Phở và... liên văn hóa

ĐỨC A. (TỪ SYDNEY) 13/12/2009 03:12 GMT+7

TTCT - Phở Bắc hay phở Nam là một sản phẩm liên văn hóa nhiều lần, từ trong nước cho đến hải ngoại.


Quán phở của chị Dũng tại Sydney - Ảnh: Đức A.

 1. Một lần, các nghệ sĩ Úc - Việt trình diễn một vở kịch ở Sydney trong dự án “Ilovephở”. Hết buổi, mọi người đều được thưởng thức một tô phở nóng sốt, ngon lành. Trong lúc ăn, có người hỏi: “Đây là phở Bắc hay phở Nam?”. Nhiều ý kiến nói: “Chỉ có một phở Việt mà thôi!”.Phở đã trở thành món ăn đặc trưng văn hóa Việt, khỏi cần dịch qua tiếng nước ngoài. Ở đâu có người Việt, ở đó có phở. Nhưng có đúng là chỉ có một phở Việt Nam? 

Do hoàn cảnh lịch sử, phần lớn người Việt ở nước ngoài là người gốc Nam. Phương Nam khí hậu ổn định, thiên nhiên ưu đãi, văn hóa Nam tự bản chất đã là văn hóa mở. Món phở vào Nam đã thêm nhiều loại rau, giá - cái mà phở Bắc khước từ.

Phở Việt ở nước ngoài phần lớn theo phong cách Nam, với một lần nữa được “cải biên” cho phù hợp khẩu vị và khí tiết ở nước ngoài: bớt ngọt hơn, bớt mặn hơn, đảm bảo vệ sinh hơn!

Phần lớn các tiệm phở ở Úc không cần đặt tên “phở Nam”, nhưng lại có các tiệm phở Bắc, phở Hà Nội. Chủ tiệm hẳn muốn khẳng định cái gốc gác của món ăn này, nhưng ở một phương diện khác, nó chứng minh tính thiểu số của phở Bắc ở hải ngoại.

Molly, cô bạn Mỹ đang học tại Sydney, vừa tham gia hoạt động tình nguyện xuyên Việt. Trở lại Úc, cô khăng khăng đòi tôi dẫn đi ăn ở một tiệm phở Hà Nội vì theo cô “đó mới đúng là phở”.

“Hà Nội quán” nằm giữa thị trấn Marrickville, nơi tập trung nhiều người Việt gốc Bắc ở Sydney. Molley thong thả ăn hết tô phở gà, kết luận: “Vẫn chưa phải Bắc xịn”. Chị Dũng (gọi theo tên chồng) chủ tiệm nói: “Người Bắc giờ đã quen dùng giá, rau ngò, húng chung với phở, và cả bát nước tương nữa”.

2. Edward T. Hall, một nhà nhân loại học nổi tiếng với khái niệm “high-context culture” (tạm dịch: văn hóa ngữ cảnh cao) và “low-context culture” (văn hóa ngữ cảnh thấp). Hai thuật ngữ này được áp dụng trong nghiên cứu liên văn hóa khi phân biệt tính chất đậm đặc, phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh (high) so với tính chất linh hoạt, mềm dẻo, không hoặc rất ít phụ thuộc vào ngữ cảnh (low) của một nền văn hóa.

Ví dụ Mỹ, Úc là điển hình của loại ngữ cảnh thấp do tính đa văn hóa của nó. Ngược lại, Việt Nam và các quốc gia châu Á được xếp ở nhóm ngữ cảnh cao do tính chất truyền thống, cố kết, có phần bảo thủ của đơn văn hóa.

Thuật ngữ của Hall cũng áp dụng ở phạm vi vùng miền. Theo đó, người Mỹ ở Texas có đặc trưng văn hóa đậm đặc hơn, đứng vào hàng ngữ cảnh cao so với người Mỹ ở New York, nơi sinh sống của rất nhiều nhóm khác nhau.

Hall cũng cho rằng giao tiếp của nhóm ngữ cảnh cao là kiểu truyền thông kiệm lời, bởi hàng loạt điệu bộ, thái độ, ám chỉ ngầm giữa họ với nhau. Trong khi đó, nhóm ngữ cảnh thấp nói rất nhiều, nói chi tiết, nói “toạc móng heo”, không xài ẩn dụ, hàm ý.

Mỗi nền văn hóa, dù ở quy mô quốc gia hay quy mô vùng miền, đều không phải là thực thể bất khả dịch. Mỗi thuộc tính văn hóa đều chứa đựng tính lai ghép, liên văn hóa bên trong nó, ít hay nhiều. Tương tự như bạn đánh một nốt nhạc trên dây đàn, nó đã là một cộng hưởng của rất nhiều nốt không tên. Văn hóa tự thân là sự bồi đắp.

Tuy nhiên, khung cảnh địa lý, lịch sử của mỗi nền văn hóa quyết định tính chất thiên mở hay thiên đóng của nó. Nếu vận dụng khái niệm của Hall để so sánh, có thể nói rằng người miền Nam có kiểu văn hóa thuộc ngữ cảnh thấp so với miền Bắc. Tính linh hoạt và dung hòa mọi yếu tố khác biệt của Sài Gòn chính là biểu hiện của đặc trưng này. Người Nam hình như cũng nói nhiều hơn người Bắc và có sao nói vậy, không hoa lá, ẩn ngữ.

3. Quay lại chuyện phở, nếu lý giải theo cách ở trên, có thể hiểu năng lực liên văn hóa và đi ra nước ngoài của phở Nam. Theo đó, phở Bắc của chị Dũng cũng buộc phải “Nam hóa” phần nào để được chấp nhận.

Có nghĩa là phở Bắc hay phở Nam là một sản phẩm liên văn hóa nhiều lần, từ trong nước cho đến hải ngoại.

Tuy nhiên, những người muốn tìm cái gốc gác như cô bạn Molly vẫn thích trở về chính nơi khởi nguồn của nó để thưởng thức. Do vậy, giữ cho được cái gốc lại là một “bổn phận văn hóa” của tô phở!

Đến đây bạn có thể tự kết luận cho mình có một hay nhiều phở Việt Nam!

Tôi thì tin rằng có một phở Việt Nam nhưng có nhiều tính cách Việt trong bát phở, cũng như dải đất dài theo hướng những dòng sông đổ ra biển này, mấy ngàn năm thêm bấy ngàn phù sa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận