​Nông sản trong xã hội thông tin

NGUYỄN HOÀNG MỸ PHƯƠNG 19/05/2015 21:05 GMT+7

TTCT - Trên đường đi làm về, gặp những điểm bán dưa hấu, hành tím, tôi rất muốn mua ủng hộ. Nhưng với rất nhiều điểm bán nông sản trên đường, tôi phải chọn nơi nào để đồng tiền của mình đến đúng địa chỉ? Tôi phải dựa vào thông tin có sẵn và dễ tiếp cận nào?

Thanh niên Sóc Trăng tham gia bán hành giúp nông dân - Ảnh: T.TRANG

Từ giữa tháng 4 đến nay, báo chí lẫn mạng xã hội tràn ngập thông tin các “hiệp sĩ” giải cứu dưa hấu cho bà con miền Trung. Cùng lúc, các hoạt động của tình nguyện viên ở TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa, Nghệ An, Sơn La, Yên Bái, Hạ Long, Lai Châu tham gia công việc này trở nên sôi động, khiến mọi người ấm lòng trước tình cảm “người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Khi thông tin trở thành hàng hóa

Xã hội đương đại đã và đang trong bước chuyển mình từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, trong đó sở hữu hàng hóa vật chất đã được thay thế phần lớn bằng sở hữu thông tin liên quan đến hàng hóa hoặc liên quan đến ý nghĩa của hàng hóa.

Ví dụ như rượu vang. Người ta mê rượu vang bởi tính phức tạp của nó - đó là biểu hiện tinh tế của nghề thủ công và lãnh thổ (tập hợp các đặc trưng mà vị trí địa lý, địa chất và khí hậu của một vùng đất tương tác với gen thực vật). Các sản phẩm nông nghiệp như rượu, cà phê, sôcôla, hoa bia... cũng vậy. Hoa bia vẫn là hoa bia, nhưng khẩu vị của người thưởng thức thì không ngừng thay đổi trong thế giới hàng hóa.

Ở đây, thông tin khẩu vị (taste), theo triết gia người Pháp Pierre Bourdieu (1930-2002), ngầm chứa các thông tin xã hội. Việc hiểu và sở hữu thông tin liên quan đến ý nghĩa của hàng hóa đã giúp nâng cao giá trị của rượu vang và nâng việc thưởng thức lên đến mức “nghệ thuật”. Đây cũng có thể là một hướng đi cho ngành cà phê Việt Nam chẳng hạn, thay vì tự định vị là một nước sản xuất cà phê với số lượng lớn và giá rẻ mà chuyển sang “đẳng cấp hóa” cà phê Việt qua thưởng thức.

Tương tự, tại sở giao dịch kỳ hạn cà phê robusta tại London hay cà phê arabica tại New York, không phải hạt cà phê thực được giao dịch mà chính là sự (có thể) sở hữu cà phê trong tương lai dựa vào tập hợp vô vàn các thông tin: sản lượng, thời tiết, tỉ giá hối đoái của các đồng tiền mạnh, nhu cầu tiêu thụ, chất lượng... Sở hữu các thông tin đó càng chính xác chừng nào càng tốt chừng nấy trong việc đưa ra quyết định kinh doanh.

Hay như chỗ ngồi trên máy bay cũng là hàng hóa, mỗi chỗ cơ bản là không khác biệt so với chỗ ngồi khác trên cùng một chuyến bay. Tuy nhiên, giá vé (giá cho mỗi chỗ ngồi) thì thay đổi dựa vào các yếu tố mà hầu như chỉ có hãng hàng không mới biết.

Năm 2003, trong một lần đặt vé, Oren Etzioni - doanh nhân người Mỹ, giáo sư ngành khoa học máy tính và giám đốc điều hành của Viện trí tuệ nhân tạo Allen - nảy ra một ý định. Ban đầu, ông dựa vào mẫu gồm 12.000 quan sát về giá trong 41 ngày từ một trang mạng du lịch để lập ra mô hình dự báo. Mô hình này không trả lời câu hỏi “tại sao”, cũng không biết các “biến” dựa vào đó hãng hàng không quyết định giá, mà nhằm trả lời câu hỏi “cái gì”, tức dự báo dựa trên những gì biết được: các xác suất được thu thập từ dữ liệu về các chuyến bay khác.

Dự án này giúp tiết kiệm chi phí cho hành khách và nhất là giúp họ bớt đau đầu khi nhấn vào nút “mua” trên trang mạng đặt vé - “to buy or not to buy, that is the question” (“mua hay không mua, đó là một vấn đề nan giải”). Do đó, Etzioni đặt tên dự án là “Hamlet” mà sau này là công ty khởi nghiệp Farecast được rót vốn đầu tư mạo hiểm, đến năm 2008 thì Microsoft mua lại.

Khai thác thông tin

Trong khi chờ đợi một “hệ thống trừu tượng” như của Brazil hình thành và vận hành tại Việt Nam trong tương lai, đã đến lúc các cộng đồng khác chung tay đóng góp tùy lĩnh vực chuyên môn của mình.

Chẳng hạn, những người trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tạo nên các ứng dụng (apps) xác định những nơi bán hàng có đăng ký và tăng uy tín thông qua đánh giá của người mua như chức năng “tìm bạn ở gần ta” của Facebook (Nearby Friends) hay ứng dụng Uber cho taxi. Chỉ cần cài đặt ứng dụng là tôi có thể ung dung ra khỏi công ty, trên đường về nhà là biết ngay ở Sài Gòn đang có những điểm nào bán dưa ủng hộ bà con Quảng Ngãi, tôi cũng có thể đặt mua, thanh toán trước và theo dõi “hành trình” của trái dưa nhờ vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Tôi cũng có thể chủ động tìm kiếm những nơi bán hàng nông sản hỗ trợ nông dân, mang nông sản đó đến góp phần ăn uống vui chơi khi đến nhà bạn bè vào dịp cuối tuần, thay vì để dòng kêu gọi ấy bị lọt thỏm giữa ngồn ngộn thông tin cập nhật liên lục trên news feed của mỗi người dùng Facebook.

Tất cả là nhờ tận dụng các thành tựu mà cách mạng công nghệ thông tin viễn thông mang lại: công nghệ tiên tiến, dịch vụ của các công ty viễn thông và hệ thống GPS miễn phí.

Mặc dù lượng dưa hấu của nông dân miền Trung vẫn chưa tiêu thụ hết, nhưng chi phí trang trải phân bón, thuốc và xuống giống cho mùa vụ kế tiếp là không thể chờ đợi được. Trước tình hình đó, theo thông tin từ một “hiệp sĩ” giải cứu dưa hấu, một số nhà hảo tâm đã ứng trước một số tiền khá lớn cho 100 tấn dưa để hỗ trợ kịp thời giúp khơi thông dòng chảy của hàng hóa. Ở đây, lượng tín dụng đến từ một số cá nhân có tấm lòng.

Tình cảnh thiếu nguồn vốn tái đầu tư và gieo trồng mùa vụ mới không chỉ là vấn đề của nông dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi. Nông dân trồng cà phê ở Tây nguyên và chắc chắn là nông dân trồng các loại nông sản khác cũng gặp tình cảnh tương tự như một căn bệnh kinh niên.

Họ thường bán hoặc ký gửi phần lớn sản lượng cà phê của mình ngay sau khi thu hoạch nhằm có lượng tiền mặt trang trải chi phí và các nghĩa vụ tài chính khác. Họ chấp nhận rủi ro để ký gửi bởi thiếu vốn do không hoặc khó tiếp cận được nguồn vốn chính thức từ ngân hàng. Nếu cung cấp vốn hiệu quả, có thể cảnh tượng nông dân bán hoặc ký gửi cà phê ngay sau khi thu hoạch để có tiền mặt và rồi chịu thiệt thòi do nơi ký gửi vỡ nợ sẽ không còn nữa.

Trước những thay đổi trong thời đại toàn cầu hóa, cần bổ sung những cách khác ngoài phương thức truyền thống cung cấp vốn xuất phát từ một số cá nhân hay từ ngân hàng. Nếu thông tin là một hàng hóa thì chúng ta có thể tận dụng thông tin ấy như thế nào để khai thông luồng hàng hóa và tín dụng?

Tại Brazil, đất nước đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê và đã có hơn một thế kỷ phát triển ngành cà phê, thông qua việc phát hành trái phiếu dựa vào hàng hóa (commodity-backed bond) với tên gọi CPR (Cedula Produto Rural), người sản xuất nông nghiệp tại Brazil sẽ bán nông sản trước khi thu hoạch, bằng cách thế chấp sản lượng thu hoạch trong tương lai.

Nếu như các “hiệp sĩ” dựa vào uy tín cá nhân được xây dựng qua thời gian để tạo nguồn tín dụng (credit, cũng có nghĩa là niềm tin) thì Brazil dựa vào sự vận hành hiệu quả của những “hệ thống trừu tượng” (“abstract systems”, Giddens 2006). Có nghĩa là niềm tin đó dựa vào hệ thống được xây dựng chặt chẽ bao gồm các dữ liệu, lịch sử, khả năng sản xuất, nguồn lực, tài sản... của người đi vay cùng với thông tin sản xuất ở từng giai đoạn chuẩn bị, gieo hạt, trồng, thu hoạch, dự trữ... 

Hành tím Vĩnh Châu được bày bán tại siêu thị Co.op Mart Cần Thơ với bảng ghi: “Cùng chung tay ủng hộ nông dân, chương trình bán hàng không lợi nhuận...” được treo phía trên. Chương trình này được thực hiện khoảng một tháng nay, hiện mỗi ngày bán được 20-30kg hành tím - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngân hàng Brazil - nơi chiếm khoảng 60% tín dụng nông nghiệp của cả hệ thống ngân hàng, dựa vào nguồn dữ liệu đó để cung cấp hạn mức tín dụng dao động từ 30-70% sản lượng hoặc chi phí thu hoạch trong tương lai cho người phát hành CPR. Tại Brazil còn có một hệ thống giúp đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ giữa người cho vay, người phát hành CPR (người đi vay) và tổ chức giám sát độc lập, trong đó họ chia sẻ kiến thức về các giao dịch, sản lượng thu hoạch trung bình trong các vùng, sản lượng tiềm năng, thực hiện giám sát chặt chẽ trong quá trình sản xuất, đất đai được đăng ký. Đây cũng là một trong những cơ sở giúp phát triển bảo hiểm nông nghiệp khi có được các thông tin minh bạch.

Xây dựng các "nút thắt" tin tưởng

Trong thời đại mà luồng thông tin di chuyển liên tục theo thời gian thực và không có giới hạn nào về không gian thì những vụ việc như bảy ngân hàng tranh chấp nhau lượng cà phê lưu kho của một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Bình Dương là tài sản thế chấp thuộc quyền kiểm soát của họ (giữa năm 2013) chẳng hạn đã phần nào cho thấy thực trạng quản trị và minh bạch thông tin tại Việt Nam.

Chúng ta đang sống trong xã hội mà nguy cơ không còn giới hạn trong một ngành hay quốc gia cụ thể mà tác động dây chuyền sang những ngành và các quốc gia khác thì sự vỡ nợ của một doanh nghiệp, bất ổn ở một ngân hàng cũng có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ hàng loạt của người dân và doanh nghiệp khác. Đã đến lúc “bàn tay vô hình hay là thông tin về giá (price information), có thể dần dần được dòng chảy thông tin/dữ liệu lớn thay thế”. Đó là bộ dữ liệu toàn diện bao gồm những thông tin cần thiết, được tin tưởng bởi những người trong mạng lưới.

Quay trở lại thị trường nông sản Việt Nam, bên cạnh chợ truyền thống với từng gian hàng ở một tỉnh (không gian vật lý) cụ thể được các bà nội trợ truyền miệng nhau rằng nơi đấy bán hàng chất lượng, không nói thách, bà chủ vui vẻ niềm nở, nay có thể bổ sung chợ điện tử như eBay đã xóa nhòa ranh giới thời gian và không gian với sự tham gia mua bán của các thành viên khắp nơi trên thế giới suốt 24/24 giờ mà chưa hẳn đã từng gặp mặt trực tiếp nhau một lần trong đời, độ tín nhiệm từng bà chủ, ông chủ (“nút thắt”/node) được đánh giá bởi những người bên ngoài mạng lưới có quan hệ mua bán với họ. Các nút thắt ấy hỗ trợ sự tăng trưởng của mối quan hệ mạng lưới thông qua xử lý hiệu quả thông tin, cho phép kết nối liên lạc giữa người và các tổ chức bất kể không gian, thời gian.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận