TTCT - Trong con mắt nhà toán học và nhà khoa học, bảng đen có sức hấp dẫn kỳ lạ, và những gì được viết trên đó bằng phấn - không nhất thiết phải là phấn trắng - có vẻ đẹp đến tầm nghệ thuật. Ảnh: Jessica WynneViệc viết phấn được ghi nhận từ tận thế kỷ XI trong những lớp giảng dạy của học giả lừng danh người Ba Tư Al-Biruni. Nhưng đâu là lý do khiến hình thức diễn đạt ý tưởng này vẫn được ưa chuộng đến tận ngày nay, trong khi giấy da và viết lông ngỗng - hình ảnh gắn liền với những nhà bác học thời kỳ khoa học rực rỡ cách đây nhiều thế kỷ - không còn nữa?Không gian khoa học thuần khiếtĐể tìm câu trả lời, cây bút chuyên viết về khoa học Thomas W. Hodgkinson đã đến thăm những nhà khoa học đồng nghiệp đang làm việc tại Viện Khoa học toán học London (LIMS, Anh). Trong bài viết cho tạp chí Nautilus, Hodgkinson kể ở viện này, trong mỗi phòng nghiên cứu đều có một tấm bảng đen to tướng, kích thước 3,6 x 1,8m. Tấm bảng nào cũng chi chít chữ, câu hỏi, ghi chú, phương trình, công thức hay những nét vẽ nguệch ngoạc...Ảnh: Jessica WynneTheo viện trưởng Thomas Fink, làm nghiên cứu giống như một hành trình tìm đường giải thoát, và tấm bảng đen là công cụ tốt nhất để vượt qua bế tắc. Mỗi lần lâm vào ngõ cụt, Fink và đồng nghiệp sẽ bước lên bảng, ghi lại bài toán, vừa viết vừa suy nghĩ. Có thể đó chỉ là những dòng tư duy mới chớm, không đầu không đuôi. Nhưng đã rất nhiều lần, các nhà khoa học tìm được manh mối cho đầu bài hóc búa ngay khi đang cầm phấn viết bảng.Viên phấn, tấm bảng có sức mạnh lớn đến vậy sao? Albert Read, tác giả cuốn The Imagination Muscle (tạm dịch: Cơ bắp trí tưởng tượng), cho rằng trí tưởng tượng thường gắn liền với các hành động sáng tạo. Viết chữ cũng là một hành động mang tính sáng tạo như thế. Trước khi cầm viết, bạn thường không hình dung một cách hoàn chỉnh kết quả đạt được. Ngược lại, ngay trong từng khoảnh khắc viết chữ, bạn thường nảy sinh những ý tưởng vốn sẽ không bao giờ có được nếu chỉ đứng khoanh tay và ngẫm nghĩ.Theo Read, hầu hết các nhà khoa học đều thích dùng công cụ nghiên cứu cơ bản nhất là phấn và bảng, dù cho ngày nay có không ít công nghệ kỹ thuật số thuận lợi ghi chép, trình chiếu. Ảnh: JESSICA WYNNEMột số ứng dụng thời 4.0 cho phép nhà khoa học vẽ trên màn hình cảm ứng, có thêm màu sắc, hiệu ứng cực kỳ sinh động. Nhưng các nhà khoa học vẫn thích sự tối giản của tấm bảng đen. Một phần là vì sự gần gũi và cảm giác yên tâm, khỏi phải lo mất tài liệu hay máy móc hư bất chợt.Phần khác là vì có thể tập trung hơn. "Trên các thiết bị số, bạn có thể bị sao nhãng khi kiểm tra email, lướt mạng xã hội. Tấm bảng tưởng chừng có nhiều hạn chế hóa ra lại sở hữu thế mạnh. Tấm bảng buộc bạn phải suy nghĩ về bài toán mà không thể làm gì khác. Bảng đen là một công cụ rất thuần khiết" - Read nói với Hodgkinson.Trong không gian chỉ có bạn và bài toán trên bảng, bạn được phép thử và mắc sai lầm. Viên phấn trắng cho một nhà nghiên cứu được tự do thử mọi hướng tiếp cận, không đúng thì… xóa. Có lẽ chính vì thế mà giáo sư Yang-Hui He cho rằng khi cầm một viên phấn và nhìn vào bảng đen, ông có cảm giác mình thật sự đang làm toán.Một đồng nghiệp khác từ LIMS, Forrest Sheldon, nói đôi lúc ông cảm thấy tấm bảng đen như một đường đua tiếp sức. Một nhóm nhà khoa học có thể đứng trước tấm bảng, chuyền tay nhau viên phấn để giải một bài toán, giống hệt các vận động viên trao gậy trong nội dung 4x100m tiếp sức. Cũng có khi đó là cuộc đua nhiều chặng, nếu hôm nay chưa nghĩ ra thì cứ để bảng đó, ngày mai trở lại. Mỗi ngày suy nghĩ một ít, cho đến một ngày họ tìm ra đáp án và thốt lên "eureka".Nghệ thuật bên trong khoa họcNhiếp ảnh gia Jessica Wynne, cũng là giáo sư tại Viện Công nghệ thời trang ở New York, có niềm đam mê đặc biệt với những tấm bảng của các nhà khoa học, giảng viên đại học. Cô dành thời gian đi khắp nơi, chụp lại những tấm bảng đen của nhiều chuyên gia toán học trong lúc làm việc."Tấm bảng là nhà, là phòng thí nghiệm, là không gian suy nghĩ riêng tư của họ" - Wynne viết trong lời giới thiệu cho quyển sách Do Not Erase: Mathematicians and Their Chalkboards (tạm dịch: Đừng xóa: Nhà toán học và tấm bảng của họ), gồm 110 ảnh chụp "công trình nghiên cứu trên bảng đen" của các chuyên gia toán khắp thế giới.Có những tấm bảng lúc nào cũng dày đặc các phương trình, con số, những ký hiệu đặc biệt, như của Alex Zhongyi Zhang, nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Đại học Columbia (Mỹ); số khác lại theo trường phái tối giản, như tấm bảng được Wynne chụp giữa những hàng cây ở viện nghiên cứu khoa học cao cấp Institut des Hautes Études Scientifiques ở ngoại ô Paris: không có gì ngoài một vài chữ cái Latin kèm nhiều mũi tên.Ảnh: JESSICA WYNNEMột số giáo sư tự sáng tạo những nguyên tắc viết bảng chỉ "người trong cuộc" mới hiểu. Chẳng hạn, tấm bảng của giáo sư Tadashi Tokieda tại Đại học Stanford thường biểu thị hình tròn màu đen bằng một chấm trắng, và quy ước hình tròn màu trắng bằng một chấm không tô màu.Wynne cũng chụp được nhiều tấm bảng vừa bị xóa nội dung, của một nhà khoa học còn đang vật vã trước một bài toán. "Tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp vượt thời gian và hình dáng vật chất của những tấm bảng. [Chúng] còn thể hiện khát vọng của giới khoa học luôn muốn khám phá sự thật và giải quyết các vấn đề hóc búa" - cô nói.Bảng đen trong giờ giảng văn ở HarvardKhông chỉ nhà toán học hay vật lý mới mê viết bảng. Trong bài viết cho trang tin The Harvard Gazette, hai tác giả Manisha Aggarwal-Schifellite và Juan Siliezar đưa người đọc tham quan "một vòng bảng đen" ở đại học danh giá của Mỹ.Ở lớp logic học nhập môn, các giáo sư như Mark Richard thường mô hình hóa những lý thuyết logic, triết học bằng sơ đồ, hình khối, giúp sinh viên "dễ nuốt" những nội dung nhập môn, dù thực tế những gì viết trên bảng cũng rất thách thức trí não người xem.Trong giờ văn học, một diễn đàn tranh luận về Nữ hoàng xứ Scotland Mary được giảng viên Vanessa Braganza tóm gọn súc tích trên tấm bảng. Như thể các tiến bộ về trình chiếu chưa hề ghé qua đại học gần 400 tuổi này. "Rolls Royce" của phấnĐó là phấn hiệu Hagoromo, rất được các nhà khoa học thích viết phấn ở Mỹ ưa chuộng vì thân chắc, cầm êm, đầu mềm, không bụi.Hãng văn phòng phẩm Hagoromo lần đầu tiên sản xuất phấn ở Nhật vào năm 1932. Vì thương hiệu này không được nhập khẩu vào Mỹ nên các nhà toán học đã đặt hàng trực tuyến hoặc thông qua một số đại lý nhập khẩu xách tay bán riêng cho các giáo sư.Năm 2014, thông tin Hagoromo tuyên bố ngừng hoạt động khiến giới khoa học vội vàng tích trữ. Giáo sư Max Lieblich (Đại học Washington) tính xem mua số lượng phấn đủ dùng trong 10-15 năm. Còn giáo sư Dave Bayer từ Barnard College mua sạch số phấn hiện có trên Amazon ngay nửa đêm. Hagoromo chính thức ngừng sản xuất phấn vào ngày 31-3-2015, nhưng ngay năm sau, một giáo viên Hàn Quốc tên Shin Hyeong-seok đã tìm cách sản xuất lại loại phấn này. Đến nay, đây vẫn là loại phấn viết bảng được giới khoa học tại Mỹ ưa chuộng hàng đầu. Tags: Bảng đen phấn trắngGiáo dụcNhà toán họcNhà vật lýKhoa học
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường H.MI 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Ông Medvedev: Mỹ và các nước NATO đã tham gia hoàn toàn vào chiến sự Ukraine NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Medvedev cáo buộc phương Tây đã tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga, cảnh báo Nga sẽ có đáp trả việc Ukraine không kích vào Nga.
Man City thua choáng váng 0-4 trước Tottenham HOÀI DƯ 24/11/2024 Rạng sáng 24-11, Man City hứng chịu thất bại gây sốc 0-4 trước Tottenham trên sân nhà ở vòng 12 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).