TTCT - Nửa đêm, chị Huyền Vi nghe tiếng lục đục trên lầu. Sợ có trộm, chị cùng chồng len lén bước lên cầu thang. Vừa đi, cả hai vừa nghe tiếng đọc chậm chậm, ngái ngủ “một... hai... một... hai” rồi phát hiện hóa ra cậu con trai đang lén... tập thể dục. Cười ngất, chị Vi hỏi con trai Minh Khang, học sinh một trường THPT ở quận 3 (TP.HCM), thì cậu bẽn lẽn trả lời: không dám tập ban ngày vì... mắc cỡ.Chỉ dám tập ban đêmTừ đầu mùa dịch, việc học online vốn đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh than trời. Với riêng môn thể dục, sức ép về mặt thành tích hầu như không tồn tại nhưng lại là môn phản ánh rõ nét nhất chất lượng của những buổi học online. Các em nhỏ hào hứng với một số động tác thể dục mới mẻ với vật dụng của HLV Ngọc Tâm. Ảnh: H.Đ. Tại hầu hết các trường phổ thông ở TP.HCM, một tiết học thể dục online thường kéo dài 45 phút như khi dạy trực tiếp. Tuy nhiên, thời lượng thực tế thường được rút ngắn đáng kể để thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Khải Nhiên, học sinh lớp 11 tại một trường THPT ở quận 5 chia sẻ: để vào phòng học trên Zoom đông đủ và hoàn thành những động tác khởi động thường mất đến 20 phút. Sau khi nghỉ tại chỗ 5 phút, thầy sẽ cho học bài mới trong 15 phút, hoặc là các bài lý thuyết hoặc một số động tác vận động tay chân, nhiều buổi thầy cho nghỉ sớm 5 phút nữa là hết 45 phút. Học sinh cũng không cần ăn mặc nghiêm túc như khi học thể dục offline. Thầy cô cho phép mặc đồ thoải mái, thậm chí không bắt buộc phải đi giày. “Mình cảm nhận thầy cô không muốn tạo thêm áp lực cho chúng mình mà chỉ muốn cho thư giãn là chính. Về độ hiệu quả của các bài tập thì mình cũng không chắc”, Nhiên nói. Nội dung buổi học thể dục online hầu như xoay quanh các bài tập thể dục động tác. Đây là điều dễ hiểu, vì nhà hầu hết học sinh ở thành phố lớn không có không gian sân vườn rộng rãi để chạy nhảy. Không khí buổi học, vì vậy, đa phần là nhàm chán. Chị Q.T., có con học một trường THCS ở quận Tân Phú, cho biết cứ mỗi tuần một lần, đến giờ thể dục là con gái chị lại ngáp ngắn ngáp dài.“Dù là con gái nhưng cháu nhà tôi rất hiếu động. Bình thường tôi cho cháu đi bơi và chơi cầu lông những ngày cuối tuần, hai mẹ con cũng thường đạp xe với nhau hằng ngày. Mấy tháng qua phải bó chân trong nhà thì chỉ biết trông vào giờ thể dục online để cháu có thêm bài tập vận động". "Nhưng mấy bài tập này chán quá, tôi thấy toàn là các bài tập từ thời mình đi học đã có rồi, sau 20 năm cũng chẳng thấy có gì đổi mới. Con gái tôi chỉ tập cho có lệ thôi. Mỗi tối hai mẹ con đi lòng vòng quanh xóm cho có vận động là được”, chị Q.T. nói.Các học sinh nam, đặc biệt là lứa tuổi trung học phổ thông, càng khổ sở vì giờ thể dục. Chị Huyền Vi kể: “Mấy bài tập thể dục nhịp điệu này dành cho nữ còn được, chứ con trai lớn rồi ai lại đi tập mấy cái này. Vì vậy mà mấy đứa nhỏ cùng lớp đứa nào cũng ngại". "Thầy cô bắt tập rồi quay lại để kiểm tra, nên đứa nào cũng đợi đến tối mới tập. Ông xã tôi cũng cười, bảo con trai cứ cho nó tập hít đất, thụt dầu gì đó vài chục cái là khỏe rồi, chứ tập mấy cái này thì thà đi bộ còn hơn. Tôi tính cùng các phụ huynh khác phản ánh với nhà trường thay đổi bài tập thể dục online”.Không muốn cũng phải dạyTheo khảo sát ở các cấp học tại TP.HCM, các bài lý thuyết được giảng dạy nhiều hơn trong điều kiện online so với khi offline. Có trường, các phần lý thuyết thể dục được dồn dạy một lần để khi có thể trở lại học trực tiếp sẽ chỉ phải hoàn tất phần thực hành và kiểm tra.Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tại một trường THCS tư thục ở quận Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ đầu năm học trường này định không đưa môn thể dục vào chương trình học kỳ 1 năm học 2021 - 2022. Đa số phụ huynh cũng đồng tình với đề xuất này vì cho rằng học thể dục qua màn hình máy tính hay điện thoại hiệu quả không được bao nhiêu mà lại tốn thì giờ, công sức. Trên thực tế, trường đã cho “nghỉ” thể dục một tháng.Sang tháng thứ 2, trường được “nhắc nhở” rằng học sinh vẫn phải bắt buộc có điểm cho môn thể dục, dù chương trình có thể tinh giản nhưng không thể bỏ qua. Nếu dồn hết sang học kỳ 2 khi học sinh đã được đến trường mới dạy lại, số tiết học và các bài kiểm tra sẽ đội lên rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến các môn khác. “Các em lúc đó sẽ càng căng thẳng hơn. Vì vậy dù biết không hiệu quả nhưng chúng tôi vẫn phải cho dạy lại môn thể dục, ít nhất để kịp tiến độ chung”, vị phó hiệu trưởng này nói.Làm thế nào để hấp dẫn hơnMột giảng viên Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM cho rằng các giáo viên nên cố gắng linh hoạt trong mùa dịch để giúp giờ học thể dục online bớt nhàm chán. Thay vì miễn cưỡng bắt học sinh tập luyện các bài thể dục rập khuôn, giáo viên có thể tổ chức buổi học dưới dạng trò chơi.“Với các học sinh tiểu học, thầy cô nên sắm vai trò giống như người quản trò trong một trò chơi. Ví dụ như miệng đọc động tác này rồi tay lại làm khác đi, xem có em nào mắc bẫy không. Em nào thua sẽ bị phạt hít đất vài cái chẳng hạn, khiến cho các em có động lực tập trung vào buổi học. Tất nhiên làm được điều này không dễ vì dạy qua màn hình điện thoại, máy tính khó quan sát. Có thể nhờ cả lớp cùng tham gia, như vậy sẽ tạo không khí như một buổi sinh hoạt.Các động tác thì tùy mình sáng tạo thôi. Cá nhân tôi dù có dịch hay không vẫn luôn tìm tòi để làm mới các bài tập thể dục nhịp điệu kiểu này. Âm nhạc là yếu tố rất quan trọng. Mình có thể mở những bài nhạc đang là xu thế của giới trẻ, để các em thích và hào hứng hơn lúc tập. Ở Trường ĐH Sư phạm TDTT, chúng tôi cũng luôn khuyến khích sinh viên phải sáng tạo. Khi nhà trường hoạt động trở lại, chủ đề giảng dạy online thế nào cho hiệu quả sẽ được chúng tôi đưa vào giáo án”, ông Hoàng Tùng nói.Cựu VĐV nhảy xa Nguyễn Thị Ngọc Tâm, hiện là HLV - giám đốc một trung tâm thể dục cho trẻ em, cũng cho rằng tương tác về âm thanh là điều rất quan trọng để giúp học sinh giữ được sự hưng phấn khi tập.“Dạy thể dục cũng cần kiến thức về tâm sinh lý của trẻ. Với độ tuổi 5 - 10, thông thường trẻ chỉ tập trung nghe nhìn khoảng 10 phút. Bây giờ lại học ở nhà, có nhiều yếu tố phân tâm, giáo viên không can thiệp được thì khả năng tập trung của trẻ chỉ vào khoảng 5 phút thôi. Các lớp học thể dục online của trung tâm chúng tôi đều có giáo án xoay quanh những bài tập kéo dài 5 phút như thế này.Có nhiều cách để duy trì sự hưng phấn cho trẻ. Như vừa tập vừa mở một bài nhạc, lâu lâu lại hỏi xem học sinh nghe được từ gì trong bài. Nếu thực sự tập trung thì các em có thể vừa tập vừa nghe. Hoặc thi thoảng sai các em đi lấy cái này cái kia. Bài tập nếu không sáng tạo được thì cứ lên mạng tìm những bài tập của nước ngoài, có hàng trăm thứ hấp dẫn để lựa chọn” - HLV Ngọc Tâm nói.Để tạo sự mới lạ, HLV Ngọc Tâm đưa nhiều dụng cụ đời thường vào bài tập để trẻ hứng thú hơn, như sử dụng dù làm gậy trong các bài tập tay, hay lấy vật dụng bằng nhựa ở nhà để làm chướng ngại vật tập nhảy cao...“Dạy cho học sinh tiểu học là khó nhất. Còn với học sinh từ độ tuổi 14 - 15 trở lên, các em hầu hết đã có hiểu biết về lối sống lành mạnh. Nếu không tập luyện thì không thể có sức khỏe, không có vóc dáng đẹp. Mình đơn giản cho các em tập hít đất, chạy quanh nhà rồi quay video lại kiểm tra là được.Mà tốt nhất là nên bớt đi các yếu tố lý thuyết. Các em học sinh bình thường đã quay cuồng quanh các bài giảng toán lý hóa sinh, giờ đến môn thể dục mà vẫn ráng nhồi nhét kiến thức thì mệt mỏi lắm. Nếu cần thì giáo viên nên tâm lý, chẳng hạn hỏi han vì sao hôm nay em này mệt mỏi lừ đừ vậy, rồi khuyên nên ăn cái này uống cái kia là được”, HLV Ngọc Tâm nói. ■Kiểm tra, cho điểm ra sao?Theo thầy Cao Minh Tú, giáo viên thể dục Trường THCS-THPT Ngôi Sao ở quận Bình Tân (TP.HCM), việc kiểm tra và thi cử vẫn sẽ được thực hiện theo quy tắc trước nay là “học gì - thi nấy”. Với những học phần lý thuyết, các bạn có thể làm bài cùng lúc thông qua Internet. Với phần thực hành, dự kiến mỗi bạn sẽ tự quay các clip thực hiện những động tác thể dục được chỉ định rồi sau đó gửi cho thầy cô chấm điểm.Thầy Tú cũng thừa nhận ngay trong điều kiện bình thường, môn thể dục vốn đã được dạy rất “thoáng”. Những tiết thể dục thường là dịp để nhiều học sinh giải trí, giảm stress sau những giờ học môn chính căng thẳng. Khi chuyển sang hình thức trực tuyến, tâm lý “xả hơi” lại càng tăng thêm. Thầy cô cũng không đặt nặng chuyện thành tích và cũng thường du di cho học sinh trong giai đoạn đặc biệt như hiện nay. Tags: Học onlineHọc trực tuyếnTiểu họcHọc thể dục
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm gãy đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Tính đến 17h chiều 7-9, bão số 3 đã làm người 4 người chết (Quảng Ninh 3 người và Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.