Nhật Bản và khoảng trống quyền lực trên biển

DANH ĐỨC 24/10/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Có khả năng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây sẽ dẫn đến một khoảng trống quyền lực trên Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản không thể không nhập cuộc. Chuyến thăm Việt Nam và Indonesia của tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga có thể xem như một khởi đầu mới…

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Việt Dũng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Việt Dũng


NHK cũng cho biết: “Thủ tướng Nhật Bản Suga đã đề nghị người đồng cấp Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”... và “Thủ tướng Suga hi vọng hai nước sẽ cùng nhau đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Bản tin trưa thứ hai 19-10 của Đài truyền hình Nhật NHK cho biết Thủ tướng Suga đã làm gì tại Việt Nam: “Thủ tướng Yoshihide Suga nói với Thủ tướng [Nguyễn Xuân] Phúc rằng Nhật Bản đã thể hiện rõ ý định chủ động tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, với tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, và “nay chính quyền của Thủ tướng sẽ tiếp tục duy trì lập trường này”. 

Những thỏa thuận ở Hà Nội và Jakarta

Câu trả lời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là thuận tình. NHK thuật lại: “Thủ tướng Phúc nói ngay từ đầu rằng hai nước là đối tác chiến lược. Thủ tướng cho biết Việt Nam hi vọng sẽ hợp lực với Nhật Bản vì hòa bình và ổn định của khu vực. Thủ tướng Việt Nam cũng cho biết Thủ tướng muốn thảo luận về một hướng rộng để nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới...”.

Tờ Japan Times cùng ngày thì chạy tít: “Thủ tướng Suga và Thủ tướng Việt Nam gặp nhau, tập chú vào hợp tác kinh tế và quốc phòng”.

Tờ báo cho biết: “Thủ tướng Yoshihide Suga và người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí hợp tác trong các vấn đề khu vực, bao gồm Biển Đông, nơi mà sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp khiến các nước láng giềng lo ngại.

Thủ tướng Suga cho biết về nguyên tắc hai nước đã đồng ý một thỏa hiệp quân sự cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam, bao gồm máy bay tuần tra và rađa. Những thiết bị như vậy sẽ giúp cải thiện khả năng giám sát của Việt Nam, một trong những quốc gia tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang xây dựng sự hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo”.

Trong số những vũ khí (có thể) bán cho Việt Nam, ngoài các máy bay săn ngầm P3-Orion đã sử dụng còn có các rađa, kể cả vệ tinh rađa quan sát do Hãng NEC sản xuất. Thiệt ra, từ tháng 4 vừa rồi, NEC đã giành được gói hợp đồng khởi động trị giá 190 triệu đôla trên tổng trị giá toàn gói 470 triệu đôla, được Nhật Bản cho mua trả góp lãi suất thấp, song do dịch COVID-19 nên chưa bắt tay vào việc, theo Nikkei 22-4-2020.

Đợi đến cuối ngày thu nhặt đủ thông tin, Hoàn Cầu thời báo mới phát đi bình luận gián tiếp nhân danh “các chuyên gia”: “Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng [thỏa thuận nguyên tắc về việc Nhật Bản gửi thiết bị quốc phòng tới quốc gia Đông Nam Á] nhắm vào mục tiêu là Trung Quốc, đồng thời cho thấy Nhật Bản hỗ trợ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”, và “Trung Quốc theo dõi chặt chẽ mọi thỏa thuận đạt được trong chuyến đi”.

Thủ tướng Suga rời Việt Nam ngày hôm sau, thứ ba 20-10, để sang Indonesia. Trước đó, hôm 13-10, theo Bộ Ngoại giao Nhật, ông đã điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) và bày tỏ “mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của Nhật Bản với Indonesia, một quốc gia chia sẻ các giá trị cơ bản và quan hệ lịch sử trong nhiều lĩnh vực với Nhật Bản”.

Đáp lại, Tổng thống Jokowi nói ông “hi vọng sẽ phát triển hơn nữa quan hệ với Nhật Bản với tư cách là một đối tác quan trọng”. Bản tin này cũng cho biết thêm Thủ tướng Suga khẳng định Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy đường lối “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”.

Khoảng trống quyền lực?

Có thể thấy cả ở Hà Nội và Jakarta, Thủ tướng Suga đều tập chú đến vấn đề an ninh trên biển, cụ thể là Biển Đông, và câu trả lời của Việt Nam và Indonesia cũng đã rõ. Hai tuần trước bầu cử Mỹ, cho dù ai bước vào Nhà Trắng sau ngày 3-11 tới, không khỏi có cảm nhận rằng cùng đại dịch COVID-19 đang hoành hành với cả sức khỏe dân chúng lẫn nền kinh tế Mỹ, sức nặng của Mỹ trên thế giới và tại châu Á đang giảm đi.

Vị thế tương đối suy giảm đó thể hiện qua chính sự cả quyết ngày càng lớn của Trung Quốc. Lấy ví dụ, Hoàn Cầu ngày 8-8-2020 viết: “Nếu chiến tranh nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ, bên nào sẽ chiếm thế thượng phong? Hoa Kỳ nên được nhắc nhở cần tránh xa các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Đừng đùa với lửa ngoài khơi Trung Quốc, đừng thực sự khuấy động xung đột về vấn đề Đài Loan, và đừng quá trớn ở Nam Hải [tức Biển Đông]”. Tờ báo cũng nhắn nhủ: “Nếu chính quyền [Tổng thống Mỹ Donald] Trump chỉ muốn tạo ra căng thẳng Trung - Mỹ để giúp chiến dịch tái tranh cử... thì hãy cẩn thận trong vài tháng tới và đừng đi quá xa”.

Vị thế của Mỹ còn giảm bớt bởi chính sách “nước Mỹ trước hết” mà ông Trump đã duy trì khá nhất quán trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đầu tiên là với NATO, và ở một mức độ ít hơn là với các đồng minh cật ruột ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trung tuần tháng 6 vừa rồi, tại lễ tốt nghiệp sinh viên sĩ quan Trường võ bị West Point, ông Trump tỏ rõ chính kiến: “Chúng ta đang chấm dứt kỷ nguyên của những cuộc chiến tranh liên miên... Nhiệm vụ của các lực lượng Mỹ không phải là giải quyết những cuộc xung đột lâu dài ở những vùng đất xa xôi mà nhiều người dân thậm chí chưa nghe đến tên gọi”.

Ở đây, câu lịch sử là sự lặp lại chính nó thật hữu lý. Còn nhớ năm 1973, cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhận xét về chính sách đối ngoại của Mỹ trong bài thuyết trình tựa đề “Cái nhìn từ Đông Nam Á về một cán cân trật tự thế giới mới đang hình thành”: “Tổng thống [Mỹ khi đó, Richard] Nixon, trong lễ nhậm chức của mình, từng nói: “Đã qua thời mà Mỹ sẽ biến mọi cuộc xung đột nơi các quốc gia khác thành của chúng ta, hoặc coi tương lai của mọi quốc gia là trách nhiệm của chúng ta””.

Tất nhiên, Tổng thống Nixon có những toan tính và hoàn cảnh khác với Tổng thống Trump ngày nay, song thế giới có vẻ cũng đang ở một khúc quanh mới của “một cán cân trật tự thế giới mới đang hình thành”.

Vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở

Có thể thấy từ khóa chung trong thông điệp của ông Suga trong chuyến công du Đông Nam Á là “một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”.

Nghiên cứu “Tầm nhìn của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” của giáo sư Borja Llandres Cuesta của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế công bố tháng 6 năm nay nhắc lại nguồn gốc xuất hiện khái niệm này: “Tại Hội nghị quốc tế Tokyo lần thứ 6 về phát triển châu Phi, ông Abe [cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người tiền nhiệm của ông Suga] đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.

Ông Abe chỉ ra rằng “Khi quý vị băng qua các vùng biển của châu Á và Ấn Độ Dương, rồi đến Nairobi, quý vị hiểu rất rõ điều kết nối châu Á và châu Phi là những con đường biển. Và điều sẽ mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho thế giới không gì khác chính là sức sống nhờ sự kết hợp hai đại dương và hai lục địa tự do và mở”.

Cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” nghe qua có vẻ giống khẩu hiệu. Song, nếu ngẫm nghĩ một chút, nhớ ra rằng “tự do” đối nghịch với “bị cưỡng chế”, “mở” đối ngược với “đóng”, và đặt trong bối cảnh “đường chín đoạn” trên Biển Đông, sẽ thấy tương lai như thế nào một khi hai đại dương không còn “tự do và mở” để trở thành vùng ảnh hưởng hay vùng kiểm soát của một siêu cường, dù cho là siêu cường nào.

Nếu một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bỗng dưng lù lù mọc giữa Biển Đông, sẽ hiểu thế nào là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không còn “tự do và mở”. Đó là lý do khiến ông Abe tuyên bố nhận trọng trách tại hội nghị nêu trên: “Nhật Bản chịu trách nhiệm thúc đẩy sự hợp lưu của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, của châu Á và châu Phi, đảm bảo một khu vực coi trọng tự do, nền pháp trị và kinh tế thị trường, không bị vũ lực ép buộc, và thịnh vượng”.

Chuyến đi của ông Suga bao gồm mục đích tái khẳng định cam kết đó. ■

Giở lại lịch sử quan hệ Nhật Bản và ASEAN, có thể thấy từ Tầm nhìn Vientiane 2016, Nhật Bản đã nêu sáng kiến tại Hội nghị không chính thức bộ trưởng quốc phòng ASEAN - Nhật Bản lần thứ 2 định hướng hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực ưu tiên.

Từ Tầm nhìn Vientiane tới nay đã bốn năm tròn, thành ra những diễn biến mới cũng là tuần tự nhi tiến mà thôi. Còn tiếp theo là những gì, thì Nhật Bản vốn đã kinh qua các yêu cầu phòng vệ tương tự, nên thừa rõ cần phải làm sao, như ông Lý Quang Diệu từng phân tích trong một phỏng vấn năm 1973: “Người Nhật nổi tiếng là luôn theo kịp những thiết kế mới nhất về hải quân và hệ thống vũ khí, tên lửa giải quyết các vấn đề hạm đối hạm, hạm đối không”.

Vào thời điểm đó, năm 1973, Trung Quốc còn chưa cưỡng chiếm Hoàng Sa, mới tập tễnh bước những bước đầu vào vòng tay Henry Kissinger. Nhưng nay, tình thế đã hoàn toàn khác!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận