TTCT - Bức tranh công nghệ năm 2024 được dự báo sẽ là sự tiếp nối những cuộc đua đang diễn ra, nhưng ở mức độ sôi nổi và khốc liệt hơn. Tại nhà máy pin xe điện của Audi ở Brussels. Ảnh: Audi Khi các nước tiến thêm một bước gần hơn đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe xăng, Trung Quốc sẽ đối đầu với phần còn lại của thế giới trong công cuộc bảo vệ vị thế độc tôn của mình trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện. Trong khi đó, viễn cảnh về một Internet không có quảng cáo đang hâm nóng trận chiến không hồi kết giữa những nền tảng số và các công cụ chặn quảng cáo. Và khi trí tuệ nhân tạo (AI) đã đi vào cuộc sống, sự hiện diện của nó trong mọi thiết bị xung quanh ta cũng sẽ dần trở nên bình thường.Ngôi vương pin xe điện có đổi chủ?Trung Quốc vẫn đang là ông vua không thể chối cãi của ngành sản xuất pin dùng trong xe điện toàn cầu. Theo số liệu thống kê do công ty nghiên cứu thị trường SNE Research công bố, trong 3 quý đầu năm 2023, top 10 công ty toàn cầu (xét theo số lượng pin do họ sản xuất được sử dụng trong các dòng xe điện) bao gồm CATL, BYD, LG Energy Solution, Panasonic, SK On, CALB, Samsung SDI , Gotion, EVE và Sunwoda.Ngoài Panasonic (Nhật Bản), LG Energy Solution, SK On và Samsung SDI (Hàn Quốc), sáu cái tên còn lại trong danh sách đều là những công ty Trung Quốc. Các công ty này chiếm đến 62,9% thị phần pin lithium thế giới, trong đó chỉ tính riêng hai doanh nghiệp dẫn đầu là CATL và BYD đã chiếm hơn một nửa (52,6%) thị phần, theo báo cáo của SNE Research.Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Liên hợp Tảo báo (Singapore), Yu Hong - nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore - cho biết pin Trung Quốc có lợi thế tích lũy về mặt công nghệ, quy mô thị trường và chuỗi công nghiệp mà các nước khác khó có thể vượt qua trong ngắn hạn.Pin cấu thành đến 40% chi phí sản xuất một chiếc xe điện và vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất pin có liên hệ trực tiếp đến chính sách khuyến khích xe năng lượng mới của chính phủ nước này, theo trang Think China. Quy mô thị trường của đất nước 1,4 tỉ dân và chuỗi cung ứng trưởng thành của Trung Quốc cũng là những yếu tố chính hỗ trợ sự phát triển của ngành một khi các khoản trợ cấp không còn nữa.Tất cả các yếu tố trên tạo nên ưu thế về giá vượt trội. Theo một báo cáo của Bloomberg, pin xe điện của Trung Quốc có giá trung bình 127 USD/kWh, trong khi giá pin sản xuất ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu cao hơn lần lượt là 24% và 33%. Một thống kê khác của Bernstein do tờ Financial Times trích dẫn chỉ ra Trung Quốc tốn chưa đến 60 triệu USD cho mỗi GWh pin được sản xuất, trong khi con số tương ứng của Hàn Quốc là 88 triệu USD và của hãng Panasonic là 103 triệu USD.Dù vậy, các nước khác không dễ từ bỏ tham vọng thay đổi thế kiểm soát của Bắc Kinh đối với thị trường xe điện. Tháng 2-2023, Reuters đưa tin Chính phủ Úc đã ngăn chặn Quỹ Yuxiao của Trung Quốc tăng cổ phần tại công ty khai thác đất hiếm Northern Minerals với lý do vì lợi ích quốc gia. Hồi tháng 7, Ấn Độ cũng bác kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỉ USD tại đây của công ty BYD.Nếu không thể cạnh tranh về giá, một hướng đi khả dĩ là phải đột phá về công nghệ sản xuất pin. Hiện tại, ngành sản xuất pin xe điện có thể được chia thành hai trường phái chính: ưu tiên sức mạnh hoặc ưu tiên giá thành. Sản phẩm phổ biến ở Trung Quốc là pin LFP tiết kiệm chi phí nhưng chỉ có phạm vi hoạt động lên tới 500km. Ngành xe điện châu Âu chuộng loại pin NMC đắt tiền hơn và có phạm vi hoạt động lên tới 700km nhưng Trung Quốc khó lòng chạy theo sản xuất pin NMC mà vẫn giữ ưu thế về giá vì loại pin này cần nickel và cobalt - hai kim loại mà Trung Quốc phụ thuộc hơn 80% từ nguồn nhập khẩu.Pin của tương laiTrong tương lai, pin thể rắn mà các nhà sản xuất ôtô lớn của châu Âu như Mercedes, BMW hay Volkswagen đang đổ tiền nghiên cứu phát triển có thể trở thành thế hệ pin tiếp theo để truất ngôi Trung Quốc, theo Đài DW. Cả LFP và NMC đều là pin lithium, vốn có nguyên lý hoạt động dựa vào dung dịch điện phân ở thể lỏng cho phép các ion lithium di chuyển giữa hai đầu điện cực.Với pin thể rắn, các nhà khoa học đã tìm cách thay thế chất điện phân lỏng này bằng chất điện phân rắn, giúp loại bỏ tấm phân cách nặng nề cần thiết để giữ cho hai điện cực không tiếp xúc với nhau. Thiết kế này vừa nhẹ, hiệu suất cao mà lại an toàn hơn do không có chất điện phân lỏng dễ cháy giúp giảm nguy cơ cháy nổ.Các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm ở cả Nhật Bản và châu Âu đều cho thấy pin thể rắn có nhiều tiềm năng để trở thành thế hệ pin tiếp theo, theo DW. Đầu tháng 7-2023, Toyota - nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai thế giới - cho biết họ đã đơn giản hóa quy trình sản xuất nguyên liệu dùng để chế tạo pin thể rắn và có kế hoạch đưa vào sản xuất xe điện sử dụng loại pin này vào năm 2025.Trước đó, Toyota từng công bố xe điện sử dụng loại pin này có thể chạy quãng đường lên tới 1.200km - gấp đôi các loại xe điện hiện nay - chỉ với 10 phút sạc. Cũng trong tháng 7, Volkswagen công bố đang làm việc với một đối tác để ra mắt sản phẩm pin thể rắn thương mại đầu tiên. Mercedes-Benz cũng đã ký kết hợp tác với công ty sản xuất pin thể rắn Prologium của Đài Loan trong kế hoạch chuyển hoàn toàn sang xe điện vào năm 2030.Nhưng dù là pin thể rắn hay lỏng, lệ thuộc vào lithium vẫn là bài toán hóc búa của các nhà sản xuất xe điện. Dự báo từ công ty phân tích dữ liệu Benchmark Mineral Intelligence cho thấy nhu cầu đối với lithium sẽ vượt xa nguồn cung trong một thập niên tới. Cụ thể, nhu cầu lithium sẽ tăng gấp bốn lần đến năm 2030 khi cả Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đều đến gần mục tiêu loại bỏ xe chạy bằng xăng và dầu diesel. Trong khi đó, dự báo cho thấy thế giới sẽ thiếu hụt 390.000 tấn lithium vào năm 2030, so với sản lượng toàn cầu là 2,7 triệu tấn.Cobalt và nickel cũng không ngoại lệ, dẫn đến "sự mất kết nối nguyên liệu thô lớn" có thể hạn chế tốc độ chuyển đổi khỏi xe chạy bằng xăng và dầu diesel, theo báo The Guardian. "Trong trung và thậm chí là dài hạn, lithium có thể sẽ là yếu tố hạn chế tốc độ mở rộng của ngành công nghiệp pin" - The Guardian dẫn lời Caspar Rawles, giám đốc dữ liệu của Benchmark.Quảng cáo internet: chặn hay trả tiền?Về cuối năm 2023, YouTube có hành động quyết liệt hơn để chống lại những người dùng sử dụng trình chặn quảng cáo (ad blocker) bằng cách dừng luôn việc phân phát nội dung nếu phát hiện hành vi này. Để tiếp tục xem, người dùng buộc phải gỡ trình chặn quảng cáo. Còn nếu vẫn muốn không bị quảng cáo quấy rầy thì không còn cách nào khác phải bỏ tiền đăng ký YouTube Premium.Dù đây là một động thái được đánh giá là cứng rắn của nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, đó không hề là một nước đi đột ngột, theo trang Engadget. Từ lâu YouTube đã bị cuốn vào cuộc "chạy đua vũ trang" với các phần mềm chặn quảng cáo: mỗi khi nền tảng này triển khai những cách mới để chống lại chúng, những nhà phát triển các chương trình chặn quảng cáo sẽ lại tung ra bản cập nhật để vượt qua các biện pháp phân phát quảng cáo đó.Gần đây, lợi thế đang nghiêng về YouTube khi nền tảng này liên tục thay đổi phương pháp khiến các chương trình chặn quảng cáo phải vất vả mới theo kịp. "Để chống lại những thay đổi của YouTube… danh sách đen (của các trình chặn quảng cáo) phải được cập nhật ít nhất mỗi ngày và đôi khi còn thường xuyên hơn... Một số trình chặn quảng cáo đơn giản là không thể theo kịp những thay đổi này" - Engadget dẫn lời Krzysztof Modras, giám đốc sản phẩm và kỹ thuật của Ghostery, một trong vô số phần mở rộng của trình duyệt web có chức năng chặn quảng cáo.Cuộc chiến giữa YouTube và các ứng dụng chặn quảng cáo.Không chỉ YouTube, phần lớn các nền tảng số phổ biến đều sống nhờ vào một nguyên tắc đơn giản: người dùng tận hưởng dịch vụ của họ miễn phí nhưng đổi lại phải chịu đựng quảng cáo từ những đối tác trả tiền cho các nền tảng này để tiếp cận người dùng. Nhưng thực tế này có thể sẽ sớm thay đổi khi ngày càng nhiều các nền tảng đưa ra lựa chọn trả phí để thoát khỏi quảng cáo.Tháng 11-2023, Meta tung ra một số gói đăng ký cho người dùng các mạng xã hội Facebook và Instagram ở châu Âu với giá 9,99 euro/tháng. Trước đó, mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cũng ra mắt gói không quảng cáo có trả phí hằng tháng. TikTok, nền tảng chia sẻ video thu hút giới trẻ, cũng thông báo đang thử nghiệm gói đăng ký cho người dùng không muốn xem quảng cáo. "Chúng ta đang ở trong một thế giới mà việc tránh quảng cáo ngày càng khả thi hơn" - tạp chí The Economist dẫn lời ông Brian Wieser của công ty tư vấn quảng cáo Madison and Wall.Theo số liệu từ Viện Reuters của Đại học Oxford, trong khi năm 2014 chỉ có 5% người trưởng thành ở các nước giàu chịu trả tiền đăng ký cho một trang tin tức trực tuyến thì năm 2023 con số này đã tăng lên 13%. Trong cùng thời gian, đài phát thanh có quảng cáo đã nhường chỗ cho nhạc và podcast phát trực tuyến trên các nền tảng như Spotify, nơi 40% trong số 575 triệu người dùng của họ chấp nhận bỏ ra 10,99 USD/tháng để nghe nhạc không bị quảng cáo quấy rầy. 3/4 trong số những người Mỹ có đăng ký dịch vụ phát trực tuyến (streaming) cho biết họ chấp nhận trả tiền để khỏi phải xem quảng cáo trên tivi, theo công ty nghiên cứu dữ liệu Antenna. Số liệu gần đây nhất của YouTube Premium - có giá 13,99 USD/tháng - cho thấy có 80 triệu người đã đăng ký gói này vào năm 2022.Một chất xúc tác thay đổi khác đến từ bên thứ ba làm chủ phần cứng. Từ năm 2021, Apple - nhà sản xuất điện thoại iPhone - đã cho người dùng lựa chọn không cấp phép cho các ứng dụng theo dõi mình, khiến khả năng cung cấp quảng cáo cá nhân hóa bị giảm đáng kể. Những người trả tiền để từ chối xem quảng cáo hiện nay đều có xu hướng thuộc nhóm giàu hơn những người chấp nhận sống chung với chúng: trong số những người trả tiền để xem tin tức trực tuyến, 8/10 là từ các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cao, theo Viện Reuters. Lý do cũng dễ hiểu: ngoài việc có nhiều tiền hơn để trả phí đăng ký, những người giàu có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến quyền riêng tư và không muốn bị theo dõi để chạy quảng cáo cá nhân hóa.Để chống lại một Internet ngày càng kém thân thiện với quảng cáo, các nhà tiếp thị có thể sẽ phải sáng tạo hơn để đem quảng cáo đến những nơi mà người xem khó tránh nhất. Theo Magna - một bộ phận nghiên cứu của công ty quảng cáo Interpublic - chi tiêu cho các phương tiện truyền thông ngoài trời đã tăng 7% trong năm 2023 và hiện cao hơn mức trước đại dịch COVID-19. Dịch vụ quảng cáo trên trang web thương mại điện tử Amazon đem lại cho ông lớn công nghệ này khoảng 45 tỉ USD trong năm 2023, nhiều hơn toàn bộ ngành báo chí toàn cầu cộng lại, theo The Economist. Quảng cáo bên trong ứng dụng gọi xe Uber dự kiến đem về cho hãng 1 tỉ USD trong năm 2024. Thương hiệu khách sạn Marriott cũng ra mắt những kênh quảng cáo nội bộ từ năm 2022 thông qua hệ thống tivi lắp đặt trong mỗi phòng. Hãng hàng không United Airlines của Mỹ thì đang lên kế hoạch trình chiếu quảng cáo cá nhân hóa đến từng hành khách trên mỗi chuyến bay bằng hệ thống giải trí trong cabin. Sau ngôn ngữ lớn là thị giác lớnNếu 2023 là năm của AI và các mô hình ngôn ngữ lớn (large language model - LLM) với sự nổi lên của ChatGPT thì tất cả các chỉ dấu đều cho thấy năm 2024 sẽ là năm mà tiềm năng của mô hình thị giác lớn (large vision model - LVM) được khai phá. Thị giác máy tính và ứng dụng của nó trong những sản phẩm "AI đeo được" (wearable AI) được dự báo sẽ có những bước tiến đáng kể. "Đó là một tương lai nơi máy tính trong hình dáng một thiết bị đeo được trên người sẽ vượt qua điện thoại thông minh về mọi mặt, từ tìm đường đi cho đến trợ lý cá nhân cũng như là phương tiện để chúng ra truy cập thông tin và trải nghiệm" - Forbes nhận xét.OpenAI - công ty phát triển ChatGPT - đã nhắc về việc nhúng phần mềm nhận dạng đối tượng GPT-4 with Vision vào các sản phẩm kính thông minh của Công ty Snap, theo trang The Information. Trong phần hé lộ sản phẩm kính Ray-Bans tích hợp AI của Meta, người đeo kính chỉ việc hỏi cách nướng thịt và cặp kính thông minh sẽ sử dụng LVM để phân tích hình ảnh mà người đó đang nhìn thấy trong thời gian thật, nhận dạng thịt và đưa ra câu trả lời về thời gian cũng như cách thức nướng hợp lý. "Chúng ta vẫn sẽ nhìn thế giới qua con mắt của máy móc… nhưng AI bên trong những cặp kính sẽ tương tác với chúng ta để giúp ta hiểu những gì mình nhìn thấy" - Cathy Hackl viết cho Forbes. Cuộc chiến chip đã "tiến hóa"Việc sản xuất chip bán dẫn nhỏ hơn thế hệ trước đang ngày càng trở thành một nhiệm vụ khó khăn cả về mặt kỹ thuật lẫn tài chính. Chính vì thế cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ chip đã bắt đầu chuyển sang một trận địa mới: cách đóng gói các con chip lại với nhau để đạt được hiệu suất tốt hơn, theo báo The Wall Street Journal. TSMC - công ty hàng đầu về sản xuất chip bán dẫn - đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất của công nghệ đóng gói chip tiên tiến CoWoS của hãng trong năm 2024. Công ty Mỹ Amkor Technology cũng có kế hoạch xây nhà máy đóng gói chip tiên tiến trị giá 2 tỉ USD ở tiểu bang Arizona, một phần được tài trợ bởi Đạo luật CHIPS nhằm hỗ trợ năng lực sản xuất bán dẫn của Mỹ. Tags: Công ty Trung QuốcTrí tuệ nhân tạoNghiên cứu thị trườngCông nghệChặn quảng cáo
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.