Ngăn chặn nhập cư “kiểu Úc”

LOAN PHƯƠNG 28/05/2015 04:05 GMT+7

Sau lần vô tình nhấp vào một quảng cáo “hỗ trợ định cư tại Úc” trên Internet, khoảng hai tuần sau đó hầu như mọi trang mạng tôi vào đều xuất hiện hình ảnh cảnh báo của chính phủ nước này đối với những người nhập cư bất hợp pháp.

undefined

Những người ủng hộ nhập cư xuống đường phản đối chính sách của Thủ tướng Abbott - Ảnh: echo.net.au

Bức hình là biển cả mênh mông với một con thuyền lẻ loi lềnh bềnh và hai chữ khổng lồ “NO WAY” (vô phương), cùng lời cảnh báo: “Bạn sẽ không tìm thấy nhà ở Úc đâu”.

Bên dưới là những chính sách ngắn gọn như sau: Nếu bạn lên tàu mà không có thị thực, bạn sẽ không tới được Úc; Bất cứ chiếc tàu nào tìm cách tiếp cận Úc bất hợp pháp sẽ bị ngăn lại và bị đưa đi một cách an toàn khỏi vùng biển Úc; Luật này áp dụng cho tất cả: các gia đình, trẻ em, trẻ em không có người lớn đi kèm, người có học và có kỹ năng; Dù bạn là ai và từ đâu tới, bạn sẽ không thể tìm thấy nhà ở Úc đâu.

Hãy nghĩ kỹ trước khi lãng phí tiền bạc của mình. Những kẻ buôn người đang nói dối bạn đó.

Vào trại tị nạn ngoài đất Úc

Giống như châu Âu, Úc từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề người nhập cư bất hợp pháp từ các nước nghèo ở châu Á và đã phải chứng kiến những thảm kịch lật thuyền hoặc đắm thuyền chết người trong nhiều năm. Khi các thi thể người tị nạn tới Úc dạt vào bờ biển đảo Christmas năm 2010, Chính phủ Úc quyết định đã tới lúc hành động.

Năm năm sau, Úc hiện đang áp dụng chính sách quản lý biên phòng thuộc loại chặt chẽ nhất thế giới, với ba điểm cơ bản: buộc những chiếc tàu vượt biên phải quay lại từ ngay trên biển; buộc những người nhập cư phải sống ở các trại tị nạn khắp Thái Bình Dương, đảo Nauru, Indonesia, Papua New Guinea...; và đảm bảo họ không bao giờ có thể đặt chân tới Úc.

Không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Tony Abbott khẳng định cách Úc đang làm là “duy nhất” để chấm dứt những thảm kịch như chiếc tàu bị lật làm hơn 800 người nhập cư bất hợp pháp thiệt mạng trên Địa Trung Hải mới đây ở châu Phi và châu Âu.

Cuộc tranh luận về kiểm soát nhập cư ở Úc cũng bắt đầu giống như ở châu Âu. Năm năm trước, những chiếc tàu bắt đầu đổ về Úc, chủ yếu từ Indonesia, một điểm trung chuyển của người nhập cư bất hợp pháp từ Iraq, Iran, Afghanistan, Bangladesh. Dù mức độ và số lượng người tìm đường tới Úc không nhiều như với châu Âu, các trại tị nạn ban đầu được thiết lập trên lãnh thổ Úc nhanh chóng trở nên quá tải, những cuộc bạo động nổ ra thường xuyên.

Thất bại trong việc kiểm soát người nhập cư là lý do quan trọng dẫn tới việc chính phủ của Đảng Lao động, vốn có chính sách thân thiện với người nhập cư, thất bại trong cuộc tranh cử với Đảng Tự do có khuynh hướng bảo thủ.

Năm 2012, thủ tướng Úc của Đảng Lao động khi đó là bà Julia Gillard đã thành lập một ủy ban các chuyên gia để xử lý vấn đề người nhập cư bất hợp pháp.

Ủy ban này khuyến nghị thiết lập một cơ chế cấp vùng để xử lý dòng người nhập cư. Ủy ban nói cần một chương trình chỉ rõ cho người nhập cư cách tới Úc qua những điểm trung chuyển ở khu vực như Malaysia, cũng như tăng cường các hỗ trợ nhân đạo và áp dụng chính sách thị thực gia đình rộng rãi hơn.

Nhưng đồng thời ủy ban cũng khuyến cáo các biện pháp mạnh tay, bao gồm việc mở lại các trại tị nạn cũng như bắt đầu việc buộc các tàu tị nạn phải quay đầu.

Dù những khuyến nghị của họ bao gồm cả hai mặt nhưng chỉ các giải pháp mạnh tay là được thực thi triệt để. Chính phủ đã mở lại các trại tị nạn ở đảo Manus và Nauru, đồng thời triển khai các thỏa thuận với những quốc gia trong khu vực về việc ngăn lại dòng người tị nạn.

Khi ông Abbott lên nắm quyền tháng 9-2013, Chính phủ Úc còn siết chặt các giải pháp chống nhập cư bất hợp pháp hơn nữa. Thật ra, đó cũng là trọng tâm trong nghị trình tranh cử giúp ông Abbott chiến thắng.

Giờ thì không người nhập cư bất hợp pháp nào theo dạng “thuyền nhân” được phép định cư ở Úc nữa. Họ sẽ được gửi thẳng tới đảo Manus và Nauru, hoặc Campuchia theo một thỏa thuận ký với Phnom Penh được tờ Foreign Policy gọi là “một trong những nước giàu nhất đã thuyết phục một trong những nước nghèo nhất tiếp nhận những người tị nạn không mong muốn”.

Một số tàu bị các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Úc bắt gặp bị buộc quay lại Indonesia hoặc Sri Lanka, và chính phủ thậm chí mua áo phao màu cam phân phát cho những người nhập cư bất hợp pháp như lời cảnh báo cuối cùng.

undefined
 

Lợi ích và chi phí

Nếu chỉ tính số tàu tới Úc mỗi năm thì chương trình này đã hiệu quả. Năm 2013, Chính phủ Úc nói khoảng 300 tàu tị nạn với 20.000 người đã cập bờ biển nước này. Năm 2014, con số là 0. Chính phủ Úc cho biết mục tiêu của họ là chấm dứt tình trạng buôn người và coi vấn đề người nhập cư là an ninh quốc gia, nên chúng ta không thể biết chính xác con số tàu tìm cách tị nạn ở Úc trong hai năm qua.

Có vẻ như cũng không người vượt biên nào phải bỏ mạng trên biển trong giai đoạn 2013-2014. Ông Abbott đã giải thích chiến thuật bí mật của ông trong tuyên bố năm 2014: “Chúng ta đang trong một cuộc chiến quyết liệt chống lại những kẻ buôn người. Và nếu chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, chúng ta không trao thông tin cho kẻ thù chỉ vì chúng ta cũng tò mò về điều đó”.

Nhưng trong khi những con số để báo cáo của chính quyền là ấn tượng, chi phí để biến nước Úc thành vùng đất cấm với người nhập cư bất hợp pháp không hề nhỏ. Với người đóng thuế của quốc gia này, các giải pháp ngắn hạn triển khai trong hai năm qua là cực kỳ đắt đỏ.

Theo một nghiên cứu của tờ The Guardian ở Úc, dựa trên các hợp đồng của chính phủ với những nhà thầu tư nhân thực hiện công tác bảo đảm an ninh trên biển và các trại tị nạn, chính phủ có thể đã phải tiêu tốn 10 tỉ AUD (đôla Úc, tương đương 7,72 tỉ USD) cho chính sách buộc các tàu quay đầu từ giữa năm 2007 tới nay, đồng nghĩa với việc mỗi người bị bắt lên các trại tị nạn khiến chính quyền tiêu tốn 440.000 AUD (343.000 USD).

Thật trớ trêu, với số tiền đó, một người nhập cư có thể dễ dàng bắt đầu một cuộc sống bình thường ở Úc. Đây cũng là lý do khiến châu Âu không thể áp dụng “giải pháp Abbott”, bởi nếu với chi phí như thế, trong năm 2014 Ý sẽ phải bỏ ra 58,5 tỉ USD (170.000 người nhập cư trái phép). Một con số không tưởng!

Ngoài chi phí, một lý do khác khiến châu Âu không thể học theo cách làm của Úc là động cơ của người nhập cư. Dòng người vượt biên vào Úc chủ yếu xuất phát từ Indonesia - một điểm trung chuyển quan trọng và gần như là duy nhất với người Hồi giáo từ Iran, Afghanistan, Syria và nhiều nước khác. Trong khi đó ở châu Âu, ngang qua Đại Tây Dương là hàng loạt điểm xuất phát và hàng loạt điểm đến.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Úc Paul Barrett nói buộc các tàu nhập cư bất hợp pháp quay lại Libya khác hẳn với việc buộc họ quay lại Indonesia: “Khác biệt đầu tiên khi chúng tôi buộc những chiếc tàu quay lại Indonesia là chúng tôi biết họ sẽ không bị bắn chết khi quay lại đó.

Nếu họ đã rời bỏ Iraq hay Afghanistan, họ không có quyền gì ở Indonesia, nên họ cần phải tới một nước mà họ có thể hưởng lợi từ công ước về người nhập cư. Nhưng nếu bạn buộc họ quay lại Libya, bạn đã đưa họ trở về với đúng sự nguy hiểm đe dọa tính mạng mà họ đang trốn chạy”.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành Hội đồng nhập cư Úc Paul Power nói với The Guardian rằng chính sách đó thật ra không gì khác hơn là “cưỡng ép người nhập cư quay lại”. “Chính sách của Úc chưa bao giờ cân nhắc nghiêm túc việc bảo vệ những thuyền nhân. Các chính trị gia chưa bao giờ thảo luận nghiêm túc điều đó” - Power nói.

Với những người hỗ trợ nhập cư như Power, chính sách của chính phủ chỉ tạo ra ảo giác. Theo ông, thật ra nó không ngăn được các con tàu mà chỉ đưa chúng tới những quốc gia khác.

“Những gì Úc đang làm chỉ là đẩy xa vấn đề ra khỏi bờ biển Úc, với một thái độ lãnh đạm và sự đối xử khắc nghiệt... Nếu nhìn vào gốc gác những người tìm cách vượt Địa Trung Hải, có cả những người tới từ Afghanistan và Iraq, cũng là nhóm người mà chúng ta thấy muốn tìm sự an toàn ở Úc” - ông Power phân tích.               

Ngày 9-3-2015, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã phản ứng mạnh trước những chỉ trích của Liên Hiệp Quốc về chính sách tị nạn của nước mình. “Tôi thật sự tin rằng người Úc đã chán nhận những bài học từ phía Liên Hiệp Quốc, đặc biệt khi tính đến việc chúng tôi đã cho dừng các chuyến tàu đến Úc, và khi làm như thế chúng tôi đã chấm dứt những cái chết ngoài biển” - ông Abbott tuyên bố với báo chí.

Khi những chiếc thuyền vượt biên vào lãnh hải nước Úc, di dân được đưa vào các trại tị nạn ở đảo Manus, thuộc Papua New Guinea hoặc trên đảo Nauru ngoài khơi Thái Bình Dương. Dù đơn xin tị nạn của họ được xem là chính đáng sau khi thẩm vấn hồ sơ, Canberra vẫn không cho phép những người tị nạn đặt chân lên đất Úc.

Trong điều tra của mình, một báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc cho rằng việc tố cáo Úc không đảm bảo những điều kiện lưu trú tốt ở các trại tị nạn, không chấm dứt việc giữ trẻ em tại đây và cả tình trạng bạo lực trên đảo Manus là phần nào có căn cứ.

Báo cáo cho biết Canberra đã vi phạm quyền của người xin tị nạn không bị bất cứ hình thức đối xử vô nhân đạo nào. Chính phủ bảo thủ của ông Abbott giải thích rằng Úc muốn làm nản lòng bọn buôn người kiếm sống từ những người nhập cư đến từ Iraq, Iran và Afghanistan. Từ tháng 12-2013, chỉ có một chiếc thuyền vào đến bờ biển nước Úc. Trước đó, gần như ngày nào cũng có thuyền vượt biên vào đến bờ và hàng trăm người xin tị nạn đã thiệt mạng trong những hành trình nguy hiểm này.      L.T

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận