Màu da tổng thống

MẠNH KIM 13/01/2008 02:01 GMT+7

TTCT - Năm ngày sau khi chiến thắng giòn giã cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa (3-1-2008), ứng cử viên tổng thống Barack Obama (46 tuổi) tiếp tục gây “náo loạn” tại cuộc bầu cử sơ bộ New Hampshire (suýt hạ gục đối thủ Hillary Clinton lần thứ hai).

Phóng to

Barack Obama cùng gia đình trong một cuộc diễn thuyết tranh cử

Chi tiết không thể bỏ qua là Iowa có đến 95% dân số da trắng (và New Hampshire có 96%)!

Đúng là thời điểm này thật sự đáng nhớ đối với một ứng cử viên da màu như Barack Obama. Hình ảnh một chính trị gia da màu như Obama xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông, khiến người ta dễ liên tưởng đến đám đông cuồng nhiệt ngưỡng mộ dành cho mục sư Martin Luther King năm nào.

Ngay tại một bang có đa số dân da trắng như New Hampshire, công chúng vẫn xếp hàng rồng rắn để nghe Obama diễn thuyết. Emily Webster, 22 tuổi, người tham dự buổi nói chuyện của Obama tại Đại học Dartmouth hôm 3-1-2008, nói: “Tôi muốn kể với con cháu mình về những gì tôi chứng kiến trong chiến dịch bầu cử tổng thống lần này”.

Theo tường thuật của phóng viên AP Nedra Pickler, Obama đã thành công cho đến thời điểm này, khi leo từng chặng lên đỉnh dốc cao nhất trước nay đối với người da màu trong lịch sử Mỹ, nơi mà vấn đề màu da trong thực tế vẫn tồn tại như một bức tường vô hình trong đời sống chính trị (Obama là thượng nghị sĩ gốc Phi thứ năm trong lịch sử Mỹ và là thượng nghị sĩ da màu duy nhất hiện nay trong Thượng viện Hoa Kỳ).

Di sản màu da luôn là thách thức đối với sự tiến thân của một người Mỹ gốc Phi. Norman Jewison, đạo diễn phim In the heat of the night (1967; đoạt năm Oscar trong đó có hạng mục phim hay nhất), kể: nhiều tờ báo từng từ chối quảng cáo khi phim sử dụng nam diễn viên chính là một người da màu (Sidney Poitier).

Hơn ba thập niên sau, trong phim truyền hình nhiều tập 24, không ít người vẫn thấy có gì đó “không bình thường” khi diễn viên da màu Dennis Haysbert được giao thủ vai tổng thống Mỹ (Washington Post 27-12-2007).

Phóng to

Bức tường màu da đúng là rào cản khó vượt đối với nhiều thế hệ chính khách da màu Mỹ. Năm 1972, nghị sĩ New York Shirley Chisholm (phụ nữ da màu đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ năm 1968) trở thành ứng cử viên da màu đầu tiên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng và đã đại bại (không chiến thắng bất kỳ cuộc bầu cử sơ bộ nào).

Trước đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Edward Brooke, người da màu đầu tiên đắc cử thượng viện, từng có ý định tranh cử tổng thống năm 1966 nhưng cuối cùng đành chấp nhận từ bỏ tham vọng.

Năm 1988, nhà hoạt động xã hội Jesse Jackson từng suýt “làm nên lịch sử” khi thắng vang dội 13 cuộc bầu cử sơ bộ để giành tư cách đại diện Đảng Dân chủ, nhưng cuối cùng thua trước chính khách da trắng Michael Dukakis.

Gần đây, năm 2004, nhà hoạt động xã hội Al Sharpton cùng thượng nghị sĩ Carol Moseley Braun cũng bất thành khi giành chiếc vé đại diện cho Đảng Dân chủ. Bên phía Đảng Cộng hòa, Alan Keyes cũng thất bại khi tranh vé đại diện đảng vào mùa bầu cử 1996 lẫn 2000 (hiện tiếp tục nỗ lực lần ba trong mùa năm nay)...

Nhà bình luận chính trị Sharon Cohen (AP 5-1-2008) viết: “Di sản lịch sử nô lệ và tình trạng phân biệt chủng tộc tiếp tục phủ bóng lên lịch sử đương đại Mỹ, khi mà đến nay chỉ có ba thượng nghị sĩ và hai thống đốc da màu kể từ sau cuộc nội chiến Mỹ 1861-1865”.

Liệu lần này Barack Obama có thể làm vỡ cái định kiến màu da ấy? Người Mỹ bây giờ nhìn vấn đề màu da với thái độ như thế nào? Cử tri Mỹ có thật sự gạt bỏ vấn đề “thiên vị màu da” chưa?

Cuộc thăm dò Gallup đầu năm 2007 cho thấy chỉ 6% đàn ông và 5% phụ nữ nói rằng họ không bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống da màu - một thay đổi ngoạn mục so với cách đây nửa thế kỷ khi hơn 50% người Mỹ có suy nghĩ tương tự.

Trong thực tế, điều người Mỹ đang thấy ở Obama không phải là da trắng hay da đen mà là một biểu tượng của thế hệ trẻ thành đạt, vươn lên bằng ý chí cá nhân và sôi sục tham vọng.

Obama đang tranh cử với hình ảnh một người con gốc Kenya bị bố bỏ rơi khi chỉ mới 2 tuổi và sống trong hoàn cảnh không cha lẫn thiếu thốn vật chất tại Hawaii (có lúc chuyển sang Honolulu và Indonesia); rồi tốt nghiệp Đại học Columbia với bằng cử nhân chính trị học chuyên ngành quan hệ quốc tế; tiếp đó vào Trường luật Harvard (trở thành người da màu đầu tiên được bầu làm chủ tịch Harvard Law Review trong lịch sử hơn 100 năm của Harvard).

Obama nói với các cử tri: “Tôi được người mẹ độc thân cùng ông bà ngoại nuôi nấng. Chúng tôi không sinh trong gia đình có tiền và đặc quyền. Những gì họ cho tôi là tình yêu, giáo dục và hi vọng”.

Như nhận xét của Merle Black, nhà chính trị học thuộc Đại học Emory: “Obama đang tranh cử theo cách mà nhiều cử tri da trắng dễ cảm thông. Ông ấy tự đặt mình vào vị trí một ứng cử viên ngẫu nhiên là da màu hơn là một ứng cử viên da màu”.

Đó hẳn là lý do khiến giới trẻ, bất luận màu da, đã bỏ phiếu cho Obama tại cuộc bầu cử sơ bộ Iowa (Obama giành 57% phiếu từ thành phần dưới 30 tuổi); và tính đến thời điểm này, Barack Obama vẫn là ứng cử viên dẫn đầu nhận được tiền ủng hộ tranh cử nhiều nhất (hơn 70 triệu USD).

Vẫn chưa thể nói Obama sẽ trở thành một tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, bởi lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ vẫn luôn nhiều tiềm ẩn khó liệu. Sẽ có những cú lội ngược dòng (như với trường hợp Hillary Clinton tại cuộc bầu cử sơ bộ New Hampshire 8-1-2008) và sẽ có những con ngựa hăng máu bất ngờ “đột quị”.

Chẳng ai có thể đoan chắc Barack Obama leo được đến đỉnh nhưng với hình ảnh “một người Mỹ tử tế”, nhiệt huyết, có giáo dục, hình mẫu đại diện cho sự thay đổi..., một phần của nước Mỹ vẫn cứ nuôi hi vọng về một sự “thay máu” chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nhà Trắng.

Ít nhất thời điểm này, người ta vẫn cứ hoan hỉ trước sự xuất hiện của Barack Obama, như cựu ngoại trưởng Colin Powell (trong cuộc phỏng vấn của PBS ngày 7-1-2008): “Hãy tận hưởng giây phút này khi một người như Barack Obama có thể đập bỏ tất cả rào cản cũ, mà sự tồn tại của nó mang ít nhiều kính trọng một thời, để mở ra những cơ hội có thể tiếp cận được đối với người Mỹ gốc Phi”...

9g sáng một chủ nhật tại Rockford (bang Illinois), gần 1.000 người tập trung tại sân vận động thuộc Đại học Rock Valley để nghe buổi nói chuyện của thượng nghị sĩ Barack Obama. “Quốc hội chẳng làm nên tích sự gì trong năm nay (2006). Tôi mệt mỏi cảnh nghe các chính khách đổ lỗi nhau. Chúng ta nên tống khứ tất cả họ và khởi động từ đầu. Trong số những kẻ đó, có tôi không nào?” - Obama hỏi.

“Khôôông!” - đám đông đồng thanh la to. Không riêng cộng đồng da màu, dân Mỹ trắng cũng thích Obama. Một y tá tên Greta lao đến chạm vào tay áo Obama và nói: “Ôi, lạy Chúa, tôi vừa chạm vào một tổng thống tương lai. Tôi không thể tin được”... (Time 23-10-2006)

John Kerry lên tiếng ủng hộ Obama
Tín hiệu mới sau 2 vòng bầu cử sơ bộ ở Mỹ
Sách của Barack Obama bán chạy bất ngờ
Bà Clinton chiến thắng vào phút chót
Bà Clinton chiến thắng vào phút chót

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận