​NỖI LO MANG TÊN “PEGIDA” 

QUẾ VIÊN (ĐAN MẠCH) 21/01/2015 21:01 GMT+7

Thảm sát Charlie Hebdo không chỉ tấn công quyền tự do ngôn luận. Nó còn khiến khoảng cách giữa người bản xứ và Hồi giáo ngày càng lớn.

Biếm họa của Jens Hage trên Berlingske (Đan Mạch) ngày 9-1 bày tỏ ủng hộ tự do ngôn luận sau sự cố ngày 7-1 trên đất Pháp

“Phép thử” và tự kiểm duyệt

Báo chí Bắc và Tây Âu có truyền thống châm biếm bất cứ điều gì mà các văn nghệ sĩ cảm thấy có hứng thú. Cá nhân hay tập thể nào cảm thấy bị xúc phạm thì cứ đưa vụ việc ra tòa.

Tuy nhiên trong vòng 20 năm trở lại đây, do sự phát triển quá nhanh của cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu cùng với phản ứng dữ dội của họ trước bất cứ vấn đề gì có liên quan đến Hồi giáo, nhiều văn nghệ sĩ đã chọn thái độ tránh né. Đây chính là lý do khiến nhà báo Flemming Rose đề xuất chuyện họa hình tiên tri Mohammed trên báo Jyllands Posten vào tháng 10-2005, mà theo ông như một phép thử.

Tuy nhiên sau vụ thảm sát ngày 7-1, trong ba tờ báo lớn nhất tại Đan Mạch là Berlingske, Politiken và Jyllands Posten, chỉ có Berlingske và Politiken đăng lại một số trang bìa của Charlie Hebdo, còn Jyllands Posten thì không. Tòa soạn tờ báo này tại Copenhagen hiện vẫn được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt từ khi bị năm phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công ngày 29-12-2010.

Trên báo Berlingske, tổng biên tập Lisbeth Knudsen cho rằng quyền tự do ngôn luận đang bị đe dọa vì từ sau cuộc khủng hoảng biếm họa tiên tri Mohammed (1), các báo đặc biệt cẩn thận khi đăng tải các hình ảnh “mà trong mức độ nào đó có thể thách thức ai đó trong thế giới Hồi giáo”.

Cũng theo bà Knudsen, trong tình hình khủng bố trên thế giới hiện nay, các phương tiện truyền thông, các nhà báo và các họa sĩ biếm trở thành tâm điểm trong tính toán của các phần tử khủng bố “hầu có thể tác động đến sự tự do của chúng ta”.

Trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Đan Mạch TV2 ngày 8-1, Jacob Mchangama, giám đốc tổ chức tư vấn chính trị Justitia, cho rằng việc tất cả phương tiện truyền thông thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ tối đa đối với quyền tự do ngôn luận là vô cùng quan trọng, nhưng không phải “Tất cả là Charlie Hebdo” vì Charlie Hebdo hầu như đơn độc tại phương Tây khi đấu tranh cho tự do ngôn luận, trong khi những người khác chọn cách tự kiểm duyệt.

Nhận xét này không sai vì theo Daily Mail ngày 10-1, Associated Press đã quyết định không đăng những biếm họa của Charlie Hebdo, một phần vì “AP cố gắng hết sức để không trở thành “băng chuyền” cho những hình ảnh và hành động nhằm chế giễu và kích động trên cơ sở tôn giáo, chủng tộc hoặc khuynh hướng tình dục...”.

“PEGIDA”

Nhưng điều đáng lo ngại hơn là khoảng cách giữa người bản xứ và dân nhập cư Hồi giáo. Hai ngày trước thảm sát, vào ngày 5-1 tại Dresden (Đức) đã diễn ra cuộc biểu tình rầm rộ với 18.000 người tham dự để phản đối điều họ gọi là sự “Hồi giáo hóa nước Đức”, do PEGIDA (Patriotische Europäer gegen die Islamisierung des Abendlandes - Những người yêu nước Âu châu chống lại sự Hồi giáo hóa phương Tây) tổ chức.

Từ tháng 10-2014 PEGIDA đã tổ chức biểu tình thường xuyên vào mỗi thứ hai, với số người tham dự luôn tăng lên. Biểu tình dần lan sang một số thành phố khác, đồng thời kéo theo những cuộc “phản biểu tình” tại Berlin, Cologne, Dresden và Stuttgart.

Nhập cư là vấn đề rất nóng tại Đức trong năm 2014, quốc gia nhận nhiều người tị nạn nhất trong khối EU, đến 200.000 người chỉ trong năm 2014. Do cuộc chiến khốc liệt tại Syria, Iraq, số lượng người xin tị nạn vào Đức trong năm 2015 sẽ còn cao hơn nữa.

Trước khi PEGIDA xuất hiện, các tổ chức cực hữu tại Đức đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, thậm chí tấn công những tòa nhà được dùng làm nơi cư trú cho người tị nạn. Vụ tấn công ngày 26-10-2014 tại Cologne có tới 400 người tham dự.

Thủ tướng Angela Merkel đã phê phán “thành kiến, sự lạnh lùng, thậm chí thù hận trong lòng họ” trong thông điệp đầu năm 2015.

Vấn nạn này không phải chỉ riêng ở Pháp hay Đức. Tại những quốc gia thanh bình ở Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch... những năm gần đây khuynh hướng bài nhập cư, đặc biệt là những người Hồi giáo, lan nhanh vì cộng đồng này bị xem là hội nhập kém, có nhiều vấn đề xã hội phức tạp và thường ỷ lại vào chế độ an sinh xã hội hơn những người gốc Á, trở thành gánh nặng cho những người đóng thuế.

Vì vậy, có cơ sở để lo ngại rằng dư chấn thảm sát Charlie Hebdo không dừng lại ở Pháp: trụ sở báo Hamburger Morgenpost tại Hamburg (Đức) bị ném bom xăng vào rạng sáng 11-1 vì đã đăng lại ba tranh biếm tiên tri Mohammed của Charlie Hebdo. Hố ngăn cách giữa người bản xứ và dân nhập cư Hồi giáo đang bị khoét sâu.

____________________________________________________________

(1): Nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng biếm họa tiên tri Mohammed là tháng 2-2006 có người đã đưa ra trước hội nghị tôn giáo tại Cairo tấm ảnh một người đàn ông mang mặt nạ heo trong một lễ hội hóa trang tại Pháp, và nói đó là một trong những tranh biếm của Jyllands Posten (không đúng).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận