TTCT - Odile không biết nhiều về ngày lễ Vu lan báo hiếu trong văn hóa phương Đông. Cho đến khi được một người bạn giải thích, cô ồ lên nói: “Tôi cũng mong được cài một bông hồng...”. Phóng to Odile và ông Lê Cung Kính, người dịch đồng hành với cô trong suốt hành trình tìm mẹ - Ảnh: Gia Tiến Tôi gặp Odile, người phụ nữ Pháp gốc Việt, hai lần. Có thể cô cũng lẫn trong những câu chuyện khao khát cội nguồn của nhiều đứa trẻ lưu lạc vào những ngày tháng cuối cùng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng người phụ nữ diện mạo Á Đông rất trẻ trung này đã khiến tôi muốn đồng hành cùng cô trong một hành trình rất mong manh hi vọng. Hẳn là Odile sẽ thất vọng nhiều lắm với manh mối đầu tiên trong lần đầu cô trở về Việt Nam tìm mẹ ruột, sau 37 lần sinh nhật của một công dân Pháp. Tôi còn nhớ đó là một buổi chiều cách đây tròn một năm, cô gái người Pháp cùng người phiên dịch tiếng Việt đến tìm tôi với vài mảnh giấy photo nhòe mực. Đó là tất cả những gì còn lại của 37 năm trước để cô lần tìm về quá khứ. Odile đã nung nấu quyết tâm tìm mẹ từ khi bắt đầu hiểu biết. Mẹ tôi là “Bui Thi Nghe” “Bùi Thị Thanh Khiết là cái tên Việt mà cha mẹ nuôi đã nói cho tôi biết từ khi tôi nhận thấy sự khác biệt về màu da, vóc dáng của mình. Lúc nhỏ, tôi không hiểu nhiều về cái tên ấy, cũng như không hề biết một tai nạn thảm khốc mà tôi đã may mắn thoát chết” - Odile tâm sự. Ngày 5-4-1975, báo La Voix Nord Du Samedi của Pháp đã đưa tin về tai nạn trên chuyến bay mang số hiệu “C-5-A” Galaxy của Mỹ khiến 140 trẻ sơ sinh chết, 105 trẻ bị thương và sống sót, trong đó có Odile - Bùi Thị Thanh Khiết. Cô sinh ra trong một nhà bảo sanh ở xã Phú Cường, quận Châu Thành, tỉnh Bình Dương (địa chỉ theo khai sinh của Bùi Thị Thanh Khiết năm 1975 - PV). Lúc đó Thanh Khiết mới 6 tháng tuổi, sau vụ nổ được đưa vào điều trị chấn thương một tuần ở Bệnh viện Nhi Đồng (Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện nay). Khi đã tạm ổn định, Thanh Khiết tiếp tục được di tản tới Mỹ ngay sau khi rời bệnh viện. Phải mất một tháng sau, cha mẹ nuôi của Thanh Khiết ở Pháp mới tìm lại được cô con gái nuôi ở Việt Nam nhờ tấm hình chụp cô lúc 3 tháng tuổi. Nếu như ngày đó không nhờ tấm hình, có thể cô đã một lần nữa lưu lạc trong các trại trẻ mồ côi vì giấy tờ tùy thân khi lên máy bay đều đã bị thất lạc sau tai nạn. Năm 12 tuổi, Odile bắt đầu nhận ra sự khác biệt về màu da, vóc dáng của cô với bạn bè. Khi đó, cha mẹ nuôi Odile đã kể lại cho cô nghe về quá khứ. Câu chuyện đã đưa cô trở lại Việt Nam. Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ khá trẻ so với tuổi 37. Tài liệu mà Odile còn giữ lại là các bài báo viết về vụ tai nạn: những đứa trẻ bị buộc thành một nhóm 2-3 trẻ trên một ghế máy bay. Khi tai nạn xảy ra, người ta không thể cứu được tất cả, đã có 140 trẻ sơ sinh chết vì bị buộc vào nhau như thế. Có lẽ may mắn đã quá ưu ái với Odile vì trong số 105 trẻ sống sót, hầu hết đều bị thương tật và thất lạc cha mẹ hoàn toàn. Từ lúc bắt đầu hành trình tìm mẹ, Odile đã liên lạc với nhiều bạn bè là trẻ baby lift (trẻ mồ côi trong chiến dịch di tản cưỡng ép vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam) trên các diễn đàn Internet. Nhưng không có tin tức gì từ những người bạn cùng thời ấy. Cô quyết định trở về và tự tìm những manh mối còn lại. Cô đã đến Bình Dương, nơi trong khai sinh của cô nhắc đến. Nhưng 37 năm qua đi, quá nhiều thứ đã thay đổi, những người cô hỏi đều không nhớ tới tên nhà bảo sanh, nơi người mẹ với cái tên Việt không dấu “Bui Thi Nghe” đã để cô ở lại sau khi sinh. Lần theo cô nhi viện đã nhận nuôi cô sau đó ở đường Hồng Lạc, quận 5, TP.HCM, Odile gặp một bà sơ trong tu viện Tôn Đức Thắng - người đã nuôi cô hơn một tháng trước khi cô di tản. Nhưng tất cả đều không thể nhớ được hay biết thêm thông tin gì về xuất xứ của Odile. Đó là những nỗ lực của cô trong lần đầu về Việt Nam vào tháng 4-2010. Lần trở lại thứ hai (tháng 8-2011), Odile mang theo rất nhiều bản photo các bài báo, giấy khai sinh, hình ảnh của cô lúc bé và nhờ những người bạn đang sống ở Việt Nam tìm kiếm. Vẫn không có một chút tin tức nào về “Bui Thi Nghe”. Những ngày đầu tháng 3-2012, Odile khoe với tôi rằng cô đã tìm thêm được nhiều tấm hình của những đứa trẻ trên cùng chuyến bay định mệnh. Và tháng 8 năm nay, cô trở lại Việt Nam. “Chắc mẹ rất tự hào về tôi” Hành trình từ khi 12 tuổi của một cô gái mong tìm được mẹ không phải là quá dài so với một đời người. Nhưng để đuổi theo hi vọng mong manh ấy, hẳn Odile phải có một lý do. Đôi mắt biết cười của người phụ nữ 37 tuổi ngồi trước mặt tôi bỗng như muốn khóc. Cô đã hiểu được ý nghĩa cái tên mà mẹ đẻ đã đặt cho mình: “Có lẽ mẹ đã trải qua những ngày tháng cơ cực lắm. Tôi không sống trong những khuôn thước của Á Đông, nhưng tôi có thể cảm nhận được nỗi đau của mẹ khi con sinh ra phải mang họ mẹ. Nhưng chắc chắn mẹ rất tự hào về tôi khi đặt cho tôi cái tên mang ý nghĩa về sự trong trắng”. Tình cờ trở thành người phiên dịch cho Odile trong lần đầu cô trở về Việt Nam, ông Lê Cung Kính, một phiên dịch viên tại TP.HCM, đã đồng cảm với câu chuyện của cô. “Có thể duyên số đã đưa cô gái này trở thành khách hàng đặc biệt của tôi. Năm nay tôi đã 64 tuổi, tôi thật sự cảm nhận được khao khát của cô gái Pháp gốc Việt này dành cho mẹ đẻ. Cô ấy bỏ thời gian đi du lịch ở Việt Nam để nhờ tôi chở đi lùng sục nhiều nơi ở Bình Dương, tìm manh mối về quá khứ” - ông Kính xúc động kể lại. Những ngày trước khi rời Việt Nam về Pháp, Odile đã cố tìm đến một vài cô nhi viện ở TP.HCM, nhờ những người bạn đồng nghiệp luật sư ở Việt Nam giúp tìm thêm manh mối. Lần trở về này Odile dẫn theo một người bạn trai đến rất nhiều nơi: Tây Bắc, Hà Nội, Phú Quốc, miền Tây Nam bộ. Cô giải thích giờ đây những địa điểm du lịch ấy không còn là nơi xa lạ nữa vì từ khi bắt đầu hành trình tìm mẹ, cô đã tự nhận mình cũng là một người con ở xứ này. Odile rất xúc động khi được giải thích về ý nghĩa nghi thức cài hoa hồng lên áo trong lễ Vu lan. Bởi trong sâu thẳm tâm hồn mình, điều Odile hi vọng nhất là dù người mẹ đẻ còn hay mất, cô cũng mong được một lần biết rõ nguồn cội. “Cho dù được cài một bông đỏ hay phải cài bông trắng, tôi cũng rất hạnh phúc vì được một lần nói lời cảm ơn với mẹ” - Odile nói trước khi tạm biệt những người bạn ở Việt Nam trong nhiều tiếc nuối vì hành trình chưa đến đích. Nhưng cô vẫn tiếp tục tìm kiếm khi trở về Pháp và năm sau quay lại Việt Nam. “...Thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì đó rất tự nhiên, như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ “phải” ở đây không phải là luân lý, là bổn phận mà “phải” đây là lý đương nhiên. Con đương nhiên thương mẹ, cũng như khát đương nhiên sẽ tìm nước uống. Mẹ thương con nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ thì không phải là mẹ con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: “Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?”. Tôi trả lời: “Vâng lời, cố gắng giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi”. Bây giờ thì tôi hiểu rằng con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ thôi, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi...”. Tags: Lưu lạcCuộc sống muôn màuCội nguồnBáo hiếuOdile
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.