Lạc giữa hai bờ giới tính...

BS ĐỖ MINH TUẤN 23/05/2010 18:05 GMT+7

TTCT - Không dễ có cái nhìn minh định về đồng tính, ngay cả khi đặt chúng dưới kính hiển vi. Gen, hormon, lệch lạc cấu trúc não, thậm chí tác động tâm lý, môi trường đều có thể nhúng tay tạo tác ở trường hợp này hay trường hợp khác.

Kể từ bài viết đầu tiên “Nếu mẹ tôi không thể chấp nhận sự thật này?” (TTCT số ra ngày 11-4) đến nay, TTCT đã nhận được nhiều bài viết của độc giả hưởng ứng đề tài về giới tính thứ ba. Hầu hết ý kiến đều chia sẻ và đồng tình phải có một cái nhìn bình đẳng, tôn trọng với những người có giới tính thiểu số. TTCT số này khép lại chuyên đề này với câu chuyện của một bác sĩ và một số phản hồi của độc giả về những ý kiến mới nhất.

Phóng to

Nếu mẹ tôi không thể chấp nhận sự thật này?
Tôi sẽ bảo vệ giới tính của con
Hãy cho họ được là chính mình!
Có không người đồng tính vì "tập nhiễm"?
Đồng tính và hòa nhập xã hội - cần nỗ lực từ hai phía

Nhiều người đồng tính chẳng chối được bởi có đến hai cơ quan sinh dục - một dấu chứng rõ ràng của gen. Cũng có lắm người từ đầu đến chân chẳng mảy may gợi lên dấu hiệu “nước đôi”, nhưng rốt cuộc lại thuộc thế giới thứ ba. Cớ sự được quy cho một trục trặc khó hiểu của não bộ. Lại có những người lưỡng tính, nghĩa là tồn tại cùng lúc hai giới tính trong người. Những người này có thể đường hoàng cưới chồng lấy vợ sinh con, nhưng thuận dịp họ sẵn sàng quay về giới tính gốc.

Cần tiếp cận phân minh

Người ta nói nhiều đến tâm lý khác thường của thế giới thứ ba, chẳng hạn cách họ phô trương, hành xử ồn ào, cực đoan. Điều này có phần đúng, bởi họ đang chịu một “hệ điều hành” khác. Nhưng không phải tất cả, bởi phần còn lại từ thần kinh, tuần hoàn đến tiêu hóa của họ đâu có chi dị thường. Do vậy khi nhìn vào những “khó coi” từ họ, ta cần tách bạch đâu là tâm tính trời sinh, đâu là manh mối từ giáo dục, gia đình, xã hội.

Không thiếu những cô cậu chẳng khác thường chút nào nhưng có lắm hành động dị hợm, bốc trời, đâu riêng gì những người giới tính thứ ba! Hiểu như thế sẽ giúp ta dễ dàng có cách tiếp nhận phân minh hơn về thế giới thứ ba: không dè bỉu, coi thường nhưng cũng không nuông chiều, thương hại kiểu bề trên ban phát kẻ… tật nguyền. Người đồng tính dễ bị quy kết này nọ vì hành động của họ thì ít mà vì giới tính của họ thì nhiều.

Thực tế không ít người trong giới tự làm xấu hình ảnh của giới mình. Hằng ngày không khó bắt gặp những hình ảnh nhí nhố, yêu đương vung vít, phát ngôn gây sốc, sinh hoạt lung tung của một bộ phận người đồng tính. Tuy vậy cũng có không ít người đồng tính biết sống bình tĩnh hơn với giới của mình, trong đó có không ít trí thức, doanh nhân, người thành đạt, có địa vị cao trong xã hội. Hầu hết họ chọn cách sống khép mình, không ồn ào, huyên náo, không tung hê, trả đũa ai. Không may phần sáng sủa lại ẩn khuất, trong khi phần ồn ào, khó coi lại rõ mồn một trước mắt dư luận.

Và những kẻ “ăn theo”

Sinh ra đã lắm đa đoan, người đồng tính dưới một góc độ nào đó có lỗi với tự nhiên - không thể sinh sản, có lỗi với xã hội - khác thường, nhưng bản thân họ không có lỗi. Không ai chọn chỗ sinh ra, không ai chọn được hình hài như ý. Đáng lên án là những kẻ bình thường lại sử dụng “thương hiệu” thế giới thứ ba để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Trớ trêu thay, hiện tượng đồng tính còn làm nảy sinh một số vấn đề xã hội “ăn theo”. Đơn cử là hiện tượng phi giới tính, công khai đồng tính, được một số kẻ sử dụng để mua sự nổi tiếng hay “kích hoạt” lại tên tuổi cũ mòn.

Có thể trong số đó có những cuộc “về nguồn” thật, nhưng cũng không ít trường hợp chỉ là màn PR, gây xìcăngđan vụng về. Không ít vị, cha mẹ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh nhưng vì sự nghiệp, tiền tài phải cam lòng. Tệ hơn, nhiều vị vì vụ lợi, thậm chí còn… hãnh diện được khoác lên mình cái mác thế giới thứ ba.

Đây là một hiện tượng không bình thường, nếu không nói gây rối xã hội. Không thể xem là bình thường khi người ta thích được làm kẻ khác thường và dùng sự khác thường như một phương tiện cầu vinh, cầu tài. Với tự nhiên, một thành viên của “bầy đàn” không có khả năng sinh sản là một thành viên bị lỗi. Tự nhiên ưu ái sự hoàn thiện bởi đó là động lực tiến hóa chứ không phải ngược lại.

Với giới đồng tính, liếc một cái cũng rõ đâu là “bóng” thật, đâu là “hàng nhái”. Ngay cả người trần mắt thịt nếu tinh ý cũng không khó nhận ra những màn ỡm ờ gay hay les nhưng vì nhiều lý do, có cả phần của các phương tiện truyền thông, khiến người ta hay dễ dãi với những màn đội lốt này.

Đáng lo là lộn xộn từ thế giới thứ ba lan đến cả giới học trò, tuổi mới lớn. Vài dấu hiệu “pê-đê” mơ hồ nhất cũng đủ giáng đòn sét đánh xuống những cô cậu mới lớn. Trong giai đoạn quá độ của tuổi hoa niên, sự chưa thuần thục của tâm sinh lý rất dễ đẩy các cô cậu chủ đến những suy nghĩ, hành vi bất phân về giới.

Một cậu trai hoảng hồn nhận ra mình đang chết mê chết mệt anh bạn đồng môn mà không biết đó chỉ là một kiểu bằng hữu chiếm hữu rất hay xảy ra trong giới học trò. Rồi cũng chính cậu học trò kia một hôm đẹp trời lại rung động trước một cô bạn xinh đẹp cùng trường, thế là tự khắc “bệnh đồng tính” biến mất. Một số vị tuổi teen còn chơi trò đồng tính như một kiểu nổi loạn hay trả đũa bố mẹ thiếu quan tâm.

Không ít phụ huynh mất ăn mất ngủ vì nhận ra con trai của mình càng lớn càng trắng trẻo, trái ớt bé tẹo, thích chơi búp bê hơn xe tăng, trọng pháo. Những vị khác thì kinh hoàng thấy con gái một hôm đi… tiểu đứng. Không ít người trong số họ bỏ công bỏ sức đưa con đi thăm khám khắp nơi hoặc mạnh tay buộc trẻ “cải tà quy chánh” một cách oan uổng, để rồi sau đó thở phào vỡ lẽ chúng không hề có vấn đề về giới.

Cậu nhóc sau hồi mê búp bê đã chuyển sang làm người hâm mộ loạt phim siêu nhân và biết đánh nhau giành đồ chơi trong trường. Cô bé tiểu đứng thật ra vì tò mò bắt chước hành vi đi nhà vệ sinh của thằng bé nhà bên, khi vào nhà trẻ được cô giáo huấn luyện tự nhiên trở lại tư thế truyền thống.

Sau cùng, đồng tính hay không, ai đó muốn nhận được sự tôn trọng của người khác thì bản thân phải cố gắng tu dưỡng suy nghĩ, hành động của mình. Tự nhiên có thể tạo ra những sản phẩm không giống nhau, nhưng xã hội văn minh luôn có chỗ cho mọi thành viên.

Phản hồi:

Không ai muốn lội ngược dòng chảy của tự nhiên, nếu có cái gọi là số mệnh thì chúng tôi là những người không may có số mệnh rất tồi để sự cô đơn, che giấu, khổ sở giằng xé con tim. Không ai muốn như thế cả. Đồng tính chỉ là một khuynh hướng tình dục, nhưng khuynh hướng ấy lại bị một bộ phận gọi là bệnh hoạn.

Tôi không thích ai gọi chúng tôi là những kẻ bệnh hoạn, vì chúng tôi vẫn đang rất khỏe mạnh và muốn cống hiến cho đời, muốn sống có ích, muốn được yêu thương như bao người bình thường khác. Hạnh phúc thay cho những người bình thường vì họ được sống với cảm giác thực và thế giới thực của mình, nhưng một bộ phận vẫn không biết giữ gìn hạnh phúc ấy. Nếu được lựa chọn để trở về là những con người bình thường như bao người khác, chúng tôi hứa sẽ trân trọng cuộc sống này.

Dù là người rất mạnh mẽ nhưng tôi đã khóc khi đọc bài viết của cô Kim Oanh (TTCT, 16-5) vì thấy mình được nhìn nhận và thấu hiểu. Sống trong vỏ bọc thật bức bối, có những nỗi buồn thật kinh khủng. Tôi không cô đơn nhưng thật sự rất cô độc vì mình thuộc thế giới thứ ba.

Một đứa có ngoại hình giống con trai như tôi nhưng từ nhỏ tôi đã quen thuộc với những lời chọc ghẹo, giễu cợt: pê-đê, bóng lại cái, xăng pha nhớt... Tôi chỉ biết im lặng, phớt lờ và đạp lên dư luận mà sống, cắn răng tự hứa với mình rằng “dù cả thế giới có quay lưng lại với mày thì cũng phải sống cho đàng hoàng và ngẩng cao đầu mà sống!”. Khi vào đại học và đi làm thì những lời bóng gió, xì xầm, những ánh nhìn ái ngại và sự phân biệt đối xử... trở nên quen thuộc. Bởi vì đó là mức chịu đựng sơ đẳng của những thân phận đồng tính.

Ừ thì thân phận và số phận. Một câu hỏi luôn thường trực trong tôi: tương lai rồi sẽ ra sao? Một nỗi đau luôn ẩn giấu khi luôn phải coi người mình yêu thương là bạn và tự bắt mình không được suy nghĩ gì hơn. Và khi hoàn thành hết mọi trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, ngồi trong bóng đêm tôi tự hỏi: mình sống vì cái gì và mình có thể sống như vậy đến bao giờ? Có những giọt nước mắt âm thầm rơi trong đêm tối và tôi tự biết rằng đó không phải là những giọt nước mắt cuối cùng...

Đồng tính không phải là thứ bệnh hoạn và tôi không có lỗi. Vì khi sinh ra tôi không được quyền lựa chọn giới tính cho bản thân. Nhưng liệu rằng sống lương thiện, không làm hại ai phải chăng là chưa đủ? Là con người nhưng hai từ “hạnh phúc” với chúng tôi giống như một thứ xa xỉ. Chẳng lẽ những người như tôi phải sống vật vờ đến hết cuộc đời hay sao? Cái gì cũng có giới hạn của nó và tôi biết sức chịu đựng của mình không phải là vô hạn... Được là chính mình thật sung sướng biết bao!

Lời cuối xin cảm ơn bài viết của cô Kim Oanh, chúc cô và gia đình luôn hạnh phúc.

Con người ta tốt hay xấu không nằm ở xu hướng tình dục của người đó, chỉ đơn giản là người đó xấu hay tốt mà thôi. Liệu có được một mẩu tin nào ngợi khen về người đồng tính (họa may tôi chỉ thấy những tâm sự dạng cảm xót, thương hại mà thôi). Thực tế “họ là bạn bè, là hàng xóm, là người thân trong gia đình của bạn. Họ là cô thợ hớt tóc đầu ngõ, họ là anh bạn chí cốt nối khố từ thuở nhỏ của bạn. Họ là bất kỳ ai” (trích phát biểu của tổng thống Tây Ban Nha).

Người đồng tính sống, hiện diện như một thực tế, một tự nhiên mà không ai có thể chối bỏ được. Nếu một người trong gia đình bạn là người đồng tính, bạn có thể bao dung, thông cảm không? Tôi nghĩ là không.

Vì vậy, trong chằng chéo những mối dây quan hệ đối với người đồng tính, tôi nghĩ gia đình là sợi kẽm gai sắc nhọn nhất người đồng tính cần phải vượt qua. Chương trình giáo dục phổ thông hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này, khiến bao người đồng tính trẻ, mới lớn bối rối, không biết tìm hiểu về chính mình ở đâu...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận