TTCT - Đám cưới vàng kỷ niệm 50 năm, không phải ai cũng có diễm phúc được hưởng, huống hồ là giữa các quốc gia. Bởi thế, chuyện Úc và ASEAN vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác là một sự kiện trọng đại. ASEAN đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản, và sản phẩm từ rừng lớn nhất của Úc, với giá trị 19 tỉ đô la Úc và 23% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023. Ảnh: BloombergMột ngày trước khi Thượng đỉnh Đặc biệt Úc - ASEAN kết thúc hôm 6-3 tại Melbourne, Thủ tướng nước chủ nhà Anthony Albanese đã tâm sự với báo giới về một đặc điểm bất lợi của nước Úc: Khoảng cách diệu vợi với các thị trường lớn của thế giới như châu Âu hay Mỹ. Thế nhưng, cũng theo lời ông, nước Úc lại có một cơ hội đáng kinh ngạc: Nằm kề cận, thậm chí ngay giữa, "khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong lịch sử loài người" là ASEAN.Sách lược Đông Nam Á mới của ÚcÔng Albanese đã dành phần mở đầu cuộc họp báo để biểu dương một nhân vật mà trước khi tham chánh vào năm 2022, từng là cựu giám đốc điều hành Ngân hàng Macquarie, người đã đề ra sách lược kinh tế mới với ASEAN: "[Sách lược] này xuất phát từ bản phúc trình và những đóng góp tuyệt vời của Nicholas Moore, từ việc ông đến thăm mọi nước ASEAN và có hơn 75 cuộc họp ở tất cả các nước đó, từ hàng trăm đề án, tất cả đều nói về cách chúng ta có thể xây dựng quan hệ đối tác và mối quan hệ đến một mức độ thậm chí còn mạnh mẽ hơn".Nhân vật Nicholas Moore mà ông Alabanese biểu dương hiện là Đặc phái viên về Đông Nam Á của Chính phủ Úc (từ tháng 11-2022). Ông Moore được giao nhiệm vụ "chủ trì phát triển chiến lược quốc gia nhằm tăng cường thương mại và đầu tư giữa Úc và Đông Nam Á", như ông mô tả trong lời đề tựa báo cáo "Sách lược kinh tế Đông Nam Á của Úc cho tới năm 2040".Đặc phái viên Moore tóm tắt một năm qua lại tìm hiểu các nước ASEAN bằng nhận xét: "Thịnh vượng và an ninh của Úc có mối liên hệ mật thiết với thịnh vượng và an ninh của các nước láng giềng, và an ninh và thịnh vượng của họ cũng có mối liên hệ tương tự với chúng ta". Có thể thấy rõ đây là quan điểm của nước Úc về quan hệ qua lại hai chiều sòng phẳng, bình đẳng, trên hai nền tảng là thịnh vượng và an ninh, gắn bó chặt chẽ với nhau.Tính sòng phẳng "có qua, có lại" (reciprocity) này ít được đề ra một cách trang trọng trong các mối quan hệ đối tác khác giữa các nước bé với các nước lớn. Có những quan hệ đối tác không dựa trên tính qua lại, thậm chí có khi chủ trương thịnh vượng và an ninh của nước này là trên hết, bất chấp nước kia. Cách ấn định kiểu quan hệ làm lệch cán cân như thế thường là giữa các nước có những kích thước dân số, diện tích, kinh tế, quốc phòng hoàn toàn có thể "lấp miệng" các nước đối tác nhỏ hơn. Trong điều kiện chênh lệch éo le đó, làm sao có thể sòng phẳng "có qua, có lại", làm sao có thể có chung ngày mai? Có thể tin rằng nước Úc, qua thí dụ sứ mệnh tìm hiểu các đối tác ASEAN kỳ công của đặc phái viên Moore, có cách tiếp cận khác hơn, mà nền tảng chính là sự đồng cảm văn hóa, theo báo cáo đã dẫn: "Các quốc gia trong khu vực chúng ta vô cùng đa dạng, nhưng điều thống nhất giữa họ là ý thức sâu sắc về việc trở thành láng giềng, bao gồm cả tầm quan trọng của họ với cấu trúc khu vực mạnh mẽ tập trung vào ASEAN".Có thể thấy Úc ý thức rõ "hai mặt của đồng xu" nơi ASEAN. Từng thành viên ASEAN có nhiều khác biệt văn hóa độc đáo riêng của mỗi nước, hầu như không thể đụng chạm đến, song các láng giềng đó vẫn muốn tập hợp trong cấu trúc chung là ASEAN. Điều này, trong các văn bản của ASEAN gọi là "Thống nhất trong đa dạng" (Unity in diversity).Trên cơ sở ba nhận thức nền tảng này (thịnh vượng, an ninh, thống nhất trong đa dạng), hôm 6-3, Chính phủ Úc đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ Úc - ASEAN bằng việc thông qua Tuyên bố về tầm nhìn của các lãnh đạo chung ASEAN - Úc và Tuyên bố Melbourne, tái khẳng định cam kết chung đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng và một tương lai bền vững cho khu vực. Nhân dịp này, ông Albanese loan báo việc thành lập Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỉ USD để tăng cường đầu tư của Úc vào khu vực trong các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng sạch.Ảnh: TTXVNÚc châu và Việt NamTrong "Sách lược" nêu trên, có thể đếm được tới 198 lần Việt Nam được nêu tên. Có thể thử so sánh với vài nước ASEAN khác: Thái Lan, 123 lần; Malaysia, 163 lần; và Indonesia tới 239 lần. Cần biết, Sách lược kinh tế mới với Đông Nam Á này của Úc không chỉ vạch hướng thương mại và đầu tư, mà còn gồm những mô tả, nhận xét ưu khuyết của từng nước, đồng thời đề ra khuyến nghị cho các nước này trong từng lĩnh vực.Tạm lấy thí dụ một khuyến nghị trong phần "Việt Nam: Quan hệ thương mại và đầu tư với Úc - Nông nghiệp và thực phẩm": "Khi nền kinh tế phát triển mở rộng, nhu cầu về thực phẩm và đồ uống cao cấp sẽ tăng lên. Thương mại hai chiều trong nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp đã vượt 6 tỉ đô la Úc vào năm 2022. Úc và Việt Nam cam kết mở rộng tiếp cận thị trường, bao gồm cả trái cây tươi. Cơ hội cho các nhà đầu tư mở rộng sản xuất thực phẩm và gia tăng giá trị cho các ngành chế biến ở hạ nguồn".Chuyện Úc và Việt Nam đang mở rộng thị trường trái cây, cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính muốn thấy ở New Zealand khi ông đến thăm Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm (PFR) hôm 10-3. Nhân dịp này, một Dự án 5 năm do Chính phủ New Zealand tài trợ giúp Việt Nam xây dựng ngành xuất khẩu chanh dây sinh lợi hơn đã được thủ tướng hai nước chính thức khởi động tại Wellington.Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon còn công bố khoản đầu tư 6,24 triệu đô la New Zealand vào lĩnh vực trồng trọt của Việt Nam - "Dự án chuỗi giá trị trái cây thông minh với khí hậu của Việt Nam", hay VietFruit, theo PFR. PFR cũng cho biết VietFruit sẽ được triển khai dựa trên thành tích kéo dài hàng thập niên về giải quyết vấn đề và tạo ra ảnh hưởng nhờ áp dụng kiến thức khoa học cùng với các đối tác Việt Nam.Dự án này là một thành tố quan trọng trong khuôn khổ hợp tác phát triển quốc tế của New Zealand với Việt Nam, nhằm mục đích hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam, xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và thiên tai, đồng thời giúp phát triển lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao hơn. Sự hợp tác này còn cho thấy lợi ích của hiệp định thương mại tự do Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam lẫn Úc và New Zealand cùng là thành viên. Với CPTPP, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng với tư cách một đối tác thương mại của Úc và New Zealand, bằng cớ là trong năm kết thúc vào tháng 6-2023, Việt Nam là thị trường xuất khẩu táo New Zealand đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.■ Tags: Thị trường xuất khẩuXuất khẩu nông sảnĐô la ÚcĐông nam ÁThương mại hai chiều
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhận huân chương Cành cọ hàn lâm của Pháp NGUYÊN BẢO 15/10/2024 GS.TS Nguyễn Hữu Tú, hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, vừa được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Cành cọ hàn lâm vì những đóng góp trong sự phát triển hợp tác y khoa giữa hai nước.
Ông Kim Jong Un triệu tập họp an ninh quốc gia, chỉ đạo 'hành động quân sự ngay lập tức' THANH BÌNH 15/10/2024 Cuộc họp có sự tham dự của các quan chức an ninh cấp cao Triều Tiên, trong đó ông Kim Jong Un chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh.
Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi vinh danh người thợ trẻ KIM ANH 15/10/2024 Ngày 15-10, tròn 60 năm ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, Thành Đoàn TP.HCM vinh danh 45 thanh niên công nhân tiêu biểu với giải thưởng mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Trỗi.