TTCT - Thế giới âm thanh được xếp vào loại tiếng ồn thật ra đầy màu sắc, chứ không chỉ có "tiếng ồn trắng" vẫn thường nghe. Ảnh: AdobeStockÂm thanh được truyền trong môi trường dưới dạng sóng cơ học, gọi là sóng âm, vì vậy nó mang hai đặc điểm cơ bản sau. Một là tần số (frequency), nghĩa là số dao động trong 1 giây, đơn vị là Hertz (Hz). Hai là biên độ (amplitude), chỉ độ lớn của dao động, tỉ lệ thuận với độ lớn của âm thanh khi chúng ta nghe thấy.Với âm nhạc, các tần số được xếp đặt ở các quãng (interval) dễ chịu, dễ nghe với tai người, tạo nên một cấu trúc âm thanh hài hòa. Trong khi đó, những tiếng động mà ta cho là ồn ào - như tiếng còi xe trên đường, tiếng gót giày nện xuống nền nhà - vốn là những sóng âm rời rạc, với tần số và biên độ ngẫu nhiên. Ở một hạng mục riêng biệt là những tiếng ồn (noise) được đặt tên theo màu sắc. Chúng là những tín hiệu liên tục, không phải như tiếng sáo lúc trầm lúc bổng hay tiếng nẹt pô lúc có lúc không.Tiếng ồn trắng là tập hợp của tất cả các tần số âm thanh mà con người có thể nghe thấy (khoảng 20Hz đến 20kHz), giống như ánh sáng trắng là tập hợp vô số ánh sáng đơn sắc. Hãy tưởng tượng 20.000 âm thanh khác nhau phát ra cùng lúc, thay đổi liên tục, không thể đoán trước. Tiếng ồn trắng có thể "làm mờ" những tiếng động bất thường, như tiếng điện thoại đổ chuông ở gần bên. Tiếng ồn trắng điển hình là âm thanh "xèo xèo" đi kèm với một màn hình "muối tiêu" khi TV thời truyền hình analog mất tín hiệu.Khoảng cuối năm ngoái, trên YouTube và các mạng xã hội khác nở rộ các bài viết về lợi ích của việc nghe các "màu" tiếng ồn khác nhau, từ hồng, xanh lá đến nâu, trắng. Tờ The Washington Post nhận định "thời của tiếng ồn được tô màu đã tới".Theo Barbara Shinn-Cunningham - giám đốc Viện khoa học thần kinh tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), các tiếng ồn khác nhau có tần số khác nhau và việc "tô màu" chúng dựa vào mức năng lượng trên quang phổ âm thanh.Nhìn chung, dù được "tô" màu gì các tiếng ồn kiểu này "làm chìm đi những âm thanh bất ngờ hoặc gây rối, những thứ có thể làm bạn phân tâm hoặc làm giảm sự tập trung của bạn".Nhờ đặc tính này, ta có thể "lấy thanh âm trị âm thanh". Theo Catherine Franssen - nhà thần kinh học tại Đại học Longwood (Mỹ), giải pháp dùng tiếng ồn để át những tiếng không mong muốn khác thậm chí còn "dễ áp dụng trong cuộc sống hơn là việc cách âm". Quả vậy, tiếng ồn - dù màu gì đi nữa - dễ có, ít tốn kém (thậm chí miễn phí, nếu không kể tiền mua loa) hơn so với làm vách chống ồn.Vấn đề là tiếng ồn màu nào cho các mục đích khác nhau. Nói về ru ngủ, tiếng ồn trắng chưa phải là chân ái. Trong những năm gần đây, tiếng ồn hồng - giống như tiếng ồn trắng với âm trầm (bass) to hơn, nên ít chói tai hơn, ví dụ như tiếng gầm nhè nhẹ ở chân trời, hay tiếng nền ầm ĩ trong bụng mẹ - là lựa chọn thịnh hành trên các thiết bị âm thanh hỗ trợ giấc ngủ.Năm 2021, một nghiên cứu đăng trên International Archives of Otorhinolaryngology (IAO), tạp chí khoa học quốc tế chuyên về lĩnh vực tai mũi họng, cho thấy tiếng ồn trắng và hồng có thể làm dịu chứng ù tai (tinnitus). Trước đó, nghiên cứu năm 2012 của Trung Quốc phát hiện rằng việc tiếp xúc đều đặn với tiếng ồn hồng giúp cải thiện độ ổn định cũng như chất lượng giấc ngủ.Một phiên bản "đậm" hơn màu hồng là tiếng ồn đỏ, nhưng lại thường được gọi là tiếng ồn nâu, thực ra không liên quan gì đến chữ brown (màu nâu trong tiếng Anh), mà xuất phát từ sự liên hệ với chuyển động Brown (một loại chuyển động ngẫu nhiên). Âm thanh này trầm hơn, sâu hơn, giống như tiếng sóng biển hoặc gió lớn. Tuy vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về lợi ích của tiếng ồn nâu, một nghiên cứu trên tạp chí Applied Acoustics năm 2017 chứng minh rằng tiếng ồn nâu hỗ trợ khả năng tập trung của nhân viên trong một văn phòng có không gian mở.Cần lưu ý, các tiếng ồn "màu mè" cũng có thể khiến ta khó chịu vô cùng; chẳng trách chữ "noise" có nguồn gốc từ một từ Latin có nghĩa là buồn nôn. Cụ thể, tiếng ồn xanh lam nhất định không nên xuất hiện trong phòng ngủ. Nó nghe như tiếng rít the thé, không có âm trầm nào cả, tương tự như tiếng hú của một ấm đun nước đang sôi.Ngoài ra, một số màu sắc âm thanh vẫn chưa được định nghĩa chính thức. Tiếng ồn xanh lá được mô tả như tiếng nền trong tự nhiên, âm thanh nhịp nhàng của sóng biển hoặc tiếng suối róc rách. Tiếng ồn cam đôi khi được mô tả là âm thanh xung đột, giống như một bản hòa tấu lạc điệu. Tiếng ồn tím đơn giản là phiên bản mạnh hơn của màu xanh lam.Theo các chuyên gia, mỗi cá nhân cần thử - và - sai nhiều lần mới có thể xác định mình hợp với tiếng ồn màu gì. Cách thử nghiệm dễ nhất là lần lượt nghe qua, để xem màu sắc tiếng ồn nào giúp tập trung, thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ hơn hoặc đạt được các mục tiêu khác. Nội dung này có rất nhiều trên YouTube hoặc Spotify, thậm chí có các app chuyên tạo tiếng ồn và nếu dư dả có thể tậu máy tạo âm thanh với tần số tùy thích. Sắc màu thì dễ nhưng thứ tưởng đơn giản - tiếng ồn đen, màu của thinh lặng - mới là khó kiếm nhất. Tags: Âm nhạcTiếng ồnÂm thanhKhoa họcTiếng ồn trắng
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, nội thành nhiều nơi mất điện PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Quảng Ninh: 3 người chết, 13 người mất tích do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Đến 16h chiều 7-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 13 người mất tích.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.