Phải chuyên nghiệp với sóng thần

XUÂN LONG THỰC HIỆN 24/10/2009 22:10 GMT+7

TTCT - PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), Trao đổi với TTCT xung quanh vấn đề làm sao để cảnh báo sóng thần nếu như nó có thể xảy ra.

Phải chuyên nghiệp với sóng thần

TTCT - PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), Trao đổi với TTCT xung quanh vấn đề làm sao để cảnh báo sóng thần nếu như nó có thể xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

- Ông Phương cho biết: Theo quy ước của Chính phủ, nếu ghi nhận được động đất xảy ra trên biển từ 6,5 độ Richter trở lên, trung tâm phải phát bản tin cảnh báo sóng thần, tức là toàn bộ thông tin đầu vào do trung tâm chịu trách nhiệm.

* Cụ thể từ quá trình tiếp nhận thông tin và đưa ra bản tin cảnh báo sóng thần ở VN hiện đang được triển khai ra sao, thưa ông?

- Đối với động đất, chúng ta có một mạng lưới ghi chấn động động đất trên khắp cả nước gồm 24 trạm đo động đất và kết nối với trạm đo động đất của khu vực và thế giới. Tất cả được ghi lại qua sóng hiển thị tại trung tâm 24/24 giờ, chế độ trực ca cũng 24/24 giờ và bảy ngày trong tuần.

Đối với sóng thần, đó là hệ quả tất yếu của động đất xảy ra ở ngoài biển và phải ở một độ lớn nhất định mới gây ra sóng thần. Riêng VN hiện không đủ trình độ để tính toán, dự báo sóng thần sớm mà phải dựa hoàn toàn vào những thông tin từ mạng lưới cảnh báo sóng thần sớm quốc tế. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng vài phút khi động đất trên biển xảy ra, các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế sẽ gửi thông tin cảnh báo tới trung tâm cảnh báo của các quốc gia qua fax và email thẳng tới ban giám đốc. Tức là chúng ta luôn có thông tin nóng và nếu sóng thần có khả năng ảnh hưởng đến bờ biển VN thì trong thông tin cảnh báo của quốc tế người ta cũng cảnh báo rất rõ.

* Nhưng sau thông tin cảnh báo từ quốc tế sẽ phải mất bao lâu để có một bản tin cảnh báo tới các nơi ở VN, và việc chuyển những cảnh báo này bằng con đường nào?

Ứng dụng 25 kịch bản vào thực tiễn

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý cho Bộ Tài nguyên - môi trường sử dụng 25 kịch bản cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển VN ứng dụng vào thực tiễn, chuyển giao các kịch bản trên cho Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần triển khai thực hiện. Đồng thời giao Bộ Tài nguyên - môi trường tiếp tục hoàn thiện các kịch bản cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển VN.

- Trách nhiệm của trung tâm là tiếp nhận và ghi nhận toàn bộ thông tin đầu vào liên quan đến động đất và sóng thần, đồng thời thực hiện cảnh báo kịp thời trong khoảng thời gian ngắn nhất. Có thể nói từ khi tiếp nhận thông tin đến khi chuyển thành bản tin cảnh báo của riêng trung tâm mất 3-5 phút, sau đó sẽ được gửi tới tất cả những nơi cần đến (đầu ra) theo quy định qua cả hai đường fax và điện thoại.

Trong đó, ba địa chỉ đầu tiên phải nhận thông tin sớm nhất là Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Ủy ban Phòng chống lụt bão trung ương và Đài truyền hình VN. Từ những đơn vị này, bản tin cảnh báo sẽ được triển khai tới các địa phương, những nơi bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lần lượt trong quá trình diễn biến trung tâm sẽ có những cảnh báo tiếp theo và khi hiểm họa đã qua phải phát lệnh hủy cảnh báo.

* Theo ông, ở cấp địa phương, chính quyền và người dân sẽ phải làm gì khi có thông tin cảnh báo sóng thần?

- Thông thường sau những trận động đất ngoài biển có độ lớn tạo thành sóng thần, nó sẽ lan truyền qua đại dương với tốc độ cực kỳ nhanh, 600-700km/giờ. Khi tới bờ, sóng thần sẽ giảm tốc độ và tăng độ cao của sóng lên gấp 10 lần. Ngay sau khi các đơn vị như Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Ủy ban Phòng chống lụt bão trung ương, Đài truyền hình VN phát đi công điện hoặc điện thoại khẩn tới các địa phương, những đơn vị, những người thường trực thuộc ủy ban tìm kiếm cứu nạn, ủy ban phòng chống lụt bão cấp tỉnh phải triển khai ngay xuống cấp huyện, cấp xã; đồng thời chịu trách nhiệm huy động mọi lực lượng của mình sơ tán dân đến các vùng cách xa bờ biển, các vùng cao.

Tuy nhiên, ở VN hiện chưa có bất kỳ đợt diễn tập nào về sóng thần, ngay cả chính quyền và người dân cũng chưa quen, chưa bao giờ thực hành nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần phải có những cuộc diễn tập như thế, ít nhất là làm quen dần để khi xảy ra không còn bất ngờ.

* Có ý kiến cho rằng phản ứng trước thiên tai cần phải có một mô hình chuyên nghiệp từ cảnh báo, thông tin, công nghệ, phương tiện triển khai ứng cứu, đặc biệt là thái độ và cách nhìn nhận ở cấp địa phương, ông nghĩ sao?

- Điều này rất đúng. Có những thảm họa thiên tai chưa xảy ra nhưng không thể nói nó không xảy ra. Trong ba hội thảo về động đất và sóng thần gần đây, tất cả chỉ xoay quanh một vấn đề: xây dựng một quy trình chuẩn về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và phản ứng nhanh với hiện tượng đó. Để làm được quy trình chuẩn đó, chúng ta phải tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, khu vực.

Ở một số nước người ta có hệ thống còi hú, có bản đồ chỉ dẫn người dân chạy đến nơi an toàn, di chuyển ra sao nhưng tất cả những điều đó chúng ta chưa làm được và trong tương lai sẽ phải làm. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn hạn chế về công nghệ, ví như gửi bản tin cảnh báo sóng thần, tại các nước chỉ cần nhấn nút là tất cả những nơi cần nhận bản tin đều nhận được, trong khi ở VN vẫn còn làm theo cách gọi và gửi cho từng đơn vị một.

Khi thông tin được chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm, tại từng địa phương quá trình đó sẽ chậm nữa mà động đất thì chỉ trong tích tắc, còn sóng thần nếu từ các nguồn xa thì có thể có khoảng hai giờ để thông báo, tổ chức sơ tán dân nhưng nếu nó xuất phát từ những nguồn gần với VN, ta chỉ có nửa giờ để thông báo thì chắc chắn là không kịp.  

XUÂN LONG thực hiện

Cơn bão năm Giáp Thìn 1904 (khoảng 8 giờ sáng 11-9) đã làm sập đổ bốn vài cầu Trường Tiền - Ảnh tư liệu

Bão năm Thìn 1904 không phải là sóng thần

Trang bee.net.vn của báo Khoa Học Và Đời Sống ngày 23-9-2009 đăng bài “Sóng thần từng giết 724 người ở Thừa Thiên - Huế” có dẫn theo tài liệu của TS Vũ Thanh Ca. Theo đó, sóng thần từng xảy ra ven biển Thừa Thiên - Huế vào ngày 11-9-1904 khiến 22.027 nhà bị phá hủy, 519 thuyền bị đắm, 724 người chết. Thông tin này khiến nhiều người dân ở Huế và bạn đọc quan tâm đến thảm họa sóng thần lo lắng.

Chúng tôi đã lục tìm trong các tài liệu lịch sử và được biết thời điểm xảy ra sóng thần như tài liệu trên đã nói chính là thời điểm xảy ra cơn bão kinh hoàng mà người dân Huế thường gọi là bão năm Thìn. Cơn bão bắt đầu đổ bộ vào khoảng 8 giờ sáng 11-9-1904 (nhằm ngày mồng 2 tháng 8 năm Giáp Thìn), chỉ quét qua trong khoảng 15 phút nhưng xô bốn vài cầu Trường Tiền làm bằng thép đổ xuống sông Hương. Chợ Đông Ba vừa dựng được mấy năm bị sập, hàng trăm người chết. Đình Hương Nguyện trước chùa Thiên Mụ bị sập tan tành (đến nay vẫn chưa làm lại được). Mái nhà tòa khâm sứ Pháp bị thổi bay lên đến tận núi Ngự Bình. Cột cờ trước kinh thành bị gãy đôi.

Các tài liệu này đều có nhắc đến những đợt “sóng thần” xuất hiện ở vùng bờ biển Thuận An, làm con lạch chảy giữa làng Thai Dương Hạ vỡ toác thành cửa biển Thuận An bây giờ, đồng thời đem cát bồi lấp luôn cửa Eo (tức cửa Hòa Duân) gần đó. Nước biển tràn vào gây nhiễm mặn khoảng 50.000ha ruộng. Số người chết, thuyền đắm và nhà trôi đúng như tài liệu của TS Vũ Thanh Ca.

Vậy phải chăng sóng thần từng xảy ra ở Thừa Thiên - Huế?

Nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan hoài nghi: nếu có sóng thần thì nơi đầu tiên bị tác động là vùng bờ biển. Nhưng việc phá vỡ - bồi lấp ở vùng biển Thuận An từng xảy ra trước đó và sau này vẫn vậy, do vùng bờ này mới hình thành (khoảng 2.000 năm nay), chưa ổn định. Cầu Trường Tiền bị sập, nếu theo sách sử mô tả thì rõ ràng là do nước lũ từ thượng nguồn cuốn trôi về phía hạ nguồn (hai vài cầu về phía chợ Đông Ba, một vài cầu về phía Bãi Dâu). Chợ Đông Ba, đình Hương Nguyện bị sập là do gió lớn. Các công trình này đều nằm cách xa biển hơn chục kilômet nên thật khó để sóng thần ào lên tàn phá.

Kỹ sư Nguyễn Việt, nguyên giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Thừa Thiên - Huế, cho rằng những diễn biến của bão năm Thìn không phải là sóng thần. Bởi vì nguyên nhân tạo sóng thần là phải có động đất dưới biển. Bão mạnh cũng gây sóng lớn nhưng không phải sóng thần. Theo ông Việt, “những cơn sóng thần” mà các tài liệu lịch sử mô tả trong bão năm Thìn ngày 11-9-1904 rất có thể là hiện tượng nước dâng trong bão. Khi bão mạnh, khí áp sẽ đè nén sâu vào mặt biển tạo nên hiện tượng nước dâng trong bão, những cột sóng cao cả 10m.  

 M.T.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận