Mùa nhớ

NGUYỄN TRỌNG CHỨC 19/01/2023 15:58 GMT+7

TTCT - "Có những nơi ta chỉ đi qua một lần, suốt đời không trở lại, mà suốt đời nhớ mãi…" - nhà văn Trần Huiền Ân, cũng là nhà Phú Yên học, đã viết trong một tạp bút nhiều cảm xúc.

Đọc lại, tôi bồi hồi nhớ đến lần đã đi qua một nơi chốn cũng ở Phú Yên của mấy mươi năm trước, thuở còn là một đứa bé mới cặp sách đến trường, khi vùng đất "hoa vàng trên cỏ xanh" là nơi gia đình tôi định cư đầu tiên sau ngày rời quê nhà miền Bắc vào Nam lập nghiệp.

Mùa nhớ - Ảnh 1.

Phong cảnh miền biển. Tranh: Nguyễn Xuân Khánh

Như những trang sách cũ được lưu giữ cẩn thận trong một ngăn kệ đặc biệt giữa một tủ sách đã mịt mờ bụi bặm quá khứ, ấu thời chợt sáng bừng lên với xiết bao cảm động. Con suối ký ức trong veo, mát rượi dẫn dụ từng bước chân về lại với cánh đồng tuổi thơ xanh tươi. 

Nơi đó tôi thấy mình cùng bầy trẻ nhỏ đuổi bắt nhau trong khu vườn um tùm cây cỏ bên dòng sông Chùa. Nơi đó, lần đầu tiên tôi biết đến cảm giác sợ hãi và thành kính khi đứng trước biển cả bao la. Nơi đó lần đầu tiên trong đời tôi được mẹ dẫn đi chợ Tết.

Trong trí nhớ còn lưu giữ được, chợ quê không quá xa nhà tôi thuở ấy vào ngày Tết chẳng rộn ràng, đầy màu sắc như chợ Tết trong thơ của Đoàn Văn Cừ mà tôi được học khi lên trung học ở Sài Gòn - nơi định cư kế tiếp của gia đình tôi. Nhưng vẫn có màu đỏ của giấy hồng điều đã viết sẵn những câu đối Tết treo ở cái sạp nhỏ lối vào chợ. Có sắc vàng của những cành mai rừng đương hoa rực rỡ một góc chợ. Có màu xanh của lá chuối người địa phương dùng gói bánh tét. 

Không có lá dong như ở miền Bắc, mẹ mua lá chuối để gói bánh chưng vốn đã thành nếp nhà bất di bất dịch, mãi đến lúc đã già yếu bà mới ngưng tay. Và nhiều sắc màu quần áo mới mà mẹ mua cho tôi và hai anh, chị lớn hơn.

Nhưng thứ mẹ tôi quan tâm hơn là các loại thực phẩm dành cho mấy ngày đầu xuân. Những năm sống ở một vùng quê Bắc Bộ chẳng dễ tìm hải sản nên các món mẹ nấu nướng với cá luôn có trong bữa ăn chúng tôi ngày ấy, kể cả những ngày Tết. 

Sống ở nơi phong phú đồ biển, mẹ mua những con cá tươi và mấy gắp cá nướng kẹp trong vỉ tre vẫn còn thơm thơm mùi khói. Để rồi cứ vương vấn trong ký ức là mùi khói của mấy vỉ cá nướng - một thứ mùi Tết lạ lẫm đặc trưng vùng biển.

Giờ đã quá tuổi "lục thập nhi bất hoặc" mà những giáp Tết xa ngái bỗng ùa về, rõ đến từng chi tiết như vừa mới diễn ra. Khởi đầu vào cuối tháng chạp, khi mà "xuân cũng như tết không đến đúng ngay buổi giao thừa hay tiết lập xuân, mà như một người bạn thân đến thăm, bước từ từ vào cổng nhà ta. Nó từ từ thâm nhập vào cảnh vật và vào lòng ta, từng tí một, từ nhiều ngày trước, từ tháng chạp…" (Trần Huiền Ân). 

Đó là những ngày đã được nghỉ học, anh em tôi tha hồ chơi đùa trong khu vườn nở rộ những hoa chuối rừng đỏ rực, tìm hái những tai nấm mèo còn sót lại sau cơn mưa muộn để mẹ làm món ăn ngon.

Nhớ hình bóng mẹ chộn rộn bên bếp lửa, cặm cụi gói mấy chiếc bánh chưng để bắc bếp vào đêm giao thừa, còn anh chị em tôi xúm xít quanh mẹ, sung sướng được mẹ sai bảo. Nhưng chẳng khi nào tôi thức được lâu canh nồi bánh chưng, mắt cứ díu lại, lúc được cha tôi đánh thức thì đã là buổi sáng đầu năm mới. Xa quê, họ hàng sống tản mát nhiều nơi, ngày đầu xuân cả nhà tôi viếng cảnh chùa làng, chúc Tết sư ông lấy phước.

Hơn mười lăm năm trước, vào một ngày giáp Tết, tôi thử đi tìm lại chốn xưa, nơi có ngôi nhà nhỏ với khu vườn um tùm vây quanh; tìm về nơi mình đã trải qua những năm tháng không quên của ấu thời. Người giúp tôi "đi tìm thời gian đã mất", giúp tôi định vị khu vườn bên dòng sông Chùa chính là nhà văn Trần Huiền Ân. 

Nhưng sau bao năm tháng, chẳng còn lại chút dấu vết của một miền thơ ấu. Chỉ có dòng sông Chùa tuổi nhỏ vẫn trôi chảy "thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ". Cái chợ quê gần nhà thuở ấy nay cũng biến mất từ lâu lắm rồi, cái chợ mà một lần mẹ dẫn tôi đi sắm Tết. Một khu phố mới, hiện đại đã mọc lên ở đó.

"Có những nơi ta chỉ đi qua một lần, suốt đời không trở lại, mà suốt đời nhớ mãi…".■

(*) Những đoạn in nghiêng trích trong tập tạp bút Mây trắng dinh Phoan (NXB Văn Học, 2010)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận