​Những bước chân lỡ cỡ

VÕ DIỆU THANH 06/03/2015 23:03 GMT+7

Bà Tư ngừng tay một chút ngồi im lắng nghe. Tiếng trống cúng đình đổ từng hồi, rồi tiếng chập chã từng chập. Tết rồi, dù chỉ mới mười chín tháng chạp. Ở quê, tết luôn về sớm. Đầu tiên là tuốt lá mai, cúng đình, kế là phát mộ rồi tới giặt giũ mùng mền, gói bánh tét...

Tranh: VŨ ĐÌNH GIANG

Những ngày phát mộ là những ngày đậm tết trong lòng những đứa con đứa cháu. Từng ngày của năm bò ngang mặt, mồ mả ông bà thấy đó, cỏ rác um tùm. Nhưng vì kiêng cữ chuyện động mồ động mả không ai dám mó tay dọn dẹp.

Chỉ đợi đúng những ngày giáp tết này, sửa soạn lại ngôi nhà cho người quá cố như dọn dẹp tất cả những u ẩn sâu trong lòng suốt một năm dài. Đó là dịp bày tỏ lòng hiếu thảo, dịp ôn lại đạo tưởng nhớ tổ tông.

Mỗi năm tới những ngày phát mộ, bà Tư thường khó ngủ. Mộ ông ngoại ở nghĩa trang đã có quản trang chăm sóc. Mộ bên nội đã có mấy chú ở gần dọn dẹp. Chỉ có mộ bà ngoại nằm một mình ở góc sân hoang vắng. Mấy đứa nhỏ thường cử một đứa xin nghỉ việc về dọn dẹp. Nhưng rồi ngày cận tết, công ty nào cũng tăng ca.

“Thôi để má về. Má ở không có làm gì đâu. Có gì má kêu thằng Thìn tiếp”.

“Má về rồi ở đâu?”.

“Kế mộ ngoại chỉ có nhà cậu Ba Quăng. Má ở nhà cậu Ba. Cậu mới cất cái nhà đàng hoàng lắm”.

Trong đầu tụi nhỏ vẫn hình dung rất rõ ngôi nhà lá không cửa không nẻo của ông Ba Quăng. Trên cái vạt tre ở đó, một là ông ngồi với cái chai, vài con tép khô, hai là ông nằm ngửa ra vạt chửi lẹo nhẹo chẳng rõ chửi ai. Xen lẫn những câu chửi có khi là ngồi dậy bật hộp quẹt đốt nhà. Thường thì đốt cháy sém được một lõm nhỏ cho mọi người hết hồn chơi rồi lăn ra ngáy.

Ba Quăng lúc tỉnh hiền khô, một cũng chị Tư, hai cũng chị Tư. Say giống như khùng nên bà không giận. Chỉ thương cho tụi nhỏ. Đó là thằng Quỵt không được ai dạy nên quậy đục nước. Tới chừng bị chòm xóm mắng vốn, Ba Quăng dạy con kiểu trấn nước. Quỵt cứ ừng ực nước mà kêu.

-           Cô Tư ơi tiếp con!

Nhà có đủ vợ đủ chồng nhưng bà Tư phải thường cho bên đó gạo, cá khi thấy họ đói kém. Trong khi bên này bà chỉ một thân đàn bà với sáu đứa con chỉ biết ăn rồi học.

“Ổng cất nhà rồi hả má? Ủa mà tiền đâu ổng cất?”.

“Thằng Quỵt gửi về”.

Sáu đứa con bà Tư, từ thằng Hai tới thằng Út đều thấy nhột. Má nuôi sáu đứa học hành gấp mười lần thằng Quỵt. Vậy mà sáu đứa không cất nổi một cái nhà ở quê cho bà Tư về ăn tết. Bà Tư biết. Tại thằng Quỵt nó không phải đem con lên Sài Gòn học nên để dành tiền gởi về được.

Chuyện học ở Sài Gòn giống như là mua cái máy xài tiền. Tiền trường, tiền học tháng, tiền lo cho cô giáo, tiền đóng góp sổ vàng... Tiền ít, cô giáo mắng vốn chì chiết đay nghiến. Tiền nhiều, cô giáo coi như người thân. Tốn một chút mua cho con một người thân. Rồi không biết tụi nhỏ lớn lên sẽ thành người gì khi tình thân được mua bằng tiền.

Gì thì gì, con cháu nhà bà Tư cũng phải học cho tới chừng nào... cùng đường. Đó là tâm nguyện của chồng bà hồi sinh thời. Bà Tư noi theo chồng, đói cạp đất ăn cũng phải cho con học.

Bạn bè học thật dễ dàng. Sáu anh em nó học khó như chuyện chạy gạo của bà Tư. Đứa nào cũng có cảm giác mình nghèo mà còn ngu nữa. Thấy con buồn buồn, bà động viên: “Ước mong của ba con cả đời có bao nhiêu”.

Sáu đứa từ lớn tới nhỏ lần lượt ráng bò qua từng lớp học. Cách một năm tốt nghiệp một đứa. Nhưng lúc sắp thi đứa nào cũng nằm trong diện có thể bị rớt tốt nghiệp. Thầy cô kêu lại nhà dạy thêm miễn phí. Học thêm hai tháng, tụi nhỏ hiểu vì sao mình lại lạc lõng giữa những buổi học.

Học thêm mới là học. Còn học ở lớp chỉ là một hình thức đối phó với quy định hình thức vô cảm của nhà trường. Sáu đứa ngồi ké với những người bạn sang trọng của mình. Ai nói nặng nhẹ thì lủi vào góc khóc thầm. Thằng Hai, con Ba, con Tư lớn lên giữa thời bao cấp hạn hẹp, không có gì để so sánh nên chỉ cắm đầu học.

Tới thằng Năm, mấy khu công nghiệp mọc lên ầm ầm, thanh niên đổ đi làm công nhân kiếm tiền gởi về nhà. Nó nói học mà nghèo quá, nhục quá, nó cuốn quần áo đi kiếm việc làm. Bà bỏ đồng, bỏ ruộng đi lùa nó về học tiếp.

Học tới nỗi cái nhà không khi nào lành lặn. Cái chiếu ngủ chắp vá không biết bao nhiêu nước. Cửa nhà không khi nào phải đóng vì chẳng có gì để mất. Bữa trời mưa chui dưới gầm bàn thờ ông Tư tránh mưa mà ước có tiền lợp tôn cho mái nhà.

Thằng Sáu nói ước gì lớn lên đi làm kiếm thật nhiều tiền để con cái sau này không phải ở nhà dột, đi học không phải thiếu tập vở.

Tập vở còn phải mơ ước thì đại học là cái gì?

***

Bà Tư thở một hơi, lắc đầu nhẹ một cái cho tan tiếng trống cúng đình. Bà nhờ thằng Thìn xách thêm cho bà hai xô nước nữa.

- Cô Tư ngồi chỉ thôi, để con làm cho. Cô Tư đi tới đi lui một hồi mệt lắm.

Bà Tư nhớ hồi bà mới chuyển đi, nó chỉ mới biết nói. Ba nó nói đốt nhà, nó đi kiếm ống quẹt “nè đốt đi ba”. Nó đói bụng muốn ăn cơm. Má nó chậm tay, nó nhè đít má nó mà đá rồi “đ. má mầy, đói bụng nè”, tiếng chửi giòn khấu như bẻ cây.

- Cô Tư năm nay về xứ mình ăn tết hé. Ăn tết ở đây vui lắm. Anh Quỵt năm nào cũng về đây ăn tết.

- Ừ, tết ở quê vui thiệt.

Bà Tư cười. Bà thèm về quê ngày tết. Nhưng phải là nhà của mình, con cháu mình xúm quanh.

Chiều về nhà, Ba Quăng kêu vợ nấu một nồi canh chua cơm mẻ. Bà Tư nhìn tô canh thở dài.

- Mấy đứa nhỏ ở trển ước lúc nào kéo nhau về một lượt ngồi ăn bữa canh chua cơm mẻ như vầy.

- Chị Tư, có hơn mười năm em không gặp lại tụi nhỏ.

- Tụi nhỏ phải làm suốt, phải tăng ca mới nuôi con đi học được.

- Đất Sài Gòn mà. Thằng Quỵt cũng có được về thường đâu. Tết mới về được. Nó cũng than nhớ nhà. Nó kể, hễ cuối năm là làm như mắc chết, riết cho xong bỏ lại hết, ào về nhà.

Bà muốn mở miệng trách Ba Quăng, thằng nhỏ như vậy đó mà hồi nhỏ không lo dạy đàng hoàng, cứ lo trấn nước nó. Nhưng bà biết mình không nói được. Có khi Ba Quăng nghĩ nhờ trấn nước mà con mới nên người.

Thằng Quỵt năm mười tám tuổi, biết thân mình dốt nên khi lên Sài Gòn làm công rất siêng năng. Chủ thấy cái thằng nhà quê mà thật thà, cần mẫn nên thương, truyền nghề cặn kẽ. Giờ nó giỏi nghề trở thành cánh tay đắc lực của chủ. Hỏi sao cuộc sống nó không khấm khá.

Nghĩ cũng ngộ. Bà nhớ có lần mấy đứa con mê chơi, bà ngồi khóc “tao chết cho tụi bây vừa bụng”. Thằng Út cũng khóc. Má ơi, má muốn biểu con làm gì con cũng làm, má đừng chết nghe. Chỉ có bao nhiêu thôi mà bà thấy có lỗi với con tới bây giờ. Thấy mình đã làm tổn thương tinh thần con. Còn thằng Quỵt, bị đánh chết đi sống lại, chính cha ruột mình đánh, vẫn nhớ nhà...

Cũng giống như đàn con của bà, sống một tuổi thơ cực khổ với quê, vẫn nhớ quê.

- Chị kêu mấy đứa nhỏ về thăm quê chớ. Tụi nó đi riết mất gốc à.

- Tụi nó thèm về lắm. Nhưng mà về lại sợ buồn.

- Hổng có đâu chị Tư ơi. Coi vắng vậy đó, phụp vô hai mươi sáu, Sài Gòn đổ về, chợ búa bán ầm ầm. Vui lắm.

- Dà.

Bà Tư muốn nói buồn nỗi khác nhưng rồi cũng lặng thinh. Bà cũng biết chỉ ở quê mới có tết.

Những người quê lên thành phố làm kiếm ăn, cắm cúi cả năm. Ngày tết tiền xe mắc gấp đôi gấp ba ngày thường vẫn phải về. Người có nhiều tiền thì lỉnh kỉnh quà cáp. Người ít tiền cũng ráng bườn cho được cái thân về xứ. Không được vồn vã như người nhiều tiền nhưng cũng được vui lây cái không khí tết.

Còn ở trên cái khu công nghiệp tạm bợ, người yếu lòng dễ ngồi khóc một mình khi tết đến. Đó không phải là thành phố. Đó là một cánh đồng đầy mùi máy móc xe cộ. Người ta tới đây chỉ để cày cuốc trong mấy nhà máy, công xưởng, cửa hàng. Công việc cũng không sướng hơn thời ở đồng cấy giặm cắt lúa. Nhưng may là công việc lúc nào cũng có dù giá cả của sức lao động rẻ mạt.

Bây giờ thì nhiều thứ rẻ vậy lắm. Bà nhớ hồi còn làm ruộng, cuối vụ trong túi tiền rủng rỉnh. Nhưng chỉ hôm sau, khi trả xong tiền phân bón, thuốc trừ sâu, túi còn lại cái mớ lẻ. Mà cái mớ lẻ đó chỉ có được khi ông trời mưa gió phải thì.

Bữa ổng buồn lòng, mưa ngay lúc lúa trổ, mưa lúc thu hoạch thì túi càng lép hơn. Phân bón, thuốc trừ sâu, tiền lời cho thương lái vẫn phải trả đầy đủ. Người nông dân còn thua người bán bánh bò. Như vợ của Ba Quăng, thấy bột mắc, đường lên giá nên làm bánh nhỏ lại. Người nông dân có ruộng nhưng không được quyền định giá những món mình làm ra.

Bà nghĩ con phải học mới định giá được những món mình làm ra. Nhưng giờ thì sức lao động của tụi nó có mùi tốt nghiệp phổ thông cũng không tự định giá được. Sáu cái bằng để trong tủ. Chẳng đứa nào thèm giở ra coi nó có bị mối mọt ăn chưa. Mà cũng chẳng đứa nào nhớ mình đang có những cái bằng như vậy.

- Thìn, con giẻ cá mời cô Tư.

- Dạ, cô Tư ăn thêm cơm nghe, con bới.

- Thằng Thìn mau lớn quá cậu, mới đó mà đã học cấp ba.

- Nó cũng ham học lắm chị. Năm nào cũng được lãnh thưởng. Mà học cực quá, học ngày học đêm mới giỏi được. Học thêm thì thôi đủ môn.

- Học thêm vậy tốn dữ lắm à.

- Dà. Thằng anh nó gởi tiền nuôi.

Ba Quăng nhìn lại ngôi nhà khang trang sạch sẽ của mình, nét mặt thật bình an. Có lẽ nhờ an nhàn mà càng lớn tuổi, ông càng trở nên lành tính, không nhậu nhẹt, khùng điên như hồi trước.

Bà Tư thèm cái thanh thản đó. Nhưng con bà đang bận mơ ước.

“Con ước gì con làm có nhiều tiền, về quê cất một ngôi nhà đặng tết cả nhà mình tụ hội về đó. Tết ai cũng về quê. Nhà mình có quê nhưng không có nhà về. Hổng lẽ tết về ở ké nhà người ta”.

Nhớ câu nói của con, bà Tư gắp cá mấy lần mà không dính miếng nào. Bà tự hỏi mình đã đúng hay sai khi quyết định đô thị hóa sáu đứa con?

Lúc đầu là mơ ước có được cái chỗ làm. Ở được vài năm, ước phải chi có một miếng đất vài thước vuông che cái chòi có chỗ gá lưng mỗi tối, đỡ phải chia bớt tiền cho nhà trọ. Rồi bà bán năm công đất mua cái nền nhà ở khu An Lạc. Đất vừa mua, đường dây điện cao thế kéo ngang. Một cái nền nhà đổi từ năm công đất chỉ bán được hai chỉ vàng. Giờ khu An Lạc nhà cửa sầm uất còn bà và những đứa con vẫn ở nhà trọ.

Giờ lại ước về quê. Ước thì ước mà cất nhà ở quê làm gì, cất rồi ai ở. Bà chỉ biết khuyên con.

- Mình coi xứ này là quê đi.

Ý bà muốn nói tới thành phố. An ủi được con nhưng ai an ủi được mình. Đất này có thành quê được không?

Quê gì khi hằng tháng bỏ bạc triệu trả tiền nhà trọ. Nói là nhà chớ nó nhỏ hơn một cái phòng. Trong đó vừa chứa toalet, nhà bếp, phòng ngủ. Vợ chồng nằm ôm nhau kế bên chiếc xe nồng mùi nhớt, ôm nhau kế bên con, trước mặt ông táo.

Hàng xóm ở quê là hàng xóm một đời. Ở đây hàng xóm chỉ tính bằng tháng bằng ngày. Việc làm không ổn định người ta không lo cho nhà. Nhà không ổn định người ta không lo vun vén chỗ làm. Đổi việc như cơm bữa, đổi nhà như cà phê sáng.

Cảm giác như cuộc sống là một dề lục bình. Muốn trôi không trôi được, muốn ghé cũng không biết ghé làm sao. Những dề lục bình dưới sông có khi còn chạm nhẹ nhau tỏa chút mát lành. Những dề lục bình đô thị hờ hững trôi qua nhau, vô cảm qua nhau, căm phẫn trôi qua nhau.

- Năm công đất của chị thằng Bảy Vàm nó mua giờ người ta trả giá hàng tỉ bạc.

- Ừ, tại đường nhựa mở ngay trước mặt mà.

***

Bà Tư đứng bên con đường, nhìn miếng đất cũ đã là của người ta. Quanh mộ ngoại chỉ còn cái nền nhà. Mấy cây dừa mót mái tàn hơi cho những chùm trái đẹt. Cây mãng cầu gai bị cỏ lấn ép, nhánh lão hóa khô còi.

Thằng Sáu điện thoại.

Nhìn tên con trong điện thoại bà Tư chợt lo. Không biết có phải nó nói chuyện nhà cửa không. Dành dụm tiền làm thuê làm mướn chục năm nay, sáu đứa hùn hạp mua được cái nền nhỏ ở Vĩnh Lộc, cất được cái nhà sơ sài. Chen chúc nhau cho đỡ tiền trọ nhưng cứ nơm nớp lo sợ. Không biết bữa nay đô thị có đem người vô không...

- Má khỏe không, mấy hôm nay lạnh quá.

- Má khỏe, cho má nói chuyện với thằng Đỉnh coi.

- Nội ơi nội đang ở đâu, nội về với con.

- Nội đang phát mộ cho bà cố. Con đi học có vui không?

- Con không đi học nữa.

- Không học là dốt đó. Con đi chơi với các bạn chớ không phải là đi học.

- Con không chơi với các bạn, con ghét cô giáo hung dữ.

Bà Tư lặng người một chút. Tiếng thằng Sáu nói chen vào.

- Má đừng nghe nó, trường học này người ta gởi đông lắm, chắc không có chuyện bạo hành trẻ con như báo chí đưa tin đâu.

- Nhưng sáng nào nó cũng không chịu đi học. Không biết ở trường có bị hành hạ?

Thằng Sáu cũng im lặng.

- Nội về nghe. Nội ơi cái nhà gần trường con bị đập rồi. Cái nhà đúc hồng hồng đó nội. Nội về nhớ đóng cửa nhà nghe. Đừng cho đô thị vô đập nhà mình.

Bà Tư ngồi nhìn cái nền ngôi nhà cũ. Nhưng trong mắt bà đầy hình ảnh thằng cháu nội. Đứa cháu mà ba nó hằng ao ước kiếm thật nhiều tiền để mua thật nhiều vở cho nó đi học.

Cu Đỉnh có đủ thứ đồ chơi và tập vở như bao đứa trẻ khác. Nó chỉ thiếu ước mơ như ba như chú bác nó hồi nhỏ nhưng lại thừa nỗi lo lắng. Nó ám ảnh những đoàn người được mang tên “quản lý đô thị”.

Không sao đâu. Rồi thì người ta ai cũng có một chỗ để ở. Rồi thì những người xa xứ cũng gắn kết nhau lại thành chòm xóm. Tới thời cu Đỉnh, cái ao ước về quê ăn tết sẽ không còn. Vậy nhẹ lòng hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận