TTCT - Nhiều người Mỹ có xu hướng chuyển sang sử dụng các dịch vụ trả sau tại cửa hàng tạp hóa và các mặt hàng thiết yếu hằng ngày. Thói quen chi tiêu này đang khiến một số người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Các ứng dụng trả sau đang khiến nhiều người Mỹ nợ chồng nợ chỉ vì mua thực phẩm. Ảnh: Daily MailHầu hết các dịch vụ này không tính lãi suất và yêu cầu người đăng ký phải trải qua quy trình kiểm tra thẻ tín dụng. Mỗi lần mua hàng thường có một khoản phí xử lý dịch vụ, thường do người bán trả. Tiếp cận dịch vụ dễ dàng, chi tiêu không lo gánh lãi nên nhiều người dùng sẵn sàng sử dụng để mua lương thực.Nợ vì mua cà rốt, ức gàThời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, Josh Roberts kiếm được 16,5 USD mỗi giờ làm việc cho một công ty công nghệ ở thành phố Cincinnati (bang Ohio) nhưng phải hỗ trợ cho chị gái và người yêu của chị. Vì vậy, Roberts mua hàng tạp hóa trực tuyến bằng thẻ tín dụng ảo của Klarna, một dịch vụ mua trước trả sau, cho phép anh trả thành nhiều đợt nhỏ trong vài tuần mà không trả lãi.Sau đó, người đàn ông 30 tuổi này thường xuyên chi tiêu vượt quá khả năng của mình cho ức gà, chuối, khoai tây chiên, ngũ cốc. Anh chậm trả và nợ Klarna hơn 1.000 USD, khoảng 100 USD trong số đó là phí phát sinh do trả chậm. Roberts cũng đang nợ 11.000 USD từ thời sinh viên và 2.000 USD các hóa đơn y tế. "Tôi không muốn mắc nợ chỉ vì một củ cà rốt", anh nói.Theo The New York Times, khi các dịch vụ trả sau như Klarna (sáng lập tại Thụy Điển) đến Mỹ khoảng 10 năm trước, phần lớn dùng cho các giao dịch một lần như vé xem hòa nhạc, quần áo cao cấp. Nhưng khi lạm phát gia tăng, người Mỹ càng hướng tới những nhu cầu thiết yếu hơn như ăn uống. Việc sử dụng các nhu cầu lặp đi lặp lại hằng ngày này đang đẩy một số người dùng, đặc biệt là những người trẻ vốn đã gánh nhiều khoản nợ, càng lún sâu vào nợ nần. "Nếu không hiểu về tài chính, bạn rất dễ lạm dụng cách chi trả này và nghĩ rằng vì số tiền đó miễn phí", Roberts nói. Anh đã trả xong nợ cho Klarna và không còn sử dụng ứng dụng này nữa.Với người tiêu dùng trả kịp thời, các dịch vụ trên có thể đem lại lợi ích khi giá thực phẩm tăng cao. Ambar Valdez, nhân viên tại cửa hàng Medicare ở thành phố San Antonio (bang Texas), cho biết nhờ các dịch vụ như Klarna và Afterpay, cô tập trung trả tiền điện, điện thoại và Internet.Nhưng hóa đơn tạp hóa trả sau của cô đã tăng gần gấp đôi. Còn Noelle Platt - 27 tuổi, bà mẹ một con ở bang North Carolina - sử dụng hai dịch vụ Zip và Sezzle để mua hàng tạp hóa thì số lượng các khoản thanh toán chồng chất và việc lên kế hoạch cho các khoản chi này rất căng thẳng. Lần đầu tiên Platt sử dụng dịch vụ trả sau lúc xảy ra đại dịch Covid-19, khi chồng cô mất việc tại một nhà kho cà phê và trà. Giờ khi giá tạp hóa tăng cao, cô vẫn dựa vào dịch vụ này.Hannah Brown, nhà tạo mẫu tóc ở thành phố Phoenix (bang Arizona), cho biết tiền lương của cô thay đổi theo tuần nên cảm thấy dễ dàng trả góp mua thức ăn. Nhưng vì chọn cách trả sau, Brown thường chi tiêu gấp đôi cho một bữa ăn so với bình thường. Nhiều đồng nghiệp của Brown cũng sử dụng dịch vụ trả sau và một số không trả được nợ.Cửa hàng Medicare ở thành phố San Antonio (bang Texas), nơi có hóa đơn tạp hóa mua trước, trả sau tăng gần gấp đôi khi sử dụng dịch vụ. Ảnh: The New York TimesLợi ngắn hạn, hại dài hạnNhững cái tên quen thuộc như Zip, Zilch và Affirm rất dễ dùng với các ứng dụng, trang web, thẻ tín dụng ảo và tiện ích được thiết kế tốt. Người mua hàng có thể đăng ký dịch vụ ở bước thanh toán và được chấp thuận trong vài phút. Công ty cung cấp dịch vụ trả sau phổ biến ở Hàn Quốc và Úc. Được thúc đẩy bởi sự phát triển của thương mại điện tử, những công ty này nhanh chóng có chỗ đứng ở Hoa Kỳ, nơi 45,9 tỉ USD giao dịch trả sau được thực hiện trực tuyến năm 2021 so với 15,3 tỉ USD của năm trước - GlobalData, một công ty phân tích dữ liệu cho biết.Thực phẩm chiếm khoảng 6% trong các khoản mua trên. Năm 2021, Zip - có trụ sở tại Sydney (Úc) - cho biết họ ghi nhận mức tăng trưởng 95% giao dịch mua hàng tạp hóa tại Mỹ và 64% tại các nhà hàng. Theo Klarna, hơn một nửa trong số 100 mặt hàng đầu tiên mà người dùng ứng dụng này mua từ các nhà bán lẻ tại Mỹ là hàng tạp hóa, đồ gia dụng. Trong khi Zilch cho biết chi trả cho cửa hàng tạp hóa và ăn uống chiếm 38% các giao dịch.Philip Belamant, người sáng lập Zilch, cho biết người dùng không ngại quẹt thẻ tín dụng để mua bữa trưa hoặc cà phê. Vậy một gói trả sau không tính lãi suất, tội gì họ lại không dùng? Nhưng nhiều người chỉ trích các dịch vụ như Zilch, nói rằng việc sử dụng quá dễ dàng khiến người mua hàng lầm tưởng họ có thể tiếp tục nợ mà không chịu hậu quả gì.Jathan Sadowski, tác giả cuốn Too Smart: How Digital Capitalism Is Extracting Data, Controlling Our Lives and Taking Over the World (Quá thông minh: Chủ nghĩa tư bản số đang trích xuất dữ liệu, kiểm soát cuộc sống của chúng ta và thế giới như thế nào) nói rằng việc mua hàng trả sau về cơ bản là một tài khoản cho vay, với những cạm bẫy. Một số dịch vụ tính phí chậm thanh toán cao hơn cả lãi suất của thẻ tín dụng, theo báo cáo tháng 3-2022 của Tổ chức Consumer Reports. Các công ty không phải lúc nào cũng minh bạch về điều khoản sử dụng dịch vụ và việc trả trễ các khoản phí ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người dùng.Người dùng trả sau dễ bị tổn thương về mặt kinh tế. Báo cáo tháng 7-2022 của Công ty dịch vụ tài chính Fitch Ratings cho thấy họ gánh nhiều nợ hơn mức bình quân chung. Hơn 41% người dùng dịch vụ trả sau có lịch sử tín dụng kém. Tỉ lệ quá hạn một số dịch vụ trả sau đã tăng hơn gấp đôi, từ tháng 6-2021 đến tháng 3-2022 (từ 1,7% lên 4,1%) tại Công ty Afterpay, trong khi tỉ lệ quá hạn đối với các thẻ tín dụng chính không thay đổi, khoảng 1,4%.Các dịch vụ trả sau ít được quản lý hơn so với loại tín dụng khác và không biết chính xác có bao nhiêu người Mỹ đang dùng. Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng liên bang (CFPB) là cơ quan giám sát các công ty cung cấp các khoản vay. Tổ chức Consumer Reports cho biết nhiều thỏa thuận trả sau được soạn ra nhằm phá vỡ Đạo luật sự thật trong cho vay (TILA), không tuân theo các thỏa thuận không tiết lộ thông tin như thẻ tín dụng. Vì vậy, những việc có vẻ tầm thường như trả tiền cho một gói snack bằng dịch vụ trả sau có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tài chính của một người. "Tôi đã sử dụng một trong những dịch vụ cho vay để mua tạp hóa. Việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng mua xe hơi, kiếm việc làm, thuê căn hộ của tôi trong tương lai - những thứ sử dụng điểm tín dụng để xem xét và đánh giá giá trị của một người trong xã hội", ông Sadowski nói.Việc sử dụng dịch vụ mua trước, trả sau quá dễ dàng khiến người mua hàng lầm tưởng họ có thể tiếp tục nợ mà không chịu hậu quả gì. Ảnh: Financial TimesTrên trang web của mình, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) của Mỹ nhấn mạnh các nguyên tắc mà những công ty cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau cần phải tuân thủ để bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, các tuyên bố của công ty đưa ra phải chính xác cho số đông người tiêu dùng. Trình bày sai lệch về giá thành sản phẩm, các điều khoản giao dịch, bao gồm các mức phí liên quan hoặc đưa ra các quảng cáo chỉ đúng với một nhóm nhỏ khách hàng là lừa dối và vi phạm đạo luật của FTC.Báo cáo Bringing Dark Patterns to Light (Đưa những mảng tối ra ánh sáng) do FTC thực hiện nhấn mạnh: hiện các công ty cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau che giấu những rủi ro, khiến người dùng không nắm được những thông tin quan trọng thông qua việc trình bày bằng một màn hình chi chít dữ liệu, dùng các ký hiệu nhỏ hoặc "chôn" thông tin trong các tài liệu điều khoản dịch vụ dài dằng dặc. Chris Browning, nhà phân tích tài chính, cho biết việc sử dụng ngày càng nhiều các khoản vay cho thứ cơ bản như thực phẩm báo hiệu mạng lưới an toàn xã hội yếu kém.Theo số liệu điều tra dân số, một số bang gần đây đã chấm dứt hoặc cắt giảm trợ cấp tem phiếu thực phẩm và hơn 23 triệu người Mỹ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên bị mất an ninh lương thực vào tháng 6-2022."Cần phải có gì đó để lấp đầy khoảng trống - ông Browning nói - Và một khi dựa trên chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa tư bản, thứ lấp đầy khoảng trống chính là sự xuất hiện của các công ty giúp những giao dịch trả sau dễ dàng hơn, ngay cả khi có những mặt trái".■Trang Investopedia dẫn lại nghiên cứu của CFPB cho biết các rủi ro của dịch vụ mua trước, trả sau xuất phát từ việc thiếu các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, thiếu sự giám sát một cách nhất quán. Nghiên cứu cũng phát hiện những người sử dụng dịch vụ này có xu hướng trẻ hóa, trong đó nhóm 25 - 33 tuổi chiếm nhiều nhất, kế đến là 34 - 40 tuổi và cuối cùng là thế hệ Z. Tình trạng những người trẻ tuổi mắc nợ sớm có nguy cơ dẫn đến dồn nợ nếu không có sự quản lý thích hợp. Nhiều công ty dịch vụ mua trước, trả sau bắt đầu chuyển sang thu thập, bán dữ liệu người dùng, xây dựng hồ sơ kỹ thuật số về sở thích và hành vi mua sắm của mỗi khách hàng để cung cấp nhiều lựa chọn độc quyền hơn. Điều này đe dọa quyền riêng tư, bảo mật và quyền tự chủ của người tiêu dùng. Tags: Ăn trước trả sauNợ ngập đầuMặt hàng thiết yếuNhu cầu thiết yếuNợ nần chồng chất
Ông Medvedev: Mỹ và các nước NATO đã tham gia hoàn toàn vào chiến sự Ukraine NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Medvedev cáo buộc phương Tây đã tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga, cảnh báo Nga sẽ có đáp trả việc Ukraine không kích vào Nga.
Chân dung đại gia Malaysia, Hàn Quốc muốn mua lại dự án của bà Trương Mỹ Lan BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Một doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc và một vị đại gia Malaysia muốn đàm phán để nhận chuyển nhượng dự án liên quan bà Trương Mỹ Lan.
2 xe máy tông nhau, 2 người nước ngoài tử vong ở Phan Thiết ĐỨC TRONG 23/11/2024 Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra lúc chiều 23-11 trên đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Nhặt ve chai, phát hiện 1.500 viên ma túy ở bãi biển TRẦN MAI 23/11/2024 Người đàn ông nhặt ve chai trên bãi biển Quảng Ngãi phát hiện túi ni lông có 1.500 viên ma túy. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc.