TTCT - "Ước gì ngày mai trời nắng để nhà em phơi măng" Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Nhàn"Ước gì ngày mai trời nắng để nhà em phơi măng". "Ước gì mẹ em ở dưới Bình Dương mau về". Đó là hai điều ước trẻ thơ tôi nhớ mãi vì nó giản dị như mưa nắng quê nhà, gói ghém nỗi mong nhớ hơi ấm người thân của bao đứa trẻ quê sống xa ba mẹ.Hai đứa trẻ Phú Riềng (Bình Phước) ghi xuống điều ước ấy có đôi mắt sáng đẹp như sao. Nhìn vào đôi mắt như những đóa - hoa - trời ấy, tôi nhớ một đóa hoa trời bé xíu khác khóc ư ử cái đêm mẹ trao em cho người chị lớn bồng để lên xe từ Krông Bông (Đắk Lắk) đi Sài Gòn - nơi cưu mang cả gia đình bằng nghề rửa chén của chị.Trong những chuyến đi tìm hiểu về sự học của trẻ em, đến những ngôi nhà hẫng hụt hơi ấm, tôi lại nhớ ánh mắt như bầu trời có đám mây xám bay ngang của cậu bé Thạnh Phú (Bến Tre) khi em nói "ba con đi ghe trấu chưa về". Ba em đã đi mãi không về. Từ sâu thẳm, cậu bé vẫn mong một ngày chiếc ghe trong giấc mơ trở về... Một cô bé khác cũng ở Bến Tre hay khiến chúng tôi nhớ đến ánh mắt kiên nghị và câu nói quả quyết "để từ từ con tính!". Đó là phép trì hoãn của em mỗi khi ông bà gợi ý "hay thôi con nghỉ học đi, chắc ông bà không kham được thêm". Ông bà thương cháu lại rớt nước mắt bám vườn lo cho đứa cháu côi cút ham học. Nghe em tâm sự mà thương biết bao đôi mắt lấp lánh kia đã bao nhiêu lần thẫm màu chiều vì nỗi lo sợ phải bỏ học. Như thương biết mấy đôi mắt ướt như bầu trời sũng nước khi ôm lấy chúng tôi của cô bé Hòa Lạc (An Giang) sống cùng bà cố tuổi đã 90. Cháu đến trường và bà đi qua ngày qua tháng bằng xấp vé số...Ghé lại bao làng quê từ Tây Nam Bộ đến Đông Nam Bộ, tôi gặp không biết bao nhiêu đứa trẻ được nuôi nấng bằng bàn tay của ông bà như thế. Đôi bàn tay lạnh của người bà gần 80 ở Hòa Lạc mỗi ngày đi rửa chén thuê kiếm 50.000 đồng. Đôi bàn tay móng nhuốm đen của người bà ở Tân Biên (Tây Ninh) đi tìm rau càng cua mọc hoang. 10kg càng cua đủ mua tập, bút cho cháu. Đôi bàn tay xanh xao của người ông người bà ở Trà Ôn (Vĩnh Long) nuôi cháu bằng nghề đan rổ, đan miệt mài mỗi khi sắp mùa tựu trường... Vất vả nhưng đầy tình thương, mong cho con cháu có nhân duyên học hành thay cả cho mình, những người ông người bà nhân dáng héo hon ấy vẫn làm nở những đóa sao trời trong mắt trẻ - sự lấp lánh của đứa trẻ được quan tâm, săn sóc.Nhiều đứa trẻ ấy sau mấy năm chúng tôi dõi theo vẫn đang bám trường bám lớp và học thật giỏi. Nhìn vào những tia sáng trong mắt các em, tôi thấy lòng mình cũng sáng lên như những lúc đếm sao trời. Điều gì làm nên ý chí học hành và niềm vui ít vắng mặt nơi các em? Tình yêu của những tình thân? Sự nuôi dưỡng của thiên nhiên bao la bí ẩn ở thôn làng? Những tình - yêu - tìm - thấy với kiến thức vô biên em góp nhặt mỗi ngày? Hay phải chăng trẻ em thường giàu có niềm vui hơn người lớn vì chúng ít ngã chấp hơn. Ta phải được quan tâm, yêu thương như thế nào mới là đủ? Ta phải được người đời trọng vọng ra sao? Ta phải có được hay dư dả bao nhiêu tiền bạc, tài sản? Không mang vác những câu hỏi đó, lòng trẻ nhẹ nhõm bao nhiêu...Trong năm kinh tế thấm đòn sau đại dịch, Tết dường như đến muộn, hoa xuống phố chưa nhiều... Một buổi tối chơi trò "cá sấu lên bờ" với đám trẻ hàng xóm, tôi bỗng thấy xuân về ngay giữa những tiếng cười nắc nẻ. Đứa trẻ sống cùng mẹ trong căn nhà trọ chật chội, mắt ngời, cười to nhất. Mắt cười của cô bé làm tôi nhớ những đôi mắt cười của bao đứa trẻ vốn lớn lên trong những gia cảnh khó khăn. Những đóa sao ấy như nói với tôi: Thứ quý giá ta có thể trao tặng cho mọi người không phải là vật chất mà một tấm lòng trong veo, một tinh thần sống an nhiên với hiện tại... Thứ mà người lớn chúng ta có thể tặng cho trẻ thơ là trang bị cho các em một thái độ sống lành mạnh, từ những cuốn sách ta trao, từ cách ta sống hằng ngày... Ta không thể mang đến một người cha cho cậu bé mang tên Hoài Hận, nhưng ta cảm động biết bao khi em càng trưởng thành càng hân hoan, bởi tình yêu với sự sống được vun bồi từ sự học - học ở sách vở và ở tình yêu của những người thương quý em...Xuân về, hình dung niềm vui trong mắt những bạn nhỏ ngóng ba mẹ mưu sinh nơi xa trở về, niềm vui giở sách (được tặng) của những đứa trẻ mình có duyên gặp gỡ; bất giác tôi nhẩm đọc những câu thơ của bạn: "Bé con ơi/ Vì bất cứ nơi nào cũng có thể mọc lên những bông hoa/ Nếu còn ai giở sách/ Nếu còn ai mơ mộng/ Nếu còn ai tin yêu/ Thì chúng mình hãy tin phép lạ vẫn còn nhiều/ Như tình yêu không bao giờ biến mất/ Và lấp lánh luôn là điều có thật..." (Sâm Cầm). Những câu thơ trong trẻo như lời chúc chúng tôi thầm gửi đến những "mặt trời bé con" đang chờ Tết... Dù bốn mùa thay lá, đường dài còn nhiều mưa gió làm rơi rụng những thơ ngây; mong những đóa hoa trời ấy vẫn lấp lánh sắc tin yêu... Tags: Hoa xuânTrẻ thơTrẻ conƯớc mơTết
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Xuân Son giúp tuyển Việt Nam tiến gần chức vô địch ASEAN Cup 2024 ĐỨC KHUÊ 02/01/2025 Tối 2-1, tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Nguyễn Xuân Son tỏa sáng để giúp tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan 2-1.
Biển người 'đi bão' mừng tuyển Việt Nam chiến thắng, không quên dừng đèn đỏ HỒNG QUANG 03/01/2025 Sau khi tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tại trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1, đông đảo người dân đổ về các khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội để "đi bão".
CĐV Thái Lan: Việt Nam rồi sẽ như Philippines thôi! THÀNH AN 02/01/2025 Dù đội nhà bại trận 1-2 trước Việt Nam trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1 tại Việt Trì, người hâm mộ Thái Lan vẫn tự tin vào màn lội ngược dòng ở trận lượt về.
Xuân Son nói gì sau khi lập cú đúp vào lưới Thái Lan? HOÀNG TÙNG 02/01/2025 Sau lượt đi trận chung kết ASEAN Cup 2024, Quang Hải và Xuân Son thể hiện quyết tâm hướng đến chiến thắng chung cuộc để giành ngôi vô địch.