TTCT - “Ngoài cả mong đợi, những gì hiện ra ở hố khai quật là những thông điệp quý báu giúp giải mã dần những bí ẩn về mối quan hệ giữa các nền văn minh trong khu vực” - tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, trưởng đoàn khai quật di chỉ sông Tang, cho biết. Read this on Tuoitrenews.vn Phóng to Một trong 9 hố khai quật đang được tiến hành ở khu di chỉ thôn Tre, xã Trà Thọ - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Nếu Lung Leng, di chỉ người tiền sử ở huyện Sa Thầy (Kon Tum), được những người đào vàng phát hiện năm 1999 dẫn đến cuộc khai quật khảo cổ học phát hiện lượng di vật đồ sộ ở khu vực Tây nguyên, thì di chỉ người tiền sử ở thung lũng sông Tang thuộc huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) lần này được chính các nhà khảo cổ học phát hiện. Cuộc khai quật được Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi phối hợp với Viện khảo cổ học VN thực hiện dọc hai bờ sông Tang thuộc hai xã Trà Xinh và Trà Thọ, bắt đầu từ giữa tháng 12-2010 và đang được tăng tốc ở giai đoạn cuối để kịp giao mặt bằng cho công trình hồ chứa Nước Trong sắp dâng nước. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết với diện tích dự trù khai quật 2.000m2 (với 1.500m2 đã gần xong), đây là cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất ở vùng Trường Sơn xưa nay. Những phát hiện độc đáo Khác với những cuộc khai quật khác, những gì được tìm thấy tại thung lũng sông Tang cho thấy có các nền văn minh kế tiếp cùng tồn tại trên một di chỉ, một hố khai quật. Các công cụ ghè đẽo được tìm thấy bước đầu cho biết có thể chủ nhân của chúng là cư dân của thời hậu kỳ đá cũ cách đây khoảng 1 vạn năm. Còn các công cụ như cuốc có vai, rìu mài lưỡi, bôn đá, đồ gốm lại thuộc về cư dân của hậu kỳ đồ đá mới cách đây chừng 4.000 năm. Trong khi đó, đồ gốm mang phong cách Bình Châu của thời kỳ tiền Sa Huỳnh (được tìm thấy ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng những đồ tùy táng (đồ chôn theo người chết) ở các cụm mộ nồi (quan tài bằng nồi gốm) như dao sắt, khuyên tai (có hình) hai đầu thú cho biết chủ nhân của chúng là cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây 2.000-2.500 năm. Tại sao lại có di vật của nhiều nền văn minh trong cùng một hố khai quật? Ông Khôi giải thích: “Chúng tôi đã dựng lại mặt bằng gốc trước khi con người của thời hậu kỳ đồ đá mới đến cư trú. Đó là nền đá cuội bị trận đại hồng thủy cuốn trôi mang đến hai bên bờ sông Tang. Cư dân hậu kỳ đá mới sau đó đã đến sinh sống trên nền đá cuội này. Họ đã sử dụng lại các công cụ ghè đẽo của cư dân thời đá cũ, thêm vào các công cụ chủ yếu mà họ vốn có được như cuốc vai, rìu mài lưỡi, bôn đá...”. Phóng to Một mộ nồi còn nguyên nắp đậy ở điểm khai quật số 1 - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Các nhà khoa học tham gia đợt khai quật đều cho rằng phát hiện mới nhất ở thung lũng sông Tang là đã tìm thấy cùng lúc di chỉ cư trú và di chỉ mộ táng của cư dân tiền sử, trong đó có dấu tích của cư dân hậu kỳ đá mới (cách 4.000 năm) với loại hình mộ vò (hũ không có vai, bụng phình). Đây cũng là lần đầu tiên di chỉ cư trú của cư dân tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh được tìm thấy, đặc biệt là mộ táng của họ cũng nằm chung trong khu cư trú. “Thật lạ lùng! Khu mộ táng và khu cư trú nằm sát nhau, chỉ cách nhau hơn 1m. Có thể nói cư dân tiền sử chưa có sự tách rời hẳn giữa người sống và người chết. Ở các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh được khai quật như Bình Châu, gò Ma Vương (Quảng Ngãi), gò Mã Vôi (Quảng Nam) chỉ toàn phát hiện các khu mộ táng” - ông Khôi nói. Táng tục của cư dân Sa Huỳnh ở thung lũng sông Tang rất đa dạng. Khác các di chỉ mộ táng Sa Huỳnh được phát hiện ở vùng đồng bằng, duyên hải mà phần lớn là mộ chum (quan tài bằng chum gốm), mộ táng ở sông Tang đa số là mộ nồi với các kiểu chôn đứng có nắp đậy và chôn đứng hai nồi úp nhau, chỉ một số rất ít mộ chum chôn đứng. Mộ đất (không có chum hay nồi gốm làm quan tài) có một ít, đồ tùy táng được đặt liền kề nhau theo một hướng nhất định. Đồ tùy táng gồm công cụ sắt (dao, giáo, đục...), đồ gốm (nồi, bát bồng, dọi xe chỉ...), đồ trang sức (chuỗi hạt mã não, khuyên tai...). “Ở điểm khai quật Trà Veo, xã Trà Xinh, thật đáng mừng, chúng tôi đã bắt gặp một khuyên tai hai đầu thú, vật trang sức quý hiếm, đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh, song khuyên tai này được cắt bằng phần trên, không có móc đeo. Có thể đây là chiếc khuyên tai hai đầu thú độc nhất vô nhị được tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh” - tiến sĩ Ngô Thế Phong cho biết. Phóng to TS Ngô Thế Phong với viên mã não màu hồng - đồ tùy táng, nằm bên ngoài một mộ nồi ở hố khai quật số 1 - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Dấu nối cho văn hóa Sa Huỳnh Điều thôi thúc các nhà khảo cổ học là việc đi tìm mối quan hệ cũng như tiến trình của các nền văn hóa cổ xưa. Ông Khôi cho rằng cùng với cuộc khai quật khảo cổ học ở xã Trà Phong (cũng ở huyện Tây Trà) vào năm 2002, cuộc khai quật ở thung lũng sông Tang lần này cho thấy đây là điểm Sa Huỳnh núi đối chiếu với các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở vùng duyên hải, đồng bằng. Những thông tin thu nhận được từ hàng loạt hố khai quật ở đây chứng tỏ không gian phân bố của cư dân Sa Huỳnh trải rộng trên nhiều địa bàn có địa hình khác nhau. Nó cho thấy sự sai nhầm của một luận điểm từng tồn tại rằng người Sa Huỳnh không có ở vùng cao, nhất là giữa dãy Trường Sơn. Nhưng quan trọng hơn, những đặc trưng về di vật, di tích ở thung lũng sông Tang đã cho thấy có mối quan hệ giữa người tiền sử ở đây với cư dân hậu kỳ đá mới vùng Tây nguyên (được biết qua cuộc khai quật di chỉ Lung Leng nổi tiếng hồi năm 2001). “Chỉ qua những gì thấy được ở hố khai quật trong gần bốn tháng nay, chúng tôi đã nhận ra được sự dịch chuyển văn hóa tiền sử từ vùng Tây nguyên qua dãy Trường Sơn rồi xuống vùng đồng bằng. Còn ở giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh lại có sự dịch chuyển ngược lại - từ dưới lên. Thật lý thú khi nhận ra được dòng chảy đó!” - ông Khôi giải thích. Sa Huỳnh là một nền văn hóa lớn tạo tương tác cho các nền văn hóa của nhiều tộc người trong khu vực. Từ những cứ liệu phong phú được lật lên ở những hố đào giữa thẳm sâu Trường Sơn, có thể nói cư dân Sa Huỳnh có sức sống nội sinh rất mạnh. Để tồn tại, phát triển dọc vùng duyên hải, trên đảo gần bờ họ biết vươn ra sóng nước, ở Trường Sơn họ biết vượt qua núi cao rừng rậm để mưu sinh, tìm mối giao lưu, quan hệ với các tộc người xung quanh. TS Khôi kể dự án khai quật thung lũng sông Tang đã gặp phải một số ý kiến phản bác “làm gì có người tiền sử nơi núi thẳm rừng già đó mà khai quật cho uổng công”. “Là bởi họ quen cái nhìn của người ngại núi, ngại biển, lại không hiểu được chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh là ai. Để trả lời, chúng tôi sẽ mang về hai xe tải hiện vật khai quật...” - ông Khôi nói. Phóng to Cũng tại hố khai quật số 1, TS Đoàn Ngọc Khôi trong tư thế ngồi đúng vị trí của người tiền sử đã ngồi bên chiếc bếp còn nguyên dạng với viên đá để ngồi nấu bếp, bàn bếp cao nhô lên và than củi còn lưu lại - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ “Lần đầu tiên tôi tham gia khai quật một di chỉ nằm sâu giữa Trường Sơn thế này. Có nhiều quan điểm khoa học cần tranh luận từ những gì thu nhận được trong đợt khai quật và đây chính là điều rất hấp dẫn. Đây cũng là lần đầu tiên lịch sử khảo cổ học biết đến vùng (văn hóa) Sa Huỳnh núi trong mối quan hệ với Sa Huỳnh biển vốn được biết từ lâu. Qua di tích này sẽ nhận thức được mối quan hệ của nền văn hóa tiền sử giữa vùng Tây nguyên và vùng tây Quảng Ngãi (Trường Sơn). Địa điểm khai quật này cũng nói lên nhiều mối quan hệ lịch đại giữa người tiền sử (chủ nhân của các di vật trong hố khai quật) và những tộc người bản địa đang sống trong khu vực như Cor, Ca Dong, H’Rê. Thật lý thú, chuỗi vòng mã não tìm thấy trong hố khai quật là loại trang sức hiện đang được người H’Rê trong vùng rất ưa chuộng. Tục chia của cho người chết của người tiền sử cũng được người Cor ở đây duy trì: mới cách đây nửa tháng, một cô gái người Cor ở Trà Xinh chết đã được gia đình chia cho một tivi và một đầu đĩa còn tốt đặt bên cạnh mộ”.
Quỹ nhà ở quốc gia như Singapore, được không? ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 27/03/2025 1896 từ
Từ ngày 1-7 khám chữa bệnh với bảo hiểm y tế, người bệnh thêm nhiều quyền lợi DƯƠNG LIỄU 28/03/2025 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7, người tham gia BHYT sẽ có thêm nhiều quyền lợi, như không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh.
Tin tức thế giới 28-3: Ông Putin nói 'muốn làm việc' với châu Âu; Mỹ ngừng góp tiền cho WTO DUY LINH 28/03/2025 Ông Putin bắn tín hiệu với châu Âu; Mỹ ngừng góp tiền cho WTO; Vụ 'Signalgate' có diễn biến mới; Nhà vua Anh nhập viện... là một số tin tức thế giới sáng 28-3.
Tin tức sáng 28-3: Đồng Nai mời gọi làm nhà ở xã hội; 24.000 người Việt bị ung thư phổi mỗi năm A LỘC 28/03/2025 Tin tức đáng chú ý: Lần đầu tiên có ngân hàng vốn vượt 80.000 tỉ đồng; Đồng Nai mời nhà đầu tư trong, ngoài nước làm nhà ở xã hội; Mỗi năm thêm 24.000 người Việt bị ung thư phổi...
Giá vàng tăng sốc, cao nhất mọi thời đại ÁNH HỒNG 27/03/2025 Tối nay, 27-3, giá vàng thế giới đột ngột tăng mạnh lên mức 3.060 USD/ounce - cũng là đỉnh cao nhất mọi thời đại.