Làm đẹp là một nết hay!

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 17/05/2009 06:05 GMT+7

TTCT - Câu chuyện Susan Boyle thay đổi ngoại hình (Bề ngoài quan trọng! -TTCT 10-5-2009) đã thu hút nhiều phản hồi của bạn đọc xoay quanh quan điểm “Cái nết và cái đẹp, cái nào là quan trọng trong một con người?”.

Susan Boyle và sự khát thèm mộc mạc
Ngỡ ngàng Susan Boyle
Bề ngoài quan trọng!
Susan Boyle bắt đầu chỉnh sửa nhan sắc

Phóng to
Tài năng nước Anh Susan Boyle sau khi thay đổi vẻ bề ngoài. Ảnh chụp trước tư gia của bà tại Blackburn, Scotland vào ngày 24-4-2009 - Ảnh: Daylife

* Đình chiến với cái đẹp

Ai cũng yêu cái đẹp nhưng cứ trưng cái đẹp ra là ta phán xét, như thể nó là cái gì có hạnh kiểm xấu. Lịch sử cho thấy đàn bà đẹp quá có khi bị kết án là quỷ Satan chỉ vì cái đẹp của họ vừa khơi gợi cảm hứng nghệ thuật, cũng lại là rắc rối cho bao nhiêu tham vọng. Ít nhất thì cái đẹp cũng bị lợi dụng, hàng tá mỹ nhân bị vu là hồ ly tinh chỉ vì các đế vương say mê các nàng làm mất nước.

Còn cái nết? Nết thật ra nói chữ là “công, dung, ngôn, hạnh”. Mà “dung” là cái đẹp hình thức đấy thôi. Hướng tới cái đẹp cũng là bản năng tiến hóa của sinh vật, vì thế phản ứng phán xét cái đẹp của chúng ta vừa là góc nhìn ảnh hưởng tôn giáo về “tội lỗi căn bản” trong lịch sử loài người, vừa biểu lộ nỗi bất an về sự mong manh của cái đẹp.

Một nữ thí sinh nhiều tuổi, kém nhan sắc nhưng có giọng hát khá, nổi lên như hiện tượng từ cuộc thi tài năng âm nhạc phổ thông, chỉ vì sự tương phản giữa hình thức của cô với khuôn mẫu của nghề giải trí. Khi cô quyết định nâng cấp ngoại hình thì dư luận lo rằng dường như cô đang từ bỏ vũ khí “tương phản” để đua tranh tại nơi đầy rẫy những ca sĩ xinh đẹp hát hay. Câu chuyện đầy tính ngụ ngôn trên cũng như vô vàn chuyện Lọ Lem khác cho thấy nỗi lo sợ về bản sắc, cá tính của con người bị đánh mất trong thời đại đầy những biến đổi khó lường. Chàng trai xưa sợ “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” là sợ một cái đẹp mới làm biến dạng cái duyên tốt đẹp anh ta vẫn tin chắc là đúng.

Con người lúc nào cũng có nhu cầu hoàn thiện, truyền thông lúc nào cũng trưng ra cái đẹp nhất để khẳng định cuộc sống hiện hữu là hoàn hảo. Vậy thì nhọc công phân định cái nết với cái đẹp, cái nào chết trước mà làm gì. Làm cho mình đẹp hơn là một cái nết tự ý thức được về giá trị của mình, như thế là yêu cuộc sống quá còn gì!

* “Gỗ” và “nước sơn”

Nhiều người sốc với ngoại hình mới của Susan Boyle. Tôi thì cho rằng việc Susan đi “tút” nhan sắc là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận, mặc dù trước đó cô đã tuyên bố hài lòng với vẻ ngoài của mình.

Có vẻ như mọi người đã ích kỷ, họ không muốn bị thay đổi ấn tượng ban đầu về Susan, muốn cô mãi mãi là một “món ăn lạ”, mãi là niềm động viên cho những người có ngoại hình bình thường, thậm chí xấu xí.

Tôi nghĩ người ta nên đầu tư cho vẻ bề ngoài của mình để rút ngắn khoảng cách và thời gian người khác hiểu được “chất” của chúng ta. Tất nhiên, vẻ bề ngoài chỉ là ngắn hạn, bề nổi. Còn cái chất bên trong mới là điều giữ người khác ở lại bên chúng ta.

Vẫn biết rằng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Nhưng giả sử gỗ đã tốt rồi nhưng nước sơn không đẹp mắt thì gỗ kia sẽ ít được chú ý, đấy là chưa kể nó có thể bị mối mọt vì không có nước sơn bảo vệ.

Theo tôi, tốt nhất là có sự hài hòa giữa vẻ bên ngoài và bên trong. Vẻ bên ngoài không phải là yếu tố quyết định nhưng đóng vai trò bổ trợ, nói lên vẻ đẹp bên trong. Vẻ bên ngoài của một người cũng là thông điệp ngầm mà người ấy muốn truyền đi với thế giới về bản thân mình. Do vậy, vẻ bên ngoài nên hòa hợp, không đối lập với con người bên trong để không tạo ra ấn tượng sai lệch cho người khác về chúng ta.

* Thật bất công nếu ta muốn Susan cứ xấu mãi!

Sau khi nghe Susan Boyle hát, hẳn không ai muốn thấy cô rập theo phong cách của một ca sĩ thời thượng nào, nhưng cũng thật bất công nếu như ta muốn cô cứ xấu mãi. Susan có quyền cải thiện ngoại hình của mình vì đó là một nhu cầu bình thường của mọi phụ nữ bình thường, miễn là cô vẫn tiếp tục hát hay và hay hát như từ trước tới nay.

Tuy nhiên sự lo lắng về ngoại hình mới của Susan Boyle không phải không có lý vì lần xuất hiện tới của cô đã mất đi yếu tố bất ngờ nên tính hấp dẫn cũng sẽ giảm. Hơn thế nữa, khi thói quen xem trọng yếu tố “nhìn” đã ăn sâu vào tâm trí mọi người thì một ca sĩ có hình thức càng không giống ai càng dễ thu hút sự chú ý của khán giả.

Có thể Susan Boyle sẽ là người thắng cuộc thi, có thể không, nhưng đối với không ít người thì Susan không cần tới đêm 30-5 mới thành người thắng cuộc. Cô đã thắng, trước hết là những mặc cảm tự ti về bản thân để đến với cuộc thi, cô đã thắng định kiến thông thường lâu nay là những người có ngoại hình kém thì hay bị thiệt thòi, cô chứng tỏ là thế giới luôn có chỗ đứng cho những tài năng thực thụ. Quan trọng hơn hết là Susan Boyle đã cho hàng triệu người chứng kiến nỗ lực của một người bình thường vượt qua mọi khó khăn để thực hiện hoài bão của mình, một chuyện mà không phải ai cũng làm được. Và như thế, cho dù cô có đoạt giải hay không, có thay đổi ngoại hình thế nào thì cũng chẳng có gì là quan trọng.

* Đẹp hơn là hướng đến chân - thiện - mỹ

Để khám phá được gỗ tốt người ta vẫn phải vượt qua lớp sơn bên ngoài. Tài năng, vẻ đẹp bên trong dù có là vĩnh cửu thì vẫn cần thời gian để người đối diện khám phá, thấu hiểu.

Nói như vậy để thấy rằng trong thời đại ngày nay, con người ai cũng cần hoàn thiện mình về mọi mặt. Rèn luyện tri thức, đạo đức, tài năng đấy là chuyện đương nhiên, nhưng đồng thời nên xây dựng cho mình một vẻ ngoài dễ nhìn, không gây phản cảm.

Tuy nhiên cũng cần hiểu hình thức bên ngoài theo nghĩa rộng hơn. Đó không hẳn là gương mặt đẹp, thân hình cân đối, thời trang... mà là lối ăn mặc đứng đắn, tươm tất, sạch sẽ. Vì vậy ai cũng có thể hoàn thiện bề ngoài của mình một cách tích cực theo nghĩa đó.

Hình thức bên ngoài còn là cách đi đứng, nói năng. Một cô gái dù có cá tính, ăn mặc thời trang đến đâu nhưng nói chuyện cộc cằn, đanh đá... cũng chẳng lấy được thiện cảm từ bất kỳ anh chàng nào.

Cái đẹp muôn đời không thể đánh chết cái nết. Nhưng ở mỗi thời đại sự tương quan lực lượng “đẹp - nết” sẽ khác nhau, cũng như khái niệm về chúng sẽ linh hoạt thay đổi. Vì thế đòi hỏi con người cần phấn đấu thật nhiều để hoàn thiện bản thân mình.

Do đó tôi vẫn ủng hộ Susan Boyle, hay bất kỳ ai, phấn đấu đẹp hơn để có thể chinh phục thế giới. Đó cũng chính là hướng đến chân - thiện - mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận