Nhà văn trẻ Trung Quốc Cung Vạn Oánh: Con chữ là thứ có thể đối kháng với thời gian

CẢNH CHÁNH 15/08/2024 11:02 GMT+7

TTCT - "Con chữ là thứ có thể đối kháng với thời gian. Người sản sinh con chữ nếu quá nhớ về quá khứ và có sự so sánh, có lẽ đã chưa xây dựng được sự tín nhiệm với con chữ."

Cung Vạn Oánh sinh năm 1987 ở đảo Cổ Lãng, thành phố Hạ Môn. 18 tuổi, cô rời hòn đảo để theo học ngành thương mại, tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh, từng làm giám đốc thương hiệu một công ty nước ngoài. Sau cô chuyển hướng sang sáng tác, tác phẩm được đăng trên các tạp chí văn học như Văn học Nhân Dân, Thu Hoạch, Tháng Mười, Tây Hồ, Văn học Thiên Tân…

Cô hiện là nghiên cứ sinh sáng tác văn học do Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Viện văn học Lỗ Tấn liên kết tổ chức. Tác phẩm Đưa tang lọt vào bảng xếp hạng văn học truyện vừa của Tạp chí Thu Hoạch năm 2023. Tháng 1-2024, cô xuất bản cuốn sách đầu tiên Nhà trên đảo, với những xúc cảm về quê hương.

Nhà văn trẻ Trung Quốc Cung Vạn Oánh: Con chữ là thứ có thể đối kháng với thời gian- Ảnh 1.

Cung Vạn Oánh. Nguồn sohu

Sau 30 tuổi, tại sao cô quyết định chuyển hướng sáng tác văn học?

- Tôi dần dần phát hiện ra cái mình yêu thích nhất, thích hợp làm nhất là viết văn. Nhưng viết văn không nằm trong quỹ đạo phát triển của tôi lúc đó, tôi đang làm phát triển thị trường, sự nghiệp đang rất tốt. Giống như đang ngủ trên một con tàu cao tốc đang chạy, giật mình mở mắt ra phát hiện rất vừa lòng với tốc độ tàu, nhưng điểm đến lại sai. Thế là đứng dậy tìm thời cơ thích hợp, khi tàu dừng, nhấc va li lên xuống trạm đổi xe.

Nhưng đến giờ tôi vẫn đang nhận một số dự án thương mại kiếm tiền. Tôi nhớ năm 2018, sau 2 tháng từ chức, tôi nhận đơn hàng đầu tiên. Những mối quan hệ công việc trước đây, kinh nghiệm công việc tích cóp được khi làm ở doanh nghiệp nước ngoài, đến nay vẫn đang giúp đỡ tôi, ủng hộ tôi sáng tác. Mặc dù thu nhập không bằng và ổn định như trước, nhưng chỉ cần kiềm chế một chút, cũng không thành vấn đề.

Năm thứ 3 sau khi từ chức, cô thi cao học của Đại học Bắc Kinh và Học viện văn học Lỗ Tấn. Tại sao lại muốn quay lại thời sinh viên?

- Sau khi từ chức tôi đọc sách, sáng tác, đem tác phẩm của mình cho bạn bè, nhà văn đọc. Đến một giai đoạn, bạn bè xung quanh không thể góp ý cho tôi nữa, tôi lại thấy mình cần phải tiến bộ, nên tìm cách giúp mình tiến bộ.

Cô gia nhập con đường sáng tác hơi muộn. Cô từng hoài nghi chính mình chưa?

- Con chữ là thứ có thể đối kháng với thời gian. Người sản sinh con chữ nếu quá nhớ về quá khứ và có sự so sánh, có lẽ đã chưa xây dựng được sự tín nhiệm với con chữ. Gia nhập khi thanh niên hay trung niên, sớm hay muộn, là cách người khác đánh giá tôi. Tôi chấp nhận ánh nhìn của người khác, nhưng tôi nghĩ sáng tác là một việc tốt, là việc rất muốn làm, thế là viết thôi. Do tác phẩm gần đây được mọi người xem, nên mới có khái niệm gia nhập. Có lẽ nhiều người chưa thấy, nhiều năm qua bộ rễ âm thầm mọc, đất được sự bồi bổ của nước và mưa, tất cả đều âm thầm diễn ra. Sau đó nảy mầm vào một thời khắc chính mình cũng không ngờ đến. Tôi không tính thời khắc nảy mầm của cây, cây có thể phát triển hay khô héo trong 4 mùa, không có trước sau, không cần để ý.

Có tới 9 câu chuyện khác nhau trên đảo xuất hiện đan xen. Từ đâu cô có ý tưởng về bố cục này?

- Các câu chuyện được sáng tác độc lập, tôi vốn chỉ nghĩ đến việc viết thành một câu chuyện ngắn độc lập. Nhưng 9 câu chuyện lại có kết cấu đan xen, về sau tôi nghĩ có lẽ do tôi sinh ra ở đảo, vốn đã có tư duy về quần đảo.

Dưới ngòi bút của cô, vạn vật trên đảo đều có linh tính, cây xoài biết nói, hoa sen biết suy nghĩ, gió là sứ giả, mây có tên gọi riêng của mình. Tác phẩm rất sinh động thú vị, như chuyện cổ tích, những điều này có liên quan đến tuổi thơ của cô không?

Không biết những đứa trẻ khác như thế nào, nhưng tôi là cô bé rất khác người, xem ngôi nhà như bạn của mình, tôi đặt tay lên tường hay lên cây đều có cảm giác đang trò chuyện với họ. Đảo đối với tôi là một cụ già hay một người bạn rất biết chăm sóc tôi. Tuổi thơ tôi cô độc trong thời gian dài, đảo là người bạn duy nhất của tôi. Bầu trời, biển, thực vật, động vật, bao gồm cả gió, đều đang nói chuyện với tôi; họ lâu lâu lại ném những thứ mới mẻ cho tôi. Như cây đa ném hạt giống lên đầu tôi, hoa mộc miên nhảy dù xuống chân tôi, con vẹt bay nhảy rơi những chiếc lông chim xuống cho tôi, tôi đều nhận được thông tin, họ đang chơi với tôi, tôi đều biết cả.

Trong tiểu thuyết có nhiều từ viết bằng tiếng Mân Nam hay bài hát Mân Nam, điều này khiến tác phẩm thêm thú vị, nhưng cũng ảnh hưởng đến người đọc. Ngữ cảm, tiết tấu trong tiểu thuyết liên quan gì đến vùng Mân Nam?

- Phương ngữ Mân Nam có nhiều câu từ rất hay, tôi là một người góp nhặt, thấy cái nào thích hợp thì nhặt lên lau sạch cho vào những chỗ thích hợp trong văn chương. Ngữ cảm và tiết tấu tôi chưa suy nghĩ kỹ tới, có lẽ do là tác phẩm đầu tiên, cho phép tôi tiếp tục tìm hiểu.

Đối với người Mân Nam, họ có tư tưởng phải phấn đấu mới chiến thắng. Nhân vật Hà, Thông, Diệu Hương trong tác phẩm đều là những nhân vật không được cuộc sống ưu ái nhưng họ vẫn cố gắng. Trong mắt cô, khí chất của người Mân Nam như thế nào?

- Trong bài hát tiếng Mân Nam, ngoài các bài Tôi phải phấn đấu, Phải phấn đấu mới chiến thắng (bài hát tiếng Việt dịch là Người đến từ Triều Châu), cũng có những bài than trách hài hước như Tôi hỏi anh kẻ lừa tình, hay giãy giụa trong đau khổ như bài Anh hùng tửu quốc. Trong cuộc đời bể dâu, khi đau khổ nói vài câu hài hước, trời định nhưng cũng phải phấn đấu, đó chính là người Mân Nam.

Trong cuộc sống cô là người lạc quan hay bi quan? Cô cho rằng con người có thể nắm bắt số phận không?

- Tôi cứ tưởng mình là người lạc quan, nhưng những năm gần đây, tôi phát hiện mình là người bi quan. Con người trong cuộc sống bị động trong sự chủ động. Chủ động phối hợp, chủ động tiếp nhận, cho dù không lạc quan hay bi quan, tự do lựa chọn và trời định đan xen lẫn nhau.

Nhân vật trong tác phẩm mỗi người đều có nỗi đau, nỗi mất mát riêng, nhưng cô luôn cho họ một chút ấm áp, ví dụ chiếc thang từ trên trời hạ xuống, cuộc gặp ngẫu nhiên để hòa giải, trận mưa máu để được tái sinh… Do đó tác phẩm mang cảm giác chung là vừa buồn vừa ấm áp. Đối với cô, chữa lành nhân vật trong chuyện, có phải là cách tự chữa lành mình trong khi sáng tác?

- Tôi cũng không biết nữa, khi viết không biết sẽ xảy ra những gì. Như thi thể con cá voi trong Kình lộ, không phải do tôi sắp xếp mà xuất hiện mà là sự xuất hiện và nổ tung tự nhiên trong thế giới hư cấu của cá voi, tôi là người chứng kiến thế giới hư cấu, mới sáng tác ra phần sau của câu chuyện. Một câu chuyện thật sự có thể chữa lành những gì? Có lẽ sẽ mang đến một số lý giải.

Trong tiểu thuyết có câu rất ấn tượng với tôi "Biết chết, là sự bắt đầu của thời gian". Trong tiểu thuyết nói rất nhiều về cái chết, chết do già cả, do bệnh tật, mưu sát, sự cố, tuy nhiên cho dù chết như thế nào, thời gian luôn đi về phía trước. Cô có sợ cái chết không? Sau khi biết chết, cô có suy nghĩ gì về thời gian?

- Có cái chết mới có thời gian. Thời gian được phát minh từ ngày cái chết ra đời, sẽ không tồn tại khi ngày cái chết diệt vong. Thời gian không ngừng tiến về phía trước, chúng ta cũng đang trong dòng chảy thời gian. Nhưng vẫn còn cột mốc của sự vĩnh hằng, rất nhiều việc quan trong đối lập với cột mốc vĩnh hằng, trở nên tạm thời, nhẹ nhàng. Nhưng tôi chỉ nói trong tiểu thuyết, vì tôi không thể tự hoàn thành nó. Trong thế giới thật, khó có thể thoát khỏi nhìn nhận sự việc với nhiều khía cạnh khác nhau, chỉ có thể cố mà hiểu chúng.

CẢNH CHÁNH (dịch từ m.thepaper.cn Thượng Hải)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận