Pháp cải tổ đại học

LÊ MINH TIẾN 25/02/2008 21:02 GMT+7

TTCT - Để cải tổ nền giáo dục đại học (GDĐH), Pháp đã đưa ra đạo luật số 2007-1199 liên quan đến các quyền tự do và trách nhiệm của đại học Pháp vào ngày 10-8-2007.

Phóng to

Sự chuẩn bị của ĐH Pháp cho việc gia nhập đời sống lao động của người học

Đạo luật này còn được gọi là đạo luật Pécresse (tên của đương kim bộ trưởng giáo dục bậc cao và nghiên cứu của Pháp), hoặc đạo luật về quyền tự chủ của đại học.

Tổng thống Sarkozy, trong bức thư ủy nhiệm gửi bà tân bộ trưởng giáo dục bậc cao và nghiên cứu, đã nêu rõ: “...Mục tiêu của bà là phải vực dậy nền nghiên cứu và hệ thống giáo dục bậc cao của chúng ta, đưa một cách nhanh chóng nhiều em học sinh tốt nghiệp trung học vào đại học hơn, gia tăng số sinh viên lấy được bằng sau khi kết thúc thời gian học, giúp những người đã có bằng cấp nhanh chóng có được việc làm, phải làm sao thu hút được các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đến với đại học của chúng ta...”.

Với đạo luật này, nước Pháp mong đạt được ba điều:

- Làm cho nền GDĐH trở nên hấp dẫn hơn bởi hiện nay mỗi năm có đến 90.000 sinh viên ra trường nhưng không lấy được bằng cấp, 53% số sinh viên ra trường có bằng cấp vẫn còn trong tình trạng “đang tìm việc làm” sau một năm ra trường và 50% số sinh viên không qua được hai học kỳ đầu tiên.

- Đưa vấn đề quản trị đại học ra khỏi tình trạng “u mê” như hiện nay: thiếu định hướng, thiếu minh bạch và thiếu sự mở cửa đối với bên ngoài.

- Làm cho việc nghiên cứu ở đại học Pháp được nhìn nhận ở cấp độ quốc tế, không thể chấp nhận tình trạng đại học Pháp không hiện diện trong tốp đầu của các bảng xếp hạng quốc tế.

Khi luật có hiệu lực, trong vòng một năm các đại học phải thay đổi hệ thống tổ chức. Chẳng hạn trong vấn đề quản trị: hội đồng quản trị sẽ từ 40-60 thành viên chỉ còn 20-30; hội đồng cũng sẽ tăng số thành viên ngoài trường (phải có 7-8 thành viên ngoài trường và họ có thể là người của các cơ quan nghiên cứu hoặc trường khác), trong đó phải có ít nhất một chủ doanh nghiệp và 2-3 đại diện từ cộng đồng. Hội đồng này sẽ có nhiều quyền hơn trước đây, như trực tiếp lập ra các đơn vị đào tạo và nghiên cứu mới, xác định nguyên tắc phân nhiệm cho các cá nhân trong bộ máy đại học. Vai trò của hội đồng khoa học sẽ bị thu hẹp hơn so với trước đây.

Phóng to
Vị trí của ĐH Pháp trong cạnh tranh quốc tế

Người đứng đầu trường đại học (hiệu trưởng) sẽ được bầu chọn trong số thành viên hội đồng quản trị, như vậy hiệu trưởng sẽ có thể là một chủ doanh nghiệp và có thể không phải là người Pháp. Nhiệm kỳ hiệu trưởng kéo dài bốn năm và một hiệu trưởng có thể được nắm hai nhiệm kỳ.

Hiệu trưởng có quyền tuyển chọn nhân sự giảng dạy, nghiên cứu và quản lý làm việc theo hợp đồng có hoặc không xác định thời hạn. Hằng năm hiệu trưởng đưa ra chương trình hành động, tổ chức thực hiện và phải báo cáo hoạt động cho hội đồng quản trị. Về tài chính, trường được quyền tìm và tạo ra các nguồn quĩ, có quyền tự chủ về tài chính.

Về việc học, đạo luật đảm bảo quyền tự do ghi danh vào bất cứ đại học nào của người học, trường phải thông tin và định hướng cho từng sinh viên trong giai đoạn trước ghi danh và mỗi trường phải thành lập bộ phận định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ việc tham gia hoạt động nghề nghiệp sau này cho sinh viên.

Đạo luật qui định hằng năm các trường phải công bố:

- Số sinh viên tốt nghiệp lấy được bằng, số sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp;

- Báo cáo của bộ phận hỗ trợ việc hội nhập nghề nghiệp của sinh viên về số lượng và chất lượng các cuộc thực tập của sinh viên;

- Báo cáo của người đứng đầu về việc thực hiện các chính sách giáo dục, nhất là về học phí.

Cuối tháng 11-2007, Viện Nghiên cứu dư luận của Pháp (IFOP) đã kết hợp với báo Le Monde điều tra về nhận định của dân Pháp đối với nền GDĐH của nước này. Dưới đây là một số kết quả của cuộc khảo sát này:

- Về khả năng các đại học Pháp chuẩn bị cho người học tham gia đời sống nghề nghiệp, 59% số người được hỏi cho rằng việc chuẩn bị khá kém hoặc kém, chỉ có 39% trả lời là khá hoặc tốt. Trong các nhóm nghề nghiệp, 49% số người thuộc nhóm công nhân cho rằng sự chuẩn bị tốt, 70% số người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu cho là không tốt.

- Về tính cạnh tranh của đại học Pháp so với các quốc gia khác, 50% số người cho rằng đại học Pháp khá tốt cho đến tốt (5% cho là rất tốt) và 48% cho là khá kém hoặc kém. 60% số người thuộc nhóm công nhân đánh giá tích cực về vị trí của đại học Pháp trong khi tỉ lệ này ở nhóm trung lưu trở lên chỉ có 41%. Nhóm lớn tuổi (35-49 tuổi) có nhận định tích cực hơn so với nhóm trẻ (25-34 tuổi) (52% so với 41%).

Đối với đạo luật về quyền tự chủ và trách nhiệm của đại học vừa được thông qua, có đến 32% số người được hỏi cho rằng đạo luật sẽ chẳng gây được tác động gì đối với nền GDĐH hiện nay của nước Pháp.

Trong số cho rằng đạo luật sẽ có tác động, 35% nghĩ rằng sẽ có tác động tích cực và 25% cho rằng sẽ gây tác động tiêu cực. Tuổi càng cao thì càng nghĩ rằng đạo luật này sẽ có tác động tiêu cực đối với GDĐH. 23% thuộc nhóm tuổi dưới 35 cho rằng đạo luật có tác động tích cực thì đối với nhóm từ 35 tuổi trở lên, tỉ lệ có nhận định này là 40% và nơi nhóm từ 65 tuổi trở lên thì tỉ lệ là 45%. Nhiều người trẻ nhận định đạo luật sẽ chẳng có tác dụng gì (38% nhóm 18-24 tuổi và 36% nhóm 25-34 tuổi). Các nhóm nghề nghiệp có vị trí cao trong xã hội nhận định tích cực về tác động của đạo luật hơn so với các nhóm làm thuê hoặc công nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận