TTCT - Bản tin thị trường lao động đã xuất bản được ba số cho ba quý kể từ đầu năm tới nay với nhiều số liệu mới mẻ chưa từng được công bố. Những số liệu này tự thân đang mang tới hi vọng sẽ làm thay đổi chính sách phát triển nguồn nhân lực hiện tại và tác động tới tư duy chọn nghề cho những người sắp bước vào thị trường lao động. Những số liệu gây sốc Cho tới trước khi Bản tin thị trường lao động số 1 được công bố vào cuối tháng 3 năm nay, chưa có bất cứ cơ quan nào có các số liệu tuyệt đối (không phải tỉ lệ) về tình trạng thất nghiệp, nhất là với những lao động đã qua đào tạo. Ở lần công bố đầu tiên này, báo chí có nhầm lẫn đưa số liệu 72.000 lao động tốt nghiệp đại học trở lên bị thất nghiệp làm dư luận “choáng váng”. Thật ra, số lao động tốt nghiệp đại học trở lên bị thất nghiệp trong bản công bố đó chính xác là 158.000 người, tăng 72.000 người so với quý trước. Ông Doãn Mậu Diệp, người phụ trách xuất bản Bản tin thị trường lao động này, chua xót: “Nước ta vẫn tự hào vì chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhưng chưa ai nghĩ ngược lại. HDI được thể hiện ở ba chỉ số: thời gian học tập, sức khỏe và thu nhập. Người Việt có thời gian học tập dài thể hiện ở số năm học bình quân cao, sức khỏe tốt thể hiện ở tuổi thọ cao nhưng vì sao thu nhập lại thấp thế?”. Tại thời điểm đó, ông Diệp cũng chia sẻ khái niệm thất nghiệp được công bố hoàn toàn theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tức trong một tuần trước cuộc khảo sát họ không làm việc gì trong vòng ít nhất 1 giờ thì được coi là thất nghiệp. Ở đây vẫn chưa tính những người học ra mà làm việc không đúng với chuyên môn, ngành nghề đào tạo hoặc làm việc tạm thời. Ba tháng sau, Bản tin thị trường lao động số 2 công bố lao động tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp đã tăng lên 162.000 người. Bản tin thị trường lao động số 3 cho thấy lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp còn 147.000 người. Một số liệu mới chưa từng có trong các bản tin trước cũng được công bố: có tới 750.000 lao động trình độ đại học trở lên đang phải làm những công việc thấp hơn so với trình độ của họ. Điều này tiếp tục khẳng định sự mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động đang diễn ra ngày một trầm trọng. Tín hiệu thay đổi Năm 2012, cơ cấu nhân lực nước ta là 1 đại học, 0,43 trung học chuyên nghiệp, 0,56 công nhân kỹ thuật. Trong khi đó, nghiên cứu từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã chỉ ra cơ cấu đào tạo nhân lực thế giới có tỉ lệ là 1 kỹ sư, 4 trung cấp, 10 công nhân kỹ thuật. Nghiên cứu cụ thể tại Tập đoàn Samsung ở Việt Nam đang bố trí nhân lực theo cơ cấu trong 100 lao động thì: 4,5 kỹ sư - 16,7 trung cấp - 65,8 công nhân kỹ thuật - 13 lao động phổ thông. “Cơ cấu nguồn nhân lực nước ta quá không hợp lý” - ông Nguyễn Ngọc Phi, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội phụ trách về dạy nghề, khẳng định. Chắc chắn sẽ còn nhiều bản tin thị trường lao động nữa được công bố. Những số liệu lao động tốt nghiệp đại học trở lên bị thất nghiệp sẽ tiếp tục xoáy sâu vào sự bất cập của cơ cấu nguồn nhân lực được tạo nên từ hơn chục năm nay nhưng dư luận tiếp tục đặt ra câu hỏi: vậy chính sách đào tạo có thay đổi để điều chỉnh sự không hợp lý đó hay tiếp tục thực hiện như cách đang thực hiện hàng chục năm nay? Nhìn vào số liệu tuyệt đối, năm nay số chỉ tiêu đào tạo đại học đã giảm hơn so với số chỉ tiêu của các năm trước (năm 2012 là 650.000 người). Số học sinh không vào đại học sẽ có thể chọn lựa học hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc học cao đẳng, trung cấp nghề. Điều này mang lại cơ hội điều chỉnh dần cơ cấu nguồn nhân lực vốn đã rất mất cân đối, và sẽ góp phần làm giảm tỉ lệ thất nghiệp của những người có trình độ đại học trở lên nhưng thất nghiệp trong ít nhất là bốn năm tới. Mới đây nhất, ngày 6-9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về đổi mới giáo dục và đào tạo theo định hướng hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo ba cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng được thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu vào đầu ra, chương trình đào tạo. Yêu cầu này đặt hệ thống cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và hệ thống cao đẳng, trung cấp nghề phải có cùng tiêu chí xét tuyển và chương trình đào tạo, tránh việc học sinh đua nhau học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nhưng lại hờ hững với cao đẳng, trung cấp nghề. Thủ tướng cũng chỉ đạo việc bảo đảm liên thông dọc giữa các bậc của giáo dục nghề nghiệp gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng với các bậc của giáo dục đại học gồm đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và bảo đảm liên thông ngang trong cùng một bậc học. Có thể nói đã có tín hiệu điều chỉnh chính sách từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan kể từ khi những thông tin về thất nghiệp trong các bản tin thị trường lao động được công bố. Rõ ràng dù dè dặt nhưng việc công bố các số liệu như vậy đã tác động không nhỏ đến các nhà hoạch định chính sách, và chắc chắn cũng sẽ tác động không nhỏ tới các gia đình khi đứng trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn nghề cho con em mình. Tags: Lao động
Lào - Việt Nam (hiệp 1) 0-0: Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội QUỐC THẮNG 09/12/2024 Dù phải đá trên sân khách nhưng tuyển Việt Nam đang chơi lấn lướt ở những phút đầu tiên và tạo ra khá nhiều cơ hội nguy hiểm trước khung thành của Lào.
Đội hình ra sân tuyển Việt Nam đấu Lào: Quang Hải, Tuấn Hải dự bị NGUYÊN KHÔI 09/12/2024 Quang Hải, Tuấn Hải dự bị trong đội hình tuyển Việt Nam ra sân đấu Lào lúc 20h tối nay 9-12.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng: Sẽ có chính sách vượt trội với cán bộ dôi dư HOÀNG TÁO 09/12/2024 Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho hay sẽ xây dựng chính sách vượt trội để cán bộ dôi dư xin nghỉ, lưu ý không được làm mất cán bộ giỏi.
Đại biểu HĐND TP.HCM nêu ý kiến học sinh nghỉ Tết, tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc THẢO LÊ 09/12/2024 Đại biểu HĐND TP.HCM Phạm Đăng Khoa cho rằng nhiều người dân mong muốn tăng thêm ngày nghỉ Tết để học sinh và phụ huynh có điều kiện về quê ăn Tết.