Một tranh vẽ hơn cả ngàn lời nói

LINH XUÂN THỰC HIỆN 26/07/2011 20:07 GMT+7

TTCT - LTS: TTCT trò chuyện với tiến sĩ Đặng Nguyên Đoan Thục, người đã bảo vệ xuất sắc đề tài "Tranh biếm họa trong báo chí Pháp và Việt Nam. Phương pháp so sánh giữa hai tờ báo tiêu biểu Canard Enchainé (Con Vịt Buộc) và Tuổi Trẻ Cười" tại Đại học Rouen, Pháp.

Phóng to
Biếm họa trên tờ Tuổi Trẻ Cười được trích đăng trên trang 267 của luận án

* Chị có nhận xét gì về tiếng cười của Con Vịt Buộc và của Tuổi Trẻ Cười? Tại sao những tranh biếm trên hai tờ báo quốc tịch khác nhau lại trở thành đề tài luận án của chị?

- Con Vịt Buộc ra đời năm 1915, là tuần báo châm biếm trào phúng có trụ sở tại Paris. Tuổi Trẻ Cười ra đời năm 1984 từ TP.HCM. Cả hai đều được xem là những tờ báo châm biếm tiêu biểu, xuất sắc trong giới trào phúng. Tiếng cười cay độc của Con Vịt Buộc nhằm đả kích và lên án những hiện tượng xấu trong xã hội.

Con Vịt Buộc không buông tha đối tượng nào (các chính trị gia, quan chức, nguyên thủ quốc gia..) hoặc cơ hội nào, bất kể chủ đề đó có nhạy cảm hay không (tôn giáo, tình dục...). Cùng với tiếng cười châm biếm, Tuổi Trẻ Cười hướng đến mục đích phê bình để giáo dục, phấn đấu và cải thiện tốt hơn lối sống văn minh thời mở cửa. Những tranh biếm của hai tờ báo rất khác nhau này đã trở thành đề tài nghiên cứu của tôi trước hết bởi tiếng cười rất thành công của hai tờ báo.

Phóng to
TS Đặng Nguyên Đoan Thục

Sinh năm 1977, tốt nghiệp cả hai trường Đại học Sư phạm (khoa tiếng Pháp) và Đại học KHXH&NV (khoa báo chí) năm 2000, Đoan Thục tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Rouen (tỉnh Normandie, Pháp). Hiện chị đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại Canada.

* Như thế nào là tiếng cười thành công, theo chị?

- Có chung mục đích hàng đầu là gây cười cho độc giả, nhưng cả hai báo không chỉ mang tính giải trí đơn thuần mà còn là tờ báo cung cấp thông tin, và đây chính là yếu tố giúp cả hai báo có rất đông độc giả. Cả hai đều là nơi dụng võ của những cây cọ xuất sắc như Cabu, Petillon, Cardon (Con Vịt Buộc), Nhím, DAD, Van Nhan, Đức, Leo, Nguyễn Tài, Lap (Tuổi Trẻ Cười).

Bên cạnh đó, cả hai tờ báo này còn mang tính thời sự cao, nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy. Một đặc điểm quan trọng ở Con Vịt Buộc là cách khai thác thông tin. Các phóng viên Con Vịt Buộc lấy tin từ trong nội bộ, nhưng người đưa tin được giấu tên và nơi trao đổi thông tin có thể là ở những nơi kín đáo, một số yếu tố được thay đổi nhằm bảo vệ xuất xứ của người đưa tin.

Theo tôi, tiếng cười thành công của một tờ báo biếm là tiếng cười đánh thẳng vào hiện tượng tiêu cực của xã hội và được sự đồng tình của người đọc.

* Tiếng cười đem lại sự thư giãn, nhưng có khi cũng mang lại rầy rà (khi cười vào những hiện tượng tiêu cực). Có thời gian dài dõi theo tiếng cười ở hai tờ báo, chị có gì ấn tượng muốn kể lại không?

- Phong cách nổi bật của hai trường phái để lại ấn tượng thật sự cho tôi là sự hòa nhập giữa văn hóa và biếm họa của hai tờ báo. Nếu có dịp đọc luận án, các bạn sẽ bắt gặp các bức tranh nổi tiếng La voix de son maitre của Francis Barraud (chương 5, trang 209), Le déjeuner sur l'herbe của Manet (chương 7, trang 275) được các họa sĩ biếm Pháp thêm bớt, nhấn mạnh một số điểm nổi bật phù hợp với bối cảnh thực tế mà họa sĩ muốn đả kích tạo sự bất ngờ, gây cười cho người đọc.

Sự thêm bớt, nhấn mạnh đó được các họa sĩ Việt Nam áp dụng trong các bức tranh dân gian Đông Hồ (đánh ghen, đám cưới chuột... mang tính truyền thống, vui nhộn - chương 7, trang 283). Điều đáng ngạc nhiên là các họa sĩ ở hai đất nước khác nhau lại có cùng ý tưởng trùng hợp trong phong cách thể hiện.

Người đọc phải bật cười khi xem một bức tranh biếm cùng với lời bài hát hoặc những câu châm ngôn nổi tiếng bị thay đổi lời (“C'est pas l'homme qui prend la mer, c'est la mer qui prend l'homme” (*), “Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan...” - chương 7, trang 279). Ngoài ra các họa sĩ biếm Pháp, Việt còn sử dụng các thủ thuật truyện tranh vào biếm họa bằng cách thêm các lời hội thoại, tiếng động, cách điệu ẩn dụ, hoán dụ (chương 7, trang 260-268)...

Vâng, tiếng cười có khi cũng mang lại sự rầy rà vì “lời thật mất lòng”, đâu phải sự thật nào nghe cũng êm tai. Dùng tiếng cười nói lên sự thật, đánh thẳng vào thói hư tật xấu của xã hội cùng được người Pháp gọi là “Humour noir” (hài hước đen). Hài hước đen được các họa sĩ dùng để châm chọc những vấn đề nhạy cảm, bệnh tật, nỗi đau và cả sự chết chóc. Từ tiếng cười đen tối đó, các “nạn nhân” - những người bị cười - mới nhìn ra thực tế cần phải thay đổi chỉnh sửa, “thuốc đắng dã tật” mà!

Phóng to
Biếm họa trên tờ Con Vịt Buộc, được trích đăng trên trang 270 của luận án

* Báo in đang bị báo mạng cạnh tranh quyết liệt, lại trong điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều tờ có xu hướng thương mại hóa, câu khách. Cái chết của tờ News of theo World ở Anh là một ví dụ khi một tờ báo đánh mất mình. Có điều kiện tiếp cận hai tờ báo có thể coi là thành công, chị chia sẻ gì về vấn đề này?

- Báo chí đang bị thương mại hóa, có nơi bị rẻ tiền hóa. Tờ báo có giữ được tiếng cười trong sáng mà vẫn khỏe khắn, ăn khách thì tùy thuộc rất nhiều vào sự năng động của phóng viên và họa sĩ biếm.

Tờ Con Vịt Buộc là một trong những tờ báo Pháp không sống nhờ vào quảng cáo hay sự tài trợ của chính phủ, công ty nào cả. Sự nghèo giàu của tờ báo đều nhờ vào sự ủng hộ của người đọc. Dĩ nhiên sản phẩm của phóng viên hay các họa sĩ biếm còn phải phụ thuộc vào sở thích của độc giả, nhưng không vì chạy theo sở thích của họ mà quên đi chủ trương, mục đích của tờ báo.

* Luận án của chị có mang lại tiếng cười cho... các giáo sư hướng dẫn?

- Luận án của tôi không gây cười mà chính các tranh biếm mang lại tiếng cười cho các giáo sư khi nghe tôi giải thích ý nghĩa của các tranh. Sự thú vị của việc nghiên cứu các tranh biếm không chỉ là việc nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà còn là sự thư giãn khi xem và đọc những bức tranh biếm họa. Đôi lúc vừa phân tích tranh tôi vừa bật cười và ngưỡng mộ các họa sĩ biếm thật tài ba như người ta thường nói “một tranh vẽ hơn cả ngàn lời nói” (un dessin vaut mille mots).

Ba giáo sư hướng dẫn của tôi đã có nhiều cơ hội tiếp xúc và hướng dẫn sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực sư phạm, nhưng đây là lần đầu tiên họ có dịp đi sâu vào văn hóa Việt Nam qua tranh biếm. Tìm hiểu Việt Nam qua tranh biếm, với họ là cuộc phiêu lưu, khám phá thú vị.

Điều tôi vui là khi nghe và đọc lá thư của giáo sư Michel Fournié (INALCO Paris - Viện Nghiên cứu quốc gia về ngôn ngữ và văn hóa phương Đông) viết cho giáo sư hướng dẫn của tôi: “Tháng nào tôi cũng đặt mua báo Tuổi Trẻ Cười, tôi cũng có ý định nghiên cứu tờ báo châm biếm này, tôi rất vui có dịp trao đổi với tác giả luận án”.

* Có lẽ chị đã đến cả hai tờ báo để thu thập tư liệu cho luận án. Có chuyện gì vui từ những chuyến du ký này chị có thể chia sẻ?

- Trong lúc làm luận án, tôi không có dịp về Việt Nam để đến tờ Tuổi Trẻ Cười, nhưng đã có ba tôi là sứ giả. Ông hay đến tòa soạn Tuổi Trẻ Cười thăm dò, xin tài liệu. Riêng ở Paris, tôi có đến tòa soạn Con Vịt Buộc để xin phỏng vấn các họa sĩ biếm Pháp. Tôi vinh dự được họa sĩ Cabu tiếp, sau buổi phỏng vấn ông còn tặng tôi một tranh biếm về đề tài khăn choàng đầu của phụ nữ Ả Rập.

Tôi tặng ông ấy một quyển Tuổi Trẻ Cười, ông cười hỏi tôi nếu đọc xong Tuổi Trẻ Cười ông có nói được tiếng Việt không, vì xem vài tranh vẽ ông đã hiểu được ý nghĩa của tranh nói gì. Sau buổi bảo vệ luận án, tôi cũng tặng kèm ban giám khảo mỗi vị một bức tranh dân gian Đông Hồ và một tờ Tuổi Trẻ Cười. Đó là hình thức trao đổi văn hóa của tôi mà!

Tôi thích nhất là khi giới thiệu cho người Pháp tờ báo của các bạn, mọi người đều cố gắng đánh vần để phát âm cho đúng tên tờ báo. Bên cạnh đó, các giáo sư khuyến khích tôi tiếp tục nghiên cứu tờ Tuổi Trẻ Cười ở Canada. Đó sẽ là dự án nghiên cứu của tôi trong hai năm nữa ở Quebec, Canada.

* Chị có thể nói kỹ hơn về dự án này?

- Những ngày đầu sang Canada, tôi dạy ở Đại học Rimouski thuộc tỉnh Quebec, nhưng đầu tháng 10 có lẽ tôi sẽ chuyển công tác sang làm việc cho một tờ báo tên Mouton Noir (Con Cừu Đen), một tờ báo giống Con Vịt Buộc của Pháp và Tuổi Trẻ Cười của Việt Nam. Tôi chuyển sang đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu trong một hoặc hai năm tới.

Lúc ở Pháp tôi đã lên dự án nghiên cứu khi sang Canada, tôi có giới thiệu dự án đó trong ngày bảo vệ luận án, các giáo sư đều nhất trí. Tôi sẽ tìm và xác định một tờ báo châm biếm của Canada (là nước đại diện cho châu Mỹ), sau đó sẽ so sánh tiếng cười của ba tờ báo.

Sở dĩ tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu Con Vịt Buộc và Tuổi Trẻ Cười là vì trong hai năm nữa, chắc chắn sẽ có sự thay đổi, phát triển mới trong cách thể hiện và trong cách nhìn của bạn đọc. Điều đó sẽ mang lại nhiều thú vị trong quá trình phân tích tiếng cười qua tranh biếm họa báo chí.

* Cảm ơn chị và chúc chị gặt hái nhiều thành công.

__________

(*): C'est pas l'homme qui prend la mer, c'est la mer qui prend l'homme: Không phải con người đi biển, mà biển giữ lấy con người - lời trong bài hát Dès que le vent soufflera do ca sĩ Renaud thể hiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận