Nghiên cứu triết học từ... Reddit

ĐĂNG KHOA 28/05/2024 11:35 GMT+7

TTCT - Các nhà triết học hiện đại đang nghiên cứu vấn đề đạo đức dưới một lăng kính mới: các bài đăng trong một chuyên mục đặc biệt trên Reddit, nơi người ta nhờ thiên hạ phán xét giúp hành động của mình có phạm luân thường đạo lý hay không.

Tha thứ cho anh trai vì ngoại tình với vị hôn thê của một người anh khác; Không muốn rửa chén sau khi bạn trai đã nấu ăn; Đăng video ông chú bên vợ trộm cắp lên Facebook;  Lơ đẹp bạn gái của bố; Vờ bảo bạn gái mình là gay để cổ buông tha. Những câu hỏi AITA tiêu biểu

Tha thứ cho anh trai vì ngoại tình với vị hôn thê của một người anh khác; Không muốn rửa chén sau khi bạn trai đã nấu ăn; Đăng video ông chú bên vợ trộm cắp lên Facebook; Lơ đẹp bạn gái của bố; Vờ bảo bạn gái mình là gay để cổ buông tha. Những câu hỏi AITA tiêu biểu

Tò mò và thích thú trước câu chuyện của người khác là bản năng tự nhiên của con người. Đi kèm là nhu cầu khẳng định bản thân và thể hiện sự "trên cơ", thúc đẩy ta phán xét, đánh giá hành động của người khác. Đây chính là "khát vọng đen tối" - ham muốn được phán xét, được đặt mình vào vị trí cao hơn để soi xét, đánh giá.

Sự phát triển của công nghệ đã tạo điều kiện cho "khát vọng đen tối" này bùng nổ. Mạng xã hội trở thành sân khấu cho vô số vụ "phán xử", nơi mỗi cá nhân đều có thể ẩn danh và thoải mái đưa ra ý kiến của mình. Và "tuyệt vời" hơn, họ được mời đưa ra nhận xét chứ không cần phải thấy chuyện bất bình nhảy vô. 

Đó là thế giới của những diễn đàn như r/AmItheAsshole - một subreddit (chuyên mục phụ) nổi tiếng trên Reddit, một cái hố đen nơi người ta có thể hé lộ những thứ tăm tối hay khó tưởng tượng nhất về cuộc sống, tình yêu, đạo đức.

Gõ phím luận đạo đức - click chuột định đúng sai

"Am I The Asshole?" (AITA) là nơi để người ta đăng các tình huống cụ thể của mình, kèm theo các từ viết tắt như AITA (Am I The Asshole? - Tôi có phải kẻ khốn nạn không?) hoặc WIBTA (Would I Be The Asshole? - Tôi sẽ thành kẻ khốn nạn không?).

Cộng đồng sau đó sẽ "bỏ phiếu" để đưa ra phán quyết. Họ sử dụng các từ viết tắt như YTA (You're The Asshole - Bạn là kẻ khốn nạn), NTA (Not The Asshole - Bạn không phải kẻ khốn nạn). Và sau 24 giờ, phán quyết được định đoạt dựa trên bình luận có lượt bình chọn cao nhất.

Quả thực, mỗi bài đăng như một phiên tòa trực tuyến, nơi "bị cáo" tự nguyện đứng ra chịu xét xử, và bất cứ ai cũng có thể trở thành quan tòa. Một số người tìm kiếm sự an ủi cho quá khứ, trong khi những người khác lại muốn "thí nghiệm đạo đức" cho các hành động tương lai của mình.

Chẳng hạn, một bà mẹ tặng con gái mình một chiếc Nintendo Switch ngay giữa bữa tiệc sinh nhật... của một cô bé khác; một cô gái đổ tất cả các loại gạo khác nhau của bạn trai vào cùng một chỗ; một chàng trai không bao giờ đưa bạn gái mình đi ăn tối vì... cô ấy nấu ăn ở nhà ngon; và một cậu khác mời bạn gái đi một chuyến du lịch đắt tiền nhưng cô phải trả hết mọi chi phí. Họ có phải là kẻ khốn nạn? Mời cộng đồng mạng cho ý kiến.

Nghiên cứu triết học từ... Reddit- Ảnh 2.

AITA hiện là diễn đàn phán xét đạo đức độc đáo nhất cõi mạng, trở thành nơi người dùng chia sẻ những tình huống cụ thể trong cuộc sống và nhận được đánh giá từ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu được thấu hiểu và định hướng đạo đức ngày càng tăng cao.

Người ta từng tìm tới anh Chánh Văn hay chị Hạnh Dung hay các nhà tư vấn trên báo chí, nhưng giờ họ chỉ cần vào Reddit, nơi mỗi người có thể là nhà phê bình, là cố vấn cho nhau. 

Nhà sáng lập r/AmItheAsshole, Marc Beaulac, tin rằng khác với các chuyên gia, sức mạnh của AITA nằm ở sự đa dạng và tính ẩn danh của cộng đồng. Nhờ vậy, mỗi tình huống được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, mang đến những phản hồi phong phú và đa chiều.

Nguyên tắc hàng đầu của cộng đồng này là lịch sự. Ban quản trị nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều là "kẻ khốn nạn" vào lúc này hay lúc khác trong cuộc đời này, và diễn đàn mở ra với mục đích đánh giá hành động cụ thể chứ không phải phán xét cả một con người.

Tuy nhiên, khi cộng đồng ngày càng phát triển, việc kiểm soát bình luận tiêu cực trở nên khó khăn hơn. Việc xác định những câu chuyện giả mạo trên diễn đàn là một thách thức. Một bài đăng gần đây đã kêu gọi mọi người bình luận mang tính xây dựng, giúp các "chủ thớt" (người mở thảo luận) học hỏi từ sai lầm, thay vì chỉ khiến họ thêm chán nản.

Mỗi câu hỏi, một đề tài triết học

Khi đang làm sau tiến sĩ tại Đại học Pennsylvania, Daniel Yudkin cho rằng các tình huống thực tế được chia sẻ trên Reddit là đối tượng tuyệt vời để nghiên cứu kết hợp tâm lý học và triết học đạo đức. 

Trong một công trình tiên phong, nhóm của Yudkin đã phân loại 369.000 bài đăng và 11 triệu bình luận rồi dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định các chủ đề đạo đức chung và cách thức mà người dùng Reddit đưa ra phán đoán về hành vi của người khác.

Trong thử thách đạo đức nổi tiếng Trolley Problem, người ta buộc phải chọn nên bẻ ghi để chiếc tàu điện đang lao tới để cứu năm người, dù làm vậy sẽ khiến một người thiệt mạng. Yudkin, giờ đã là học giả của Đại học Pennsylvania, cho rằng nghiên cứu đạo đức giả định thế này bỏ sót một thành tố quan trọng: quan hệ cá nhân giữa những người có liên quan. Quan hệ của người đứng trước tình huống này với 1 hoặc 5 người trên đường ray kia chắc chắn sẽ ảnh hưởng quyết định cuối cùng của họ.

Trong khi đó, với các câu hỏi AITA, khi người dùng phân tích hành vi của nhau, họ không chỉ nhìn vào hành động mà còn đặt nó trong bối cảnh của mối quan hệ: người hỏi thường băn khoăn về hành vi của mình với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm. Điều này khớp với thực tế hơn: mỗi quyết định đạo đức lại gắn liền với những khuôn mặt quen thuộc, những mối quan hệ mà chúng ta trân trọng, chứ không phải là 6 người xa lạ nằm trước bánh con tàu đang lao tới.

Đó là một minh chứng cho thấy đạo đức không đơn thuần là những quy tắc đen trắng, mà là một bức tranh đa sắc, nơi mỗi màu sắc đều chứa đựng những giá trị và cảm xúc riêng biệt. Đạo đức, thực sự, là một hành trình khám phá không ngừng nghỉ, nơi mỗi chúng ta là những nhà triết học đang tìm kiếm câu trả lời cho chính mình.

Nghiên cứu này cũng đặt ra thách thức đối với chủ nghĩa vị lợi (Utilitarianism), một lý thuyết đạo đức cho rằng hành động tốt nhất là hành động mang lại lợi ích lớn nhất cho số đông. Lấy ví dụ như việc bỏ mặc con mình để cứu 20 đứa trẻ mồ côi. Theo quan điểm chủ nghĩa vị lợi, hành động này là đúng đắn vì mang lại lợi ích cho số đông. Tuy nhiên, nhiều người sẽ khó chấp nhận việc này vì nó vi phạm đạo đức cơ bản trong mối quan hệ cha mẹ - con cái.

Phân tích các bài đăng trên Reddit cho thấy rằng người dùng thường ưu tiên lợi ích của những người thân thiết với họ hơn là lợi ích của người xa lạ, ngay cả khi điều này có nghĩa là họ phải vi phạm các quy tắc đạo đức.

Câu hỏi "Tôi có phải là kẻ khốn nạn" như một lời nhắc nhở về sự phức tạp của đạo đức và bản chất con người. Sự kết hợp giữa triết học hiện đại và góc nhìn từ các mối quan hệ cá nhân có thể mang đến cho chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về những vấn đề này, từ đó đưa ra những đánh giá đạo đức chính xác và đầy đủ sắc thái hơn.

Bài đăng AITA đứng đầu về tương tác trong vòng 1 năm trở lại đây, ngày 26-5-2023, thu hút hơn 46.000 ủng hộ (upvote) và 7.200 bình luận.

Trong đó, người dùng 23 tuổi hỏi nếu muốn tự lái xe đi và tự trả tiền khách sạn để khỏi phải vào vai giữ trẻ (3 cháu ruột, con của chị gái) trong chuyến đi nghỉ mát của gia đình thì có khốn nạn không.

Nguyên do là cô đã có trải nghiệm đau thương từ kỳ nghỉ trước: được bố mẹ trả tiền khách sạn nhưng phải ở chung với 3 đứa cháu trai để "anh chị ở riêng", và suốt ngày giữ trẻ không được đi đâu.

Năm nay muốn tránh phiền toái thì cả bố mẹ lẫn anh chị làm ầm lên vì làm thế sẽ "phá hỏng kỳ nghỉ của họ" vì phải bận rộn với lũ trẻ. Phán quyết cuối cùng: NTA - bạn không phải kẻ khốn nạn.

Năm 2013, bực bội không biết mình có phạm lỗi "mansplain" (phụ nữ thì biết cái gì, nghe đàn ông chỉ bảo đây) khi tranh luận cùng các nữ đồng nghiệp hay không, nhiếp ảnh gia Marc Beaulac lên Reddit mở r/AmItheAsshole.

Từ bài mở màn đó, cộng đồng này giờ có 17 triệu thành viên, luôn hoạt động sôi nổi. Chẳng hạn trong tháng 4-2022, có khoảng 1 triệu bình luận trên 24.710 bài viết trong subreddit này. Bí quyết cho thành công này nằm ở sự kết hợp độc đáo giữa sự lan tỏa từ những người nổi tiếng và ngôn ngữ riêng biệt của cộng đồng.

Theo một cuộc khảo sát trên Vice, người dùng AITA chủ yếu là thanh niên (18-34 tuổi), đến từ Bắc Mỹ và châu Âu, với sự hiện diện đáng kể của nữ giới. Đa số theo dõi âm thầm, một số tham gia bình luận và đăng bài.

Đặc điểm người dùng AITA tương đồng với người dùng Reddit nói chung, nhưng với tỉ lệ nữ cao hơn và quan điểm chính trị nghiêng về cánh tả. Một điểm thú vị là những người lớn lên trong môi trường Công giáo rất hứng thú với các chủ đề của AITA, chiếm hơn 1/4 dù chỉ có 4,1% người dùng trên toàn Reddit cho biết mình là Công giáo.

Cuộc khảo sát còn dùng một công cụ gọi là Moral Foundations Questionnaire (MFQ), tạm hiểu là một bản các câu hỏi nhằm khảo sát nền tảng đạo đức của các thành viên AITA. Theo MFQ, có năm nền tảng đạo đức chính: quan tâm, công bằng, trung thành, thẩm quyền, khiết tịnh (trong sạch).

Và nếu xét trên những tiêu chí này, số người tham gia coi trọng việc tránh gây tổn thương và đảm bảo công bằng hơn là việc duy trì trật tự xã hội, tôn trọng quyền lực, và giữ gìn các giá trị khiết tịnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận