Nhà trường và những cái bóng thân thế

DANH ĐỨC 16/04/2018 20:04 GMT+7

TTCT - Phải nhìn sâu thêm một nấc về những vụ phụ huynh học sinh bạo hành giáo viên, rồi giáo viên “bạo hành” học sinh bằng cách này hay cách khác vừa liên tiếp diễn ra, đặt câu hỏi “Những chuyện này đến từ đâu?”.

MH
 

 

Những câu hỏi tự bật ra

Chuyện một cô giáo dạy toán suốt hơn ba tháng chỉ ghi lên bảng mà không nói gì là cả một chùm dấu hỏi to tát. Nếu không có cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với học sinh tiêu biểu năm 2018 thì câu chuyện “tịnh khẩu” này của cô giáo sẽ không bao giờ đến tai sở và nội vụ sẽ cứ tiếp diễn? Mà đó là một “bí mật” đã diễn ra trong một lớp có hàng chục học sinh, một ngôi trường có cả trăm giáo viên và ban giám hiệu: “Đã hơn một học kỳ, lớp con phải tự học, tự làm bài và không biết nói với ai cả. Giáo viên chủ nhiệm của chúng con cố gắng giải quyết nhưng không thành công. Có thể nói là cô khá quyền lực, mọi người đều sợ, chính con cũng sợ và cả thầy cô cũng vậy”.

Và những câu hỏi kế tiếp bật ra: Vị hiệu trưởng của ngôi trường THPT (ngay chốn đô thị này) đâu rồi? Tại sao nội vụ chỉ được biết giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên đó, tổ bộ môn toán có biết không? Các buổi họp hội đồng giáo viên sao không thấy lên tiếng?... Nhất định sẽ phải đào sâu tìm hiểu lý do sau cuối của bức màn thinh lặng này.

Bất luận thế nào, hậu quả của vụ việc này cần phải nhìn về phía học sinh hơn là phía ngành giáo dục. Và cần để vụ việc tiến tới chỗ tất cả, từ sở tới nhà trường và cô giáo, đều phải tự vấn: Các học sinh lớp ấy thu thập được gì trong bấy nhiêu giờ học môn toán “tịnh khẩu” hay coi như sẽ phải chịu một năm lớp 11 đổ sông đổ biển? Và có ai đã nghĩ tới câu hỏi “học sinh đã cảm nhận, ghi khắc hình ảnh thầy, cô như thế nào qua những chuyện thế này?”.

Những vấn đề thân thế

Không ai muốn đi theo “chủ nghĩa lý lịch” mà truy xét nhân thân của cô giáo trong vụ bắt học sinh uống ly nước vắt giẻ lau bảng, nếu không xảy ra tiếp vụ việc mẹ đẻ cô giáo đi theo gia đình học sinh đến bệnh viện và giằng co phiếu kết quả xét nghiệm của học sinh khiến gia đình học sinh phải đưa con về, không tiếp tục khám nữa...! Từ đó, không thể không tự hỏi: cô giáo tới trường, vô lớp có nhìn các đồng nghiệp cùng học sinh bằng cặp mắt của con gái phó phòng giáo dục, con dâu của chủ tịch thị trấn hay không?

Hai vụ trên xảy ra không đầy một tháng sau vụ một phụ huynh học sinh vào trường “lớn tiếng” khiến cô giáo phải quỳ... Và còn có thể kể ra rất nhiều hình thức thể hiện thân thế trong nhà trường, dẫu không mang tính chất bạo lực như thế. Chẳng hạn, chuyện dài mỗi đầu năm học về việc đóng quỹ “sinh hoạt lớp - nhà trường” của các phụ huynh.

Ở những trường mà đa số phụ huynh cùng mức thu nhập khá giả, việc thông qua và đóng quỹ rất nhanh, nhưng ở những trường (công) mà thu nhập của các phụ huynh khá khác biệt, mỗi khoản tiền đóng góp đều là một tiền đề cho sự phân hóa trong lớp, trong nhà trường trên cơ sở thân thế, gia cảnh... Có một hệ lụy quan trọng mà chuyện đóng góp này gây ra: những món tiền đó, với một số học sinh mà gia đình khó khăn, sẽ là những “vết hằn trên lưng” các em... Cái bóng “thân thế” có thể nói đã phủ lên nhà trường bằng nhiều bộ dạng khác nhau.

Thử tham khảo luật giáo dục của Pháp 2005, còn gọi là luật Fillon, theo đó, “ngoài việc truyền đạt kiến thức, quốc gia đặt ra nhiệm vụ đầu tiên của nhà trường là chia sẻ với học sinh những giá trị của nền cộng hòa”. Lại nhắc lại lần nữa, từ “cộng hòa” mà trong quốc hiệu Việt Nam cũng hàm chứa, là một chế độ mà mọi việc là việc chung (res publica), các giá trị cộng hòa là bình đẳng trước việc chung.

Trong định nghĩa đó, nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn phải là nơi tạo ra chất keo gắn kết xã hội. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Vincent Peillon đã tỏ rõ ý này khi phát hành bộ sách giáo dục công dân và đạo đức năm 2013: “Để học sinh sau này có thể tự do lựa chọn, chúng ta phải có khả năng giật lấy học sinh ra khỏi các thứ tiền định (định mệnh) gia đình, nguồn gốc chủng tộc, giai tầng xã hội, đẳng cấp trí thức, sớm để thực hiện một sự lựa chọn”.

Nói cách khác, để cho học sinh ngày hôm nay trở thành những công dân bình đẳng trong tương lai, không thể để các em loay hoay dính chặt với gốc gác gia đình quyền chức hay chân lấm tay bùn, dân tộc này hay dân tộc kia, giàu hay nghèo... Từ đó, nhà trường mới có thể là cái nôi để cho từng cá nhân gắn bó với xã hội, chống lại xu hướng phân lập cá thể đầy tính cá nhân - một mầm mống tai họa trong giáo dục.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận