TTCT - Chuyện bắt đầu vào buổi sáng sớm, có hai câu chuyện xảy ra đồng thời tưởng như chẳng liên quan gì nhưng chuyện này lại trở thành không thể thiếu của chuyện kia. Phóng to Tranh: Hoàng Tường Chuyện thứ nhất là việc thằng Tèo được nhận lương tháng đầu tiên trong cuộc đời, những một triệu rưỡi đồng chẵn. Buổi sáng bà chủ tiệm sắt kiêm luôn chủ nhà lộn cái túi vải trong lưng quần ra kêu Tèo lại tao biểu, tao cho mày tiền công tháng này. Nghe ngộ, tiền công mà nói là cho, công này thằng Tèo cày cả tháng trời, mong ngóng đến từng giờ mà nay bà chủ nói giọng bố thí cho người nghèo. Nhưng thây kệ, một triệu rưỡi toàn tiền polymer đã ngay ngắn trong tay Tèo. Việc đầu tiên khi có tiền công trong túi là nó cho mình quyền tự thưởng trong khả năng, mà điều này thì chỉ có quán hủ tiếu của bà Năm già là đáp ứng được. Chuyện thứ hai là mụ cho vay trả góp ở đầu phố xộc vào hàng hủ tiếu mới bày của bà Năm đòi tiền đã ba ngày nay bà chưa chịu góp. Ba ngày là một trăm năm chục ngàn đồng, nội trong ngày phải có. Khổ nỗi, thời buổi vàng giá đã lên đến gần năm triệu đồng một chỉ bé cỏn con nhưng hủ tiếu vẫn bán tô năm ngàn thì hỏi nội trong ngày làm sao bà chủ quán nghèo có thể kiếm cho nổi. Mấy bữa trước bà Năm xin thiếu để góp dồn nhưng đến lúc này cũng chưa thấy le lói lối thoát cho cái tình huống nan giải mà chắc là buộc phải xử lý dứt điểm trong ngày này. Dân tình bạc, lúc không tiền thì nó đến quán bà Năm ăn thiếu, lúc ít tiền thì đến ăn năm ngàn, mười ngàn, lúc có nhiều tiền đố đứa nào đến kêu tô hủ tiếu hai chục ngàn bao giờ. Tụi nó đi chỗ khác oai hơn, hoành tráng hơn. Thằng Tèo đến gốc cây bàng, thủ phủ ăn sáng của cả xóm, gọi tô hủ tiếu hai mươi ngàn đồng gây sốc cho hết thảy đám người đang xì xụp cắm mặt vào tô. Mà trả tiền trước khi ăn hẳn hoi, để cho bà Năm và thiên hạ khỏi ngờ vực về độ chính xác của thông tin. Nó nhớ trong cái xấp tiền kênh kênh hết thảy là polymer trong túi thì tờ hai chục ngàn vốn sót lại của nó nằm ở bên trên, còn lại là giấy một trăm. Vậy nên chẳng thèm nhìn, nó đứng thõng chìa đồng tiền trả cho bà Năm, còn thông báo rõ “con trả tiền bà nè”. Cũng chẳng thèm nhìn, bà Năm nhận đồng tiền thảy ngay vào cái miệng giỏ đệm mở toang hoác đặt ở dưới chân bởi bà còn lu bù lắm. Và sau đó thì thằng Tèo no nê, sung sướng với tô hủ tiếu đặc biệt của mình. Lúc đã ấm bụng, thằng Tèo về cái phản gỗ nằm chỏng quèo giở tiền ra đếm. Đời, sướng nhất là đếm tiền, nghe đồng polymer sột soạt, để cái cạnh sắc bén của nó cứa cứa vào tay. Đặc biệt trong một buổi sáng ăn no, ăn ngon như vầy thì cái thú đếm tiền nó sướng lên gấp bội. Tiền này sẽ được phân ra làm ba phần: phần cho má và phần cho lũ em ở quê, còn phần nhỏ cho mình. Nhưng nó chợt sững lại: một, hai, ba, bốn... chỉ có mười bốn đồng, còn một đồng nữa đâu. Nãy giờ có đi đâu, làm gì đụng đến tiền ngoài đến chỗ bà Năm. Hay là đưa dư cho bả, hồi nãy nó nhớ mình đưa mà không thèm dòm nhưng nếu dư thì bà Năm đã trả lại rồi. Nó lại lộn ngược các túi, kéo ra kéo vô muốn rách mấy cái túi quần, túi áo mục. Cũng vào lúc đó, quán tạm vắng khách, bà Năm làm cái công việc kiểm tiền thì phát hiện ra đồng tiền dư của thằng Tèo. Cũng ngay lập tức bà biết nó là của ai, bà cười thầm nhặt riêng bỏ vào túi áo để sẵn sàng trả về cho chủ nhân của nó. Nhưng ma xui quỷ khiến thế nào, mặt bà Năm bỗng đanh lại. Tiền vào tay quan là của quan, bà Năm lại đang cần tiền trả nợ chiều nay, đúng là gặp lúc. Thôi cứ cầm của nó rồi tìm cách bù lại cho nó sau cũng được, bà sẽ không để thằng Tèo chịu thiệt. Và bà cầm đồng tiền đi vào nhà, cẩn thận nhét vào trong gối. Hoàn thành một phi vụ trọng đại, bà ra vị trí quen thuộc của mình... Bà Năm vẫn bán hàng đấy nhưng xem ra đôi bàn tay với những ngón xương xẩu lòng khòng ra chiều run run. Bà tiếp chuyện khách nhưng nghe ra nhạt phèo, sượng trân. Cái đồng tiền polymer màu xanh như đập vào mặt, xốn hai con mắt. Thôi trả thằng Tèo cho yên chuyện, cái thằng ốm tong, người ngợm thấy là biết khổ từ thời trứng gặp tinh trùng, tham của nó mà làm gì. Nhưng con quỷ trong người bà Năm cũng ghê gớm không kém: cái thằng đó tướng ngó nghèo lâu rồi, nay mất trăm ngàn đã sao. Không tự đấu tranh được, bà Năm dùng những công cụ kiếm sống của mình để ngồi nhẩm “trả” hay “không trả”. Bà đếm chồng tô sạch còn lại: trả, không trả, trả... cái cuối cùng rơi vào không trả. Bà nhẩm bó đũa còn lại, đương nhiên là đũa trùng với tô vì bà có nhiều vốn đâu mà sắm cho nhiều đũa để làm kiểng. Bà nhẩm ghế, nhẩm bàn, nhẩm đầu khách đang ngồi ăn hủ tiếu... tất cả dường như bị con quỷ nào đó nhập vào hay sao mà đều cho kết quả không trả. Quái lạ, nhất trí cao vầy thì đồng tiền thuộc bà Năm là chính đáng rồi. Mà bà có chôm chỉa gì của nó đâu, nó đưa cho bà chứ bộ; nó lại đang có nhiều tiền, nhiều hơn bà rất nhiều, mẻ đi một miếng đã sao. Nhưng ông thiện trong lòng bà cũng không kém lý lẽ: Bà già rồi bà Năm ơi, bà lại chẳng để lại vết nhơ nào từ trước đến giờ. Con mẹ vay góp nói vậy, chiều bà chưa đủ, nó làm gì được cái thân già của bà. Trả nó đi bà, nó nhà quê, lây lất lên phố kiếm công việc lương thiện để làm, để sống qua ngày và giúp má, giúp em. Bà ăn được bao nhiêu nữa mà bà khổ ha bà Năm, mà bà có yên lòng không với cái sự gian dối của mình? Vô phước thằng Tèo nhớ số xêri hay đồng tiền được nó đánh cái dấu nào đấy, nó thấy thì nhục đó bà Năm à! Thằng Tèo quả là đứa có số con ruồi. Giả như nó để ít phút nữa cho ông thiện ổng thuyết phục bà Năm thì chuyện đã khác, đằng này nôn quá nên nó lại chạy ra: “Bà Năm cho con hỏi”, “Chuyện gì?”, bà Năm trừng mắt trong trường hợp không cần thiết. “Hồi sáng con có trả dư đồng tiền 100 không bà Năm?”, “Trăm nào?”, tự dưng bà Năm nổi nóng bất tử, bà thảy cái giỏ tiền cáu bẩn mà trọng lượng của vật liệu làm ra nó chắc chỉ bằng nửa trọng lượng của những thứ bám vào: “Coi đi, có thì lấy về”. Thằng Tèo thụt lui xin lỗi, cảm ơn rối rít, có nước mật gấu trong uống ngoài thoa nó cũng không dám lục giỏ tiền của bà Năm, còn những kẻ hiếu kỳ thì đang nhìn nó lom lom. Lúc thằng Tèo đi rồi, bà Năm còn quăng một câu chửi đổng: “Bà mẹ, sáng sớm có đứa đến quậy à!” mà không biết bà nói đứa nào. Nhưng thằng Tèo thì đang ấm ức, ấm ức lắm! Không dưng bà Năm làm mặt giận, mà nó có nói gì quá đáng đâu, có nước bà làm động tác giả, có tật rục rịch thì có. Thật thà, thật thà cái con khỉ, không bả thì ai làm bốc hơi “đồng tiền xương máu của mình?”. Rồi nó tự nguyền độc: “Nếu bà Năm là người tham thì trời trừng trị bả, cho bả chết luôn đi cho rồi”. Vậy mà bà Năm chết thật! Bán hết nồi hủ tiếu hôm đó, gom đủ tiền trả cho con mẹ cho vay trả góp thì bà đổ bệnh. Cái bệnh thường thôi, mà cũng là bệnh quen, nó làm bà ngầy ngầy ngật ngật kiểu của người ngồi bên bếp than nóng, hít phải khói thải độc hại giữa cái khí hậu oi nồng của mùa khô. Bà Năm vừa nóng lại vừa lạnh. Mới kéo tấm mền đắp lên người lại phải tung ra vì nóng không chịu được. Tung ra rồi lại run như con thằn lằn đứt đuôi vì lạnh, cái lạnh như từ trong tủy sống tỏa ra, nó lan vào khắp ngõ ngách cái cơ thể xương xẩu nhiều hố, nhiều lõm của bà. Còn đồng tiền polymer thì múa may quay cuồng trước mặt bà. Có khi nó bay đến sát, đâm sầm vào mặt bà làm nổ ra bao nhiêu là đom đóm. Quái lạ, tiền polymer mà cứng như đá, đụng vô thấy như nhá lửa dám mồi thuốc hút được lắm. Polymer ơi, mày làm khổ bà Năm rồi. Bà hình dung ra khuôn mặt thằng Tèo, méo mó, nhem nhuốc, ngơ ngẩn đến tội nghiệp. Bà Năm lui về cái giường phía dưới bếp, thủ phủ của mình, nằm nghỉ ngơi. Nơi này mặc dù có tối tăm và ẩm thấp nhưng phù hợp với công việc của bà bởi bà còn phải canh mèo, canh chó và canh chuột luôn rình rập mấy cục xương, cục thịt làm vốn bán buôn của bà. Ờ, có bệnh có nghỉ, bằng không cái điệp khúc nấu, bán sẽ tiếp tục lặp lại. Đám con cháu biết bà Năm bệnh đấy nhưng thấy bệnh chỉ thường thường. Mà chúng còn những việc của chúng, làm thuê, làm mướn, làm thời vụ cả dễ gì nghỉ, nghỉ nhiều có nước ông chủ cho nghỉ luôn thì húp cháo. Tác động lớn nhất của việc bà Năm bệnh đối với chúng là không có hủ tiếu ăn miễn phí mỗi sáng và cơm nước hằng ngày. Thôi thì tự lo, tùy nghi di tản. Đứa con gái chuẩn bị hai trăm năm hạnh phúc (lấy chồng lần thứ hai) là đứa có trách nhiệm nhất. Nó đến bên giường bà, rờ trán thấy nóng, kêu thét lên như thể bà Năm là người không bệnh bao giờ, không được phép bệnh bao giờ. Bà an ủi nó, không sao đâu, chuyện trong người tao tao biết, ổn cả mà. Nó lấy khăn lạnh lau lau rồi xoa xoa cho bà. Nó nấu nồi cháo trắng, bà nói bà chỉ có thể ăn cháo trắng, ngán lắm. Nó nấu được ba nồi, cho ba ngày. Lúc cả nhà đi vắng, bà Năm gượng dậy ăn cháo. Chà, cháo gạo sao mà đắng ngắt, ăn vào miệng chẳng thấy cảm giác gì chỉ thấy ngán, bà ráng một muỗng nữa, chỉ muốn ộc ra. Thôi, thủ tiêu nồi cháo xuống ống cống cho rồi kẻo tối tụi nó về thấy vẫn còn đầy tụi nó buồn lòng. Tối đứa con gái về nghiệm thu kết quả, thấy nồi cháo sạch trơn, còn bà Năm móm mém miệng cười thì cũng toe toét theo, bớt rồi ha má, lối xóm không có hủ tiếu ăn, sáng nào cũng nháo nhác hỏi bên ngoài! Sang đến ngày thứ tư kể từ ngày đồng polymer biến mất khỏi túi thằng Tèo thì bà Năm thành nguy kịch thật. Buổi sáng bà nằm ở nhà một mình thấy khan khát. Rồi khát thật. Cái chai nước để đầu giường đã cạn từ hồi đêm. Bà ráng gượng, cái chân như chân mượn của ai đó, không phải chân của bà vì điều khiển một đằng nó đi một nẻo. Đã thế còn run. Cái đầu gối như chỗ bắt nhịp làm cho cái ống chân tong teo như cái ống đồng và cái xương đùi dài ngoẵng rung lên bần bật. Ừ cũng phải, mấy ngày nay coi như đã ăn uống gì, cứ chờ bệnh nó tự hết như mọi lần, mà coi bộ lần này... Nhưng bà Năm đang khát, khát lắm, phải đi kiếm nước uống. Bà lết ra cái bàn kiểm tra cái bình tích, bình thủy, cái ấm, kể cả cái bình nước 20 lít trị giá mười hai ngàn đồng bà vẫn dùng để cho khách uống, tất cả đều cạn khô. Bọn này tệ, quen mẹ hầu hạ, đến miếng nước cũng không biết tự lo mà uống. Cứ cơm quán, nước quán... Cổ họng bà bắt đầu rát như phồng rộp lên, lại như có chùm lưỡi câu lởm chởm ai đó thả vào và kéo lên kéo xuống. Khát, khát thật, mới biết người đi sa mạc khổ thế nào, biết tại sao người ta đánh nhau và thành chiến tranh vì nước. Đúng lúc ấy thì những giọt nước nhỏ tong tong ở cái vòi nước như nước mưa giọt gianh nhảy múa trước mắt bà. Cái vòi nước này lâu ngày quá thành ra hở, nước nhỏ ngày đêm, để tránh lãng phí bà Năm đặt dưới ấy một cái thau. Người của công ty cấp thoát nước nói đó là một trong những nguyên nhân làm hao hụt nước của công ty vì nhỏ giọt như thế thì đồng hồ nước không quay. Rõ là vẽ đường cho hươu chạy. Giờ này, bà Năm nhìn thau nước hao hụt thấy lung linh, huyền ảo. Bà lết lại, lấy cái ca cáu bẩn vục vào. Ôi chao ôi, nước, nước chảy tới đâu bà Năm thấy tới đó, mới đầu nó chạy rân rân như kiến bò, sau nó ào ạt bà nghe âm âm tiếng sóng biển, cả vùng bụng mát dịu, cảm giác da bụng dính ngược vào xương sống không còn nữa, cái cổ họng êm ngay theo từng tiếng “ực” của bà. Hết đúng một ca nửa lít, bà Năm lên giường nằm phè, phút giây sung sướng sau ba ngày âm ỉ vì bệnh. Cố ngủ đi, ngủ đi rồi sẽ hết bệnh. Nhưng cảm giác sung sướng không tồn tại lâu. Một tiếng sau khi bà Năm còn đang thiu thiu thì nghe cái bụng bắt đầu sôi nhè nhẹ, rồi tăng âm sôi mạnh nghe như có tiếng lục bục của nồi cơm nhiều nước mà quá lửa đang tiến đến giai đoạn cạn nước. Rồi bà thấy như có con chuột chạy lên chạy xuống trong bụng bà, hình như nó đột kênh cả cái áo cũ bắt đầu ướt mồ hôi lên. Rồi cái bụng bà nó đau, đau quặn đau quăn, đau khúc dưới, đau lên khúc trên, đau như rứt ruột ra, lại như bị một kẻ vũ phu dùng lực toàn thân đấm thốc một cái, lại như muốn dồn cái khối gì đó lớn lắm ra bên ngoài. Không thể chịu được thật rồi. Đầu bà quay cuồng, i i như còn đàn ve sầu đang sôi. Bà bắt đầu “chạy”, vất vả vì chạy, nhưng bà Năm sức đâu mà chạy bởi cứ đi nhanh về chậm liên hồi thế. Lúc đứa con gái về sớm tình cờ, xuống bếp thăm thì đã thấy bà Năm nhàu nát như cái lá nằm dính dưới đất. Vừa thổ vừa tả, quần áo người ngợm bê bết vì bà đã sang đến giai đoạn không thể kiểm soát. Thằng choai choai đi ngang qua được bổ làm xe cứu thương lưu động ngay sau khi đứa con gái thay đồ, lau sơ sơ cho bà. Tưởng gì, nhà bà Năm tới trạm xá gần xịt, còn bà Năm thì nhẹ hều hều, cõng hai bà cũng được. Cái thằng nói độc, một người bệnh đã là khổ rồi mày còn muốn có hai. Nó cười hì hì, hết bệnh lại nấu hủ tiếu con ăn... thiếu nha bà Năm! Bà Năm không muốn đùa nữa, bà Năm không nghe tiếng nói của nó nữa, không cười được nữa thật rồi, chỉ nghe loáng thoáng những âm thanh. Cũng thật nhanh chóng, bà được chuyển lên bệnh viện đa khoa bằng xe taxi. Rõ có bệnh mới có dịp ngồi nhưng ngồi giờ này làm gì còn tò mò, còn gì sung sướng và hãnh diện nữa. Cái bụng đã ổn bởi đã “ra” hết rồi nhưng bà Năm thấy cơ thể mình như của một cậu chàng rôbôt đang bị người ta tháo ra, dỡ ra ở những chỗ có đốt. Ngày hôm sau bà Năm mất. Bác sĩ kết luận dịch tiêu chảy cấp tấn công, bà già lại quá suy nhược và không được cấp cứu kịp thời nên không trụ nổi. Còn dặn gia đình cẩn thận vì vi trùng có thể tấn công cả nhà. Người ta mang bà Năm về, ngồi sau tay lái của anh xe ôm đầu hẻm, trước bụng thằng con trai lớn ngồi kè. Bà về, bình thản và nhẹ nhàng giữa hai người đàn ông, một người quen và một người thân, đầu ngoẹo vào vai con trai, tin tưởng và nhàn nhã. Cáo phó dán trước cửa nhà, dưới tán gốc bàng sum sê, thủ phủ ăn sáng của cả xóm: Hưởng thọ 74 tuổi, thôi, thế cũng là dài. Ngày đưa bà Năm đi hỏa thiêu, bà chủ tiệm cửa sắt cho tất thảy đám công nhân nghỉ làm một buổi đi đám ma bà Năm, một buổi nữa cho tụi bay xả hơi lại còn phát tiền cho từng đứa đi phúng điếu. Nhà bà Năm nghèo, coi như tụi bay góp sức với người ta. Còn đứa nào thiếu ăn, thiếu nợ thì nhớ thanh toán lại cho con bả, không trả là mắc nợ, là mang tội nghe bay! Thằng Tèo thực hiện theo đúng lời bà chủ dặn, tiền thì nó không còn thiếu nhưng chỉ còn thiếu bà một lời xin lỗi. Xin lỗi bà vì con đã nghĩ không tốt về bà, nó ngơ ngẩn, lầm rầm mãi lúc cầm que nhang xá xá trước tấm hình chụp bà Năm gượng gạo cười. Lúc ông tổ trưởng tổ dân phố hay chữ đọc bài điếu văn viết vội, nghe tiếng thằng Tèo khóc nấc lên bắt nhịp cho một chuỗi âm thanh lục ục, à à như tiếng sôi. Tags: Truyện ngắnSáng tácTiền polymer
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.