Lịch sử công nhận một nhà nước

SÁNG ÁNH 02/06/2024 10:00 GMT+7

TTCT - Cuộc đấu tranh để được công nhận của nhân dân Palestine đã kéo dài từ khi lập quốc, và sự ủng hộ dành cho họ đang là xu hướng chung của thế giới.

Biểu tình ủng hộ Palestine ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Biểu tình ủng hộ Palestine ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Ngày 28-5 vừa rồi, thêm ba nước châu Âu công nhận quốc gia Palestine là Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy, nâng số các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận Palestine lên 145 (trên tổng số 193). 

Nếu chỉ kể Âu châu thuộc khối EU thì 3 nước đó cũng không phải những nước đầu tiên. 

Năm 1988, khi chủ tịch Yasser Arafat tuyên bố Nhà nước Palestine độc lập trên lãnh thổ được quốc tế công nhận năm 1967 (Bờ Tây, Gaza, Đông Jerusalem), đã có một số nước giờ thuộc EU nhưng lúc đó thuộc khối Liên Xô ủng hộ: Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania cũng như (các nước ngoài khối Liên Xô) Cyprus và Malta.

Năm 2011, Palestine được Iceland công nhận và năm 2014 là Thụy Điển. Ba nước mới đây cũng chẳng phải những nước EU cuối cùng. Slovenia đã lên lịch công nhận vào ngày 12-6. Bồ Đào Nha, Bỉ, và Luxemburg đã suy nghĩ và ngay cả Pháp cũng không loại trừ.

Đủ mọi sắc thái

Việc công nhận Nhà nước Palestine không chỉ là quyết định ở lãnh vực ngoại giao, thương mại, kinh tế hay quân sự, hoặc ảnh hưởng của khối này khối nọ o ép trên trường quốc tế. Nó còn tùy thuộc vào chuyện trong nhà. 

Pháp chẳng hạn, có 1% dân số gốc Do Thái thôi, và tại Bỉ chỉ là 0,3%, nhưng ảnh hưởng của số nhỏ này rất mạnh trong dư luận và quần chúng. 

Số Hồi giáo tại hai nước này tuy là 4-5%, nhưng quyền lực thì thấp. Khổ nỗi, khi bầu bán thì lá phiếu của họ cũng như mọi người, cho nên vào lúc đó họ cũng có tiếng nói.

Việc công nhận chính thức một quốc gia có thể ví như cuộc tình tay ba. Một nước có thể chỉ công nhận Israel thôi, và con số đó hiện là 47/193. Một chồng một vợ, không sợ Palestine. 

Nhưng cũng có thể ngược lại, tức chỉ công nhận Palestine và không công nhận Israel. Con số đó hiện là 28 nước. Đại đa số các quốc gia trên thế giới công nhận cả hai.

Nhưng "công nhận" là sao? Công nhận chỉ là công nhận, nó là một tờ giấy như giá thú và không phản ánh được thực chất quan hệ giữa hai hay là ba bên. Ta có thể công nhận Israel, hay Palestine, hay cả hai, nhưng lại không có quan hệ ngoại giao với cả hai nước.

Thường thì vì các nước nhỏ ở xa, không có phương tiện lẫn nhu cầu nên công nhận mà không trao đổi sứ bộ. Có nước không công nhận, không có quan hệ ngoại giao, nhưng có quan hệ thương mại ra mặt (như Morocco với Israel).

Rồi công nhận thì vẫn có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao. Năm 2023, trước thảm cảnh Gaza, các nước Mỹ Latin Bolivia, Belize, Colombia, Chile, và Honduras đã lần lượt trục xuất đại sứ Israel. Nói thế để thấy những việc thế này có đủ loại sắc thái. 

Sau cơn mưa trời lại sáng, hoặc vùng vằng trên cầu khi chia tay, hoặc sang sông rũ áo, nhưng còn nhìn lại hay quay lưng dấm dứ, cái gì cũng có cả.

Ảnh: The Times of Israel

Ảnh: The Times of Israel

Lebanon là một thí dụ điển hình. Quốc gia này về mặt văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, lịch sử... gần gũi và thân thiết nhất với Palestine trong mấy nghìn năm. Lebanon chưa bao giờ công nhận Israel. 

Khi khách nhập cảnh Lebanon, công an mất mấy phút dò xem trên sổ thông hành có con dấu Israel không. Nếu có dấu nhập Israel hay dấu xuất ở cửa khẩu đường bộ giữa Ai Cập hay Jordan với Israel, khách sẽ không được nhập cảnh Lebanon. 

Về mặt kỹ thuật, Lebanon vẫn ở trong tình trạng chiến tranh với Israel từ 1948 vì chưa có hiệp ước hòa bình, mà chỉ có ngưng bắn. Vậy khi ông Arafat tuyên bố độc lập năm 1988 thì Lebanon ở trong khối 83 nước đầu tiên công nhận Palestine ư? 

Không hề, Lebanon công nhận Nhà nước Palestine sau mọi người 20 năm, tức vào năm 2008! Tại sao lại vậy? Tôi không công nhận Israel, nhưng giữa tôi và Palestine có những chuyện mùng mền gì đó, và đời chẳng có gì trắng đen đơn giản cả.

Lịch sử một cuộc tranh chấp đất đai

Trước Thế chiến I, Palestine là một quận thuộc Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khi đế quốc này tan rã, quận Palestine về tay Anh quốc. Nước Anh lúc đó siêu cường số 1 thế giới. Năm 1915 họ hứa với người Ả Rập là theo họ chống Thổ sẽ được độc lập. 

Năm 1916, họ đồng ý với Pháp rằng ông tôi chia đôi khu vực, phần lớn Palestine và Jerusalem sẽ nằm dưới quản lý quốc tế. 

Sang tới 1917, ngoại trưởng Balfour lại hứa với phong trào Zion chủ nghĩa (lập quốc Do Thái) là sẽ dành Palestine cho Nhà nước Do Thái. Đây là kiểu đất không sổ đỏ sổ hồng, nhưng Anh trong 3 năm đã hứa 3 kiểu khác nhau với 3 người, không dẫn tới tranh chấp mới lạ!

Dân số Do Thái tại Palestine lúc đó chỉ là 9%. Sau Thế chiến I, Anh bèn cho phong trào Zion mọi dễ dãi để di dân Do Thái sang đó lập trại. 

Năm 1935, dân số Do Thái nhờ vậy lên đến 27%. Năm 1947, nghị quyết 181 của LHQ chia Palestine thành hai quốc gia độc lập. Israel với 1/3 dân số và đang sở hữu 7% đất đai được chia 56% lãnh thổ.

Palestine, với 2/3 dân số sẽ được 42% lãnh thổ. Jerusalem và 2% còn lại sẽ thuộc quyền quản lý quốc tế.

Nghị quyết 181 ngày 29-11-1947 trước Đại hội đồng được 33 phiếu thuận, 13 chống và 10 vắng mặt. Một số nước bị mua chuộc công khai, như Haiti là 5 triệu USD. 

Một số khác bị ép uổng, như Liberia bé bỏng, hay đại sứ Philippines tuyên bố chống thì bị triệu hồi. Đại sứ Ấn Độ (em gái thủ tướng Nehru) bị đe dọa tính mạng. 

Siam (Thái Lan) ngày 25-11 chống bản nháp thì sang 29 bị treo phiếu vì lý do bất hợp lệ. Pháp toan chống, thì bị dọa là Mỹ sẽ không cho mượn tiền, bèn đổi ý.

Ảnh: Al Jazeera

Ảnh: Al Jazeera

Nghị quyết 181 nhờ thế được thông qua và ngày nay ta biết lãnh tụ Do Thái Ben Gurion chỉ chấp nhận bước đầu lập quốc này để có thế lấn hết lãnh thổ về sau. 

Phía Palestine, lúc đó là một liên minh lủng củng thì không chấp nhận. Lý do dễ hiểu là đất nước họ thì tại sao lại phải chia với ai. Thế là đánh nhau. 

Phe Israel giết một số thường dân (13.000 người) và trục xuất 750.000 người Ả Rập, phá sạch 530 làng để giữ đa số dân Do Thái trên lãnh thổ Israel mới thành lập. Đây là nền tảng 76 năm của tranh chấp, chứ không phải tự nhiên có chuyện Gaza 7-10-2023.

Ngày càng nhiều nước công nhận Palestine

Ngưng bắn năm 1949 đại khái dựa trên đường phân chia của nghị quyết 181. Tuy nhiên, vì không có Nhà nước Palestine, nên Dải Gaza do Ai Cập quản lý và Bờ Tây với phần đông Jerusalem do Vương quốc Jordan. 

Nên nhớ đó là năm 1949, và đa phần thế giới, kể cả Đông Dương và Trung Quốc, còn trong kềm tỏa và kiểm soát của Tây phương. Cái gọi là "Khối Ả Rập" là tập hợp lỉnh kỉnh các nước còn ở tình trạng bán thuộc địa và quân chủ.

Trong chiến tranh 1967 sau đó, Israel chiếm được toàn bộ Bờ Tây, Jerusalem, và Dải Gaza. Ba khu vực đó được quốc tế và Israel gọi là "Lãnh thổ chiếm đóng". 

Đó là căn bản lãnh thổ của giải pháp "hai nhà nước". Trước khi có một nhà nước Palestine, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã được nhiều nước công nhận và tại LHQ có quy chế quan sát viên từ 1974. 

Ngày 15-11-1974, PLO, lúc đó lưu vong ở Algeria, tuyên bố Palestine độc lập khi chưa kiểm soát được một mét lãnh thổ nào. Nội trong năm 1988, quốc gia Palestine này được 82 quốc gia công nhận (Việt Nam công nhận vào ngày 19-11). 

Nhưng phải đợi đến 1994 mới có một "Nhà chức trách Palestine" (Palestinian Authority) hoạt động tại Gaza và Bờ Tây, sau Hiệp ước Oslo.

Ảnh: Foreign Policy

Ảnh: Foreign Policy

Nhà nước Palestine hiện thời, dưới nhiều hình thức khác nhau, "cơ quan đại diện" hay "tổ công tác", đã có mặt tại nhiều nước Âu châu, tuy chưa mang danh chính thức "đại sứ quán". 

Đến 2011 là một bước tiến lớn, Tổ chức văn hóa của LHQ UNESCO chính thức nhận quốc gia Palestine là thành viên. Chính quyền Mỹ của Obama làm áp lực, ngưng đóng tiền quỹ cho UNESCO năm 2011 và cùng Israel giã từ tổ chức năm 2017. 

Chuyện này đã có tiền lệ năm 1974 khi UNESCO công nhận PLO, Mỹ (tổng thống Ford) cũng đã giam tiền.

Nhưng thế không hiệu quả, sang 2012, LHQ nhận nhà nước Palestine là quan sát viên và tổng số quốc gia công nhận Palestine năm đó đã là 132. 

Một "quốc gia" đặc biệt không phải thành viên LHQ cũng công nhận Palestine vào năm 2013 là Tòa thánh Vatican. Tháng 5-2014, Giáo hoàng Francis sang thăm Đất thánh và như vậy viếng cả hai nước Palestine và Israel.■

Tháng 4-2024, về chuyện gia nhập LHQ của Palestine, Hội đồng Bảo an bỏ 12 phiếu thuận, 2 phiếu vắng mặt (Thụy Sĩ và Anh) và 1 phiếu chống duy nhất nhưng lại có quyền phủ quyết của Mỹ.

Sang tháng 5, Đại hội đồng lại bỏ phiếu về việc này với 143 thuận, 25 vắng mặt và 9 chống. Chừng nào Hoa Kỳ còn có quyền phủ quyết, thì chuyện này vẫn chẳng đi tới đâu.

Dẫu vậy, quyết định công nhận Nhà nước Palestine bởi 3 nước châu Âu nói trên là xu hướng hiện giờ, khi Israel ngày càng bị cô lập từ khi xảy ra chiến cuộc Gaza.

Dư luận Tây phương, gồm cả truyền thông và chính quyền, cũng đang thay đổi trước thảm cảnh của dân tộc Palestine.

Tuy không thấy mấy ai nói đến, nhưng mới có thêm 4 thành viên LHQ, là 4 đảo quốc tại vùng Caribe vừa công nhận quốc gia Palestine: Barbados (19-4), Jamaica (22-4), Trinidad & Tobago (2-5) và Bahamas (7-5).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận