Nước Mỹ thời Biden: Lệnh hành quân đầu tay

DANH ĐỨC 06/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Mới tuần lễ thứ năm của nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden đã động binh đao. Ý định của những cuộc không kích vừa mở nhắm vào Syria là gì, có mục đích ra sao, nhằm vào ai, và sẽ đi đến đâu?

Hôm 27-2, tân Tổng thống Mỹ Biden gửi một văn thư tới chủ tịch lưỡng viện Quốc hội nước này thông báo: “Thừa lệnh tôi, hôm 25-2-2021, quân lực Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhắm vào cơ cấu hạ tầng ở đông bắc Syria mà các nhóm dân quân phi-nhà nước do Iran hậu thuẫn thường sử dụng”.

Ảnh: The Economist

Văn thư được gửi đi sau khi có những chỉ trích từ Quốc hội hôm 26-2, phần lớn từ chính nội bộ Đảng Dân chủ của ông Biden, cụ thể là hai thượng nghị sĩ Tim Kaine và Chris Murphy, vốn cho rằng ông phải xin phép Quốc hội. 

Chính vì thế, ông Biden đã cất công giải thích: “Các nhóm dân quân phi-nhà nước đó đã tham gia các cuộc tấn công gần đây chống lại Hoa Kỳ và người của liên quân ở Iraq, bao gồm cả cuộc tấn công ngày 15-2-2021 ở Erbil, Iraq, làm bị thương một quân nhân cùng bốn nhân viên hợp đồng Hoa Kỳ, trong đó có một người bị thương nặng, và giết chết một nhân viên hợp đồng người Philippines. Các nhóm này cũng đang lên kế hoạch cho những cuộc tấn công liên tục như vậy trong tương lai”.

Trả lời các chỉ trích từ Quốc hội, ông Biden dẫn điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) về quyền tự vệ và điều 2 Hiến pháp Mỹ.

Phiêu lưu tới đâu?

Có thể thấy trên bề nổi cuộc không kích ở Syria của Mỹ là để trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa hôm 15-2 vào căn cứ Erbil, thủ phủ vùng người Kurd, Iraq. 

Tuy nhiên thực ra, số liệu công khai, chẳng hạn được dẫn lại theo tờ The Times of Israel 26-2, năm 2020, số vụ tấn công nhắm vào các lực lượng Mỹ tại Iraq đã giảm đáng kể. 

Vụ trả đũa của Mỹ hôm 25-2 xảy ra ở một địa điểm sát biên giới Iraq trong tỉnh Deir ez-Zor của Syria, mà theo Mỹ là căn cứ Imam Ali do các nhóm dân quân thân Iran như Kata’ib Hezbollah và Kata’ib Sayyid al-Shuhada sử dụng.

Cũng phải thấy rằng quy mô vụ không kích trả đũa, hoặc “đánh phủ đầu” - tùy quan điểm, của ông Biden không ghê gớm lắm, dù theo Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria, đã có 22 dân quân thân Iran bỏ mạng.

Vụ không kích diễn ra với chỉ hai máy bay F-15E thả 7 quả bom 500 cân Anh (226kg) có dẫn đường chính xác, theo lời thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, chớ không bắn cấp tập 59 tên lửa hành trình Tomahawk mang đầu đạn 1.000 cân Anh vào căn cứ không quân Shayrat của Syria sáng sớm ngày 7-4-2017 - tức màn diễu võ giương oai ra mắt của người tiền nhiệm ông Biden, tổng thống Donald Trump. 

So sánh này cho thấy ông Biden có lẽ muốn hạn chế tác động “sóng lan” - chỉ nhằm vào cơ sở dân quân thân Iran, chứ không như ông Trump nhắm thẳng vào căn cứ không quân Syria - để thu hẹp “đối tượng” cần cảnh cáo thực sự: Iran.

Về phần mình, Syria trả lời qua thông tấn xã nhà nước SANA bằng tin “Matxcơva hậu thuẫn chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria như một lá bùa hộ mạng”.

Dân quân phi-nhà nước là ai?

Gần giống các tổ chức phi-chính phủ, các nhóm dân quân phi-nhà nước không thuộc bất cứ chính phủ nào, song thực tế lại nhận sự tài trợ, trang bị và có khi chỉ đạo từ một nhà nước nào đó. 

Theo Aron Lund - tác giả nghiên cứu “Bối cảnh nổi dậy phi-nhà nước ở Syria”, cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu từ năm 2011 vốn đã vô tổ chức và ngày càng phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của nước ngoài.

Tác giả dẫn ước tính của Cơ quan Tình báo quốc phòng Hoa Kỳ nói ban đầu ở Syria có khoảng 1.200 nhóm nổi dậy lớn nhỏ chống chính phủ al-Assad, có thể ở bất cứ một ngôi làng ngẫu nhiên nào. 

Ở Syria hiện có rất nhiều nhóm vũ trang được đủ các thế lực khác nhau hậu thuẫn. Ảnh: PBS

Theo thời gian, các nhóm hợp nhất dần thành những nhóm lớn hơn và liên kết với nhau tạo ra một mạng lưới liên minh phức tạp. 

Những nỗ lực hợp nhất này thường được khởi xướng và duy trì bởi các tác nhân nước ngoài, bao gồm các nhà nước, doanh nhân và nhà hoạt động Syria, cũng như các nhóm viện trợ Hồi giáo. 

Kết quả là một cuộc nổi dậy cực kỳ phức tạp, một mặt mắc kẹt trong động lực chính trị được định hình theo giáo phái, mặt khác là ảnh hưởng quốc tế, nên cuối cùng không thể phát triển các nhóm mang tính quốc gia dân tộc thực sự.

Các “nhà tài trợ” quốc tế về cơ bản chia thành hai phe. Một bên chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Saudi Arabia, và Hoa Kỳ đứng sau liên minh tên gọi Lực lượng Syria tự do (FSA). 

Bên kia là cuộc vận động Hồi giáo Shi’ite được Iran khuyến khích. Nhóm thân Iran này đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định, trong cuộc tái chiếm lãnh thổ và “lập lại trật tự” của chế độ Assad.

Vấn đề của tình trạng sứ quân cát cứ này đã được Hiệp hội các tổ chức LHQ tại Vương quốc Anh (UNA-UK) nêu ra trong khảo cứu “Các nhóm vũ trang phi-nhà nước Syria: một tình trạng hay một vấn đề của LHQ?” đăng trên tạp chí The Syria Issue của LHQ số 1-2017. 

Nghiên cứu nêu bật vấn đề cốt lõi: “Syria là một trường hợp điển hình: một cuộc chiến được đặc trưng bởi một loạt tác nhân nhà nước và phi-nhà nước cùng khoảng trống chính trị mà nhờ đó các nhóm vũ trang phi-nhà nước đã hình thành và tập hợp dân chúng và giành quyền kiểm soát trên những vùng lãnh thổ rộng lớn”. 

Đó là bản chất các nhóm dân quân phi-nhà nước do Iran bảo trợ mà ông Biden đã nêu. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các vị trí bị không kích được đặt tại trạm kiểm soát của lực lượng khủng bố Abu Kamal gần biên giới Syria - Iraq bên phía Syria.

 Vị trí này được cho là được sử dụng để bắn tên lửa vào các vị trí quân lực Mỹ và đồng minh, trong đó có vụ pháo kích Erbil 15-2. 

Hãng tin Kurdistan24.net cho biết khu vực này bao gồm căn cứ quân sự Imam Ali, mà Iran xây dựng trên đất Syria vào năm 2018, và được cho là kho lưu trữ tên lửa, máy bay không người lái và thiết bị công nghiệp quân sự của Iran.

Từ đó, có thể nghĩ thông điệp chính của ông Biden là “dằn mặt” Iran, như chính ông đã phát biểu: “Không để ai muốn làm gì thì làm”, khi một phóng viên hỏi thông điệp của ông là gì. 

Câu hỏi đặt ra là “dằn mặt” Iran lúc này để làm gì? Phải chăng là gửi đi thông điệp Iran phải xuống thang ở Syria nếu muốn nối lại đàm phán thỏa hiệp hạt nhân?

Thật trùng hợp, đúng hôm 25-2, website của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) đăng một bài khuyến cáo về việc nối lại đàm phán với Iran, trong đó nổi bật ý: “Các hành động trong khu vực của Iran phải được thương lượng với các bên trong khu vực". 

"Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới nên làm việc với tổng thư ký LHQ để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại giữa Iran, sáu thành viên của GCC [tức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, và UAE] và Iraq". 

"Tuy nhiên, một số khía cạnh liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ cũng có thể được đàm phán song phương giữa Tehran và Washington”.

Đêm đó, Mỹ mở tấn công. Ngay hôm sau vụ không kích, tờ The Times of Israel 26-2 lại nhìn thấy một thông điêp khác: ông Biden cho thấy ông không phải là một tổng thống “nối dài nhiệm kỳ” của Barack Obama như nhiều người vẫn tưởng!

Về phần Iran

Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran, đã lên án các cuộc không kích “tàn bạo” của Hoa Kỳ nhằm vào lực lượng kháng chiến Iraq ở miền đông Syria như một phần trong nỗ lực hồi sinh “những hoạt động khủng bố có tổ chức mới”. 

Vụ không kích của Mỹ vào Syria là "động thủ trước khi động khẩu"? Ảnh: Defense News

Là quan chức an ninh hàng đầu Iran, ông Shamkhani đưa ra nhận xét trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein trong chuyến thăm của ông này tới Tehran hôm thứ bảy 27-2. 

Ông cảnh cáo: “Iran và các quốc gia khác đang chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố sẽ không cho phép lực lượng khủng bố Takfiri hồi sinh trong khu vực một lần nữa”.

Lực lượng khủng bố Takfiri mà ông này cảnh cáo là những tổ chức như Al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)… mà Hồi giáo Shi’ite ở Iran xem là dị giáo và là “tay chân” của Mỹ! 

Thông tấn xã SANA của Syria sáng 3-3 còn tố cáo “Lực lượng chiếm đóng của Mỹ đã dời 25 tên khủng bố thuộc tổ chức Daesh [lại một tên gọi khác của IS] từ Iraq sang khu vực nông thôn Deir Ezzor”. 

Ông Shamkhani cũng nói thẳng với Ngoại trưởng Iraq Hussein rằng nước này cần tích cực hơn trong việc “trục xuất các lực lượng nước ngoài” (tức lính Mỹ) khỏi Iraq, và sự chậm trễ đó “sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực”.

Qua chủ nhật 28-2, tới phiên Saeed Khatibzadeh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, “mạnh mẽ lên án cuộc không kích của Mỹ ở miền đông Syria”, ông gọi đó là sự “vi phạm trắng trợn chủ quyền của Syria và luật pháp quốc tế”, và “sự nối dài chủ nghĩa Zionist [tức bành trướng Do Thái] không ngừng, sự xâm lược Syria, nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ chiếm đóng và cướp đoạt dầu hỏa của Syria”.

Những vụ động dao động gậy trong tháng 2 vừa qua từ cả hai phía diễn ra trong bối cảnh Iran và Mỹ đang muốn nối lại thỏa hiệp hạt nhân. 

Phản ứng hạn chế của ông Biden - mà theo tin nội bộ của CNN 26-2, ban đầu dự tính nhắm vào hai mục tiêu sau điều chỉnh chỉ còn một để hạn chế thương vong thường dân - cho thấy sự chừng mực để còn chừa đường “nói chuyện” của cả Mỹ lẫn Iran.■

Dù không ai gắn tên lửa phóng đi với đàm phán, cuộc mặc cả diễn ra gần như ngay sau đó. Chủ nhật 28-2, Iran loan báo không đàm phán bán chính thức với Mỹ và EU chừng nào Mỹ chưa gỡ các lệnh cấm vận.

 Phải nhắc rằng đầu tháng 2, ông Biden từng tuyên bố rằng sẽ chỉ gỡ cấm vận nếu Iran tuân thủ việc không làm giàu uranium (CNBC 7-2). Có thể thấy một cuộc đàm phán đã thực sự diễn ra qua những nhắn nhủ qua lại đó rồi, dù bên nào cũng phải làm cứng để còn ăn nói với cử tri, hay với quốc dân đồng bào. 

Một điều kiện mới có thể được Mỹ đặt ra là Iran phải chấm dứt những can thiệp ở một hoặc vài điểm thuộc vùng Vịnh. 

Nhưng dù thế nào, ông Biden cũng đã cho thấy chính quyền mới sẽ không nghiễm nhiên đàm phán vô điều kiện với Iran như thời Obama, điều mà cựu tổng thống Trump rủa xả là quá ngây thơ, khiến ông phải đảo ngược ngay khi nhậm chức!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận