phát âm trước gương một vài từ làm tôi ngạc nhiên và, như một đồng nghiệp cho biết, chúng nằm trong bài “A. B. C.” của Chaucer. Một buổi chiều, khi rời khỏi Bảo tàng Anh, tôi huýt sáo một giai điệu rất đơn giản mà tôi chưa nghe bao giờ.

Độc giả sẽ nhận thấy đặc điểm chung của những hé lộ đầu tiên về ký ức ấy, bất chấp vẻ lộng lẫy của một số ẩn dụ, thuộc về thính giác hơn là thuộc về thị giác.

De Quincey nói bộ não con người là một tấm bảng. Mỗi văn bản mới lại phủ lên văn bản trước đó và đến lượt nó lại bị phủ lên bởi văn bản theo sau, nhưng ký ức toàn năng thì có thể moi lên bất cứ ấn tượng nào, dù ngắn ngủi ra sao, nếu được kích thích đủ.

Xét theo di chúc của Shakespeare, không có cuốn sách nào, thậm chí cả Kinh Thánh, trong nhà ông, nhưng không ai là không biết những cuốn ông thường ghé đọc: Chaucer, Gower, Spenser, Christopher Marlowe, Chronicle của Holinshed, Montaigne của Florio, Plutarch của North.

Tôi đã có ký ức tiềm tàng của Shakespeare; việc đọc, nói cho đúng là đọc lại, những pho sách xưa sẽ là sự kích thích mà tôi đang tìm kiếm. Tôi cũng đọc lại các bài sonnet, tác phẩm gần gũi nhất của ông. Thỉnh thoảng tôi lại nhận ra một diễn giải hay nhiều diễn giải. Những vần thơ hay thì đòi hỏi được đọc thành lời và sau vài ngày, tôi khôi phục được những âm r cứng và những nguyên âm mở của thế kỷ 16 mà không tốn công sức.

Tôi viết trên tờ Zeitschrift für germanische Philologie rằng bài sonnet số 127 nhắc đến thất bại đáng nhớ của Hạm đội Tây Ban Nha. Tôi không nhớ là Samuel Butler, năm 1899, đã đề ra giả thuyết ấy.

Một chuyến đi về Stratford-on-Avon, như dự đoán, cũng không đem lại kết quả gì.

Rồi những giấc mơ của tôi cũng biến đổi dần dần. Tôi không có những ác mộng huy hoàng như của De Quincey hay những khải tượng phúng dụ theo cách của thầy ông, Jean Paul. Những gương mặt và những căn phòng xa lạ đi vào trong đêm của tôi. Gương mặt đầu tiên tôi nhận diện được là của Chapman, sau đó là của Ben Jonson và một người hàng xóm, không xuất hiện trong tiểu sử của Shakespeare, nhưng ông thường xuyên gặp.

Người nào có được một cuốn bách khoa toàn thư thì không có được mọi dòng, mọi đoạn, mọi trang, mọi hình ảnh minh họa trong đó, mà chỉ có khả năng biết được một vài điều trong số đó. Nếu điều đó xảy ra với một thực thể cụ thể và tương đối đơn giản, các phần của nó được sắp xếp theo bảng chữ cái, thì điều gì sẽ xảy ra với một thực thể trừu tượng và biến đổi, ondoyant et divers, như ký ức thần diệu của một người đã chết?

Không ai có thể bao trọn sự mênh mông của quá khứ chỉ trong một khoảnh khắc. Cả Shakespeare, như tôi biết, lẫn tôi, người thừa kế một phần của ông, đều không được trao cho tài năng ấy. Ký ức của con người không phải là một tổng, mà là một hỗn loạn của những khả năng bất định. Thánh Augustinô, nếu tôi không lầm, từng nói về những cung điện và hang động của ký ức. Ẩn dụ sau hợp lý hơn. Tôi đã bước vào những cái hang ấy.

Như chúng ta, ký ức của Shakespeare cũng có những vùng, những vùng rộng của bóng mà ông chủ động chối bỏ. Không phải là không sốc khi tôi nhớ lại Ben Johnson đã bắt ông đọc thơ hexameter tiếng Latin và Hi Lạp như thế nào và cái tai của ông, cái tai có một không hai của Shakespeare, thường tạo ra rất nhiều sai lạc, trong tiếng cười của các bằng hữu.

Tôi biết có những trạng thái của hạnh phúc và của bóng tối vượt lên trên kinh nghiệm thông thường của con người. Trong khi tôi không nhận ra, sự cô độc kéo dài trong nghiên cứu đã chuẩn bị cho tôi sẵn sàng tiếp nhận một cách ngoan ngoãn phép lạ ấy.

Sau khoảng ba mươi ngày, ký ức của người chết đã sống động trong tôi. Trong một tuần vui vẻ lạ lùng, tôi gần như đã nghĩ mình là Shakespeare. Tác phẩm của ông trở nên mới mẻ với tôi. Tôi biết rằng trăng, với Shakespeare, không hẳn là trăng, mà là nữ thần Diana và không hẳn là Diana, mà là cái từ u tối ngân dài: moon. Tôi ghi lại một khám phá khác. Những sơ suất hiển hiện của Shakespeare, những absences dans l'infini mà Hugo nói về một cách thương hại, là chủ ý. Shakespeare đã dung nhận chúng, hoặc thêu dệt chúng, để ngôn từ của ông, được dàn dựng cho sân khấu, có vẻ tự phát và không quá bóng bẩy, giả tạo (nicht allzu glatt und gekünstelt). Cũng vì lẽ ấy mà ông trộn lẫn các ẩn dụ của mình:

con đường của đời tôi

Đã rơi vào trong chiếc lá khô vàng úa.

Một buổi sáng, tôi cảm thấy một cảm giác tội lỗi nằm sâu trong ký ức ông. Tôi không cố định nghĩa nó, Shakespeare đã luôn làm thế. Chỉ cần nói tội lỗi này không liên quan đến sự đồi bại là đủ.

Tôi nhận ra rằng ba năng lực của linh hồn con người - ký ức, hiểu biết và ý chí - không phải là một sản phẩm hư cấu kinh viện. Ký ức của Shakespeare không thể tiết lộ cho tôi điều gì ngoài những hoàn cảnh của Shakespeare. Rõ ràng là nó không tạo nên sự độc đáo của nhà thơ; cái quan trọng là tác phẩm mà ông làm ra từ chất liệu mong manh ấy.

Một cách ngây thơ, tôi dự tính cũng sẽ viết, như Thorpe, một cuốn tiểu sử. Rồi tôi sớm nhận ra loại hình văn chương này đòi hỏi những điều kiện của một nhà văn mà chắc chắn là tôi không có. Tôi không biết kể chuyện.

Tôi không biết kể chuyện của mình, vốn lạ lùng hơn chuyện của Shakespeare rất nhiều. Hơn nữa, cuốn sách ấy sẽ là vô dụng. Vận mệnh hay số phận đã trao cho Shakespeare những chuyện tồi tệ vặt vãnh mà con người ai cũng biết, nhưng ông biết cách chuyển hóa nó thành những câu chuyện, những nhân vật sống động hơn nhiều so với con người xám xịt mơ mộng ra chúng, thành những vần thơ không bị bỏ quên qua nhiều thế hệ, thành âm nhạc bằng lời.

Sao phải gỡ bỏ mạng lưới ấy, đánh sập tòa tháp ấy, sao phải đưa cái âm thanh và cái cuồng nộ của Macbeth vào kích thước khiêm tốn của một cuốn tiểu sử tài liệu hay một cuốn tiểu thuyết hiện thực?

Goethe, như đã biết, là tôn giáo chính thức của Đức; sự tôn thờ Shakespeare mà chúng ta tuyên xưng không phải không với sự hoài niệm thì gần gũi hơn (ở Anh, Shakespeare, người rất khác người Anh, là tôn giáo chính thức, nhưng cuốn sách của nước Anh lại là Kinh Thánh).

Trong giai đoạn đầu của cuộc phiêu lưu, tôi cảm thấy niềm vui của việc được là Shakespeare, sau đó là áp bức và kinh sợ. Ban đầu, hai ký ức không trộn lẫn dòng chảy của mình vào nhau. Theo thời gian, dòng sông cuồn cuộn của Shakespeare đe dọa, và gần như đánh chìm, dòng chảy khiêm tốn của tôi. Tôi sợ hãi nhận ra là tôi đang dần quên đi ngôn ngữ của bố mẹ mình. Vì bản thể cá nhân dựa trên ký ức, tôi thấy sợ cho lý trí của mình.

Bạn bè đến thăm tôi, tôi ngạc nhiên là họ không nhận ra tôi đang ở địa ngục.

Tôi bắt đầu không hiểu những thứ thường ngày quanh mình (die alltägliche Umwelt). Một buổi sáng, tôi lạc giữa những hình thù to lớn làm bằng sắt, gỗ và kính. Tiếng rít và tiếng ồn làm tôi choáng váng. Mất một lúc, cảm giác như là vô tận, tôi mới nhận ra những cỗ máy và toa xe ở trạm Bremen.

Năm tháng trôi qua, người ta buộc phải mang gánh nặng ngày càng lớn của ký ức. Hai ký ức, đôi khi trộn lẫn vào nhau, đè nặng lên tôi: ký ức của tôi và ký ức kia, không thể nào truyền đạt.

Mọi thứ đều muốn tồn tại trong bản thể của chúng, Spinoza viết. Hòn đá muốn được là đá, con hổ muốn được là hổ, và tôi muốn một lần nữa được là Hermann Sörgel.

Tôi đã quên cái ngày mà tôi quyết định giải phóng mình. Tôi chọn cách dễ nhất. Tôi quay số ngẫu nhiên trên điện thoại. Giọng của một cậu bé hay một người phụ nữ trả lời. Tôi nghĩ trách nhiệm của mình là tôn trọng họ. Cuối cùng, giọng một người đàn ông lịch thiệp cất lên. Tôi nói:

“Anh có muốn ký ức của Shakespeare không? Tôi biết cái tôi đang đề nghị là rất nghiêm túc. Hãy nghĩ cho kỹ”.

Một giọng nói hoài nghi trả lời: “Tôi chấp nhận rủi ro. Tôi chấp nhận ký ức của Shakespeare”.

Tôi giải thích điều kiện của món quà. Một cách nghịch lý, tôi vừa cảm thấy hoài niệm về cuốn sách đáng lẽ ra tôi nên viết mà giờ thì không bao giờ có thể, vừa sợ rằng vị khách, bóng ma kia, sẽ không bao giờ rời tôi.

Tôi cúp máy và lặp lại như một điều ước những lời an phận: “Đơn giản là con người tôi sẽ cho tôi sống”.

Tôi đã nghĩ những cách để đánh thức ký ức xưa, giờ thì tôi phải tìm những cách để xóa bỏ nó. Một trong nhiều cách thức trong số đó là nghiên cứu thần thoại của William Blake, môn đồ nổi loạn của Swedenborg. Tôi thấy nó rối rắm hơn là phức tạp.

Con đường đó và những con đường khác đều vô dụng, tất cả đều đưa tôi đến Shakespeare.

Cuối cùng, tôi chọn giải pháp duy nhất để lấp đầy mong đợi: thứ nhạc chặt chẽ và bao la: Bach.

T.B. 1924 - Bây giờ tôi là một con người giữa những con người. Lúc tỉnh tôi là giáo sư hưu trí Hermann Sörgel, người quản lý danh mục thư viện và viết những thứ học thuật tầm thường, nhưng đôi khi vào lúc bình minh tôi biết người vừa nằm mơ là một người khác. Có nhiều chiều tôi vẫn giật mình trước những ký ức vụn và thoáng qua, mà có lẽ là chân thực.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận