TTCT - Hơn 20 năm trước, vài năm sau khi tách tỉnh Bình Trị Thiên về lại địa giới hành chính cũ, tôi có việc đến Sở Lao động - thương binh và xã hội Quảng Trị đóng trụ sở ở đường Tôn Thất Thuyết (thị xã Đông Hà). Hình ảnh khu vườn trồng bạch đàn với cỏ dại mọc ngổn ngang trước trụ sở là dãy nhà cấp 4 tuềnh toàng chăng đầy... tăng võng như một binh trạm ngày xưa trên mặt trận Trường Sơn khiến tôi nhớ mãi.Nhà khách 27-7 từ 16 năm nay (xây dựng năm 1997) là nơi đón tiếp thân nhân liệt sĩ của cả nước về Quảng Trị thăm viếng hay tìm kiếm hài cốt - Ảnh: L.Đ.DụcHỏi ra mới hay những thân nhân liệt sĩ vào Quảng Trị thăm viếng, đi tìm kiếm hài cốt… đều coi cái rặng bạch đàn ấy như cái “motel” để tá túc, vừa tiện bề vào sở để tra cứu hỏi han, vừa có chỗ tương đối mát giữa một vùng bỏng rát nóng của Đông Hà ngày ấy. Từ “binh trạm” tới “khách sạn”Hình ảnh hàng trăm thân nhân liệt sĩ ngủ trên tăng võng treo mắc giữa các cội bạch đàn lóe lên như một tia chớp ký ức khi sáng nay, một ngày cuối tháng 7, tôi lại được ngồi cùng những thân nhân đang về Quảng Trị vào mùa tưởng niệm. Thay cho tăng võng và chút bóng cây như xưa kia là cả một cụm nhà đón tiếp với biển hiệu rõ ràng tọa lạc bên quốc lộ 1: “Nhà khách 27-7, nơi đón tiếp thân nhân liệt sĩ”.Nhắc lại câu chuyện về hình ảnh “binh trạm Trường Sơn” trước trụ sở của Sở LĐ-TB&XH năm nào để sau đó trung ương hỗ trợ xây dựng ngôi nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ này, anh Lê Văn Dăng, nguyên phó giám đốc sở kiêm giám đốc của nhà đón tiếp này từ khi mới thành lập, bảo: “Bây giờ cơ sở vật chất mở rộng hơn với sự đóng góp của nhiều cá nhân hảo tâm, của Nhà nước, còn năm 1997 khi ngôi nhà này mới ra đời chỉ với 50 giường mà mỗi năm số khách về lên tới con số vạn, chỉ còn cách… trải chiếu lên nền, lên hành lang, cùng chịu khó chịu khổ với nhau. “Đất nước im súng bom mấy chục năm rồi, nhưng chiến tranh vẫn còn in dấu trong những cuộc tìm kiếm miệt mài của thân nhân các liệt sĩ. Và Quảng Trị luôn là địa chỉ được kiếm tìm nhiều nhất”. Vài năm sau đó, thấy lượng khách về thăm viếng, kiếm tìm ngày càng đông, một mạnh thường quân vốn nặng lòng với mảnh đất Quảng Trị là ông Nguyễn Hữu Đường, giám đốc Công ty Thương binh nặng Hòa Bình (Hà Nội), đã hỗ trợ xây dựng thêm một cơ sở đón tiếp ngay trong khuôn viên nhà khách 27-7 này với ngôi nhà ba tầng, 50 giường, kinh phí chừng 4 tỉ đồng cộng với một chiếc xe 15 chỗ đưa đón thân nhân.“Suốt tám năm phụ trách nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ, mỗi lần khách về đông phòng nghỉ không đủ chỗ, nhìn các thân nhân phải trải chiếu nằm trên sàn gạch trong hội trường hay ngoài hành lang chúng tôi áy náy lắm. Nhưng hoàn cảnh như thế biết làm sao được. Đấy là chưa nói chuyện chính sách vào thời điểm đó chỉ cấp “tiêu chuẩn” xe tàu và ăn nghỉ cho mỗi gia đình đi thăm viếng tối đa là ba người trong thời gian bốn ngày.Trong khi số người về đây không chỉ là “thăm viếng” mà cả “tìm kiếm”, nhưng bên thăm viếng (tức đã tìm thấy mộ liệt sĩ) thì có chế độ mà bên tìm kiếm (chưa tìm thấy mộ) lại không được cấp chế độ. Hai gia đình cùng có con em nhập ngũ một ngày, cùng hi sinh một lần, cùng về đây một dịp nhưng bên gia đình đã tìm thấy mộ lại được cấp chế độ, người đang đi tìm, đang chịu thiệt thòi hơn, đau khổ hơn lại… không được điều khoản hỗ trợ nào cả!Bây giờ thì các chế độ đã được điều chỉnh, nhưng những ngày đầu tiên làm công việc này ở nhà đón tiếp, gặp những trường hợp như thế này anh em không biết xử lý thế nào. Thôi thì gian khó cùng sẻ chia, nhà chật thì trải chiếu nằm, cơm cháo khó khăn cùng san sẻ”.Chưa bao giờ tôi nghe một trải nghiệm xúc động như câu chuyện với anh Dăng: “Gần mười năm làm việc ở ngôi nhà đón tiếp ấy, sau những hi sinh mất mát từ cuộc chiến của mỗi gia đình, cái mà tôi nhận ra là tấm lòng người dân mình quá bao dung, quá vĩ đại!Hi sinh cha - anh - chồng - con… cho đất nước, vậy mà ngày hòa bình vợ con, thân nhân các liệt sĩ vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số về đây, trải chiếu ngủ dưới sàn nhà, bữa cơm phục vụ còn đạm bạc, nhưng khi chia tay ai cũng tỏ lòng biết ơn anh chị em đã đón tiếp chăm sóc khi họ đến nhà khách này.Anh em tỏ ra áy náy vì chưa thể đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ chu đáo hơn thì ai cũng bảo: “Ngày xưa treo võng nằm phơi nắng phơi sương trước vườn bạch đàn, nay về có chỗ ở, có cơm nước phục vụ, có xe đưa đón, ngủ sàn hay ngủ hành lang vẫn là quá thiên đường! Nghe bà con nói vậy đôi khi ứa nước mắt!”.Giám đốc nhà khách 27-7 Nguyễn Minh Hoàn (phải) xác nhận các thủ tục chế độ cho một thân nhân liệt sĩ. ở đây vào tháng 7 hằng năm, mỗi ngày đơn vị phải xác nhận và đón tiếp 500-600 thân nhân về thăm viếng, tìm kiếm - Ảnh: L.Đ.DụcChưa hết cuộc kiếm tìm…7g sáng chủ nhật nhưng khung cảnh ngôi nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ không có dáng vẻ của ngày nghỉ. Cửa phòng làm việc của giám đốc Nguyễn Minh Hoàn - người kế nhiệm anh Lê Văn Dăng, phụ trách nhà khách từ nhiều năm nay - đã mở. Tấp nập các thân nhân cầm giấy tờ chạy vào chạy ra nhờ xác nhận, thanh toán kinh phí, bố trí xe cộ... Trước sân, chen chúc xe mang biển số từ nhiều tỉnh thành đang đậu, dưới bóng tán bàng, nhiều gia đình khác đang chuẩn bị chờ xe tới đưa đi thắp nhang, thăm viếng.Đất nước im súng bom mấy chục năm rồi, nhưng chiến tranh vẫn còn in dấu trong những cuộc tìm kiếm miệt mài của thân nhân các liệt sĩ. Và Quảng Trị luôn là địa chỉ được kiếm tìm nhiều nhất.Câu chuyện của chúng tôi với giám đốc nhà khách 27-7 Nguyễn Minh Hoàn chen giữa hàng trăm lượt khách ghé đến xin xác nhận, bố trí thăm viếng hoặc đã xong và họ ghé chào, cảm ơn các anh để về lại quê. Mỗi thân nhân về đây đều có một câu chuyện, một hành trình đáng nhớ.Một cựu binh dáng quắc thước, mái tóc bạc trắng, nói giọng Hà Tĩnh bước vào bắt tay anh Hoàn rồi nói: “Cảm ơn anh chị em ở nhà khách, cuối cùng sau 45 năm đi tìm, hài cốt đồng đội tôi cũng đã hiện ra những manh mối!”. Với chiếc áo lính bạc màu và mái tóc bạc trắng, cứ nghĩ ông là “binh nhì một thuở”, không ngờ ông là đại tá về hưu, nguyên phó hiệu trưởng Trường quân sự Quân khu 2.Đại tá Nguyễn Duy Ân - tên người cựu binh - nói với tôi: “Liệt sĩ mà tôi đi tìm là bạn đồng hương, đồng ngũ, cùng vào lính một ngày, chiến đấu cùng đơn vị, anh ấy là Bùi Xanh, hi sinh tháng 8-1969 ở vùng Mò Ó (huyện Đakrông, Quảng Trị), gia đình đi tìm hàng chục cuộc nhưng vẫn chưa gặp được mộ.Mới đây, bà cụ mẹ của liệt sĩ Xanh, đã 92 tuổi, kêu tôi đến bảo: “Chú là đồng đội với nó, cố giúp mẹ thêm lần này, đi tìm mộ nó cho mẹ, có tìm thấy mộ nó mẹ mới yên tâm nhắm mắt”. Cùng với anh Bùi Hoãn, em trai liệt sĩ Xanh, đại tá Ân đã nhiều lần về lại nơi trận địa khi xưa bạn mình hi sinh, chỉ nghe nói có một số mộ đã được quy tập lâu rồi. Cũng gần như đáy bể mò kim, chắp nối hết các nguồn tin, manh mối....Ông Ân, ngày ấy vốn là lính trinh sát, vận dụng hết kinh nghiệm trận mạc lẫn “chuyên môn” để mãi đến chiều qua mới tạm xác định ngôi mộ đồng đội mình đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa, số 78, khu B. Mới “tạm xác định” thôi vì dù đã căn cứ vào nhiều đầu mối thông tin, nhưng phải chờ cho phép lấy hài cốt và xác định ADN với thân nhân mới có thể khẳng định chính xác được. Nhưng dù sao, sau gần 45 năm hi sinh, có chút manh mối như vậy đã là quá mừng.Câu chuyện tình cờ giữa đại tá Ân với anh Hoàn và chúng tôi trong buổi sáng chủ nhật của tháng 7 này chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện vẫn diễn ra ở nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ này. Và nếu không có một nơi cho thân nhân đến ăn nghỉ thì làm sao có thể yên tâm với cuộc kiếm tìm. Giám đốc Nguyễn Minh Hoàn cho biết riêng Quảng Trị có 20.000 mộ liệt sĩ đang gắn bia “Liệt sĩ chưa biết tên”, với số lượng như vậy thì cuộc tìm kiếm còn lâu dài mải miết lắm.Hai năm trước, Bộ LĐ-TB&XH cho xây thêm một nhà đón tiếp mới khang trang hơn với kinh phí 13 tỉ đồng, toàn bộ cụm nhà đón tiếp này đã có chừng 150 giường, tuy nhiên vào tầm tháng 7 này trung bình mỗi ngày nhà khách phải đón từ 400-600 lượt khách, và như thế lượng phòng vẫn chưa đáp ứng đủ.Và trong câu chuyện với anh Nguyễn Minh Hoàn, tôi mới biết thêm một góc khác của những người phục vụ nơi đây. Nhà khách nằm cạnh quốc lộ 1, thân nhân liệt sĩ về đây vào bất cứ giờ nào, gần như các bộ phận đều trực 24/24, khách đi viếng hay các thân nhân tìm kiếm mộ liệt sĩ có thể về bất cứ giờ nào.Anh Hoàn kể : “Lượng khách đông như thế nhưng toàn bộ biên chế của nhà khách chỉ 21 người, thành ra giờ làm thêm của ai cũng lên đến vài trăm giờ mỗi năm. Có chị em phục vụ vượt giờ lên tới 300-400 giờ/năm, dù quy định của Luật lao động chỉ được phép không vượt quá 200 giờ/ năm.Nếu phục vụ “đúng luật” thì làm sẽ không đúng với các thân nhân liệt sĩ, mà phục vụ tận tụy thì lại... phạm Luật lao động, thành ra thanh toán cái khoản giờ vượt khỏi cái khung 200 giờ kia là không thể! Bao nhiêu vướng víu như vậy, thậm chí có chị em hợp đồng làm đây 5-6 năm, lương hợp đồng bậc 1, sau khi đóng bảo hiểm xã hội thì lương còn chưa tới 1 triệu đồng/tháng...Biết là thiệt thòi, cũng đề xuất này nọ lên trên nhưng chưa có tín hiệu nào khả quan, nhưng cứ mỗi ngày tiếp xúc với những câu chuyện hi sinh, những người đã nằm lại nơi đây mà cho đến giờ không có một tấm bia, một mảnh hài cốt... lại động viên nhau vì thấy mình quá may mắn, nhất là những ngày tháng 7 này, nhà khách 27-7 dường như không có đêm, không có giờ nghỉ!Có một ngọn lửa đang cháy từ tấm lòng anh chị em trong ngôi nhà đó, làm ấm lòng những thân nhân liệt sĩ đang về đây, mỗi tháng, mỗi ngày… Tags: Liệt sĩThương binh277Lê Đức DụcTrường SơnThân nhân liệt sĩ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.