Bên cạnh nhiều lợi ích được dự báo về dòng vốn đầu tư và thương mại, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa ký kết cũng đi kèm những hệ lụy mà Việt Nam cần chuẩn bị, bao gồm nguy cơ đối mặt các biện pháp chống bán phá giá và phòng vệ thương mại mới. Sau nhiều năm đàm phán, RCEP đã đi đến giai đoạn cuối cùng ký kết và phê chuẩn khi 15 thành viên (10 quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đã đi tới đồng thuận. RCEP trở thành khối mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với tổng quy mô 26,2 nghìn tỉ đôla, tương ứng 30% GDP toàn cầu.Cơ hội cải thiện chuỗi giá trịĐáng tiếc là Ấn Độ đã rút lui vào phút chót, bằng không quy mô của RCEP còn lớn hơn nhiều. Dù vậy, theo Ngân hàng HSBC, 15 thành viên còn lại của khối có thể vẫn vận hành hiệu quả và dự báo sẽ chiếm tới 50% GDP thế giới vào 2030. “RCEP cho thấy châu Á tiếp tục đi đầu trong tự do hóa thương mại thậm chí ngay cả khi các khu vực khác trở nên thận trọng hơn”, HSBC nhận định.Về cơ bản, hiệp định thực hiện một loạt các cam kết về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, thương mại điện tử, hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Nhiều cam kết được thiết lập để mang lại lợi ích kinh tế quan trọng cho các công ty trong khu vực. Ví dụ một tỉ lệ lớn thuế quan sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Cụ thể, thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực. Các loại thuế quan và hạn chế khác sẽ dần được tự do hóa trong vòng 20 năm tới, mặc dù hiệp định vẫn duy trì một số ngoại lệ với các sản phẩm nhạy cảm, như thịt bò và gạo nhập khẩu vào Nhật Bản.RCEP cũng sẽ áp dụng một quy tắc xuất xứ cho toàn châu Á. Nhờ đó, các mặt hàng sản xuất đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ RCEP giờ đây có thể được vận chuyển đến tất cả 15 thị trường mà không cần bất kỳ điều chỉnh nào về nhà cung cấp, nguyên liệu, phụ tùng hoặc linh kiện. “Tổng thể thì hiệp định RCEP thực sự mang lại những lợi ích mới đáng kể cho việc kích thích thương mại trong khu vực. Trong một nền kinh tế hậu đại dịch, việc tiếp tục hội nhập như vậy quan trọng hơn bao giờ hết”, tờ Nikkei Asia nhận định.Theo Simon Baptist - giám đốc kinh tế toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit (EIU), RCEP thiết lập nền tảng để các nước thành viên hợp tác sâu hơn trong tương lai, đặc biệt là giữa những bên chưa có thỏa thuận thương mại song phương. Các cặp tiềm năng bao gồm Trung Quốc - Nhật Bản, nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới, và Nhật Bản - Hàn Quốc, vốn đang vướng vào tranh chấp thương mại song phương.Lợi ích kinh tế lớn của RCEP còn đến từ sự thống nhất các thủ tục. Châu Á hiện đang có quá nhiều hiệp định thương mại, kết quả là tạo ra một “đĩa mì thập cẩm” gây khó hiểu với các quy tắc và thủ tục trong các thỏa thuận thường khác nhau. Cho tới giờ, các công ty muốn làm ăn bên ngoài biên giới đều phải vất vả so sánh lợi ích tiềm tàng ở hai thị trường bất kỳ trong khu vực.Hiệp định lần này có thể là động lực mới cho Việt Nam để nhanh chóng đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có trước đây. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với RCEP, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, thương mại, dịch vụ, và đầu tư nhưng không cam kết cao hơn những hiệp định thương mại với các đối tác mà Việt Nam đã ký kết (với thị trường Trung Quốc đã có FTA giữa ASEAN và Trung Quốc trước đó). “Cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ những nước trong RCEP cũng như các nước đối tác khác, qua đó nâng cao năng lực công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng lao động cũng như năng lực cạnh tranh chung của quốc gia và khu vực”, ông Trần Tuấn Anh nhận định.Bên cạnh các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như trái cây, lúa, gạo, thủy sản, cao su, cà phê, chè, đồ gỗ, mặt hàng may mặc, giày dép, sắt thép có cơ hội thuận lợi tiếp cận các thị trường hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, hiệp định lần này còn được dự báo giúp Việt Nam đón nhận thêm dòng vốn đầu tư thế giới nhờ chi phí nhân công đang hấp dẫn và chất lượng hạ tầng ngày càng cải thiện.Theo hãng tư vấn Savills Việt Nam, Việt Nam có vị thế tốt để phát triển mạnh sau COVID-19 vì các tập đoàn sản xuất đa quốc gia chịu áp lực cắt giảm chi phí, có xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. “Xu thế các công ty FDI thành lập nhà máy mới ở Việt Nam còn tạo động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng của Việt Nam”, Savills nhận định.Coi chừng những hệ lụyNhưng cùng với chiến lược tham gia sâu rộng hơn vào sân chơi thế giới, rủi ro mà Việt Nam đối mặt sẽ ngày càng lớn nếu không có các biện pháp phòng thủ chủ động. Theo Bộ Công thương, từ đầu năm đến tháng 10-2020, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra thương mại tất cả 32 vụ việc, gấp đôi cả năm 2019. Tính đến nay, Việt Nam đối mặt với 200 vụ kiện mang tính phòng vệ thương mại với lượng kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỉ đôla. Hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện nhiều ở Mỹ, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 62% tổng vụ điều tra ở tất cả quốc gia.Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và EU ngày càng để tâm hơn đến mức độ thâm hụt thương mại với Việt Nam và gia tăng các biện pháp trừng phạt như áp thuế chống bán phá giá, sử dụng hàng rào kỹ thuật hay gia tăng cáo buộc chính phủ thao túng tỉ giá, trợ cấp không đúng quy định cho các doanh nghiệp trong nước.Đáng ngại hơn là cùng làn sóng đầu tư FDI gia tăng, nguy cơ Việt Nam chỉ trở thành điểm trung gian xuất khẩu, gian lận thương mại hay làm nhái thương hiệu (rebranded) của các nhà sản xuất ngoại - nhất là Trung Quốc, ngày càng lớn dần. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế chống trợ cấp sơ bộ với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam với mức thuế suất 6,23-10,08%. Từ tháng 10, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu lốp xe sang Mỹ phải nộp một khoản tiền tương ứng với mức thuế được công bố. Đến tháng 3 năm sau, nếu quyết định chính thức áp dụng, Mỹ sẽ thu giữ khoản tiền đó, còn không sẽ trả lại cho doanh nghiệp. Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 469,6 triệu đôla lốp xe từ Việt Nam.Điều đáng nói là phần lớn chiếc bánh xuất khẩu này rơi vào tay khối ngoại, trong khi các thương hiệu trong nước như Casumina hay Cao su Đà Nẵng không xuất sang Mỹ được bao nhiêu. Hệ quả là các doanh nghiệp này cũng chịu “vạ lây” khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp thuế toàn bộ các lô hàng có xuất xứ Việt Nam.Các doanh nghiệp thủy sản là một mục tiêu nữa, mà trường hợp của Tập đoàn Minh Phú (MPC) là một ví dụ. Hôm 13-10, hải quan Mỹ thông báo có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (công ty con của MPC) vi phạm Luật thương mại nước này khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế bán phá giá của Mỹ. Do đó, tôm đông lạnh do Minh Phú xuất khẩu sang Mỹ là đối tượng chịu thuế theo lệnh chống bán phá giá với tôm Ấn Độ, vốn được Mỹ áp dụng từ 2005.Thống kê cho thấy trong số các mặt hàng bị cáo buộc vi phạm quy định thương mại thì thép và thủy sản đối diện với các vụ phòng vệ thương mại nhiều nhất. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ năm 2004 đến tháng 8-2020, ngành thép đối diện 62 vụ kiện phòng vệ thương mại. Còn với ngành thủy sản, hai mặt hàng lợi thế của Việt Nam là tôm và cá cũng đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại suốt nhiều năm nay.Nguy cơ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam cũng là rất thật. Trong 10 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 65,78 tỉ đôla, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp kinh tế khó khăn do dịch COVID-19. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với bạn hàng này như vậy đã lên tới hơn 28 tỉ đôla. RCEP nhiều khả năng sẽ chỉ khiến con số đó tăng thêm. ■Trước đó, lý do chính khiến Ấn Độ rút lui khỏi bàn đàm phán là lo ngại hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ gây tổn hại thêm cho các ngành công nghiệp nội địa. Năm 2019, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc lên tới khoảng 50 tỉ USD. Tags: Châu ÁHiệp định tự do thương mạiRCEP và TppFDIQuy tắc xuất xứ
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Chậm hoàn thuế VAT vẫn 'nóng' tại phiên đối thoại thuế ở TP.HCM ÁNH HỒNG 13/12/2024 Câu chuyện chậm hoàn thuế VAT tiếp tục là tâm điểm tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 13-12.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, khiển trách bà Trương Thị Mai THÀNH CHUNG 13/12/2024 Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và kỷ luật khiển trách bà Trương Thị Mai.
Giá vàng lại rơi tự do ÁNH HỒNG 13/12/2024 Giá vàng thế giới lúc 21h30 hôm nay, 13-12, bốc hơi thêm 23 USD/ounce, về mức 2.657 USD/ounce.
Hàn Quốc bắt 3 chỉ huy quân đội và cảnh sát liên quan thiết quân luật DUY LINH 13/12/2024 Bị bắt cùng ngày với Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Ji Ho còn có Giám đốc Cảnh sát Seoul Kim Bong Sik và Tư lệnh Bộ phòng thủ thủ đô Lee Jin Woo.