TTCT - Mùa hạ qua đi, cây me già thay màu lá xanh đậm bằng màu xanh non trông vui hơn. Nhưng me vẫn là loài cho lá rụng quanh năm, cô Sáu phải cất công quét dọn ngày hai ba lượt. Minh họa: Vũ Đình Giang Xóm ngoại ô nhà lá, nhà thiếc chen nhau, riêng ngôi nhà của ông Chín xưa cũ lắm, mái ngói hết tươi, ngoài mặt tiền theo thềm cửa ximăng rơi rụng phơi gạch ra. Gốc me già vỏ sần sùi, cành lá rậm rạp đứng giữa sân khiến ngôi nhà thêm phần u ám. Thấy con mình không có chỗ đánh cầu, đánh banh, thầy Sáu đòi đốn cây me để khung cảnh trở nên sáng sủa. Nhưng ông Chín lẫn cô Sáu không chịu. Thầy Sáu mua cuộn dây thép gai rào lại, vì tới mùa trái bọn trẻ leo trèo, té ngã, mắc công giữ. Cũng không ai chịu, cho là đã hết chiến tranh, ai đem dây thép gai quấn lù lù trước nhà. Ông Chín có ba đứa con sống trên thành phố, ông không chịu theo con, thầy Sáu là kẻ ở rể bất đắc dĩ. Ở rể giống như đi làm khách, bỡ ngỡ, xa lạ. Ngôi nhà ít khi chịu mở cửa cái, ánh sáng được lọc qua vòm lá me vào nhà, lúc nào cũng âm âm như chiều. Cô Sáu ngồi bên cửa sổ chăm chú đường kim mũi chỉ thêu thùa kiếm sống. Từ ngày về hưu, ông Chín tỏ ra chiêm nghiệm nhiều hơn nói, không ai hó hé với ai. Trừ khi hai cha con của thầy Sáu về nhà mới nghe tiếng người. Cả hai đến trường, ngôi nhà trở nên vắng vẻ, chỉ nghe tiếng đồng hồ treo tường kêu tích tắc nhắc nhở thời gian đang trôi. Thầy Sáu tưởng tượng mình đang sống trong ngôi chùa với sự thư giãn quá mức khiến con người trở nên mềm xèo, sắp chảy nước tới nơi rồi, hoàn toàn không giống tính cách thầy Sáu. Thiên hạ hay nói đùa “thực lộc chi thê như cá trê chui ống”. Bạn bè không độc địa như thiên hạ, nhưng lời nói đùa thầy là rễ đu đủ ăn lên, vẫn nghe ngột ngạt. Thầy thấy mình lơ láo, có lẽ vậy, thỉnh thoảng thầy mượn băng nhạc rock, rap đem về cho cõi trăm năm vĩnh hằng của nhà bên vợ thoáng xáo động bừng tỉnh. Nhờ điệu nhạc sôi nổi thầy Sáu trở nên dạn dĩ. Lối xóm đã quen với giọng hát Hoàng Oanh mà cô Sáu hay nghe, bây giờ đổi qua rock, rap họ biết là ngôi nhà xưa đã có chủ mới. Ông Chín nằm lúc lắc trên võng đọc sách. Cô Sáu lặng lẽ bên khung thêu, không ai nói gì. Thầy Sáu tiếp tục tấn công bằng cách mời bạn bè trong trường tới làm vài két la ve. Cô Sáu vui vẻ hỏi chồng muốn ăn gì và ngoài món thầy đề nghị, còn có thêm các món của cô học ở sách dạy nấu ăn. Như vậy thầy Sáu đã chứng tỏ cho mọi người thấy mình hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, khi khách khứa ra về, tiếng nhạc tắt mang theo những giây phút xao động lẽ ra nên ở lại. Sau đó là sự yên ắng cũ kỹ không chịu được. Hai cha con ông Chín đã tỏ ra thông cảm với chàng rể. Mọi thứ trong nhà, cái bàn, cái ghế, chấp nhận thành viên mới. Nhưng vẫn có cảm giác như ngôi nhà là của thầy lại không hoàn toàn thuộc về thầy. Thầy Sáu chỉ vui qua niềm vui của con, thằng bé là gạch nối giữa ba người lớn, hay hỏi chuyện này chuyện kia. Vô tư, hồn nhiên, thằng bé chẳng phân biệt những dằn vặt của người lớn. Tất cả như hoàn toàn thuộc về của nó. Về bên nội, nó là hoàng tử toàn quyền. Ở nhà ngoại, nó là ông chủ nhỏ. Cả xóm ngoại ô ồn ào tiếng hát karaoke, tiếng xe làm phiền phức người lớn, cũng thuộc về nó nốt. Cô Sáu có cuốn album, các tấm ảnh đã ngả màu, đa số lại là hình ngôi nhà với gốc me, cây cầu trước bến sông và nhiều người thầy Sáu không quen biết. Thầy Sáu có lật cuốn album một, hai lần gì đó trong khi thằng bé khi buồn là cầm nó lên, hỏi ông ngoại, hỏi mẹ hình của ai. Cô Sáu trả lời con không biết bao nhiêu lần rồi, thằng bé vẫn tiếp tục hỏi mãi. Thầy Sáu dần dần ráp được những hình ảnh xóm ngoại ô về tuổi thơ của cô Sáu, hoàn toàn không có gì chung với thầy cả. Cây cầu trước bến sông nhà hiện nay là cây cầu thứ ba. Cây cầu trước đó do thợ thầy ăn chặn ximăng, sắt thép gãy vụn xuống dòng nước từ lúc nào. Trước đó nữa là cây cầu sắt và bến sông có hàng dừa buông rễ lòa xòa, đêm đêm lập lòe đom đóm. Năm đó, trận bão hiếm hoi đổ về miền Tây làm ngã rạp hàng cau, xoài, mận, khoảng sân vườn sót lại chỉ mỗi cây me. Ngoại ô hiu hắt lau sậy lần lượt đầy dân tản cư qua mấy thời kỳ chiến tranh đổ về, sinh con đẻ cháu đùm đề để rồi quên mất cố xứ. Xóm nhà ông Chín trở nên đông đúc, dần dần mảnh sân vườn trước kia hóa ra mảnh sân con, cây me hóa ra cây cổ thụ lạc loài. Dưới bóng mát của cây me già, buổi trưa cô Sáu nhảy dây, nhảy lò cò cùng bạn bè trong xóm. Vào những đêm trăng cô cùng các bạn ngồi ca hát, đàn măng-đô-lin réo rắt. Sau đó cô lần lượt tiễn người ra đi. Một người anh của cô vào chiến khu. Bạn bè có kẻ vào chiến khu. Có người khoác áo lính cộng hòa. Thầy Sáu lần lượt ráp nối những hình ảnh, nhưng với ông Chín khó mà lần theo dấu, vì khoảng thời gian trước mặt của ông còn rất ngắn, phía sau lưng dài hơn, mà ông lại đẩy nó lùi xa hơn nữa. Ông ngoại kể cho thằng cháu nghe những chuyện huyền ảo khó lòng kiểm chứng, vài người cố cựu còn sống cũng không nhớ ra. Mấy cây gừa trước bến sông buông rễ lòa xòa, cứ thò rổ xuống mà vớt cá bống lên kho khô như cá đang rộng sẵn. Có một câu chuyện đau lòng ở chỗ mấy cây gừa kia. Mỗi bữa trưa, chiều, lũ trẻ trong xóm tụ tập đến cây cầu sắt, trèo lên cây gừa phóng ùm ùm xuống sông đuổi bắt. Hai anh em tên là Hầu, Đức. Chiều chiều mọi người trong xóm rởn tóc gáy khi nghe bà mẹ oang oang gọi con: “Đức, Hầu ơi!”. Thiên hạ quở hoang, thời buổi chiến tranh đặt tên con nghe không hên, bà mẹ day qua kêu: “Hầu, Đức ơi!”. Đổi qua đổi lại cũng không khác gì nhau. Một buổi chiều ngoại ô nhạt nắng, con đường lộ vẳng tiếng giày đinh bước rầm rập. Tây làm cuộc bố ráp, thiên hạ mạnh ai nấy chạy vắt giò lên cổ. Riêng người tên Hầu, tinh nghịch muốn chứng tỏ mình gan dạ không chịu chạy mà trèo lên bụi gừa um tùm núp vào đó. Tây bắt được đứa trẻ luôn miệng “mẹc-xà-lù” nghi ngờ và cắt lìa yết hầu đứa trẻ vô tội. Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui lẫn các điều hư ảo về ngôi nhà, gốc me, bến sông ngoại ô gắn bó với hai cha con ông Chín, đem ra chia sẻ cho thằng bé. Rốt cuộc thầy Sáu vẫn là kẻ ở ngoài cuộc. Ông Chín ít nói nhưng nói ra là hay so sánh hai chiều thời gian “Ngày nay sung sướng lắm, hở một chút là lên xe”. Quên mất thầy Sáu vừa sắm xe tháng trước, tháng sau ông kêu thầy chở đi thăm bà con. Bảy năm sống ở bên vợ, lắm người khen thầy Sáu giỏi chịu đựng. Đúng hơn những năm đầu hai cha con nhiều lần xảy ra cuộc tranh luận, nhưng rồi sau thầy Sáu im lặng như né ông Chín. Thầy biết thời gian có nhiều thứ mới mẻ xuất hiện, nhiều cái phải mất đi. Thí dụ chiếc rổ nhựa rẻ tiền dần dần thay cho rổ tre. Không còn hình ảnh bà mẹ đi chợ mua về xâu ống khói trứng vịt để dành xài, mà mua từng cái. Trước kia ông Chín là ông giáo làng. Điều làm cho thầy Sáu bực bội, tự ái nghề nghiệp là ông hay cho việc dạy dỗ ngày nay không bằng ngày trước. Hóa ra ông Chín cũng có thời nổi tiếng, nhiều người xưa kia có theo học với ông thường trìu mến nhắc lại kỷ niệm cũ. Nhưng phương pháp giảng dạy của ông đã qua cùng thời đại cũ kỹ. Những người học trò ngày ấy thường vui vẻ kể với thầy Sáu. Đứng ngoài cửa lớp nghe ông Chín thao bất tuyệt: “Con trâu có một hàm răng. Ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao. Hồi nào mầy ở với tao. Bây giờ mầy chết tao cầm dao xẻ mầy. Thịt mầy tao nấu lênh đênh. Da mầy bịt trống tụng kinh trong chùa. Sừng mầy tao tiện con cờ. Các con thấy không, mình bạc bẽo với con vật giúp ích cho mình vậy đó”. Tưởng là ông dạy học thuộc lòng, hóa ra ông dạy vẽ con trâu. Ông vẽ tới đâu miệng ngâm nga tới đó. Học trò ngồi bên dưới nghe mê ly, không biết phải bắt đầu vẽ từ đâu, trống vội đánh tan giờ. Nghe ông thao thao: “Thì giờ như thể tên bay. Đừng như con bướm dông dài đường xa” hóa ra ông đang dạy toán về hiệu số hai vận tốc. Nghe kể thầy Sáu bật cười, giờ đây ông cũng như vậy thôi, vẫn còn đó thói quen việc gì cũng rút ra được bài học, hai cặp phạm trù. Hằng ngày, hai vợ chồng nhìn cây me già ngoài sân cũng như ông, tưởng không có gì đặc biệt ngoài cái bóng mát và lá theo gió bay tràn vô nhà. Vậy mà ông Chín cũng chiêm nghiệm được việc đời. - Nè Sáu, tới tuổi nào đó người ta đã hết xúc động, mặt trơ như gốc me. Các cơ mặt như lì ra, có yêu có ghét cũng không ai biết. Chỉ lúc ăn uống mới vui vẻ. Ông Chín muốn nói gì? Thầy Sáu giật mình. Đó là kinh nghiệm cuộc đời của một người, hay ông Sáu đã ngầm quan sát ai đó trong đám bạn bè theo thầy Sáu đến nhà chơi. Thầy Sáu có vẻ sượng nhưng thấy ông chẳng mấy khi vui vẻ cho cặp phạm trù. Thầy nhân cơ hội nhắc lại việc xin đốn cây me. Không nghe ông Chín trả lời. Thầy Sáu kiên nhẫn đứng bên cửa sổ nhìn ra sân. Ngôi nhà chợt như chùng xuống, chiếc đồng hồ treo tường buông từng tiếng tích tắc. Chừng như thấy cử chỉ chờ đợi của con rể, ông Chín bỏ chân xuống đất ngồi dậy, chiếc võng ngừng đưa. Giây lát ông lên tiếng. - Nè Sáu, cây me nhìn quen mắt rồi. Đốn chi trống trải lắm. Cử chỉ, giọng nói của ông Chín toát ra vẻ nghiêm nghị. Thầy Sáu quay ra nhìn gốc me cố hình dung sự trống trải mà ông Chín vừa nói, nhưng hình dung ấy thoáng qua trong đầu và thay cho thực tế cây me mọc sầm sầm giữa sân làm ngôi nhà thiếu ánh sáng. Trong xóm đâu có nhà nào bốn giờ chiều phải bật đèn như ở đây. Hơn nữa thằng nhỏ đã tới tuổi cần có những môn thể thao như đánh vũ cầu, đá banh. Thầy Sáu quay lại nghĩ, vì thầy bắt gặp ánh mắt của ông Chín đầy vẻ xa lạ. Từ lâu gia đình ông Chín quen sống trong yên tĩnh, con nít trong xóm đến chạy giỡn ông không chịu nổi, nói gì tới việc cho cháu ngoại đá banh hay những sinh hoạt thời đại mới mẻ khác, hoàn toàn xa lạ với ông. Cây me già như biết có người bênh, thản nhiên thả lá rụng đầy sân, lá bay tràn vô nhà. Cô Sáu nhẫn nại quét sân, nhẫn nại canh chừng bọn con nít leo trèo khiến thầy Sáu khó chịu. Không nghĩ thì thôi, thầy Sáu đã nghĩ mọi việc không thể dừng lại. Thầy Sáu cũng tập được tánh nhẫn nại. Mấy ngày đầu tiên về nhà vợ thấy thiếu ánh sáng, thầy Sáu lập tức mắc thêm mấy luồng điện mới. Thầy mua bộ ghế nệm thay cho bộ bàn tiếp khách xưa cũ, rồi tủ ly, tranh ảnh treo tường, nhất là cặp loa âm thanh nổi, vật mà ông Chín chưa hình dung ra sự có mặt của nó ở trong nhà. Như vậy có nghĩa thầy đã lấn dần, duy còn gốc me sù sì ngoài sân thử thách sự kiên nhẫn của thầy thôi. Khi thằng bé được mười tuổi, khuôn mặt ngoại ô lần lần biến đổi, nhà cửa được sửa sang đẹp hơn, nhiều nhà lầu mọc lên. Đứng trên cầu nhìn về xóm, chỉ riêng ngôi nhà của thầy Sáu như đi lạc chỗ, gốc me xòe tán thâm u. Thầy Sáu nhận ra mình đã đủ độ thuyết phục. Thầy Sáu đã trở nên một con người thâm trầm từ lúc nào, không đề nghị đốn cây me nữa mà chỉ sửa lại ngôi nhà. Anh chị bên vợ nghe nói vội đồng ý gửi về ít tiền. Đám thợ hồ tới phá bỏ cửa sổ tròn, mái vòm cong xưa cũ thay vào mặt tiền tô đá rửa, cửa sắt cho hợp thời đại. Ông Chín đứng nhìn đám thợ hồ, thầm khen thằng rể biết chăm lo nhà cửa. Mãi tháng sau, công việc sửa chữa sắp hoàn tất, ông Chín hoàn toàn bất ngờ, lần này không phải thầy Sáu mà chính cô Sáu lên tiếng xin đốn cây me. Ông bước ra sân đứng ngắm ngôi nhà, nhìn cây me cổ thụ, nhưng giờ đây nó bỗng rời ra, chẳng còn thuộc về ngôi nhà mới cơi tầng chễm chệ. - Thôi, tùy tụi bây. Ông Chín buồn hiu. Đốn cây me trăm tuổi không phải chuyện dễ, thầy Sáu phải cho người tỉa từng nhánh, từng nhánh. Ngôi nhà dần dần sáng sủa. Một bữa từ trường về, thầy Sáu đứng nhìn ngơ ngác tưởng như không phải nhà của mình, chỗ gốc me nhìn quen mắt là khoảng trời trống rỗng, chói mắt. Người ta đã dọn trụi gốc me. Lập tức thầy Sáu nghĩ ngay tới việc mua mấy miếng rèm che cửa sổ cho bớt sáng. “Ăn cơm xong, con đi mua trái banh nghe ba” - thằng bé hớn hở. Thầy Sáu gật đầu lặng lẽ, nhận ra những gì thầy vừa làm hoàn toàn dành cho thằng bé, thầy đã già. Tâm hồn của thầy đã thuộc về gốc me vừa ngã xuống. Và lạ lùng sao, trước kia ông Chín không chịu theo con trai lên thành phố, nay ông bằng lòng.■ Tags: Ngô Khắc TàiCây me già ngã
Những người hiến máu như ‘nhân viên đường dây nóng', bệnh viện gọi là đi DƯƠNG LIỄU 23/11/2024 Khác với những người hiến máu tình nguyện định kỳ, đối với người hiến máu mang nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype, họ như “đường dây nóng” của viện, sẵn sàng lên đường khi bệnh nhân cần máu.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Virus H5N1 liên tục đột biến, nguy cơ lây lan nhanh ở người UYÊN PHƯƠNG 23/11/2024 Sau khi phát hiện một ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 đột biến ở thành phố Vancouver, Canada, các nhà khoa học lo ngại virus cúm này có thể lây lan nhanh hơn ở người.
Mỹ nghi Triều Tiên sắp thử hạt nhân, ông Trump nhắc tên ông Kim Jong Un THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Trump nhắc tên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi thông báo đề cử nhân sự mới, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.