TTCT - “Pháp là đội bóng châu Phi cuối cùng còn sót lại ở World Cup lần này”. Tôi đã sững người khi đọc câu giễu nhại ấy trên trang cá nhân của những bạn bè mình, trong đó có cả những người đang sinh sống tại Pháp. Poster của tuyển Pháp ở Euro 2016 với tiền vệ Paul Pogba (trái) và tiền đạo Olivier Giroud, cùng dòng chữ “Còn hơn tình bác ái”. Ảnh: espn.com Đó là kiểu giễu nhại không mới. Nó đã kéo dài nhiều năm nay rồi, xoay quanh một đội bóng đại diện cho một quốc gia tiêu biểu của châu Âu, nơi đón dòng người nhập cư từ châu Phi đông đảo bậc nhất. Những câu chữ kiểu ấy, mỗi mùa World Cup hay Euro gần đây lại xuất hiện, thậm chí là xuất hiện đều đặn hơn. Còn nhớ mùa Euro 2016, Facebook của một dịch giả trẻ mà tôi rất mến mộ làm tôi thất vọng vô cùng bởi những nhận định về màu da ở đội tuyển Đức. Mùa World Cup năm nay cũng không ngoại lệ, khi cũng Facebook đó tiếp tục giọng điệu “nhìn bọn đen vẫn thấy lũ mọi trên cánh đồng trồng bông”. Trận Pháp thắng Argentina 4-3, tôi xem cùng với Abdul, người bạn Pakistan hơn tôi một giáp. Abdul không thích bóng đá quá mức, vì dân Pakistan mê cricket hơn. Nhưng Abdul buồn, không có bạn ở Sài Gòn, nên tìm tôi để bù khú là chính. Anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi mang ra khoe anh một cuốn Thiên kinh Qu’ran, bản Việt ngữ. Anh cảm thấy thú vị hơn nữa khi tôi chia sẻ rằng tôi còn đọc cả Tanakh của người Do Thái và cảm thấy Qu’ran có nhiều điểm rất thú vị. Chúng tôi đã ngồi cạnh nhau theo cách thông thường: thức ăn dành cho Abdul được sửa soạn riêng, cho đúng với halal; thức ăn của tôi sửa soạn riêng, cho đúng sở thích. Và Abdul cũng uống bia, một chút thôi, nhưng kèm theo câu nói “Bọn mày uống nhiều quá, không tốt đâu”. Sau trận Pháp thắng Argentina, tôi chia sẻ Facebook ngấm ngầm đáp lại một người bạn đồng nghiệp mà tôi rất quý, người đã giễu nhại rằng: “Argentina đã thắng một đội châu Phi để vào vòng trong (Nigeria), và họ sẽ thắng tiếp một đội châu Phi khác nữa (ám chỉ Pháp) để vào tứ kết”. Quan điểm của người bạn ấy là “bóng đá là vui hết, đừng nâng quan điểm”. Đã sống ở Pháp cả chục năm nay, người bạn ấy từng chia sẻ với tôi rằng thực ra thân phận người Việt định cư ở nước ngoài cũng khổ lắm, bị dân bản xứ kỳ thị cũng nhiều, nên mang nhiều ẩn ức và hậm hực. Vậy thì thật lạ khi trong số chúng ta, những người Việt trong nước, có những người lại xem bóng đá với đôi mắt kỳ thị dị dạng ấy, đôi mắt mà đối diện nó, thực sự rất đáng sợ. Năm 1986 là năm đầu tiên trong đời, tôi, một thằng bé lên 10, được nếm trải thế nào là World Cup. Qua lời bình bán của ba và những người hàng xóm, tôi thích đội tuyển Pháp, với cái đánh giá mỹ miều là “lãng tử, hào hoa”. Nhưng trong cái lãng tử, hào hoa của họ, ngoài một ngôi sao Michel Platini mà tôi ấn tượng lớn ngay từ đầu, tôi đã rất thích Jean Tigana, cầu thủ mang băng thủ quân của CLB Bordeaux. Tôi thích Tigana đến tận sau này, để rồi yêu mến hình ảnh của Patrick Vieira và cố gắng kiếm tìm chút Tigana trong Vieira, trong Claude Makelele, trong N’golo Kante, trong Paul Pogba, trong Blaise Matuidi mà không bao giờ có thể tìm thấy. Tôi cũng rất yêu mến Marcel Desailly, nhà vô địch thế giới năm 1998 và vô địch châu Âu năm 2000. Gặp anh lần đầu ở Paris năm 2012, ở trường quay của Canal Plus, anh niềm nở cho tôi số điện thoại mà bây giờ, mỗi khi nhắn tin hỏi thăm, anh vẫn trả lời. Rồi khi gặp lại anh ở Stade de France năm 2014, trận Pháp giao hữu với Tây Ban Nha, chính anh nhận ra tôi trước, hồ hởi chào đón “Ê, vẫn thế nhỉ, lâu quá rồi không gặp. Sang lúc nào đấy?”. Sự đáng yêu giữa một con người và một con người là điều luôn được nhớ lâu nhất. Và giả như đó chỉ là sự lịch sự giả tạo của một ngôi sao thôi thì nó cũng đáng trân trọng. Nó là cái lịch sự của người Pháp, một người Pháp thực sự chứ không còn cần phải thêm một chữ “gốc” nào nữa để định nghĩa thêm về một con người, để phân biệt nhau qua màu da, thứ phân biệt kinh khủng nhất, nhưng vẫn còn dai dẳng trong tâm thức biết bao người. Cùng thời điểm World Cup 2018 đang diễn ra, theo chia sẻ của người bạn học tôi đã định cư tại Paris, có một “World Cup khác” giữa lòng thủ đô nước Pháp. Đó là giải đấu hữu nghị giữa đại sứ quán các nước Peru, Anh, Ý, Nga, Đức, Colombia, Bờ Biển Ngà, Tây Ban Nha và cả Việt Nam. Việt Nam giành huy chương đồng sau khi thắng Anh và bạn tôi là người vinh dự ghi 2 bàn để Việt Nam cầm hòa hai đội mạnh nhất giải là Đức và Bờ Biển Ngà. Trong chia sẻ của bạn tôi trên Facebook, anh nói: “Ở trình độ nghiệp dư, anh em Việt Nam ở Paris đã đá với đủ mọi đối thủ, từ gốc Phi, gốc Âu, Ả-rập… Việt Nam không ngại đội nào cả”. Chốt lại, anh bạn tôi băn khoăn tại sao ở trình độ chuyên nghiệp, chúng ta lại thua xa họ đến thế. Tôi đã nghĩ rất nhiều trước băn khoăn ấy. Bóng đá chuyên nghiệp sẽ thể hiện mặt bằng xã hội về tính chuyên nghiệp. Rõ ràng, những tự phát, manh mún, cá nhân, chúng ta có thể rất hay, nhưng khi cần hoạt động một cách có tổ chức, có quy củ, tính chuyên nghiệp cao thì chúng ta lại ở quá xa mặt bằng chung của thế giới. Và một trong những cái khiến chúng ta quá xa người khác cũng là vì thói khinh khi của ta khi nhìn họ, không thừa nhận cái hay, cái giỏi của họ nhưng vội vàng khoác lên sự kiêu ngạo như thể mình ở một đẳng cấp nào đó ưu việt hơn. Rồi tôi nhớ về lần đặt chân vào Université Panthéon-Assas ở Paris, hay còn gọi là Đại học Luật Sorborne. Mái vòm cũng như nền gạch hoa cương ở sảnh in hình hàng trăm gương mặt. Tôi không biết họ là ai, nhưng tôi chụp lại để lưu giữ ngay, vì đó là những gương mặt da trắng, da vàng, da đen, da đỏ… đủ màu. Có lẽ, chính sự tổng hòa ấy mới tạo nên nước Pháp hiện đại hôm nay và chính những gương mặt dưới mái vòm Université Panthéon-Assas kia là biểu trưng rõ rệt nhất cho câu khẩu hiệu được khắc họa to lớn và rõ nét ở mặt tiền tòa nhà: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Chúng ta là một gương mặt góp phần tạo nên diện mạo thế giới này. Vậy thì hãy tham gia vào nó, đừng đứng trên cao kỳ thị những gương mặt khác. Còn tuyển Pháp, họ bị loại hay họ đi đến ngôi vô địch, với tôi không còn quá quan trọng. Họ có bao nhiêu người gốc nhập cư trong đó, lại càng chẳng đáng quan tâm. Thứ quan tâm duy nhất là họ sẽ chơi bóng thế nào, họ tạo ra cảm hứng cho mình ra sao. Và chỉ cần họ chơi như cách họ rượt đuổi tỉ số trước Argentina đêm đầu tiên của vòng 1/8 thôi, chừng đó cũng đã là quá đủ cho một World Cup tuyệt vời rồi.■ Tags: World CupWorld Cup 2018WC
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.