TTCT - Sau 10 năm của những biến cố Mùa xuân Ả Rập, nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. 10 năm sau Mùa xuân Ả Rập, tình hình khu vực vẫn hỗn loạn. Ảnh: TwitterBấy giờ là đầu năm 2011. Hai chị em cô gái người Kuwait là bạn học của con tôi ở Lebanon vừa sang Cali sửa soạn nhập học niên khóa tới, thuê nhà xong thì phải nghĩ đến chuyện mua xe con để đi lại. Tại Trung Đông và Bắc Phi, cái gọi là Mùa xuân Ả Rập đang dậy lửa trên đường phố. Đó đây người ta tự thiêu để phản đối, trước tiên là đời sống đắt đỏ, vật giá gia tăng và nạn thất nghiệp trong giới thanh niên.Tại Kuwait cũng thế, các bà nội trợ than phiền giá bánh mì. Quốc vương Al Sabbah bèn khéo léo bày ra là nhân 50 năm lập quốc, tặng mỗi người dân già trẻ lớn bé 1.000 dinar, tức 3.850 USD xài chơi, đồng thời, dân than bánh mì đắt thì cho thêm mỗi người đủ tiền thực phẩm trong 13 tháng tới! Tôi hỏi hai cô này, thế có đủ mua xe con ở Mỹ không? Các cô bẽn lẽn trả lời, vâng, cả hai chị em cộng mưa móc này của hoàng gia lại thì cũng mua được cái xe cũ chạy đỡ đấy, nhưng chúng cháu có thêm tiền của bố mẹ.10 năm trướcNgày 17-12-2010, một thanh niên bán rau 26 tuổi là anh Mohamed Bouazizi ở Tunisia tự thiêu để phản đối chính quyền. Nguồn thu nhập của anh là gánh xe rau cải bị tịch thu vì bán rong trái phép và anh thấy bị làm nhục vì bị một sếp cảnh sát nữ đánh trước mặt bàn dân thiên hạ. Tình hình diễn tiến nhanh chóng và không tới một tháng sau, ngày 14-1-2011, tổng thống Tunisia lúc bấy giờ Ben Ali phải ra đi sau 23 năm tại chức.6 tháng đầu năm 2011, phong trào tự thiêu bắt lửa, riêng tại Tunisia có chí ít 107 vụ, dù cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo đều cấm tự sát. Những cuộc xuống đường lan sang các nước trong khu vực, từ vùng vịnh Ả Rập đến bờ biển Bắc Phi. Nguyên nhân đầu tiên là khó khăn kinh tế và sự vững bền kỷ lục của các chế độ trong vùng. Không nói đến các hoàng tộc cha truyền con nối đã đành, tại Ai Cập, Mubarak tại chức 30 năm, tại Libya - Gaddafi 41 năm, tại Sudan - Bashir 22 năm, tại Syria - cha con Assad 39 năm, tại Yemen - Saleh 21 năm.Ả Rập là một ý niệm ngôn ngữ và văn hóa. Sau đó có thể tạm gọi là một dân tộc, phần sắc da từ đen đến trắng, về tôn giáo đa số là Hồi giáo thuộc nhiều phái và một thiểu số Kitô giáo. Nếu lấy Liên minh Ả Rập (Arab League) làm cơ bản thì đây là một khối 22 quốc gia gồm 450 triệu dân, rộng 13 triệu km2 diện tích, tổng GDP 10.700 tỉ USD. Khối này rất đa dạng. Về kinh tế có từ Qatar là nước dân giàu nhất thế giới đến Somalia là nước dân đói nhăn răng - thu nhập bình quân giữa hai quốc gia này cách nhau cả trăm lần! Cho nên móc ví ra, tôi là người Ả Rập, thì cũng phải nói cho rõ là Ả Rập nào.Về thể chế, ta có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là quân chủ chuyên chế và thân Tây phương. Nhưng tuy là vua, vị nào thì cũng quyền thế, nhưng cũng có người hay quát tháo, có người nói năng nhẹ nhàng. Nhóm này có Saudi Arabia, Jordan, Morocco, UAE... Nhóm thứ nhì là những nơi quân chủ bị lật đổ trong thập niên 1950-1960 sau độc lập. Tại đây, cầm quyền là các lãnh tụ quốc gia chủ nghĩa dựa vào quân đội. Trước sự chống đối của Tây phương, các chế độ quốc gia chủ nghĩa này theo khối phi liên kết và thời chiến tranh lạnh, Liên Xô gây ảnh hưởng ít nhiều. Đây là trường hợp Iraq, Syria, Ai Cập, Algeria, Libya, Somalia, Yemen... Sau chiến tranh 1973, Liên Xô rời Ai Cập để cho Mỹ đến thay, và sự sụp đổ của Liên Xô khiến Tây phương rộng đường mà nguyệt nọ hoa kia.Năm 2011, trước Mùa xuân Ả Rập, Somalia vốn đã hỗn loạn rồi. Hoa Kỳ thì đang sa lầy ở Iraq và tìm cách rút quân, lịch là tháng 12-2011 thì rút hết. Tại Ai Cập, Mỹ cũng đang lo vì bạn chí thích của họ là tướng Mubarak sau 30 năm quần chúng đã chán, ông này còn định đặt cậu cả lên thay. Lạm phát và khó khăn kinh tế, tham nhũng và năng lực điều hành quốc gia yếu kém trở thành vấn đề mãn tính. Hoa Kỳ định tương kế tựu kế: nếu không chặn được quần chúng ở đó và “mất” Ai Cập, ta có thể thúc đẩy quần chúng bên cạnh và “được” Libya.Tại đây, không có vấn đề kinh tế trầm trọng và không ai tự thiêu cả, tuy sẵn lắm dầu. Chế độ Gaddafi trợ cấp nhà cửa, thực phẩm, xăng điện cho dân chúng, y tế và giáo dục miễn phí. Một ổ bánh mì hay một lít xăng giá 3.500 đồng. Nếu mua nhà thì nhà nước cho vay 50.000 USD, lãi suất 0%, sanh con thì nhà nước tặng 5.000 USD, mua xe lần đầu được nhà nước tặng nửa giá trị. Không biết có phải do xe rẻ xăng rẻ không mà ở Libya, tỉ lệ tai nạn giao thông cao nhất thế giới! Đụng xe không chết thì vào nhà thương miễn phí. Tại chỗ không chữa được thì gửi sang Ý điều trị, cũng miễn phí luôn. Thế thì người dân Libya bất mãn chỗ nào? Vậy mà không hiểu sao vẫn thành được bạo động, trở thành nội chiến và cuối năm 2011, Gaddafi bỏ mạng.Những di chứng tới bây giờMột nước Ả Rập khác là Syria, vốn không có tài nguyên như Iraq hay Libya, và mùa đông 2010 là một năm mất mùa ở miền nam, gây bất mãn trong dân chúng. Cảnh sát Syria bắt giữ 15 em học sinh và đánh chết một em 13 tuổi, được coi là mồi lửa đầu tiên châm ngòi cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến ở Syria vẫn chưa có lối thoát. Ảnh: history.comQuân đội Syria phần lớn là lính nghĩa vụ, tan rã ngay thành cả trăm phe phái. Đất nước này, cũng như Libya, trở thành sân chơi của các thế lực tứ chiếng - từ Nga, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi đến UAE. Hỗn loạn tại đây cũng như tại Iraq là chỗ đâm chồi và kết trái của hiện tượng Quốc gia Hồi giáo (IS) tự xưng, một phong trào thần quyền thuộc phái Sunni.Tại Ai Cập, quần chúng lật đổ được chế độ Mubarak. Hiến pháp mới và bầu cử mới năm 2012 đưa lên một tổng thống mới, liên kết với phong trào Anh em Hồi giáo, vốn chống đối chế độ Mubarak từ lâu. Nhưng tân tổng thống Morsi tại vị được có một năm rưỡi. Ông bị quân đội đảo chánh, lại đổi hiến pháp và bầu lên tướng Al Sisi. Ông này trở thành đại đế mới với tiền của Saudi và ủng hộ của Mỹ. Ai Cập sau 3 năm biến động, trở về đúng chỗ cũ là quân phiệt đại diện của phương Tây như dưới thời Mubarak.Mâu thuẫn lớn nhất trong khối Ả Rập là giữa hai hệ phái Hồi giáo Sunni và Shia. Tại Syria, gia đình Assad và sĩ quan quân đội thuộc phái thiểu số Alawite. Phái này trong quá khứ được mẫu quốc Pháp dùng để giúp họ cai trị đa số Sunni. Người Alawite không phải là Shia, nhưng vì đè đầu Sunni nên được thần quyền Iran giúp đỡ. Nếu không có Iran hẳn chế độ Assad đã đi đời. Hiện nay, dân số 20 triệu thì đến 12 triệu người Syria là tị nạn, bao gồm 6,5 triệu tị nạn trong nước và 5,5 triệu ở nước ngoài. Năm 2015, hơn 700.000 người tràn qua châu Âu gây ra cả một cuộc khủng hoảng.Tương tự, Yemen đang trải qua nội chiến trầm trọng. Đây là nước lân cận Saudi và các tiểu quốc vùng Vịnh, nên UAE và Saudi tích cực can thiệp, gửi quân sang tác chiến tại chỗ. Nhưng nỗ lực lắm tiền này không dẹp được du kích thuộc thành phần phái Houthi được Iran trợ giúp. Việc vây hãm và cô lập Yemen khiến tình trạng y tế và thực phẩm tại đây hết sức trầm trọng và không có dấu hiệu gì khả quan hơn trong tương lai gần.Mùa xuân Ả Rập đã mang chết chóc và tàn phá đến ba nước là Libya, Syria và Yemen, mà các quốc gia này cũng chẳng về tay Tây phương. Ngược lại, Iran là ảnh hưởng mới tại khu vực, càng lớn hơn tại Syria và Yemen, ngoài ảnh hưởng sẵn có tại Iraq và Lebanon trước 2011. Tại Ai Cập, Mùa xuân không mang lại dân chủ tự do hay sung túc mà đâu lại vào đó, với chế độ quân phiệt còn độc tài và tệ hại hơn.Tại Algeria, Morocco hay Jordan, những hi vọng lóe lên đã sớm bị dập tắt. Tại vùng Vịnh, các vương quốc vội bỏ tiền ra mua chuộc quần chúng bất bình. Bahrain là trường hợp đặc biệt. Vương tộc là phái Sunni nhưng số lớn dân chúng lại theo phái Shia. Khi họ biểu tình chống đối, nhà Khalifa đã vội vời Saudi gửi quân sang trấn đóng tại chỗ. Chính ngay Saudi cũng có vấn đề với thiểu số Shia, khoảng 15% dân số nhưng lại ngụ ngay khu vực các mỏ dầu chính. Nếu họ ly khai thành công thì Saudi kể như húp cháo. Năm 2011, thiểu số này lên tiếng thì bị đàn áp thẳng thừng.Chỉ có tại nơi xuất phát, là Tunisia, thì Mùa xuân có thể coi là thành công. Trước hết, tổng thống ra đi nhưng Tunisia không rơi vào hỗn loạn. Dĩ nhiên đất nước này không thể nằm ngoài tranh chấp nhiều luồng giữa phe thân Tây phương, phe tôn giáo bảo thủ, phe xã hội cấp tiến... Chỉ có tình hình ở Tunisia là đã ổn định lại sau biến cố Mùa xuân Ả Rập 10 năm trước. Ảnh: Al JazeeraCuộc bầu cử 2014 khiến tân tổng thống Caid Essebsi là nguyên thủ đầu tiên được bầu lên tự do và dân chủ. Nỗ lực hòa giải quốc gia khiến các thành phần tham gia được trao giải Nobel hòa bình năm 2015. Dĩ nhiên, bình minh nạm vàng 9999 vẫn chỉ là ảo tưởng, giai đoạn 2017-2018, Tunisia gặp khó khăn về kinh tế khiến 15% thất nghiệp, trong đó 30% người có bằng đại học không có việc làm. Bầu cử 2019 cho thấy đường dân chủ của Tunisia vẫn còn xa diệu vợi. Đối với Syria tan hoang, hay Yemen rã họng còn tệ hơn, Mùa xuân này tang thương từ đầu ngõ vào đến sân sau. Các nước khác dao động và nghiêng ngả trong chốc lát rồi trở lại tình trạng cũ không chút sứt mẻ.Hai chị em người Kuwait bạn của con tôi thì nhờ đức vương mà có được một cái xe con dùng tạm. Giờ họ đã ra trường và mua xe khác, còn thế giới Ả Rập xem ra còn tệ hại hơn xưa! ■Nhớ lại 10 năm trước, truyền thông Tây phương hết sức hồ hởi với Mùa xuân Ả Rập. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Hillary Clinton thậm chí còn nhại lời Julius Caesar để nói về cái chết của Gaddafi: “Chúng ta đã đến, đã thấy, hắn ta (Gaddafi) đã chết”. Sự hồ hởi này là bởi suy nghĩ nay có cơ các nước Ả Rập sẽ thu về một mối theo những giá trị Tây phương. Bà Clinton có ngờ đâu sự nghiệp chính trị của chính bà sau đó sẽ gặp nhiều khúc khuỷu vì vụ giết đại sứ Mỹ ở Ben Ghazi. Cho đến giờ, vẫn chưa có ai hay thế lực trong ngoài nào bình trị được Libya. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Những câu chuyện trung đông Tiếp theo Tags: SyriaTunisiaLibyaMùa xuân Ả RậpNội chiếnCách mạng màu
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia nhiều dự án, trong đó có dự án đường sắt ở Việt Nam DUY LINH 13/10/2024 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trên tại tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13-10.
‘Sau Nam tiến, Tây tiến, bây giờ là Việt tiến, tức trở về phục vụ đất nước' MINH THÀNH 13/10/2024 Trong dòng di cư có cuộc Nam tiến, Tây tiến, còn bây giờ một hiện tượng rất đáng chú ý đó là Việt tiến, tức là trở về phục vụ trên quê hương.
Khánh Hòa tung loạt ưu đãi cho du khách nhân dịp đạt 9 triệu lượt khách TRẦN HOÀI 13/10/2024 Hàng loạt chương trình ưu đãi được Khánh Hòa tung ra để thu hút du khách dịp cuối năm.
Hàn Quốc cảnh báo ‘đặt dấu chấm hết’ cho Triều Tiên nếu làm tổn hại đến dân Hàn MINH KHÔI 13/10/2024 Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tố đối phương xâm phạm không phận và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.