TTCT - Tìm tới niết bàn, chốn hạnh phúc, là khát vọng vô cùng của con người, dù có thể hiện lộ dưới nhiều quan niệm khác nhau: niết bàn, thiên đàng, cõi cực lạc... Trong tập sách nhỏ Rong chơi trời phương ngoại (*), thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trình bày rất giản dị, nguyên nhiên và kiên nhẫn những nhận thức của mình về bản chất niết bàn... Phóng to 1. Khái niệm niết bàn (Nivarna) vốn được sử dụng phổ biến trong tư tưởng Phật giáo, nơi người ta hướng đến như một cảnh giới của tự do, bình an và hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng hiểu hay chứng nghiệm được nó thật sự. Rong chơi trời phương ngoại tập hợp 36 bài kệ của phẩm Nê Hoàn, thuộc kinh Pháp Cú tạng chữ Hán (khác với kinh Pháp Cú tạng Pali) do ông Duy Kỳ Nan dịch tại kinh đô nước Ngô vào thế kỷ thứ 3, ở ngôi chùa được một vị thiền sư người Việt tạo dựng - thiền sư Tăng Hội. Ngoài ra, tập sách còn bao gồm các bài pháp thoại (bình giảng) do Thích Nhất Hạnh thực hiện, vốn đã được trình bày trong hai khóa tu Mùa Xuân và Mùa Đông năm 2010, tại Làng Mai. 2. Từ những bài kệ đầu tiên, kinh đã chỉ ra rằng niết bàn là cái tối thượng (cao đẹp nhất), tối khoái (hạnh phúc lớn nhất), tối lạc (lạc thú lớn nhất), tối an (an toàn nhất). Đó là mơ ước của con người nhưng không phải là thứ chỉ đạt được sau khi đã chết đi, lìa bỏ sự sống. Niết bàn đích thực không phải là một miền đất, mà là một cảnh giới, một trạng thái. Chứng nghiệm niết bàn là đạt đến tâm thế ấy ngay trong cuộc đời, là một tâm lý trải nghiệm thế giới, trải nghiệm bản thân và nhận thức tương sinh về cả ta lẫn vũ trụ. Tu tập chính là con đường chuyển hóa phiền não, nghiệp chướng thành cảm thức niết bàn. Như vậy, không chỉ có một niết bàn nguyên vẹn, hoàn chỉnh, mà còn có một niết bàn đang - tựu - thành. “Chuyển hóa được 10% phiền não và sở tri thì đã có 10% niết bàn rồi. Chuyển hóa được 90% thì có 90% niết bàn”. Phương ngoại là thứ không gian nằm ngoài không gian, nơi không có sự chi phối của những ý niệm về phân sai, ranh giới, tách biệt, tham vọng. Phương ngoại là cách gọi khác của niết bàn, do thế niết bàn, không gì hơn, chính là sự buông xả mê lầm và chứng nghiệm chân lý tự nhiên. Thấy được trời phương ngoại là đã chuyển hóa mình vào cảnh giới niết bàn. Tại đó, hạnh phúc nằm ở sự tri túc (biết đủ), hiểu mình, hiểu sự sống, và rộng lớn hơn là hiểu về lẽ vô thường của vũ trụ: vô sinh diệt, vô định kiến, vô hạn định, vô đắc, vô tri, vô ngôn... Cốt lõi của nhận thức vô thường chính là sự phi nhận thức, phi cố gắng, một trạng thái vô niệm hoàn toàn và để mọi chân diện huyền nhiệm của niết bàn vây kín quanh mình một cách tự nhiên như nước chảy, hoa trôi, mây bay, gió thổi... 3. Thiền sư Nhất Hạnh có một ví dụ thú vị về sự chuyển hóa nguyên nhiên này. Con sóng luôn vận động từng đợt lên xuống, luôn bất trắc và thiếu ổn định, luôn có đó mà mất đó, sinh diệt không nguôi, cũng như niềm vui nỗi khổ trong đời sống. Tuy vậy, bản thân con sóng có thể tự mình bình lặng lại, không cần phải đi hay về, tới hay lui gì hết, khi nhớ ra mình thật sự là nước, cùng chất thể với nước, một thứ uyển chuyển, vô hạn và hoàn toàn tự do. “Một khi đợt sóng biết mình là nước và biết sống đời sống của nước thì đợt sóng không còn sợ hãi nữa. Lên nó cũng vui, xuống nó cũng vui, cao nó cũng vui, thấp nó cũng vui, có cũng vui, không cũng vui, tại vì nó đã vượt được cái có - không, cao - thấp”. Hạnh phúc biết đâu chính là cái an tĩnh lặng lẽ, cái bình yên tròn đầy, cái vô ngôn của ngôn từ, nơi bài kệ dạy người ta bằng thơ ca nhưng cũng căn dặn người ta đừng câu chấp vào ngữ nghĩa, đừng câu chấp vào điều gì. Khi câu chấp tức là đã buộc mình vào định kiến, đã tự đặt ra các giới hạn trì kéo sự sống chân thật. Khi đó, sống không còn là chơi, và không gian cũng chỉ là một thứ phương nội đầy phân ranh, tranh đoạt, đầy chộn rộn, dục vọng. Muốn nhận chân phương ngoại, hãy cho mình tâm thế rong chơi, buông xả, bao dung, hãy là một người nhẹ nhõm tiêu dao nơi niết bàn - hiện thực, như trong bài kệ mà thiền sư Thích Nhất Hạnh cho là “đẹp nhất trong kinh Nê Hoàn” (tr. 149). Hươu nai nương đồng quêChim chóc nương trời mâySự vật nương phân biệt mà biểu hiệnCác bậc chân nhân nương vào niết bàn để sống thảnh thơi. (*): Rong chơi trời phương ngoại, Thích Nhất Hạnh, NXB Hồng Đức và Phương Nam Book ấn hành, quý 2-2013. Trong các bài kệ, những ý niệm căn bản, chân nguyên của con đường thức tỉnh được trình bày một cách uyên áo, hàm súc thông qua hình thức thơ chữ Hán. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bằng các bài bình giảng, đã giản dị hóa, khai mở các thông điệp ấy thành chuỗi ngôn từ đơn sơ, mộc mạc - những lời tâm tình. Tags: Khánh LinhRong chơi như sóngRong chơi trời phương ngoạiThích Nhất Hạnh
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Tổng Bí thư: Sửa đổi, bổ sung quy định chế độ tiền lương, phụ cấp với cán bộ, công chức THÀNH CHUNG 04/07/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp với cán bộ, công chức, viên chức.
Bà Paetongtarn bắt đầu làm bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan TÂM DƯƠNG 04/07/2025 Ngày 4-7, bà Paetongtarn Shinawatra đảm nhận cương vị bộ trưởng Văn hóa Thái Lan, trong bối cảnh đang tạm thời bị đình chỉ chức vụ thủ tướng.
Người lái drone cứu 2 em nhỏ giữa sông nói vừa cứu vừa... run TẤN LỰC 04/07/2025 Chính quyền xã Ia Tul (Gia Lai) đang lập hồ sơ đề xuất khen thưởng anh Trần Văn Nghĩa, người điều khiển máy bay phun thuốc sâu cứu hai em nhỏ.
Vắc xin thế hệ mới phòng bệnh não mô cầu nguy hiểm đã có tại Việt Nam P.N 04/07/2025 Ngày 4-7, Hệ thống Tiêm chủng VNVC chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin não mô cầu thế hệ mới MenACYW. Vắc xin do Hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) sản xuất từ nhà máy tại Mỹ.