TTCT - Từ 5-8 cho đến suốt tuần qua, nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (ZNPP) liên tục bị bắn phá. Phía Nga khẳng định quân đội Ukraine là thủ phạm, trong khi Kiev đổ cho quân Nga. Thế nhưng đoàn thanh sát viên quốc tế do IAEA cử tới tìm hiểu tình hình theo kêu gọi của Nga lại bị ngăn chặn. Bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaparozhye. Ảnh: ReutersGần đây, các vụ bắn phá ngày càng leo thang, đe dọa nghiêm trọng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này. Cụ thể, theo tường trình của phía Nga, "các vụ pháo kích trong ngày 7-8 khiến đường dây cao áp Kakhovskaya cung cấp điện cho các vùng Zaporozhye và Kherson hư hỏng. Sự cố điện đã xảy ra tại nhà máy, khiến hệ thống bảo vệ được kích hoạt và tắt nguồn điện. Để tránh làm gián đoạn công việc, các nhân viên kỹ thuật của trạm đã giảm công suất của tổ máy số 5 và 6 xuống 500MW".Đại diện Bộ quốc phòng Nga, trung tướng Igor Konashenkov, gọi các vụ pháo kích là "hành động khủng bố hạt nhân" được thực hiện nhằm gây thảm họa nhân đạo ở khu vực Kherson và Zaporozhye. Ông nêu đích danh thủ phạm: Lữ đoàn pháo binh số 44 của lực lượng vũ trang Ukraine, bắn pháo và tên lửa từ khu vực thành phố Marganets, nằm bên bờ hồ chứa Kakhovka đối diện nhà máy điện hạt nhân.Ai gây "khủng bố hạt nhân"?Đồng tình với viên tướng Nga, Vladimir Rogov, một thành viên của Hội đồng chính quyền quân dân tỉnh Zaporozhye, cho kênh truyền hình Rossiya 24 biết pháo đã bắn trúng hệ thống làm mát và kho chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng (SNF), khiến tình hình trở nên đáng lo ngại. Ông lưu ý nhà máy điện hạt nhân đã trở thành mục tiêu chính của pháo binh Ukraine trong khu vực. Đặc biệt, hôm chủ nhật 7-8, theo lời ông Rogov, các mảnh tên lửa GMLRS đã rơi xuống cách đơn vị vận hành điện không quá 400m, làm một người chết. Tiếp đó, ngày 11-8 Nga cáo buộc pháo binh Ukraine bắn vào ZNPP khiến thiết bị của hệ thống làm mát bị hư hỏng một phần.Tuy nhiên, Kiev lại tuyên bố chính quân Nga đang bắn phá ZNPP. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phản ứng cứng rắn hơn đối với "khủng bố hạt nhân" của Nga. Nhà ngoại giao Ukraine Oleksandr Shcherba ngày 8-8 nói ông Zelensky đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt chống lại lĩnh vực hạt nhân của Nga với người đứng đầu Hội đồng châu Âu - Charles Michel.Đồng tình với Kiev, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 7-8 "kêu gọi Nga chấm dứt mọi hành động thù địch tại hoặc gần các cơ sở hạt nhân của Ukraine và trả lại toàn quyền kiểm soát (ZNPP) cho Ukraine", đồng thời cho biết Washington vẫn "tiếp tục theo dõi mức phóng xạ", và may thay, "không thấy dấu hiệu mức phóng xạ tăng lên hoặc bất thường".Đại diện Nga tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Vasily Nebenzya đã nhiều lần cảnh báo về các vụ tấn công vào ZNPP từ phía Ukraine, kêu gọi LHQ cử đoàn thanh tra tới đánh giá tình hình. Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ António Guterres về việc phi quân sự hóa ZNPP như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng, ông Nebenzya từ chối và giải thích phía Nga lo ngại nhà máy sẽ trở thành mục tiêu tấn công khủng bố. Ngày 8-8, Stéphane Dujarric, phát ngôn viên LHQ, cho biết ông Guterres đã làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để tổ chức chuyến thanh sát ZNPP. Tuy nhiên đến giờ chót, chuyến đi của phái đoàn IAEA bị bộ phận an ninh của Ban thư ký LHQ ngăn chặn.Cuối tuần qua, EU cùng đại diện 42 quốc gia đã kêu gọi Nga rút quân khỏi ZNPP trong một tuyên bố chung. Tuyên bố này viết: "Việc triển khai quân nhân và vũ khí của Nga tại một cơ sở hạt nhân là không thể chấp nhận được và vi phạm các nguyên tắc an toàn, bảo vệ và các biện pháp mà tất cả các thành viên IAEA đã cam kết tuân thủ".Tính toán của KievThứ nhất, việc lấy lại ZNPP có ý nghĩa biểu tượng quan trọng với Kiev. Đây sẽ là chiến thắng lớn nhất cho Ukraine kể từ khi họ đẩy được quân Nga lui khỏi chính Kiev.Thứ hai, ZNPP mang tới lợi ích kinh tế lớn: 20% sản lượng điện của cả Ukraine (đồng thời, điện hạt nhân còn là rẻ nhất so với các nguồn khác). 20% này sẽ sớm ngừng chảy sang Ukraine, vì Nga đã sẵn sàng chuyển hướng dòng điện từ Zaporozhye sang Nga. Tình hình càng gay go khi mùa đông sắp đến. Vì lẽ đó, Tổng thống Zelensky, thông qua các tổ chức quốc tế, đang cố gắng thúc đẩy việc đưa quân gìn giữ hòa bình tới nhà máy điện hạt nhân này. Với sự giúp đỡ này của phương Tây, Zelensky có thể giành lại quyền kiểm soát ZNPP."Mục tiêu cao nhất với Kiev là buộc Nga phải rời khỏi khu vực nhà máy điện hạt nhân và khởi động tất cả sáu tổ máy điện. Điều này sẽ cho phép họ sống sót qua mùa đông, thậm chí có thể kiếm thêm tiền nhờ xuất khẩu điện sang EU", nhà khoa học chính trị và kinh tế Nga Ivan Lizan viết trên Telegram. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal ước tính thu nhập tiềm năng từ việc bán điện cho EU là 70 tỉ hryvnia (1,9 tỉ USD) mỗi năm.Chuyên gia năng lượng Nga Alexey Anpilogov lưu ý về sự trùng hợp của những vụ bắn phá với tuyên bố của chính quyền Zaporozhye về việc tổ chức trưng cầu ý dân để sáp nhập khu vực vào Nga và việc Kiev kêu gọi người dân sơ tán khỏi Zaporozhye. "Nếu không đủ dân số, Kiev có thể tuyên bố cuộc bỏ phiếu không có hiệu lực".Nỗi lo của NgaLiệu có xảy ra một Chernobyl thứ hai? Tờ Sự thật Komsomol dẫn lời các chuyên gia thừa nhận: nguy cơ này là có thật.Nga đã tăng cường an ninh tại ZNPP - từ phòng không đến phòng thủ tên lửa, kể cả các đơn vị bảo vệ chống phá hoại. Nhưng ngay cả khi 95% các vụ tấn công bị ngăn chặn, 5% vẫn có thể tiếp cận mục tiêu. Ngoài ra, ZNPP được xây dựng vào thời Liên Xô, với dự kiến có thể chịu được, nếu không phải là tấn công hạt nhân, thì cũng phải là một cuộc tấn công lớn. Nhưng người Ukraine cũng biết tất cả những điều này, nên họ đang nhắm đến cơ sở hạ tầng phụ trợ - hệ thống làm mát, mạng lưới.Cựu lãnh đạo Cơ quan Giám sát an toàn bức xạ hạt nhân Gosatomnadzor của Liên Xô, tiến sĩ - giáo sư Vladimir Kuznetsov, người từng làm việc tại tổ máy thứ ba của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, bình luận trên tờ Izvestia về đề xuất của chính quyền địa phương cho ZNPP dừng hoạt động: "Ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân đồng nghĩa ngắt tổ máy khỏi lưới điện, chuyển nó về mức công suất được kiểm soát tối thiểu. Có thể giữ bộ nguồn ở mức này, hoặc thậm chí hạ nhiệt xuống 20 - 30 độ. Như thế, trong trường hợp nhà máy ở trạng thái ngưng hoạt động bị tấn công, hậu quả sẽ nhỏ hơn nhiều so với trường hợp hoạt động hết công suất". Tuy nhiên, việc ngưng hoạt động ZNPP sẽ kéo theo những vấn đề lớn với việc cung cấp điện trong tương lai với các vùng lãnh thổ Nga đang chiếm đóng cùng nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh liên quan đến các đường dây tải điện. Ngoài ra, việc duy trì một nhà máy điện hạt nhân đóng băng tốn kém hơn nhiều cả về tiền bạc, nhân lực lẫn thời gian so với một nhà máy hoạt động.Cũng theo ông Kuznetsov, nếu xảy ra tấn công vào ZNPP, ngoài Nga, chính tỉnh Zaporozhye, cả miền Tây Ukraine, Bulgaria, Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Cộng hòa Czech và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ phải gánh chịu hậu quả. Ông Kuznetsov cũng không lạc quan lắm với sự xuất hiện của các thanh sát viên IAEA ở ZNPP, vì "đây là một tổ chức thân Mỹ". Bản tin ngày 22-7 của IAEA thì cho biết: "Tổng giám đốc (Rafael) Grossi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng IAEA phải có khả năng cử phái đoàn đến ZNPP để tiến hành các hoạt động an toàn, an ninh và bảo vệ thiết yếu tại cơ sở này. Là một tổ chức độc lập và không thiên vị, sự hiện diện của IAEA cũng sẽ rất quan trọng để hiểu rõ hơn tình hình tại ZNPP - vốn do lực lượng Nga kiểm soát kể từ ngày 4-3 nhưng tiếp tục được điều hành bởi các nhân viên Ukraine".■ZNPP thuộc nhóm 10 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới và là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nhà máy nằm gần thành phố Energodar thuộc tỉnh Zaporozhye (đông nam Ukraine), ở bờ phía nam hồ chứa Kakhovka trên sông Dnepr. Nhà máy được Liên Xô xây dựng năm 1979, nhưng chỉ đạt công suất tối đa 6.040MW từ ngày 21-12-2021.Từ 4-3-2022, hầu hết khu vực Zaporozhye, bao gồm Energodar và ZNPP, đã rơi vào tay các lực lượng Nga. Từ 10-15 chuyên gia hạt nhân Nga túc trực tại ZNPP kể từ đó, nhưng nhân sự chính vận hành, vào khoảng 11.500 người, vẫn là người Ukraine. ZNPP cung cấp 20% lượng điện cho Ukraine. Nga sẽ cần ZNPP tiếp tục vận hành để cung cấp cho các vùng chiếm đóng Zaporozhye, Kherson và cả bán đảo Crimea. Tags: Nhà máy điện hạt nhânZaporozhyeChernobyl hạt nhânNgaChâu Âu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...