“Nhiễm sớm, khỏe sớm” hay “khổ mình, khổ người”?

HỒNG VÂN 14/01/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Tâm lý “nhiễm đi cho xong”, chả chết mà còn thêm một phần miễn dịch hoặc đỡ phải tiêm vaccine, đang khá phổ biến, nhưng bác sĩ bảo: Đừng!.


 
 Biểu tình chống tiêm chủng ở Thụy Sĩ. Ảnh: AFP

“Nam, 24 tuổi, đã chích 3 mũi, cơ thể khỏe mạnh dù hơi gầy. Liệu tôi có nên làm cho mình nhiễm COVID-19 trong lúc sự bảo vệ trong người đang ở mức cao không?”. Một người hỏi trên mạng Reddit.

Người dùng Reddit nói trên đã xóa bài viết, sau khi nhận được hơn 100 bình luận với đủ chiều kích: phản đối (mắc gì làm vậy), khuyên răn (đừng, đây là một số thông tin hữu ích…), tán đồng (thật ra tôi cũng muốn thế)… Nếu ở Thụy Sĩ và thực sự làm điều này, anh chàng này có thể phải xộ khám.

 Theo báo The Local của nước này, các bữa tiệc có chủ đích làm lây lan COVID-19 dù nghe có vẻ hơi điên rồ lại đang là một nguy cơ có thực đến nỗi nhà chức trách phải xác định đây là một hành động “phạm pháp” và đưa ra án phạt tối đa là 5 năm tù.

Leana Wen, bác sĩ khoa cấp cứu và y tế cộng đồng của Đại học George Washington (Mỹ), cho rằng sau hai năm bị dịch COVID-19 hành, có thể nhiều người đã quá mệt mỏi nên có ý nghĩ “nhiễm COVID-19 quách cho xong”. 

Ý tưởng này dường như phổ biến hơn gần đây do giờ đây nhiều người đã yên tâm phần nào rằng thế giới, trong đó có chính bản thân họ, đã ở vị trí tốt hơn nhiều so với cách đây một năm do nhiều người đã tiêm vccine, đã có thuốc điều trị và các bác sĩ đã hiểu biết nhiều hơn về COVID-19. Thêm vào đó là các thông tin biến thể Omicron có vẻ không thật sự nguy hiểm.

Nhưng đó không phải là quyết định tốt. “Tôi rất hiểu vì sao một số người có ý nghĩ này. Mọi người quá mệt mỏi khi chúng ta đang bước vào năm COVID-19 thứ ba. Nhưng nếu bạn bị các triệu chứng của COVID-19 kéo dài thì sao? Ngoài ra, vấn đề không phải chỉ là bạn nhiễm COVID-19 một mình mà bạn sẽ lây cho người khác” - bác sĩ Wen phân tích.

Khổ mình, khổ người

Thụy Sĩ là một trong nhiều nước trên thế giới có quy định muốn đến các địa điểm công cộng, nhà hàng, quán bar, phòng tập thể hình, các sự kiện do tư nhân, cá nhân tổ chức… người dân buộc phải trình chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản/tiêm nhắc lại, hoặc chứng nhận vừa mới khỏi COVID-19 gần đây, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính. Quy định áp dụng cho người từ 16 tuổi trở lên, kéo dài từ tháng 9-2021 đến tháng 1-2022.

Yếu tố “nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh” được một số thành phần nhất quyết không chịu xắn tay áo lên tiêm xem là một lối thoát. Do đó, họ tìm cách để bản thân nhiễm COVID-19 để có giấy xác nhận đã nhiễm COVID-19 và hồi phục để đối phó với yêu cầu của chính quyền.

Những người muốn “bệnh” thậm chí còn “rao” trên mạng xã hội để tìm người đang dương tính giúp truyền cho họ tí virus SARS-CoV-2. Cũng có người hy vọng rằng sau khi nhiễm COVID-19, họ sẽ có miễn dịch tốt hơn miễn dịch do tiêm vaccine.

Tuy nhiên, các bác sĩ rất phản đối ý tưởng này. Claude-François Robert, bác sĩ ở bang Neuchâtel, Thụy Sĩ, cho biết ông “lên án mạnh mẽ việc cố ý nhiễm COVID-19 vì tính rủi ro cao của nó. Chúng ta có nguy cơ bị viêm cơ tim do nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều lần so với từ vaccine”.

Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ về COVID-19 trong thời gian từ tháng 3-2020 đến tháng 1-2021 cho thấy người nhiễm COVID-19 có nguy cơ bị viêm cơ tim cao gấp gần 16 lần so với người không nhiễm COVID-19, nguy cơ này cũng thay đổi theo giới tính và tuổi tác.

Còn theo nghiên cứu lớn, công bố tháng 12-2021 trên tạp chí Nature, nguy cơ viêm cơ tim dù có tăng (sau liều đầu với vaccine AstraZeneca và Pfizer, và liều đầu và liều thứ hai với vaccine Moderna) trong khoảng thời gian 1-28 ngày sau tiêm thì vẫn thấp hơn so với nguy cơ này do dương tính với SARS-CoV-2. Số ca viêm cơ tim trên 1 triệu người được tiêm vaccine AstraZeneca, Pfizer và Moderna trong 28 ngày sau liều đầu tiên lần lượt là 2, 1 và 6, thấp hơn nhiều so với 40 trường hợp viêm cơ tim trên 1 triệu bệnh nhân trong 28 ngày sau khi xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.

Do chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa biết về SARS-CoV-2, trong đó có những tác động lâu dài về sức khỏe sau khi nhiễm nên cố ý để nhiễm virus theo các chuyên gia y tế là tự rước họa cho mình và cho xã hội.

 “Tiệc trái rạ”

Ở Mỹ, trước khi có vaccine thủy đậu (1995), các “bữa tiệc trái rạ” (pox party) khá phổ biến: trẻ em chưa mắc bệnh dự tiệc với trẻ đã nhiễm để mắc bệnh, vì phụ huynh tin rằng đã là bệnh không tránh khỏi thì bị lúc bé sẽ đỡ nguy hiểm hơn. Đến năm 2011, 16 năm sau khi có vaccine, nhiều phụ huynh vẫn cố tình cho con nhiễm bệnh bằng cách dự “tiệc trái rạ” hoặc mua các sản phẩm, thường là kẹo mút, bị nhiễm virus thủy đậu được gửi qua thư.

Theo tạp chí The Atlantic, các quan chức y tế các bang ở Mỹ đã phải điều tra để ngăn chặn và trừng phạt những phụ huynh mang sức khỏe con cái ra đùa với tử thần kiểu này. Hơn thế, việc gửi sản phẩm nhiễm virus qua thư còn là hành vi phạm pháp vì khiến các bưu kiện khác nhiễm độc.

Nhà chức trách hy vọng cảnh báo của họ sẽ giúp phụ huynh nhận thức được những nguy hiểm liên quan đến việc cố ý cho con nhiễm thủy đậu và lên tiếng nếu thấy việc này xảy ra. Chẳng có lý do gì để mang sức khỏe của con ra đón lấy nguy hiểm, nhất là khi vaccine thủy đậu đã được phổ biến rộng rãi và có hiệu quả trong việc ngăn ngừa virus cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Vì sao cố tình nhiễm COVID-19 là sai lầm

1. Vaccine là lựa chọn tốt nhất 

Các loại vaccine được phê duyệt hiện nay là cách tốt nhất để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Bệnh COVID-19 vẫn quá nguy hiểm để “thả rông” trong dân số. Hơn nữa, ngay cả khi đa số người trưởng thành nhiễm COVID-19 và có miễn dịch, bệnh vẫn có thể lây lan trong các nhóm như trẻ em chưa được tiêm.

2. Các bệnh viện có thể bị quá tải 

Hành động cố ý nhiễm virus góp phần vào việc làm tăng tốc sự lây lan của virus và gánh nặng của đại dịch. Nếu có nhiều người bị nhiễm COVID-19 cùng lúc, các bệnh viện sẽ có nguy cơ bị quá tải, một số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt sẽ không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ mình cần. 

Ngoài ra, với bệnh tật, sớm hơn chưa chắc đã tốt hơn. Mặc dù có thể ai rồi cũng sẽ mắc COVID-19, nhưng người nhiễm sau sẽ có cơ hội nhận được sự chăm sóc, điều trị tốt hơn vì càng về sau, càng có nhiều nghiên cứu và thông tin về căn bệnh và các y bác sĩ, các nhà khoa học vẫn tiếp tục cải tiến các phương pháp chăm sóc cho bệnh nhân.

3. Miễn dịch với COVID-19 không là mãi mãi

Theo các nhà khoa học, miễn dịch do bị bệnh và hồi phục có thể tồn tại trong vài tháng hoặc 1 năm. Hệ quả là dù có cố tình nhiễm COVID-19 thì chúng ta cũng không được lợi gì lâu dài. Cho đến nay, các bằng chứng từ thực tế cho thấy biến thể Omicron có khả năng khiến người đã nhiễm COVID-19 cũng bị tái nhiễm. 

Một nghiên cứu gần đây với hơn 12.000 trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron ở Anh cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này cao hơn 5,4 lần so với biến thể Delta. Miễn dịch có được do nhiễm COVID-19 và hồi phục chỉ có tác dụng bảo vệ khoảng 19% trước tái nhiễm.

4. COVID-19 rất khó đoán

Ngay cả khi chỉ bị các triệu chứng nhẹ, chúng ta vẫn có thể bị khổ sở nếu không may thuộc nhóm bị nhiễm COVID-19 kéo dài, được Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa là có triệu chứng hơn 4 tuần sau khởi phát. Hội chứng COVID-19 kéo dài thường gặp nhất là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở - đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức. Bạn cũng có thể bị rụng tóc, mất mùi, vị, giảm khả năng nhận thức, như giảm tập trung, các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Ngay cả khi bạn không quan tâm đến việc bản thân bị nhiễm virus nhưng bạn vẫn có thể vô tình lây virus cho người khác, những người không nên bị virus tấn công vì có bệnh lý nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu và khiến họ bị bệnh nặng và tử vong. Do không có cách nào để dự đoán cơ thể chúng ta sẽ phản ứng với virus như thế nào nên việc để nhiễm virus và tệ hơn là vô tình ảnh hưởng đến người khác là rất rủi ro.

Cố ý để bản thân hoặc cả gia đình cùng nhiễm bệnh sẽ không làm virus biến mất. Việc này cũng không giúp gì cho cả quốc gia, mà ngược lại, có thể cản trở việc trở lại cuộc sống bình thường. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận