Lê Cao Cường: Gương mặt lạ của làng bóng Việt

HUY ĐĂNG - HOÀNG TÙNG 22/10/2022 04:43 GMT+7

TTCT - Tốt nghiệp cử nhân ở ĐH Murdoch (Perth, Úc) rồi lấy bằng thạc sĩ ở ĐH Edith Cowan, bản CV đầy vẻ hàn lâm ấy hóa ra lại thuộc về một chàng trai chọn con đường banh bóng.

Một vị cựu hiệu trưởng Trường Việt Úc (trường công lập ở TP.HCM) cho chúng tôi xem những lời chúc trên trang nội bộ trường này dành cho một cựu học sinh của trường đang là HLV thể lực cho các đội tuyển bóng đá trẻ U19, U20 và U23 Việt Nam. 

Đó là Lê Cao Cường, năm nay 27 tuổi, người đã có kinh nghiệm 4 năm làm việc tại các trung tâm bóng đá trẻ PVF, Viettel và các đội tuyển trẻ.

Lê Cao Cường: Gương mặt lạ của làng bóng Việt - Ảnh 1.

Lê Cao Cường (áo xanh) đang huấn luyện thể lực cho U23 VN. Ảnh: Hoàng Tùng

Chỉ vì tò mò

Chúng tôi gọi Cường là "thanh gươm" lạ, bởi trong làng bóng VN, xưa nay giới HLV thường là dân cựu cầu thủ hoặc học đại học thể dục thể thao trong nước, chứ hiếm người là dân "ngoại đạo" rồi du học tự túc sau khi tốt nghiệp cấp 3 để về hành nghề huấn luyện. 

Thể thao đỉnh cao VN nói chung, và bóng đá nói riêng, thường chuộng dân cựu trào với quan niệm "kinh nghiệm quan trọng hơn chuyên môn". Lại nữa, chả mấy ai chịu bỏ ra cả đống tiền để du học ngành thể thao, thay vì kinh tế, tài chánh, marketing, công nghệ thông tin… Vì vậy, Lê Cao Cường thật khác lạ!

"Từ hồi nhỏ tôi thích chơi thể thao, thích đá bóng và nhiều môn khác. Từ thích chơi cho tới thích tìm hiểu. Gặp ai tôi cũng hỏi rất nhiều về thể thao, về những thứ thật chi tiết. Nhưng có cảm giác mình không bao giờ tìm ra được câu trả lời tốt từ những người xung quanh, kể cả là người có chuyên môn. Vì vậy tôi vẫn cứ tò mò, hay hỏi về môn thể thao mình thích chơi, muốn được hiểu thật sâu về nó", Cường kể.

Hành trang quan trọng nhất của anh có lẽ chính là niềm đam mê và sự tò mò đó. Chưa từng trải qua trường lớp đào tạo bóng đá bài bản nào, cũng không hề là dân "đá phủi", học xong cấp 3, chàng trai Sài Gòn tự lựa chọn con đường khoa học thể thao. 

Trái với nguyện vọng muốn con làm bác sĩ của cha mẹ anh, Cường khăn gói sang Úc du học ngành khoa học thể thao ở ĐH Murdoch, rồi lấy bằng thạc sĩ.

Chân ướt chân ráo vào đường thể thao, nhưng Cường bắt nhịp rất nhanh. Khi đang học thạc sĩ, Cường về VN thực hiện luận án tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Viettel với đề tài về phương pháp rèn luyện thể lực cường độ cao theo vị trí trên sân dành cho cầu thủ trẻ. Luận án này của anh được đăng trên tạp chí Journal of Strength & Conditioning Research (JSCR) của Mỹ.

Khi còn chưa học xong, anh đã được lò Viettel ký hợp đồng. Sự nghiệp huấn luyện bóng đá của Cường bắt đầu từ đó. Sau Viettel, Cường chuyển sang PVF, một lò đào tạo nổi danh khác của bóng đá Việt, và đảm nhiệm chức trưởng phòng thể lực và khoa học thể thao. 

Anh đồng thời giữ vai trò HLV thể lực cho các đội tuyển trẻ VN qua nhiều giải đấu lớn. Cường còn lập trang web vietsportscience.com với nhiều bài viết chất lượng xoay quanh những chủ đề phát triển thể chất - công việc phục vụ cho những người hâm mộ cũng có tính ưa tìm hiểu như Cường 10 năm trước.

Ngôn ngữ khoa học - ngôn ngữ bóng đá

Có kiến thức, có đam mê, nhưng cái mà Lê Cao Cường thiếu là một lý lịch bóng đá chuyên nghiệp đủ sức thuyết phục, để những lời nói của anh có trọng lượng hơn. Thêm vào đó, diễn giải những lý thuyết chuyên sâu về bóng đá không hề dễ dàng.

"Có nhiều từ chuyên ngành mất thời gian để giải nghĩa. Ví dụ như "conditioning" mà tiếng Việt mọi người hay gọi là thể lực, tới giờ tôi cũng chưa biết nên gọi là gì và cứ tạm gọi là thể lực thôi [conditioning, theo định nghĩa của Hiệp hội Bác sĩ gia đình Mỹ, là "tiến trình tạo ra các kích thích qua một chương trình tập luyện để đạt được mức độ hoạt động cao hơn với mục tiêu là tối ưu hóa thành tích của vận động viên, đồng thời tối thiểu hóa rủi ro chấn thương", có thể tạm dịch "huấn luyện thể lực tối ưu" - BTV]. Còn những từ khác như explosive power - sức mạnh bùng nổ. Ở Việt Nam, khi nói về sức mạnh, thường mọi người chỉ nói tới sức mạnh cơ bắp. Nhưng thực ra có nhiều dạng sức mạnh.

Như "explosive power" là sức mạnh bùng nổ, tức là bao nhiêu lực phát ra trong thời gian ngắn nhất. "Lúc đầu về tôi nói tới sức mạnh bùng nổ, không ai biết đó là gì. Nghe nó hơi kỳ kỳ. Sau này, tôi mới biết dân thể thao VN hay dùng là "sức mạnh bộc phát"", Cường nói. Là dân khoa học nhưng dần dà chàng thạc sĩ từ Úc cũng dần tập được cách trò chuyện với các HLV và cầu thủ bằng "ngôn ngữ bóng đá".

"Ví dụ như có một từ mà ban đầu tôi không hiểu là gì, nhưng nghe nhiều HLV hay nói, là "hơi", để nói cầu thủ này có hơi hay không có hơi. Từ này dùng để nói về nhịp độ thi đấu. Tức một cầu thủ có sức bền, sức khỏe tốt nhưng chỉ tập chay thôi thì khi vào thi đấu vẫn bị ngộp, anh ta đang không có thể lực chuyên môn, không theo được nhịp độ trận đấu", Cường chia sẻ thêm về những "bất đồng ngôn ngữ" khi mang kiến thức phương Tây về áp dụng tại VN.

Cường thú nhận anh gặp nhiều may mắn bởi môi trường bóng đá trẻ VN lúc này đã được tạo nhiều điều kiện để những người nắm rõ chuyên môn làm việc, dù sự thiếu thốn những nhân tố giàu chuyên môn vẫn là thực trạng khó thay đổi ngày một ngày hai.

"Các đội bóng và các trung tâm đào tạo trẻ thiếu những vị trí chuyên môn phát triển thể chất dài hạn. Phải có những HLV chuyên môn riêng biệt về thể lực thì mới thấy được chi tiết, nói ví dụ, ở độ tuổi đó cần cải thiện gì, đang thiếu những gì, cần tập những gì… Như một tuyển thủ quốc gia ở độ tuổi trưởng thành rồi mà còn chưa biết cách sử dụng lực hông, cách kích hoạt cơ mông, cơ đùi sau… thì tôi nghĩ rất là khó. Có nhiều vấn đề chuyên sâu mà mọi người không thể nhìn thấy, ngoại trừ các HLV thể lực", Cường nói. ■

Ta chưa chắc yếu hơn Tây!

"Một thông tin vui tôi nhận ra sau khi so sánh rất nhiều số liệu thể lực của cầu thủ VN và các học viện ở Giải Ngoại hạng Anh là so với cầu thủ ở Anh, sức mạnh tối đa của cầu thủ VN kém hơn, nhưng nếu nói về "pound for pound", hay sức mạnh tương đối, thì chưa chắc mình đã thua các cầu thủ to lớn phương Tây. Thực tế trên sân, điều đó có nghĩa là nếu va chạm với nhau, một cầu thủ VN điển hình sẽ thua một cầu thủ phương Tây; nhưng khi ngã, cầu thủ VN có xu hướng đứng dậy nhanh hơn, xoay trở và kiểm soát cơ thể trong không gian hẹp tốt hơn. Ngoài ra, xét về tốc độ trong cự ly dài, mình không thể so với người phương Tây, nhưng tốc độ đoạn ngắn thì hoàn toàn có thể so được. Tương tự về mặt xoay trở và sức bền. Điều này có nhiều ý nghĩa về việc chọn lối chơi phù hợp", Cường nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận