​Những câu chuyện của Sawyer

TUẤN KHANH 17/06/2015 19:06 GMT+7

TTCT - Mùa hè năm nay, rất nhiều người yêu nhạc xao xuyến chờ đợi album của Sawyer Fredericks ra mắt. Cậu thanh niên 16 tuổi với mái tóc dài như con gái, giọng hát không có một biên giới ràng buộc nào, tựa như một gã du mục, đã gây nên một sự náo động trong suốt mùa giải The Voice vừa qua.

Sawyer - Ảnh: bigfrog104.com

Trong lịch sử của The Voice, kể từ năm 2011 đến nay, người ta hoàn toàn bất ngờ khi chứng kiến một thí sinh rất trẻ như vậy nhưng khi cất tiếng hát lại như là một nghệ sĩ dày dạn.

TIẾNG HÁT DU MỤC

Sawyer không nhảy múa hay điệu bộ gì nhiều, chỉ với cây guitar, giọng hát của cậu làm tan chảy mọi băng giá trong trái tim của người đối diện.

Khi giám khảo Blake Shelton lắng nghe Sawyer hát xong, anh hỏi rằng cậu tập hát ở đâu, lúc nào. Sawyer cười nói rằng đi đâu cậu cũng mang theo đàn, và hát bất cứ lúc nào, trên cánh đồng hay trên con đường ở Roxbury, bang Connecticut (Mỹ).

Những bài hát của Sawyer Fredericks liên tục trở thành “hit” qua mỗi vòng thi The Voice. Không ngạc nhiên khi bài hát I am a man of constant sorrow vọt lên trong danh sách 50 bài hát bán chạy nhất của iTunes. 

Nhạc country không dễ và dành cho những người quá trẻ, đặc biệt như với bài hát đầy lời lẽ u buồn của Rod Stewart, vậy mà Sawyer đã làm hàng chục triệu người trong đêm diễn của cậu phải nín thở lắng nghe.

You can bury me in some deep valley

For many years where I may lay

Then you may learn to love another

While I am sleeping in my grave.

Tạm dịch:

Em hãy chôn tôi nơi thung lũng sâu nào đó

Nhiều năm trôi qua nơi đó tôi nằm

Rồi em cũng học được cách yêu một người khác

Khi tôi ngủ yên trong huyệt mộ của mình.

VÀ NHỮNG BÀI HỌC

Cũng như nhiều đứa trẻ “thần đồng” tại Việt Nam, Sawyer bắt đầu bộc lộ khả năng ca hát rất sớm và luôn làm gia đình ngạc nhiên vì sự ngẫu hứng của mình. Mẹ của Sawyer kể rằng thậm chí cậu đã biết hát trước khi biết nói. 

Nhưng đến năm 11 tuổi thì Sawyer mới dám đứng trên sân khấu nhà trường để trình diễn do rất nhút nhát. Chính vì vậy, cha mẹ của Sawyer không ép uổng vì sợ mất đi sự trong sáng thuở đầu trong suy nghĩ của cậu.

Đây cũng là một bài học về giáo dục âm nhạc. Không ít gia đình khi thấy con mình có chút khả năng đã hào hứng đẩy con đi luyện “cấp tốc” để ra sân khấu tạo danh tiếng sớm, hoặc kiếm tiền, chạy show... Ba mẹ của Sawyer thì không. Họ để cậu tự do phát triển cái riêng trong khả năng của mình, không dồn ép.

Về sau, khi thấy Sawyer xuất hiện trên truyền hình, các tờ báo địa phương cũng rất ngạc nhiên vì biết rõ sự nhút nhát “lừng danh” của Sawyer. Đến mức có tờ còn giật tít rằng “From stage fright to spot light” (tạm dịch ý: Từ kẻ hoảng kinh biểu diễn đến tỏa sáng trên sân khấu).

Việc tự do phát triển, bên cạnh chuyện học chơi guitar do người cậu kèm cặp khiến Sawyer bộc phát thêm khả năng sáng tác. Cho đến hôm nay, Sawyer đã viết hơn 30 bài hát cùng vô số phác thảo dở dang, và đó là những điều bí mật đang hấp dẫn giới hâm mộ.

Sự tự do như gió và đồng cỏ mênh mông ở Connecticut đã khiến Sawyer xuất hiện như một điều lạ lẫm làm bất kỳ ai cũng bất ngờ. Không có bài hát nào mà Sawyer trình bày trong các vòng thi The Voice được giữ nguyên gốc của văn bản. Hầu hết các bài hát đều bay bổng và dày đặc inspiration (phá cách và ngẫu hứng từ nguyên gốc) trong cách hát. 

Từ những bài hát quen thuộc như Imagine cho đến đặc sệt chất country như Old man, tiếng hát du mục đó đã khiến các lượt tìm nghe, bàn tán, ca ngợi... trên YouTube tăng đến mức độ chóng mặt. 

Có một điều bất ngờ khác là rất nhiều người nghĩ rằng ở tuổi 16, có lẽ Sawyer chỉ viết về những câu chuyện tình yêu, nhưng Sawyer lại viết rất nhiều về cuộc sống xung quanh mình, từ chuyện bắt nạt, bạo hành trong học đường cho đến cuộc sống nhà nông.

Sawyer Fredericks rất giỏi, nhưng những người huấn luyện (coach) trong chương trình The Voice của cậu còn giỏi hơn. Chộp được một giọng hát đặc biệt như vậy nhưng cả hệ thống không hề gò ép hay chuyển đổi cho cậu “chuẩn” hơn theo thị hiếu thị trường. 

Ngay trong bài Have you ever seen the rain, hát cùng với Noelle Bybee, cách hát đặc biệt của Sawyer đã tác động đến cả bạn diễn khiến bài hát hard rock lừng danh và kinh điển của CCR trở nên ngọt ngào như một khúc tình ca tuổi thiếu niên.

Nếu sinh ra ở Việt Nam, có thể Sawyer đã bị lèn chặt vào các tiêu chuẩn, vào khuôn khổ của “chuẩn” để làm vừa ý các thầy cô thanh nhạc tham gia huấn luyện. 

Ví dụ đó có thể là cách giải thích nhanh cho hiện trạng rất nhiều ca sĩ trẻ thế hệ mới, đặc biệt khá nhiều từ phía Bắc, được đào tạo “chuẩn” nên giọng đẹp và hát chính xác nhưng na ná nhau, được sản xuất từ một nhà máy đã có thương hiệu trên thị trường.

Có câu chuyện kể về một thí sinh Việt trong một cuộc thi bất ngờ nổi lên ở những vòng cuối đã đổi giọng nhanh chóng và kêu giá bằng USD cao ngất khi có ai mời trình diễn vào lúc đó. 

So với ngôi sao The Voice 2015 Sawyer Fredericks thì thật là một chuyện đáng ngẫm nghĩ. Ngay từ năm 13 tuổi, khi Sawyer đã có tên tuổi ở tiểu bang của mình, cậu khoe rằng mình quá vui mừng khi nhận được những show diễn có thù lao đến... 20 USD.

Khi biểu diễn, Sawyer trình diễn những bài hát phổ thông nhưng luôn tìm cách giới thiệu những ca khúc của mình sáng tác. Sự nhận thức sâu sắc về xã hội mình đang sống đã giúp Sawyer viết nên Out my window, nói về tình trạng trầm uất của các thiếu niên đồng tính. 

Bài hát này được diễn đàn của các trường trung học đưa vào thảo luận, được những nhà giáo dục nhận định rằng đã truyền một niềm cảm hứng mãnh liệt đến những người trẻ tuổi bị bắt nạt vì bản dạng giới khác biệt.

Sawyer có một mái tóc dài rất đặc biệt và được nhiều người hâm mộ. Mới đây cậu có ý định cắt tóc để gây quỹ từ thiện cho tổ chức Locks of love. Trên Facebook của mình, cậu an ủi những người hâm mộ thích vẻ ngoài của cậu rằng “rồi nó sẽ mọc lại nhanh thôi mà”.

Câu chuyện này lại là điều khiến cho bất kỳ ai đã có chút kinh nghiệm về giới biểu diễn Việt Nam không thể không nghĩ về những chương trình nghệ sĩ từ thiện quanh năm. Phần lớn các buổi từ thiện đó thường được thông báo trước cho báo chí, truyền hình. Và chính người làm từ thiện cũng luôn luôn mặc đẹp, cười tươi, chuẩn bị rất kỹ hình ảnh nhằm để đánh bóng cho mình hơn là một nghĩa cử khiêm cung đối với những người thiếu may mắn hơn mình.

Đôi khi nghe một ai đó hát ở bên ngoài, chợt giật mình vì âm nhạc Việt Nam đi quá nhanh. Khi cần, có ngay âm hưởng Thái. Khi cần có âm hưởng Hoa, âm hưởng Hàn..., thị trường cũng sớm đáp ứng. Nếu không chạy theo thị hiếu thì cũng có không ít nghệ sĩ tung hứng, thể nghiệm các loại âm nhạc đương đại, đi rất xa tâm trí và suy nghĩ của con người. 

Nhìn về nhạc Việt, tự dưng lại ước phải chi mọi thứ chậm lại một chút, chắt chiu và sâu sắc một chút, có lẽ chúng ta đã có rất nhiều tài năng và sự kiện âm nhạc đáng quý hơn là những “thảm họa” trong suốt vài thập niên qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận