Nước hợp vệ sinh, tìm đâu ra?

QUANG KHẢI 02/08/2014 22:08 GMT+7

TTCT - Rất nhiều nơi ở khu vực ngoại thành TP.HCM người dân than không có nước sạch để dùng, phải tự khoan giếng lấy nước uống bất chấp chất lượng nước thế nào.

Ông Nguyễn Công Khanh, A4/134 quốc lộ 50, ấp 1, xã Đa Phước, giới thiệu bể xử lý nguồn nước giếng bị ô nhiễm của mình - Ảnh: Quang Khải

Cho đến khi xem tivi thấy những người có trách nhiệm báo cáo “100% người dân ngoại thành dùng nước hợp vệ sinh”, nhiều người bất ngờ thốt lên: “Con số đó lấy đâu ra?”.

Trong kỳ họp HĐND TP.HCM mới đây (tháng 7-2014), lãnh đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) công bố: trong khi tỉ lệ hộ dân nội thành được cấp nước sạch (cuối tháng 6-2014) 94,23% nhưng ở khu vực ngoại thành đã có tới 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Con số đẹp này hoàn toàn trái ngược với cuộc sống của những hộ dân sống xung quanh các bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh), Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).

“Lấy đâu ra?”

Nguồn nước được coi là “hợp vệ sinh” do Sawaco cung cấp tại các huyện ngoại thành vẫn còn rất ít so với nhu cầu thực tế. Theo số liệu báo cáo, Sawaco đang quản lý khai thác 123 trạm cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt (được coi là nước hợp vệ sinh - PV) cho 352.328 hộ dân ngoại thành. Con số này chiếm một tỉ lệ quá nhỏ so với số hộ dân thực tế tại hàng loạt quận huyện ngoại thành. Chỉ riêng Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn, dân số đã trên 1,1 triệu người (theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM năm 2010).

Rất nhiều hộ dân sống dọc quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã phản ứng như vậy khi chúng tôi tìm hiểu về vấn đề cấp nước cho người dân ở đây ngày 23-7. Ông Huỳnh Văn Niên, 75 tuổi, địa chỉ E11/310 quốc lộ 50, ấp 5, xã Đa Phước cho biết ông và gia đình đã định cư ở đây mấy chục năm nhưng nước sạch vẫn là niềm mong mỏi của ông và gia đình, đặc biệt từ sau khi khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, nghĩa trang Đa Phước mọc lên ở đây.

“Đáng lẽ việc cấp nước sạch phải được các cơ quan chức năng ưu tiên thực hiện trước khi xây dựng bãi rác. Ngày đêm phải đối diện với mùi hôi, nguồn nước ô nhiễm, người dân làm sao không bất an?” - ông Niên bức xúc. Để có nước dùng, ông Niên cùng một số hộ dân hiện phải mua nước giếng khoan của một hộ dân cung cấp với giá 12.000-15.000 đồng/m3.

“Tuy nhiên chất lượng nước không ổn định, có lúc cặn đỏ như nước bã trầu. Mà dù nước trong, tôi cũng cảm thấy không an tâm vì gần bãi rác, biết có nhiễm hóa chất hay vi khuẩn gì không. Ở ấp này nhiều người phải mua nước bình (nước đóng chai do các công ty bán) để nấu ăn và uống” - ông Huỳnh Thế Tài, một người dân, giải thích thêm. “Không được cấp nước sạch, người dân chúng tôi phải tự xoay xở. Vậy nên ngành cấp nước báo cáo con số đẹp là 100% người dân ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh là không xác đáng” - ông Niên nói.

Trong quá trình khảo sát thực tế tại các hộ dân tự khoan giếng lấy nước ở đây, chúng tôi thấy nước khi được bơm lên có màu vàng, nhiều cặn và nổi váng dầu. Nguồn nước này sau đó được người dân cho qua hệ thống lọc thô sơ bao gồm đá, than củi và cát. “Nhưng nói thiệt với anh, bản thân nhà tôi cũng chỉ dám dùng để tắm giặt” - chủ một hộ dân có giếng khoan tại ấp 1, xã Đa Phước chia sẻ.

Theo người dân này, giếng nước nhà anh được khoan từ năm 1996 theo chương trình viện trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc. Độ sâu của giếng chỉ tới tầng nông, nước nhiễm phèn nặng, chất lượng ngày càng xấu. Anh phải khoan thêm một giếng mới, công suất máy bơm cũng phải nâng cấp liên tục vì mạch nước ngầm bị hụt.

“Tôi lo ngại nhất là nhiều giếng khoan trước đây trong khu vực nghĩa trang và bãi rác Đa Phước không được trám lấp đúng kỹ thuật nên có khả năng nguồn nước ngầm hiện đã bị ô nhiễm”.

Ngay cả chính quyền địa phương ở xã Đa Phước cũng thừa nhận toàn bộ địa bàn xã chưa có một cụm giếng nào có quy mô công nghiệp cung cấp cho vài trăm hộ, việc cấp nước sạch từ các nguồn khác lại càng không có. Người dân ở xã tự xoay xở cho mình. “Vấn đề nước sạch cung cấp cho người dân, xã đã có văn bản kiến nghị nhiều nơi từ năm 2007, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi” - ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND xã Đa Phước, xác nhận.

Tìm hiểu tại ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, tình trạng cũng tương tự và người dân đều phản ứng trước thông tin “100% người dân ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh”.

“Ba năm trước tôi và một số hộ gia đình tự bỏ tiền túi đưa mẫu nước đi xét nghiệm, kết quả nước ngầm bị ô nhiễm. Tôi đưa kết quả xét nghiệm lên xã đề nghị can thiệp để được sớm cấp nước sạch. Nhưng chờ hoài không thấy, lên xã hỏi thì được biết hồ sơ của tôi bị thất lạc! Việc cấp nước sạch từ đó cũng rơi vào im lặng. Từ đó đến giờ, gia đình tôi và các hộ dân khác không dám sử dụng nước giếng để nấu ăn nữa” - chị Nguyễn Thị Lan, một hộ dân tại ấp 5, dẫn chứng.

Ông Đào Văn Hùng, trưởng ấp 5, cho biết trên địa bàn ấp có hơn 2.000 hộ dân chưa được cấp nước.

Ông Huỳnh Thế Tài, địa chỉ E11/310 ấp 5, xã Đa Phước sử dụng nước giếng khoan từ một hộ gần nhà rất lo ngại vì không biết nguồn nước này có an toàn hay không - Ảnh: Quang Khải

“Bất chiến tự nhiên thành”, chiêu gì đây?

Nghị quyết 38 của HĐND TP ra chỉ tiêu: trong năm 2014 có 100% người dân khu vực nội thành được cấp nước sạch và 100% người dân ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh. Sawaco cho biết cần hàng ngàn tỉ đồng để phát triển đường ống, gắn đồng hồ nước trong nội thành và phát triển các cụm giếng khu vực ngoại thành. Từ đầu năm 2014 đến nay, Sawaco đã phát triển thêm hàng trăm kilômet đường ống, gắn mới thêm hơn 16.000 đồng hồ nước trong khu vực nội thành...

Cơ sở nào để nói 100% người dân ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh? Ông Bạch Vũ Hải, phó tổng giám đốc Sawaco, cho rằng do chưa có quy định chi tiết nên nước hợp vệ sinh được hiểu là nước không màu, không mùi, có thể sử dụng cho sinh hoạt. “Các quận huyện ngoại thành đều có văn bản xác nhận với Sawaco trên địa bàn quản lý của mình hiện nay đã có 100% người dân được sử dụng nước dạng trên nên Sawaco tổng hợp đưa ra số liệu trên” - ông Hải giải thích với TTCT.

Tuy nhiên giải thích trên chưa phản ánh đúng thực tế so với những gì mà người dân ở ngoại thành đang đối diện. Bởi thời điểm hiện nay, khi nguồn nước mặt khắp nơi bị ô nhiễm, không thể sử dụng trực tiếp, người dân phải tự xoay xở bằng nhiều cách để có được nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Một trong những cách tối ưu nhất là sử dụng nước giếng. Nhưng không phải chất lượng nước giếng nơi nào cũng hợp vệ sinh như tuyên bố, đặc biệt nguồn nước giếng quanh các bãi rác. Việc người dân chỉ dám sử dụng nước giếng để tắm giặt, nấu ăn phải mua nước lọc lại được gắn cho cái mác “sử dụng nước hợp vệ sinh” là không thể chấp nhận.

Chưa kể, nguồn nước giếng do người dân tự khoan sử dụng hiện nay chưa được cơ quan chức năng giám sát toàn diện thì làm sao có thể đi đến kết luận nước hợp vệ sinh?

Rõ ràng nếu giải thích như Sawaco, con số 100% hộ dân ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh có thể hiểu là một chỉ tiêu “bất chiến tự nhiên thành” - không cần làm gì cũng đạt được. Nhiều đại biểu HĐND TP.HCM và cả Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng rất băn khoăn với con số này.

Ở góc độ chuyên môn, một cán bộ từng công tác ở khoa sức khỏe và môi trường thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP giải thích: nước hợp vệ sinh không màu, không mùi thôi chưa đủ mà phải là nước không chứa vi trùng gây bệnh, không độc chất...

Nếu theo cách hiểu này, thực tế có nhiều giếng khoan tại các hộ dân có khả năng không đạt được, bởi vì không phải hộ dân có giếng nào cũng được các cơ quan lấy mẫu, xét nghiệm và kết luận “nguồn nước hợp vệ sinh”.

Quy định về nước hợp vệ sinh theo quyết định 2570 ngày 22-10-2012 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành như sau: nguồn nước được coi là hợp vệ sinh là nước được sử dụng trực tiếp và sau xử lý thỏa mãn điều kiện: trong, không màu, không mùi, không vị. Đối với nguồn nước giếng khoan hợp vệ sinh (người dân ngoại thành hay sử dụng) phải cách nhà tiêu, chuồng gia súc và các nguồn gây ô nhiễm khác...

Theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành, hiện nay có hai quy định liên quan đến chất lượng nước. Đó là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống (quy chuẩn 01): nước dùng để ăn uống, gọi là nước sạch, phải đảm bảo tới 109 chỉ tiêu bao gồm: độ đục dưới 2NTU, không mùi vị lạ, không nhiễm khuẩn, mangan không quá 0,3mg/lít…

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước dùng mục đích sinh hoạt (quy chuẩn 02) yêu cầu nguồn nước phải đạt 14 chỉ tiêu bao gồm: không mùi vị lạ, độ đục tối đa 5NTU, hàm lượng sắt tối đa 5mg/lít…

Tuy nhiên, theo một cán bộ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP - đơn vị được giao trách nhiệm giám sát toàn bộ chất lượng nước, thời gian qua có giám sát chất lượng nước giếng khoan tại các hộ dân sử dụng mục đích sinh hoạt, nhưng việc lấy mẫu xét nghiệm mang tính ngẫu nhiên, không thể thực hiện 100% các giếng khoan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận