TTCT - Trái với các dự đoán vào đầu mùa dịch tại Vũ Hán, rằng Trung Quốc sẽ sụp, trong khi nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn giữa đại dịch Covid-19, một dòng thông tin đang trỗi dậy để mô tả một minh chủ mới của toàn cầu. Nhưng giấc mộng ấy đi cùng một thực tại ra sao? Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ ở cổ tay cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông tới thăm một cơ sở y tế ở Bắc Kinh. Ảnh: APHoàng đế Pháp Napoléon từng cảnh báo: “Khi Trung Quốc thức dậy, thế giới sẽ rung chuyển”. Đấy cũng là tựa cuốn sách biên khảo dày 574 trang của Alain Peyreffite, một nhà văn hóa lớn, một bộ trưởng nổi tiếng thời Tổng thống Pháp Charles De Gaulle, phát hành năm 1973. Giờ đây, Trung Quốc đã hắt hơi xong, đến lượt thế giới lăn ra cúm, và Trung Quốc tiếp tục hăng hái giành thế thượng phong.Không mợ, chợ vẫn đông…Ngày 7-4, Global Times đăng một bài với tựa đề rất “sang trang”: “Thiếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ cũng không làm khựng lại cuộc chiến toàn cầu chống virus” của một tiến sĩ làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS).Tác giả đặt vấn đề như một chuẩn bị truất phế: “Virus corona chủng mới đặt ra thách thức cấp bách nhất với trật tự quốc tế hiện nay, vốn do Hoa Kỳ lãnh đạo. Hoa Kỳ đang chịu cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ. Đối mặt với đại dịch, thế giới phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, không chỉ thất bại trong việc kiềm chế sự lây lan của virus, mà còn thất bại trong việc chứng minh sự lãnh đạo quốc tế của mình”.Theo bài báo, trong đại dịch, nước Mỹ của ông Trump dính ba “phốt”: (1) không đảm bảo cuộc chiến chống dịch trong nước; (2) không chi viện gì được cho các đồng minh, nhất là châu Âu; và (3) càng không chi viện gì được cho thế giới. Thôi thì, “vắng mợ chợ vẫn đông”! Còn về lâu dài thì “phốt” lớn nhất là chủ nghĩa đơn phương (nói cách khác, ích kỷ vô đối) mà biểu tượng là khẩu hiệu “nước Mỹ trước/trên hết” của ông Trump!Thiệt ra, không đợi đến đại dịch hoành hành mới hiện ra vấn đề “minh chủ suy thoái” của Mỹ. Từ cuộc tấn công chớp nhoáng của Nga tháng 8-2008 vào Gruzia, một ứng viên NATO, ngay trước mũi tổng thống Mỹ George W. Bush, đến vụ sáp nhập Crimea ngay trước mắt tổng thống Barack Obama, rồi thì những lấn át trên Biển Đông, kéo dài nhiều năm suốt tới thời Trump hiện giờ.Hình ảnh biểu tượng có lẽ là cảnh ông Obama hôm 4-9-2016 đã không được tiếp đón theo đúng nghi lễ ở cửa trước chiếc Air Force 1 tại sân bay Bắc Kinh, mà phải xuống cửa hậu do không có xe thang ra cặp máy bay. Vụ này xảy ra chỉ ba tháng sau phán quyết của Tòa La Haye bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, vốn có thể dọn đường cho một chiến dịch tự do hàng hải ngay từ thời ông Obama, chớ không phải đợi đến thời ông Trump.Tới thời ông Trump, ông vẫn còn tha thiết “cắm dùi” ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Song, cho dù ông có hô hào “nước Mỹ vĩ đại trở lại” thì cách ông đối xử với các liên minh 70 năm qua dưới trướng Mỹ, dù là NATO hay Nhật Bản, Hàn Quốc, cho thấy Hoa Kỳ nay không còn muốn đóng vai trò “minh chủ võ lâm” nữa, mà chỉ muốn là một “tiêu cục” làm ăn, nghĩa là ai muốn được “bảo kê” thì phải đóng phí. Sự thay đổi đó càng khiến cho làn sóng “giải phương Tây” mà Trung Quốc và Nga không ngớt quảng bá có thêm đất diễn.Sự suy yếu của Hoa Kỳ cũng là điều Richard Haas - một cận thần phụ trách chính sách của tổng thống George W. Bush, đồng thời là chủ tịch Hội đồng đối ngoại Mỹ (CFR) - than trách trên Foreign Affairs mới ngày 7-4 vừa rồi. Khi xưa, trước chiến tranh Iraq, ông Haas hào hứng bao nhiêu thì nay ông cụt hứng bấy nhiêu: “Từ rất lâu trước khi COVID-19 tàn phá Trái đất, sự hấp dẫn của mô hình Mỹ đã suy giảm nhanh chóng.Do bế tắc chính trị dai dẳng, bạo lực súng đạn, quản lý sai lầm dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, vấn nạn ma túy và còn nhiều trục trặc nữa, những gì nước Mỹ trước giờ đại diện ngày càng kém hấp dẫn với nhiều người. Phản ứng của chính phủ liên bang trước đại dịch thì chậm chạp, không mạch lạc và thường không hiệu quả, điều càng củng cố quan điểm đã lan rộng rằng Hoa Kỳ đang lạc lối”.Tiếp tay cho làn sóng “chán Mỹ” này là truyền thông Nga và Trung Quốc, nhưng không chỉ có Nga và Trung Quốc. Giữa tháng 2 vừa rồi, khi dịch COVID-19 đã bùng phát, Hội nghị an ninh Munich đưa chủ đề “Westlessness” (“sự giải Tây phương”) ra thảo luận, như một hồi chuông báo tử sớm.Ai ưu việt?Qua tháng 4, sau khi dịch COVID-19 đã được tống tiễn bằng lễ quốc tang hôm thứ bảy 4-4 tại Bắc Kinh, xu thế giảm bớt phương Tây xuất hiện như một “dòng chủ lưu” mới trên China Daily, nhật báo tiếng Anh hàng đầu Trung Quốc, trong hàng loạt bài đăng tải sau đó, nổi bật có bài “Phương Tây cần tập trung để giành chiến thắng chống virus” đăng thứ ba 7-4.Từ những dòng đầu tiên, bài báo khẳng định tính ưu việt của chế độ Trung Quốc trong đối phó với dịch: “Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong đời chúng ta đã cho phép thế giới nhìn thấy hệ thống quản trị quốc gia tốt nhất của Trung Quốc, so với cách tiếp cận dân chủ phương Tây tự do tồi tệ nhất, vốn chế giễu chính sự tự do, và gây ra cả sự hỗn loạn lẫn lầm lạc”.Con số chết chóc vô địch thế giới hiện nay tại các nước phương Tây, theo tác giả, có nguồn gốc từ “sự bất tài, thụ động, tham nhũng và coi thường người dân, điều đã dẫn tới sự suy tàn của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ hai thập kỷ qua.Chính sách “tân tự do” ích kỷ hủy hoại và lạm dụng người khác, hợp pháp về mặt kỹ thuật, lại trở thành một niềm tự hào đáng hổ thẹn với giới hoạch định chính sách phương Tây giàu có, chỉ nhằm phục vụ bản thân họ”.Rõ ràng đối tượng đạp đổ không là phương Tây chung chung, mà là hệ thống chính trị dân chủ, và nền tảng kinh tế xã hội dựa trên chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism), mà ngay từ đầu những năm 1990 đã vấp phải chỉ trích và làm dấy lên những cuộc tranh luận xoay quanh lý thuyết kinh tế “phúc lợi nhỏ giọt” (trickle-down).Bài thuyết giáo của China Daily tiếp tục đấu tố chủ nghĩa tân tự do: “Các tập đoàn khổng lồ của Hoa Kỳ đã làm gì với hàng tỉ đôla họ đã tiết kiệm được nhờ cắt giảm thuế? Họ có chia sẻ sự giàu có với những nhân viên thu nhập thấp hay để làm xã hội Hoa Kỳ công bằng hơn không? Không.Thay vì vậy, họ một lần nữa sử dụng phần lớn số tiền tiết kiệm được trong các đợt giảm thuế để thu gom các tài sản tài chính vốn đã bị thổi giá quá độ. Thật đáng thất vọng khi nhìn thấy quá nhiều sự hai mặt, sự giả hình, cũng như sự hỗn loạn và bất lực sâu sắc của nhà nước”.Sau khúc dạo đầu lý luận không có phản biện, như một bản án mini với chủ nghĩa tân tự do, China Daily đi vào điểm then chốt: để chống dịch, không gì bằng chế độ Trung Quốc hiện tại. Bài báo nhấn mạnh: “Đây là một thời điểm quan trọng, làm tăng hi vọng rằng những giá trị của lẽ thông thường, tỉ như nghĩa vụ công dân, sẽ chiếm ưu thế. Một cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch virus corona mới đòi hỏi một nhà lãnh đạo tài ba để dẫn đầu thế giới mở đường cho một tương lai tốt đẹp hơn”.Thay cho chế độ “tư bản tân tự do giãy chết”, theo China Daily, sẽ phải là: “Vào thời điểm khủng hoảng, điều chúng ta cần tìm kiếm là ý thức về sự hi sinh, là dấn thân thực hiện nghĩa vụ công dân, vì đó chính xác là điều mà người dân và Chính phủ Trung Quốc đã hòa làm một và giúp họ chặn được virus”.Vội vàng?Tất nhiên, là một trong những nhân vật “diều hâu” thời chiến tranh Iraq, với “Đề án thế kỷ 21 cho nước Mỹ”, ông Haas không nhất trí với viễn tượng “tân thiên triều” của China Daily. Đầu tiên, chừng nào đại dịch còn chưa kết thúc thì đoán trước điều gì cũng là quá vội vàng. Nôm na là “bóng còn lăn, còn chưa biết kết quả”.Dịch sẽ chấm dứt trong 6, 12 hay 18 tháng nữa, không ai dám nói trước, “biết ra sao ngày sau”. Bản thân Haas thì không tin vào một sự đổi ngôi: “Thế giới sau đại dịch có lẽ sẽ không khác biệt hoàn toàn với thế giới trước đó. COVID-19 sẽ không thay đổi quá nhiều chiều hướng cơ bản của lịch sử thế giới, bất quá chỉ tăng tốc nó. Đại dịch và phản ứng với nó đã làm lộ diện các đặc điểm cơ bản của địa chính trị ngày nay và củng cố chúng”.Các đặc điểm đó là gì? Sự suy yếu vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, sự hợp tác toàn cầu đang chùn bước, bất hòa giữa các đại cường: tất cả những điều này đặc trưng cho môi trường quốc tế trước COVID-19, và đại dịch đã làm nổi bật các đặc điểm đó hơn bao giờ hết. Thế giới hậu đại dịch, theo Haas, cũng là một thế giới “hậu Hoa Kỳ”.Một thế giới mà Fareed Zakaria, bỉnh bút hằng tuần của tờ Washington Post và người dẫn một chương trình bình luận của CNN, gọi là sự nổi lên của thế giới “ngoại Hoa Kỳ”, đặc biệt là Trung Quốc. Rõ ràng Haas và Zakaria (mà bài viết mới nhất là “Hoa Kỳ đã từ bỏ vai trò then chốt của mình”) không tin rằng Hoa Kỳ sẽ sụp đổ ngay. Sự đổi ngôi sẽ không, hoặc ít ra là chưa, diễn ra sau đại dịch.Nhưng dù thế nào, điều bất biến vẫn là “một ngôi sao đang muốn lên”. Những thuyết giảng hoa mỹ về minh chủ mới của China Daily ở trên chỉ đẹp trên giấy hay màn hình. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn tỏ ra là một nhân vật khó tin, không chỉ vì nói và làm không đi đôi, ký kết và tuân thủ không là một cặp, mà còn khó tin vì những hành động hoàn toàn không xứng tầm “thủ lĩnh” trong mọi ý nghĩa, vật chất cũng như tinh thần, quân sự cũng như dân sự.Cụ thể, trên Biển Đông, ngay giữa đại dịch, Bắc Kinh loan báo mới xây xong “những trạm nghiên cứu” mới, thực chất là các căn cứ quân sự ở Đá Chữ Thập và Đá Subi, cho hạ cánh máy bay quân sự đặc biệt ở Đá Chữ Thập, đồng thời tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.Trung Quốc còn lộng hành cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam, rồi cũng chính họ lại lên tiếng vu oan giá họa. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3-4, bà Hoa Xuân Oánh thuật lại rằng “vào sáng 2-4, một tàu hải cảnh Trung Quốc trong khi tuần tra định kỳ đã phát hiện một tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa [thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam] và ngay lập tức kêu gọi tàu rời đi.Song, tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc mà đâm thẳng vào. Mặc dù tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố hết sức tránh nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Hậu quả là sau đó, tàu cá Việt Nam bị chìm…”.Ai mà tin nổi câu chuyện bịa đặt tức cười trên, như thể ngư dân Việt Nam mình đồng da sắt, dám dùng tàu đánh cá bằng gỗ, bất quá vài chục tấn mà đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc, vỏ sắt nặng hàng trăm, hàng ngàn tấn? Càng khó tin hơn nữa là một “minh chủ đang lên”, như lời China Daily, lại có thể hành xử như thế! Rõ ràng là, ngôi minh chủ, dẫu có ước ao đến mấy, không bao giờ giành được bằng lời. ■Hợp tác thời đại mớiCũng trên China Daily 12-4, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã ra điều kiện sách với sự hợp tác Trung - Mỹ: “Hãy tập trung vào những điều tích cực. Hãy tập trung vào lợi ích và nhu cầu chung của chúng ta”.Ông nêu ra ba yêu cầu: (1) tạo điều kiện cho sự hợp tác song phương chống virus, ngăn chặn đại dịch và cứu người, về vật tư y tế hay và hợp tác kỹ thuật (dù CNN 13-4 lại có một bài không cho thấy như vậy, với tựa đề: “Bắc Kinh siết chặt việc nghiên cứu virus corona, giữa lúc Mỹ - Trung tranh cãi về nguồn gốc virus”); (2) ổn định các thị trường toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ việc làm và sinh kế của người dân; và (3) đảm bảo dư luận quần chúng ủng hộ sự hợp tác giữa hai nước, nói cách khác, báo chí Mỹ và đồng minh hãy thôi những bài tố cáo Trung Quốc này nọ. Tags: Trung QuốcMỹ - TrungHoa KỳKhát thèmNgôi minh chủ
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia nhiều dự án, trong đó có dự án đường sắt ở Việt Nam DUY LINH 13/10/2024 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trên tại tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13-10.
‘Sau Nam tiến, Tây tiến, bây giờ là Việt tiến, tức trở về phục vụ đất nước' MINH THÀNH 13/10/2024 Trong dòng di cư có cuộc Nam tiến, Tây tiến, còn bây giờ một hiện tượng rất đáng chú ý đó là Việt tiến, tức là trở về phục vụ trên quê hương.
Khánh Hòa tung loạt ưu đãi cho du khách nhân dịp đạt 9 triệu lượt khách TRẦN HOÀI 13/10/2024 Hàng loạt chương trình ưu đãi được Khánh Hòa tung ra để thu hút du khách dịp cuối năm.
Hàn Quốc cảnh báo ‘đặt dấu chấm hết’ cho Triều Tiên nếu làm tổn hại đến dân Hàn MINH KHÔI 13/10/2024 Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tố đối phương xâm phạm không phận và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.