Những gam màu lẫn lộn

NAM MINH 19/01/2021 02:00 GMT+7

TTCT - Thị trường chứng khoán đang bùng nổ bất ngờ khi VN-Index ngấp nghé vượt đỉnh cũ. Nhưng chỉ số càng tăng, không ít nỗi lo càng lớn.

Chứng khoán Việt Nam những ngày đầu năm tăng liên tiếp, tiến sát 1.200 điểm - cột mốc mà không mấy chuyên gia dự đoán cách đây chưa lâu. Thanh khoản toàn thị trường cũng tăng vọt: chỉ trong tuần đầu tiên của năm, hơn 1,07 tỉ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch hơn 21.350 tỉ đồng, đã đổi chủ.

Không khí hưng phấn

Dòng tiền đang đổ rất mạnh vào thị trường đặc biệt đến từ khối nội. Thống kê của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 390.000 tài khoản chứng khoán - mức kỷ lục từ trước tới nay và tăng đến 109% so với năm trước.


Ảnh: Economic Times


VN-Index đang hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng để hỗ trợ nền kinh tế vượt đại dịch. Lãi suất kỳ hạn một năm đã giảm mạnh từ 8% xuống chỉ còn 6%. Theo nhận định của chứng khoán Rồng Việt, trong các tháng tới, dòng tiền dự kiến vẫn tiếp tục đổ mạnh vào chứng khoán bởi “lãi suất cho vay và tiền gửi tiết kiệm có thể tiếp tục giữ ở mức thấp do doanh nghiệp vẫn cần ít nhất 1-2 năm để hồi phục. Các ngành hưởng lợi là những lĩnh vực có sử dụng đòn bẩy tài chính cao”.

Các chỉ số vĩ mô góp phần làm tăng sức nóng thị trường, bao gồm triển vọng kinh tế phục hồi sáng sủa. Thống kê chính thức cho thấy tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,5% sau mức cao nhất vào tháng 6 là 2,7%. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng khả quan hơn và được dự báo tăng vào năm 2021. 

Là quốc gia kiềm chế COVID-19 hiệu quả, VN trở thành một điểm đến của giới đầu tư quốc tế. Một sự so sánh là Trung Quốc: dòng tiền FII (tiền đầu tư nước ngoài từ các định chế tài chính) đổ vào quốc gia này tăng mạnh 25% trong năm 2020 ngay sau khi Trung Quốc kiểm soát được đại dịch. Sự tăng giá của đồng nhân dân tệ cũng giúp hàng hóa xuất khẩu của VN cạnh tranh hơn.

Nguy cơ bong bóng

Nhưng trên bức tranh đa sắc, vẫn có những gam màu xám. Không ít lo ngại xuất hiện khi VN-Index tăng quá nhanh trong bối cảnh triển vọng phục hồi của nền kinh tế vẫn chỉ là dự báo.

Vina Capital nhận định có tình trạng dòng tiền nóng rót quá nhiều vào chứng khoán và bất động sản, thay vì nền kinh tế thực. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt phản ánh giấc mơ của nhiều người dân - những nhà đầu tư đơn lẻ - trong việc tìm kiếm lợi nhuận cao hơn khi kênh gửi tiết kiệm ngân hàng không còn hấp dẫn. Một khi nhiều người tham gia hơn, khuynh hướng đầu cơ cũng sẽ được đẩy lên cao.

Những lúc hưng phấn thế này cũng chính là khi phải nhắc lại các bài học sụp đổ trong quá khứ. Theo chứng khoán Rồng Việt, hành vi bầy đàn (herd behavior) thường xuất hiện khi con người làm theo người khác thay vì đưa ra các quyết định thật sự độc lập và duy lý. 

Trong lĩnh vực tài chính, hành vi này dễ dẫn đến lựa chọn bất hợp lý, không dựa trên tính toán thực tế và tạo ra bong bóng tài sản. Mặt bằng lãi suất thấp cũng khiến chi phí sử dụng vốn giảm, đồng nghĩa các loại cổ phiếu thường được định giá ở mức cao hơn giá trị nội tại (intrinsic value), một cạm bẫy rất nguy hiểm với nhà đầu tư cá nhân.

Thông tin vĩ mô cũng không chỉ toàn màu hồng. Thực tế là năm 2021 này, VN vẫn phải đối mặt hai thách thức lớn hiển hiện: rủi ro bị Mỹ áp thuế hàng xuất khẩu và nguy cơ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng mạnh. Đó là chưa kể rủi ro tái bùng phát COVID-19.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang có ý định sửa đổi thông tư 01/2020 có hiệu lực ngay đầu năm nay nhằm đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong trung hạn. Theo đó, hệ thống ngân hàng có thể bị buộc phải xác định lại hợp lý hơn cơ cấu lãi, thời điểm, thời gian, đối tượng của các khoản cho vay, và xác định những khoản trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn khi xảy ra tình huống không mong đợi.

Nếu thông tư được sửa đổi theo hướng đó, báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí có thể chuyển từ dương sang âm ở một số ngân hàng nhỏ. “Tuy tin tưởng vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế cũng như khả năng chính phủ không muốn lặp lại bài học khủng hoảng nợ xấu giai đoạn 2011-2012, nhưng chúng tôi cho rằng giới phân tích thường đánh giá thấp rủi ro thực tế của nợ xấu với quy mô có thể tăng mạnh từ 2-3% trước đại dịch lên tới 8-10% vào cuối 2021 trong tình huống tệ nhất”, Vina Capial cảnh báo.■

Năm 2020, các nhóm ngành tăng trưởng mạnh nhất là tài chính - ngân hàng, bất động sản, trong khi nhóm cổ phiếu năng lượng, du lịch, và hàng không chịu áp lực bán mạnh nhất. Xu thế đó có thể sẽ tiếp tục trong năm nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận