Người ăn chay: vẻ đẹp của tự do

NGUYỄN THỊ NGỌC KHÁNH 10/04/2011 00:04 GMT+7

TTCT - Vừa là ba truyện ngắn độc lập, vừa mang kết cấu của một tiểu thuyết hoàn chỉnh, liên truyện Người ăn chay - Vết chàm Mongolia - Cây pháo hoa dù viết về ba cuộc đời đơn độc nhưng được tác giả khéo léo xâu chuỗi lại thành một nỗi ám ảnh dai dẳng về sự khát khao tự do - cuộc đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn giữa cá nhân trong mối tương quan với gia đình và cộng đồng.

Phóng to

Tựa như việc không bao giờ mặc áo ngực và có lúc đã cởi phăng chiếc áo đang mặc ra vì... nóng quá, tự do của Yeong-hye (trong Người ăn chay) cần gần như là tự do tối thiểu của một con người, tự do với chính bản thân mình. Cô cần thoát khỏi những nỗi ám ảnh triền miên trong cơn mơ về máu, thịt sống, việc sát sinh, tội ác mà cô nhìn thấy, ám ảnh từ thế giới xung quanh... Không phải thứ tự do để tháo chạy, nổi loạn hay kết thúc mà là để sống một cuộc đời thanh thản, lâu dài bằng chính niềm tin của mình vào việc ăn chay. Tưởng dễ dàng, hóa ra tự do ấy lại không đi đôi với đời sống “không có gì đặc biệt” mà cô đang có: một người vợ đảm đang, người con biết vâng lời, một người em, người chị biết sống vì chị em ruột thịt...

Yeong-hye sống với lựa chọn ấy một cách mãnh liệt. Đó là lý do cô giữ mãi được tâm hồn trẻ thơ và vết chàm Mongolia trên mông vốn sẽ mất đi khi người ta lớn lên?

Vết chàm ấy - sự trong trẻo ấy - lại chính là nguồn cảm xúc nghệ thuật cho người anh rể - một đạo diễn video art luôn mang giấc mơ đạt đến sự hoàn hảo trong tự do sáng tạo... Không bị trói buộc trong những giới hạn chật hẹp như Yeong-hye, cái anh cần vượt qua nhất là ranh giới ở trong chính bản thân mình, giữa dục vọng và sáng tạo nghệ thuật, giữa những ám ảnh là cảm hứng sáng tác và những suy nghĩ đen tối bột phát, giữa người đàn ông và người họa sĩ cùng trỗi dậy trước cơ thể đẹp của người đàn bà, giữa người chồng đóng khung cuộc đời với những lo toan hằng ngày cho vợ con và người nghệ sĩ với những tác phẩm bay bổng không biên giới, giữa con người trong một xã hội với vô vàn những giới hạn, điều kiện và con người nghệ sĩ luôn đòi hỏi tự do vô hạn...

Không phải do tài năng, không phải do điều kiện vật chất, những điều vừa nói mới là lý do cuộc hành xác của người nghệ sĩ ấy - bởi anh không phải là một người quá tỉnh táo, một kẻ thiếu đam mê và lại càng không phải là một người vô tâm, vô trách nhiệm.

Cuối cùng, chẳng biết là tiếng kêu nuối tiếc tự do hay là những lời thì thào muộn màng của Yeong-ho trong Cây pháo hoa? Người phụ nữ một đời bươn chải vì chồng, vì con, vì em, vì no ấm, vì hạnh phúc gia đình, vì những niềm tin có sẵn... một ngày chợt nhìn ra tất cả những điều cô đã hết lòng ấy lại là nguyên nhân của biết bao buồn đau, chia ly, mất mát mà chính cô và những người thân đã phải chịu đựng. Với bản thân mình, hình như Yeong-ho không có tuổi thơ. Cô không có những hồi ức tuổi thơ - tựa như một con người chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống vậy. “Sự chăm chỉ cần mẫn của cô không phải là chững chạc sớm mà chỉ là sự hèn nhát, chỉ là một phương thức để tồn tại”.

Yeong-ho là hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ - hay nói rộng hơn, chính xác hơn là con người chúng ta trong xã hội hiện đại, sống theo những suy nghĩ được lập trình, những thói quen có sẵn, hạn chế phản kháng, đấu tranh, mù mờ đi giữa cơm áo gạo tiền rồi tiến đến cái đích già nua, cô đơn, buồn chán trong vòng đời không thể khác. Chồng của cô - anh họa sĩ - cũng là một nghệ sĩ bình thường, với những day dứt bình thường của con người làm công việc sáng tạo. Anh có thể đầu hàng, có thể sẽ hi sinh để đạt tự do tuyệt đối. Điều đó không ai chắc được. Chỉ có Yeong-hye, cô gái đi từ ăn chay cho đến nhịn ăn, thậm chí nghĩ rằng mình là một cái cây chỉ cần tưới nước, chỉ cần có ánh nắng là sống được. Cái đón đợi cô ở phía trước là cái chết, nhưng Yeong-hye lại là hiện thân của sự sống - biểu tượng của khát khao và đấu tranh cho tự do tuyệt đối.

Chính tinh thần đẹp đẽ ấy khiến cô có sức mạnh không ngờ từ bên trong và đi ngược về tuổi thơ thay vì lão hóa đi. Cô sống vui và thanh thản, thay vì lo toan thường trực về cái chết như bao nhiêu người xung quanh.

“Thời gian không dừng lại” được lặp lại không biết bao nhiêu lần trong câu chuyện. Chúng ta hẳn cũng đã biết điều này nhưng ai sẽ can đảm sống một cuộc đời thật sự của mình?

__________

Liên truyện Người ăn chay của Han Kang (Hàn Quốc), Hoàng Hải Vân dịch, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản và phát hành. Tác phẩm từng đoạt giải thưởng văn học Lee Sang Changbi Publishers.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận